Giáng sinh phải mua váy mũ
Duy và Trúc nhà gần nhau, chênh nhau một tuổi. Hai đứa học chung trường, đi chung đường, cùng nhau, nhiều năm, nhưng không phải vì...
Duy và Trúc nhà gần nhau, chênh nhau một tuổi. Hai đứa học chung trường, đi chung đường, cùng nhau, nhiều năm, nhưng không phải vì sinh ra đã vậy. Vì mẹ Trúc có ý nhờ Duy. Hãy để ý cái Trúc dùm cô, đường dài, mẹ Trúc một lần nói Duy vậy.
Duy còn nhỏ nhưng đã hiểu ý người.
Cái làng của hai đứa nằm sâu nằm xa trong một góc nghèo không tên, nơi mà những năm 2000 cả xã mới có một nhà có tivi, và người ta thường tắt đèn đi ngủ lúc 8h tối. Việc cắt điện diễn ra thường xuyên. Những đêm sáng trời, Trúc thường sang nhà Duy học nhờ. Nhà Duy có cái đèn sạc điện mà bố Duy được tặng dịp ra Hà Nội công tác. Có lẽ nhờ ánh đèn đó mà hai đứa học vượt lên đám trẻ làng. Rồi những giấc mộng, theo đó mà thắp lên.
Mẹ Trúc hay nói với mẹ Duy, giá mà chồng em được như chồng chị. Lời nhẹ như gió nhưng nghe nao lòng. Mẹ Duy là người cả nghĩ, hay thở dài và thường bảo Duy, rằng con hãy để tâm đến Trúc. Duy, đã quá ngột ngạt với vai trẻ ngoan, muốn nổi loạn, liền lờ Trúc đi. Tuy nhiên Duy vẫn nghĩ về Trúc. Nghĩ về cái lần Trúc bị cha đánh bay vào góc, liền sang nhà Duy đứng ngoài cửa mà khóc. Khóc xong rồi đi về, Duy đứng nhìn bóng Trúc lê thê.
Duy học đặc biệt giỏi. Học giỏi nhất trường cấp 2 xã, trường cấp 3 huyện, rồi được giải tỉnh. Nhanh chóng Duy xác định được trường đại học cho mình, và hình ảnh Hà Nội, với những mờ ảo dễ chịu mang tính biểu tượng, nhanh chóng lấp đầy trí tưởng tượng của Duy. Tuy nhiên có một trở ngại, là hình ảnh của Trúc vẫn lửng lơ đâu đó trong đầu. Thời gian trôi, Trúc lớn lên, đẹp dần và bắt đầu biết ngượng, không còn sang nhà Duy học. Trúc đẹp, thường là đề tài bàn tán của đám trẻ, nhưng trong con mắt của Duy thì không có ý nghĩa gì. Điều Duy cảm nhận rõ nhất là uy quyền đặc biệt của Duy đối với Trúc. Cái cách Trúc lặng lẽ làm theo. Cái cách Trúc im lặng. Cái cách Duy nói: này, và Trúc nhìn lên. Một sự tuyệt đối ngấm ngầm tàn nhẫn.
Lên Hà Nội, Duy tham gia vào nhiều hội nhóm. Một thời điểm bùng nổ, đầy năng lượng mới mẻ, với những lý tưởng và những con người. Duy nhanh chóng lao vào, và trôi đi, với lòng nhiệt tình không thể lay chuyển. Và như mọi chuyển động rồi sẽ dẫn đến va đập, Duy sớm đâm vào rắc rối, vì sự cứng đầu của mình. Ở nơi đất lạ Duy đã xắn tay áo lên để chửi nhau, và nếu không có người can thì Duy đã bị đập ra bã ở một bãi gửi xe trên Cầu Giấy.
Duy đi về, chảy máu và bắt đầu hoang mang. Duy bắt đầu nhận ra những bờ tường, những hố sâu, những giới hạn và sự yếu đuối của bản thân. Trong mơ Duy nghĩ rằng mình có thể thay đổi, đấu tranh cho những điều mới mẻ và trở thành sự kính trọng. Nhưng khi tỉnh giấc và hiểu ra, đặc biệt lúc hiểu ra, Duy nhận ra đó là một trò đùa. Một cảm giác nứt vỡ, không rõ bắt nguồn từ đâu, dần loang ra.
Rồi Duy chăm học trở lại. Duy đến lớp đều đặn, và cảm thấy biết ơn khi tìm lại sự thân thuộc nơi giảng đường. Một nơi mà Duy ít nhất, có thể tự tin và cảm nhận được vị trí của mình. Tuy nhiên cám dỗ thì ở đâu cũng có. Ở đây có cô bạn đầu bàn. Cô có ánh nhìn sâu, và Duy hay chìm vào trong và lạc lối cuối chiều. Cô có một vẻ khó gần đặc biệt quyến rũ, mà một đứa chân quê như Duy không thể hiểu hoặc chưa được hiểu. Một lần, lấy hết vốn tiểu thuyết đã đọc, Duy viết cho cô một lá thư. Nội dung là Duy đang sống như chìm tàu, như Robinson trên hoang đảo bỏ hoang 6 tỉ người, cứ mê man lạc lối cho đến khi thấy dấu chân người trên cát...
Cô viết thư trả lời, thật tử tế. Trong thư là lời cảm ơn, lịch sự nhưng không hứa hẹn. Vốn tính bướng bỉnh, Duy đơm một bó hoa hướng dương khổng lồ, mang đến cửa hàng cô làm thêm, đề tặng người đẹp nhất. Cô phát hoảng, liền hẹn gặp Duy, và bảo rằng đừng làm thế. Cô không hiểu được những việc đó. Duy hỏi việc gì. Cô đáp rằng, việc những người, như Duy, hay làm. Nhưng việc gì cơ, Duy hỏi, rồi khi nhìn cô, nhìn vào trong ánh mắt, Duy tự trả lời. Có những thứ ẩn sau những lời nhẹ nhàng. Điều buồn là không thể hiểu. Và sự sợ hãi của cô, xuyên không gian, vọng thời gian và ám vào chiều đông năm đó.
Bầu trời Hà Nội không còn như trước. Khi Duy nhìn lên, Duy không thấy những mây bạc và nắng vàng, Duy chỉ thấy những thứ sẽ bay lên, bay lên mãi. Và dù cố gắng, Duy cũng không thể nào phủ đi cái cảm giác: rằng Duy đang mất và đã mất. Trúc đã có người yêu, một người tốt, mà trong những năm tháng nhiệt thành cách mạng cho rằng đó là tầm phào và vô thường. Nhưng cách mạng đã qua rồi. Hóa ra có những thứ cách mạng không giải quyết được, và có những thứ chỉ khi cách mạng qua rồi mới bắt đầu đau.
Duy cố đọc sách, như việc xưa đã từng. Duy nghĩ rằng: mọi thứ xảy ra để hiểu, nên nó phải xảy ra. Nhưng mọi sự hiểu, dù có thể trả lời chín vạn ba nghìn câu hỏi, vẫn không thể trả lời tối thượng: Hãy nghĩ xem bạn đã mất gì.
Duy cố gắng không nghĩ đến câu trả lời. Rồi cố gắng không nghĩ đến Trúc, và tự kinh tởm mình vì những ý nghĩ bùng phát trong đầu. Ngay cả việc gặp Trúc bây giờ, đã là một việc không bình thường. Tự trói mình trong quy tắc, rồi tự nguyền rủa quy tắc, rồi phá tan quy tắc và làm những chuyện ngu xuẩn, một vòng tròn không lối thoát cứ quẩn quanh. Trong ảnh Trúc tươi cười, và dù đã thay đổi nhiều nhưng Duy vẫn nhận ra ánh mắt mở to đầy tin cậy, dịu dàng và tràn đầy sự tôn thờ thơ ngây. Hoặc Duy chỉ cố tưởng tượng ra mà thôi.
Sự tưởng tượng dẫn đến hi vọng hay tuyệt vọng? Duy không biết. Duy có gặp Trúc một lần, ở đám tang một người hàng xóm cũ. Hai đứa ngồi ở hai bàn cách xa nhau, và dù giữa ban ngày mùa hạ, Duy vẫn thấy như có bão trên đầu và sóng dưới chân. Mọi cử chỉ đều có thể dẫn đến ngày tận thế. Cả hai không nhìn vào nhau, như một giao hẹn từ một thế giới song song. Trong một thế giới mà Trúc đã đến cuộc đời Duy, trong một bóng tối xa xăm, nở hoa và thành mặt trời mặt trăng, ở yên và trong dịu dàng tĩnh lặng.
Một ngày, Trúc rạng ngời trong bộ váy mà người yêu mua cho. Trong bức ảnh cô tự nhận là người may mắn, và tỏ vẻ hãnh diện pha lẫn xấu hổ khi khoe bạn bè. Một bộ váy đẹp, và đắt tiền, và thật hợp. Duy xem bức ảnh trên đường đi làm về. Duy khóc, khóc rứt ra, và về nhà ngủ một giấc đến sáng hôm sau. Duy nhớ lại lần gần nhất vừa khóc vừa ngủ như thế, tính ra đã 20 năm. Hóa ra có vài thứ không mất đi. Vài thứ có thể lặp lại. Như việc khóc đã đời chẳng hạn. Khóc xong và ngủ dậy, mọi thứ sẽ khá hơn.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất