Tớ lại từ Hà Nội về nhà. 
Sau 5 tiếng say xe mềm lả người, tớ ngồi lặng yên sau xe một bác xe ôm, một chập choạng tối mùa hè gió lộng mát. Giống như chiều mùa hè chục năm trước tớ ngồi sau xe máy bố đón từ trạm bus để về với bà nội. Chỉ là lần này tớ hoàn toàn lặng im. Những lúc này tớ thấy cảm ơn Hà Nội nhiều hơn. Ở Hà Nội tớ có thể nói tối nay con về, khi buổi trưa đang ngồi cafe quen gần nhà. Nhiều lúc chỉ vì thèm cảm giác ngồi phía sau nói chuyện với mẹ lúc mẹ làm cơm, rồi cảm giác ăn một bữa cơm nhà, rồi cảm giác thả lưng trên chiếc giường của mình. Cả cảm giác quen thuộc với những đường chổi buổi sáng quét nhà.
Về đến sân nhà bà, tớ nhìn qua cánh cửa sổ và thấy ông trong đó. Phía sau cánh cửa sổ đó là một chiếc giường. Nơi ông ngồi cạnh bà. Bà không biết là bà đang nằm cạnh ông. Bộ xương gầy nằm một nhúm đó, ngoảnh mặt vô tường. Bà nằm thiếp. Ông cứ ngồi im cạnh. Có một sự khác biệt. Tớ ghét cảm nhận sự khác biệt này. Đó là tiếng TV không mở. Tiếng đài cũng không. Ông luôn ngồi xem TV tầm giờ này. Nay ông ngồi lặng thinh bên đó. Không bật đài. Không chạy ra đon đả hỏi thăm khi nghe tiếng ai đến. Tớ nằm giường bên cạnh. Đó là chiếc giường còn lại của căn nhà trên. Ở quê thường như thế. 2 chiếc giường nằm 2 góc của gian nhà. Một giường của bà. Giường còn lại là của ông. Tớ rất thích hình ảnh đó. Hình ảnh gian nhà quê có cặp giường đôi. 
Tớ nằm, yên lặng, nhìn ra phía trước khoảng sân và vườn, theo chiều ngang. Thi thoảng ngước sang phía giường bên kia nhìn tấm lưng buồn lặng của ông. Rồi lại nhìn ra ngoài nơi có những chiếc cây đang lặng gió. Tớ thích nhìn nghiêng 45 độ mọi thứ. Hồi trước, đi công viên một mình, ngồi lên mấy con gà con vịt của đám con nít tớ thường ngả đầu vào đó, nhìn mọi thứ xung quanh. Cả cây. Cả gió. Cả tiếng bước chân. Những lúc đó thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn. Hoặc là khác đi cách cảm nhận vốn dĩ nên tự thấy lòng bình yên hơn. Thì ra cuối cùng cảm giác bình yên cũng chỉ là thoát ra khỏi cuộc sống bình thường, ngắn ngủi thì mấy chục giây mà nhiều thì được mấy phút. Không đúng. Có gì đó không phải. Thoát đi cách cảm nhận bình thường về cuộc sống thì đúng hơn. Vậy chứng tỏ là mình đang cảm nhận cuộc sống sai sai. Vì sai nên mới hỗn độn như vậy. Đâu phải cứ vốn dĩ thì luôn đúng. Chữ vốn dĩ đó là do ngay từ đầu mình chấp nhận mà thuận theo nó mà thôi.
Nghe tiếng bà chuyển người tớ liền chạy sang. Bà vẫn nhắm mắt. Ông gọi nhỏ: Bà ơi Hạnh về này. Bà mở chậm đôi mắt đục, gật gật đầu ý Hạnh về đó hả. Mấy giây sau giọng bà thều thào phát ra mấy từ đó mà không rõ tiếng. Đến lúc này thì nước mắt tớ đã chảy ào. Mới cách đây mấy phút tớ còn thấy bình yên và thấy tâm mình bình thản. Bây giờ tớ lại tiếp tục chứng minh mình từng là cây khóc có tiếng nay vẫn còn chút năng lực. Ông đi ra để tớ ngồi chỗ đó. Tớ chỉ biết nhìn rồi vuốt vuốt chân cho bà để tránh không cho bà thấy mình khóc. Nhìn sang phía ông đang ngồi ở trước cái TV, tớ thấy được an ủi vì đó là một hình ảnh quen thuộc. Khi bắt gặp những thứ quen thuộc lòng ta sẽ cảm thấy được một phần an ủi. Nhưng đc chừng 30s ông lại tắt TV mà đi sang giường phía tớ. Nước mắt tớ lại chảy thêm. Tớ đi ra. Nằm lại chỗ giường cũ. Thi thoảng lại ngoái sang tấm lưng buồn lặng của ông. 
Chắc điều đẹp đẽ duy nhất mà lớn lao ở những đoạn phim buồn này, đó là tớ biết chắc rằng người ta đã gần đi đến cuối con đường chung của cả 2. Thật sự nể phục. Điều thiêng liêng to lớn của thế hệ ông bà, với tớ chính là họ cùng nhau đi được đến cuối con đường ấy. Tớ không chắc rằng hành trình đấy luôn vui. Nhưng hình ảnh cuối cùng làm cho hành trình đó thật đẹp. Vui thì chưa chắc đã đẹp. Nhưng những thứ đẹp đẽ có thể khiến người ta vui.
Tấm lưng buồn lặng cũng là một phần của hành trình đẹp đó.
Vậy đáng ra nó phải là một niềm vui chứ.
Sao tớ lại vô tâm gọi tên là buồn lặng?