Từ chuyện Giang ơi bị bắt nạt, người lớn ở đâu trong những câu chuyện bạo lực học đường?
Một buổi sáng thức dậy, mình lười biếng chẳng muốn ra khỏi giường, cứ nằm dài ra đó cầm điện thoại lướt lướt, khắp các chốn MXH đồng...
Một buổi sáng thức dậy, mình lười biếng chẳng muốn ra khỏi giường, cứ nằm dài ra đó cầm điện thoại lướt lướt, khắp các chốn MXH đồng loại phủ đầy tin Giang ơi bị bắt nạt từ hồi cấp 2. Mình ngay lập tức bị thu hút bởi tít báo cô giáo chủ nhiệm của chị Giang lên tiếng phản bác. Mình tò mò bấm vào đọc, để rồi cả ngày hôm đó tâm tư mình bị khuấy tung lên bởi một chuỗi kí ức đã trôi xa rất xa. Đến tận vài ngày sau mình vẫn cứ nghĩ mãi nghĩ mãi về những người lớn trong các câu chuyện bạo lực học đường. Một quá khứ u ám cứ thế kéo về và nhấn chìm mình…
Phải! Mình từng là nạn nhân của bạo lực học đường!
Chuyện xảy ra vào những năm cấp 2, chính xác là ở năm lớp 8. Trường mình hồi đấy cứ vài năm lại trộn toàn bộ học sinh, chia lại lớp một lần. Hết năm lớp 7, trường xáo lớp, để rồi mình bước vào một năm học như địa ngục :)
Kí ức của mình thú thật cũng đã mờ bớt, chẳng còn nhớ được bao nhiêu nữa. Mình chẳng nhớ được là chuyện bắt đầu từ khi nào, với lí do là gì, chỉ nhớ là hồi đấy mình suốt ngày bị đánh, bị lôi ra đùa cợt trước lớp. Bọn con trai cầm cây thước bảng bằng gỗ dài sọc đánh mình mỗi giờ ra chơi. Bọn con gái rì rầm cợt nhả mỗi khi mình đi qua. Cặp sách của mình bị lục tung mỗi lần mình ra khỏi lớp, thỉnh thoảng còn bị ném thẳng xuống sân từ lầu 2. Áo sơmi trắng mình mặc sau mỗi buổi học đều bị dây đầy vết mực. Và rồi có một lần tấm ảnh mình chụp cùng cả lớp tiểu học để ngay ngắn trong cặp, ra chơi quay lại thấy nó đã bị rạch nát, ở đúng một vị trí mặt mình.
Mình cứ thế im lặng chịu đựng chuyện đó suốt cả năm học, thầy cô không biết, bố mẹ không hay. Đến tận bây giờ câu chuyện này cũng chẳng ai biết. Mình chợt tự hỏi là làm sao mà cô bé 13 tuổi ấy có thể một mình vượt qua những ngày tháng đó, vượt qua bao lần đứng trên dãy phòng thí nghiệm tầng 4 nhìn xuống chỉ muốn lao thẳng xuống đất, để mà giờ đây, 10 năm sau, quẹt nước mắt ngồi gõ lại mấy dòng này?
Nếu bạn đang tự hỏi là ơ thế sao không nói với người lớn để họ giải quyết, bạn chưa từng bị bắt nạt đúng không?
Bạn mình ơi, mọi thứ không hề đơn giản vậy đâu. Ít nhất trong suy nghĩ non nớt của mình khi ấy thì là như thế. Mình không quá gần gũi với bố mẹ để tâm sự hay lôi vào chuyện cá nhân của mình, và mình hiểu họ cũng không phải tuýp sẽ ra mặt bảo vệ mình vô điều kiện. Bố mẹ sẽ luôn cân đo đong đếm thiệt hơn rằng chuyện này nếu làm lớn thì người khác sẽ nghĩ gì, làm sao để giữ được tình làng nghĩa xóm các kiểu. Còn nói với giáo viên thì để làm gì cơ chứ? Bọn bắt nạt sẽ bị cô giáo kiểm điểm trong giờ sinh hoạt lớp? Hay mời phụ huynh? Ừ cứ cho là vậy nhưng rồi sao nữa? Mọi thứ vẫn sẽ cứ thế tiếp tục vào ngày hôm sau. Bạn hiểu bọn trẻ đó ương bướng, càng cấm càng làm thế nào mà đúng không? Độc ác hơn nữa là cái suy nghĩ rất hay có trong đầu người lớn:
"Xời, bạn bè đùa giỡn nhau tí ấy mà. Bọn trẻ con có biết gì đâu!"
Chung quy là, mình chẳng có chút niềm tin nào vào người lớn cả! Thậm chí đến bây giờ khi đã chạm ngón chân đôi chút vào thế giới người lớn, niềm tin ấy vẫn chẳng nhiều lên chút nào với mình. Trái lại, nó càng khô cạn hơn. Thử hỏi với một vòng xoay cơm áo gạo tiền khắc nghiệt, sau một ngày dạy 5 tiết đằng đẵng, cộng thêm vài tiết ngoài giờ, về nhà lại còn phải chấm bài kiểm tra, vào điểm các thứ, thì được bao nhiêu giáo viên còn đủ năng lượng, tâm sức để quan tâm đến chuyện bọn học sinh đang làm gì ngoài tiết học của mình? Vì quá nhiều chuyện phải lo lắng, nhiều nghĩa vụ phải hoàn thành mà mọi người vô tình mặc định rằng thế giới trẻ thơ chỉ một màu trong vắt, thật đẹp với các "thiên thần bé con" bay lượn. Nhưng mà các bạn ơi, các "thiên thần" ấy có thế vô tình hoặc cố ý làm đau nhau đấy...
Chính bởi vì đã từng trải qua cảnh bị tẩy chay, bắt nạt mà khi đọc các tin bài mình lại nghiêng về chị Giang hơn, dù chẳng phải là fan của chị. Vì người cô giáo ấy đến giờ trong mắt cũng chỉ có "100% hạnh kiểm tốt", "các thành viên trong lớp luôn vui vẻ với nhau" hay "tôi không mắng Giang nhiều". Nhưng cô ơi, cô có theo sát bọn trẻ trong từng giờ ra chơi hay cả đoạn đường về nhà không? Thậm chí ngay trong lớp học, cô có đọc được những mẩu giấy có thể xé nát một tâm hồn mỏng manh mà chúng chuyền qua lại không? Nếu không thì cô đừng nên tự huyễn hoặc rằng lớp mình là một tập thể hoàn hảo đầm ấm như một gia đình như vậy chứ! Sẽ luôn có một con cừu đen tồn tại ở bất cứ tập thể nào, dù lớn hay bé, và thật chẳng dễ dàng để một con cừu trắng, hay người ngoài hiểu được cảm giác bị loại ra khỏi đám đông của nó.
Mình nghĩ, làm một người lớn thật khó, và sẽ khó hơn nữa nếu bạn phải đồng hành với một đứa trẻ trong quá trình trở thành người lớn của nó. Bạn vừa phải bảo vệ chúng, vừa phải dạy chúng cách tự bảo vệ bản thân, và tuyệt hơn nữa là dạy chúng tư chất dũng cảm, dám bảo vệ kẻ yếu hơn mình.
Mình nghĩ, nghề giáo là một nghề khó nhằn với các nhà-giáo-có-tâm. Là một giáo viên có tâm, bạn không chỉ phải truyền tải tri thức mà còn cả đạo đức, lễ nghĩa,...đến trẻ em. Chúng quan sát và bắt chước bạn mỗi ngày. Bạn phải cư xử thật khéo léo vì luôn phải đứng giữa giảng hòa các em học sinh, chỉ một chút sơ sảy bọn trẻ đều có thể tiêu cực nghĩ rằng mình bị trù dập, cô thầy thiên vị bạn kia hơn,... Rồi các bậc phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường, thanh tra đoàn thể, tất cả đều có thể nhảy vào đánh giá thi đua bạn bất cứ lúc nào. Nhưng mà phải khó khăn như vậy mới xứng đáng là "nghề cao quý nhất dưới ánh mặt trời",nhỉ?!
Chuyện trẻ con đặt dưới lăng kính người lớn tất nhiên chỉ bé tẹo như chiếc lá, nhưng người có biết đâu với tâm hồn trẻ thơ ấy chiếc lá có thể hóa ra cả rừng cây. Vậy nên mình mong là sau này, nếu có một đứa trẻ nào đó mạnh mẽ hơn cô bé 13 tuổi năm xưa, chìa tay nhờ bạn kéo ra khỏi đám đông độc ác quanh mình, bạn hãy nắm lấy bàn tay bé nhỏ ấy nhé. Hoặc ít nhất, hãy ngồi lại lắng nghe những tâm sự đó, tôn trọng nó như 1 câu chuyện giữa 2 người bạn lớn với nhau, để đứa trẻ ấy biết rằng sẽ luôn có một ai đó bên cạnh mà an tâm bước tiếp trên chặng đường trở thành người lớn...
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất