Quyển gần đây đọc nhất chung chủ đề nuôi dạy trẻ, là của chị Thu Hà "Con nghĩ đi mẹ không biết" cũng thú vị, và đọc cũng thấy nhẹ nhàng vì chị không ép con mình thành thiên tài, người mẹ đơn thân này không có "chống lưng" nên cách chị dàn xếp việc nuôi 2 bé với công việc chung được xem là sự phù hợp và đáng học hỏi.

Trước có đọc Trẻ Thơ Trong Gia Đình (Montessori), cũng thấy rất hay, người viết tôn trọng trẻ em, xem trẻ em như những nguồn để họ học hỏi, và tự điều chỉnh bản thân mình trước, họ chân thành và cởi mở, rộng lượng, quyển này mỏng khá dễ đọc và nhiều nền tảng tâm lý rất hay so với các quyển "chiêu thức" và mang tính "Con ai người nấy nuôi mỗi nhà mỗi cảnh" (vậy hóa ra viết sách chỉ để khoe khoang).
Đọc quyển "Cha Mẹ là giáo viên âm nhạc tốt nhất của con" - một người Mỹ gốc Đài cũng thấy rất thú vị, xem trẻ em như thiên thần và tôn trọng chúng hết mực, cho chúng tự do (chứ không phải điều khiển chúng vì mục đích thành tựu của mình), dù chỉ đề cập đến những kỹ năng trong âm nhạc, nhưng cũng dựa trên những nền tảng hết sức đúng đắn và dễ ứng dụng, giúp cho cha mẹ hiểu được một hướng đi đúng không chỉ trong việc dạy nhạc mà còn với nhiều môn nghệ thuật khác.
Xin tiếp tục "khen" quyển dưới đây của Thomas Gordon. Trong mấy năm gần đây có một thủ thuật rẻ tiền trong việc nhận xét góp ý người khác gọi là "Kẹp Săn quít (Sandwich)". Đó là khi muốn nhận xét về thói xấu của một người thì phải khen trước (1), sau rồi chê (2), rồi lại khen (3).
Nghe đến lần thứ 2 thì người nghe sẽ nhận ra là, "Bọn này lại khen mình và sắp nói "nhưng"". Thật buồn cười đây là một cách nói dối và không thật lòng, một thủ thuật tâm lý sai quấy vì dựa trên sự không chân thành, muốn điều khiển người khác theo ý mình, lại được phổ biến và sử dụng khá rộng rãi đến phản cảm.
Trong quyển sách này, tuy lấy sự dạy dỗ trẻ làm trung tâm, nhưng lại có thể điểm qua hết những sai quấy của người lớn trong cuộc sống, với chính người lớn với nhau, và với chính trẻ con, và thật đáng tiếc là người lớn quá tự cao đến nỗi không tự nhận ra được những sai lầm của mình và làm ảnh hưởng đến trẻ thơ, đặc biệt là con cái của họ.
Thật ngạc nhiên là các bậc phụ huynh người Mỹ cũng nhiều người mắc những sai lầm giống như phụ huynh người Việt bây giờ, chứng tỏ là phụ huynh Đông Tây cũng có những điểm rất chung, như muốn điều khiển trẻ, ích kỷ, muốn chứng tỏ quyền lực với trẻ, muốn điều khiển trẻ theo ý mình (lợi ích của mình chứ không phải lợi ích của trẻ)... Yên tâm là sẽ được "vạch mặt" rõ ràng trong các trang sách, đặc biệt là những bậc phụ huynh có mong muốn gửi con vào "học kỳ quân đội" sẽ thấy được mình cần phải thay đổi những suy nghĩ ấu trĩ ấy nếu không muốn có một trận chiến với con cái trong suốt cuộc đời này.
Sở dĩ phải dẫn ra ví dụ nhiều đến như vậy để giới thiệu quyển này, là vì các bậc phụ huynh dường như đang quá "thừa mứa" trong những đầu sách nuôi dạy con, chủ yếu là thừa mứa về các thủ thuật (chiêu thức) mà lại thiếu những nghiên cứu bài bản, đầy đủ, dựa trên tâm lý học chuẩn mực, và nền tảng để hiểu rõ cái gốc gác của vấn đề, cho nên mới có những trường hợp ban đầu đọc thì thích lắm, sau ứng dụng không được thì thất vọng não nề, và đổ lỗi cho bản thân (thực ra phần lớn là do sách kiểu này không phải là vì con mà vì tác giả nên đương nhiên mục đích không trong lành thì sẽ cho ra kết quả không chân thực).