Giãn cách 4 tháng, và sự “trầm cảm” của người Sài Gòn…
4 tháng giãn cách cho tôi rất nhiều thời gian để kết nối với bạn bè, người quen lâu năm… để được tận tai nghe họ chia sẻ những câu chuyện của riêng mình.
Hà Nội và rất nhiều tỉnh thành đã được nới lỏng giãn cách, trong khi đó nơi tôi sống - thành phố của hoa lệ - Sài Gòn - vẫn lê từng bước nặng nề đến ngày được mở cửa… Thú thật, tôi rất ghen tị với tất cả các bạn, những ai đã và đang may mắn không ở giữa tâm dịch như chúng tôi.
Sẽ có nhiều người chọn những chủ đề tích cực trong thời điểm này, để lan tỏa năng lượng, để động viên nhau bước qua thời điểm gian khó chưa từng có này. Nhưng tôi, một người (tự nhận) là không có quá nhiều mơ mộng, và luôn có cái nhìn khắt khe với thực tế, muốn chia sẻ nhiều hơn về những góc khuất của Sài Gòn, về những khó khăn mà người Sài Gòn phải gánh chịu suốt nhiều tháng giãn cách. Không phải để than thở, mà là sự trân trọng mà tôi dành cho thành phố đã cưu mang mình suốt 10 năm trời - nơi mà tôi xem như quê hương thứ hai của mình.
4 tháng giãn cách cho tôi rất nhiều thời gian để kết nối với bạn bè, người quen lâu năm… để được tận tai nghe họ chia sẻ những câu chuyện của riêng mình. Có lẽ ngay lúc này, đối với những ai đang bám trụ tại mảnh đất mang tên Bác, không có gì đáng quý hơn một cuộc sống “bình thường”. Có lẽ ko ai trong số chúng tôi có thể tưởng tượng đến một ngày mà việc ngồi trước mặt nhau, thưởng thức ly cà phê nóng hổi, cùng nhau tán dóc chuyện trên trời dưới bể… lại có thể trở nên xa xỉ như vậy. Mỗi khi nhấc điện thoại lên, nghe được tiếng ai đó bên kia đầu dây, cả tôi và những người bạn ấy, đều phấn khích một cách lạ thường. Chúng tôi vui kinh khủng vì được “kết nối” thêm với 1 ai đó khác ngoài gia đình, giữa thời điểm cách ly siết chặt như thế này. Hơn hết, chúng tôi vui mừng vì biết ai đó mà mình yêu quý, vẫn mạnh khoẻ…
Tất cả mọi người đều rất khó khăn, bất kể giàu nghèo
Tôi khá khó chịu khi bất kỳ một bài báo nào nhắc đến việc chỉ “những người thật sự khó khăn” mới được nhận trợ cấp từ chính quyền. Thật buồn cười, vì tôi nhớ là không hề có một quy chuẩn nào về “sự khó khăn” được công bố rộng rãi trên các kênh truyền thông đại chúng. Hay nếu họ chỉ định nghĩa những ai vẫn có tiền để mua thức ăn, vẫn cầm cự được hết ngày này qua ngày khác giữa đại dịch chính là người không khó khăn, thì tôi lại càng thấy nực cười, bởi thì ra sự khó khăn trong cuộc sống của một người chỉ đo đếm bằng số dư trong tài khoản ngân hàng.
Tôi thương tất cả những người đang phải bám trụ từng ngày ở Sài Gòn, bất kể giàu nghèo, bất kể gia cảnh, bởi vì dù có tiền hay không có tiền, chúng tôi đều đang phải trải qua những khó khăn chung: nguy cơ dịch bệnh rình rập 24/7, thiếu vacxin để tiêm, bị giảm thu nhập hoặc mất thu nhập hoàn toàn, không được tiếp xúc với ai khác ngoài gia đình (hoặc ở 1 mình), không được tự do đi lại, không thể mua những món đồ để nâng cao sức khỏe tinh thần, không thể ăn những món ăn yêu thích… Đó là chưa kể những gia đình đang chịu cảnh ly tán vì người thân phải đi cách ly, thậm chí là qua đời vì dịch bệnh.
Nếu bạn nghĩ chỉ có người nghèo mới khổ sở trong mùa dịch này, thì để tôi kể cho các bạn nghe những câu chuyện rất thực tế mà tôi nghe được trong suốt 4 tháng Sài Gòn giãn cách.
Một đồng nghiệp nữ làm chung công ty với bạn tôi (chị đang làm quản lý mảng kế toán - tài chính) vừa sinh con xong thì dương tính với Covid. May mắn thì chị khỏi bệnh, nhưng không lâu sau lại đến chồng chị mắc bệnh và hiện nay vẫn chưa khỏi, sau đó thì lại đến sếp của chị mắc Covid. Sếp sống một mình, công ty thì nhỏ, chị là người thu xếp tất cả quá trình chữa trị của sếp bao gồm: tìm bệnh viện, tìm bác sĩ, đặt đồ ăn mỗi ngày ship đến bệnh viện… nhưng vẫn bị sếp chửi bới vì đồ ăn chị mua không thể đun nóng. Bạn liệu có thể tưởng tượng nổi sức chịu đựng kinh khủng của một người phụ nữ lúc này chứ? Một người vừa sinh con xong và phải chống chọi với Covid, nhưng vừa phải chăm chồng mắc bệnh, vừa phải chiều lòng một ông sếp hạch sách và khó chịu. Nghe đến đây, tôi vừa thương vừa quá nể phục chị! Chị không mất việc, cũng không mất thu nhập, nhưng ai cũng có thể cảm nhận được nỗi vất vả không nói thành lời của chị.
Một người chị, một người mẹ khác mà tôi rất yêu quý cũng không hề sung sướng hơn. Chị vừa tìm được công việc mới sau gần 2 năm ở nhà sinh nở và nuôi con, thu nhập tốt đúng như chị mong muốn dù công việc đi sớm về muộn khá vất vả. Làm chưa đầy 3 tháng, Sài Gòn “nổ” dịch, tất cả công việc phải đem về nhà. Sếp dí deadline, con nhỏ quấy khóc, đòi ăn, cơm ngày ba bữa… tất cả đổ lên đầu chị. Có hôm chị nhắn tôi: Chị stress quá, sắp xin sếp nghỉ việc rồi. Nhưng chỉ 5 ngày sau đó, chị gọi lại nói, chị sợ hết tiền hơn là hết dịch, nên thôi, chị ráng tiếp đây….tất cả vì con. Người phụ nữ ấy có lẽ chỉ ngủ được khoảng 4-5 tiếng một ngày. Quả là không có gì mạnh mẽ hơn tinh thần của một người mẹ.
Một người bạn tôi quen biết từ thời Đại học, phải cách đây vài hôm tôi mới được biết câu chuyện của gia đình bạn, điều mà tôi nghĩ rằng không nhiều người biết. Gia đình bạn tôi có 3 người phụ nữ, gồm hai mẹ con và bà ngoại đã cao tuổi. Bà ngoại vừa đi tiêm vacxin về vài ngày thì dương tính với Covid, tìm bệnh viện mãi mới có giường để đưa bà đi, nhưng không may sau đó vì sức khỏe yếu, bà không qua khỏi chỉ sau 3 ngày nằm viện. Mẹ nó sau đó cũng xét nghiệm dương tính, nó là người duy nhất trong nhà còn khoẻ mạnh. Nó bảo với tôi, không hiểu lý do gì, vì cả nhà 3 người đều ở trong nhà suốt, không tiếp xúc với ai. Sự ra đi của bà khiến nó rất sốc, phải mất một thời gian dài để gia đình nó vượt qua và hôm nay ngồi kể cho tôi nghe. Nó kể luôn, cả xóm nó có tận 8 người mất vì Covid. Nghe đến đây, tôi không thể không chạnh lòng. Sao giữa thời bình, mà đau thương tang tóc như thời chiến?
Một người em khác làm cùng team marketing trong công ty cũ, cũng thuộc nhóm đột ngột mất việc thời đại dịch giống tôi, tháng 10 này em có kế hoạch làm đám cưới, nhà hàng đã đặt, hình đã chụp, toàn bộ kế hoạch đám cưới được em chia sẻ với tôi suốt thời gian qua coi như đổ sông đổ bể bởi hàng loạt chỉ thị giãn cách kéo dài hết tháng này qua tháng nọ. Em kể rằng, hai bên gia đình thậm chí còn chưa gặp nhau trực tiếp lần nào, vì hết dịch này đến dịch khác đến.
Rất nhiều bạn bè vừa sinh con hoặc nuôi con nhỏ giữa mùa Covid, ngày ngày phải lùng sục khắp các nhóm mua hàng, các cộng đồng mạng để tìm mua bằng được sản phẩm sữa cùng các nhu yếu phẩm cần thiết khác dành riêng cho em bé. Có bài báo nào đó nói rằng, bỉm và sữa không nằm trong danh sách “nhu yếu phẩm cần thiết”. Chắc họ đều nghĩ rằng “không ai húp cháo qua ngày mà chết đói”.
Tôi và nhiều bạn bè khác, kể cả đứa bạn Thạc sĩ Luật vừa đi học ở Anh về, đang rất đau đầu vì tình hình việc làm loạn xạ trong những ngày này ở Sài Gòn. Các công ty loạn vì nhân sự mới, nhân sự nhảy việc, lương giảm, không trợ cấp, sếp hạch sách, khách không thông cảm với sự khó khăn của người lao động làm việc tại nhà thiếu thốn vật chất. Ai đời Thạc sĩ vừa đi du học về nhưng trong 3 tháng nhảy đến 3 công ty, nói chung là thất nghiệp.
Một bạn phóng viên đã tìm gặp tôi để phỏng vấn về tình trạng lao động mất thu nhập hoặc gặp khó khăn mùa dịch. Câu cuối cùng mà bạn nói với tôi rằng: Hãy chụp lại những gì thực tế nhất, vì người lao động trong mùa dịch này quá khổ rồi.
Đó là tôi chưa nhắc đến sự khó khăn của đội ngũ shipper tại Sài Gòn trong những ngày tháng qua. công bằng mà nói, tính chất công việc của họ nguy hiểm không kém gì tuyến đầu. Nhưng tuyến đầu và lực lượng quân đội được tôn vinh, còn đội ngũ shipper 5 lần 7 lượt bị trói chân, thậm chí bị phân biệt đối xử, siết chặt hoạt động bằng n+1 những quy định oái oăm. Tôi rất thương và đồng cảm với sự vất vả của họ. Xin dành những lời trân trọng nhất gửi đến những người đang làm công việc giao hàng nguy hiểm. Không có họ, chắc chắn người Sài Gòn khó lòng trải qua thời điểm khó khăn này.
Bạn có thấy những trường hợp mà tôi kể ở trên có “ổn” không? Dù đa phần họ đều vẫn đang có thể tồn tại qua ngày hoặc không hề khó khăn về mặt tài chính, nhưng mỗi người đều đang phải chịu đựng những khó khăn của riêng mình. Họ không dám kêu than lấy 1 câu, vì cũng giống như nhiều người khác, họ tự cho rằng vẫn còn “cơm ăn, áo mặc” qua ngày đã là hạnh phúc. So với tuyến đầu ngày ngày đối mặt với ranh giới sinh tử, niềm đau riêng của họ chưa là gì để thở than.
Vì vậy, tôi cảm thấy tức giận khi lúc này đây vẫn có cơ số người vẫn bình thản ngồi gõ phím để phát ra những câu nhận xét vô hồn kiểu: “Có tiền là tốt rồi”, “Tôi chỉ thấy mọi người than vì chết dịch, chưa ai than là chết đói”, “Có ăn giờ này là tốt rồi, kêu ca gì nữa”, “Chen chúc thế nên Sài Gòn mới dịch”... Có lẽ dân Sài Gòn nên than thở nhiều hơn để họ thấy chúng tôi đang không hề ổn?
Dĩ nhiên, tôi cũng vẫn dành thời gian để lắng nghe rất nhiều câu chuyện bên lề khác, ngoài những góc khuất như trên. Đâu đó, giữa tâm dịch đầy tang tóc, giữa các cuộc chiến showbiz đầy drama sôi sục trên mạng về vấn đề thiện nguyện hay sao kê, vẫn có những tấm lòng như sao khuê giữa đêm đen đặc.
Tôi đặc biệt ấn tượng với anh Lâm Ống Húc, người nổi tiếng trên mạng xã hội vì đi “buôn lậu tình người”, vì “con nhiều tiền lắm, nhà con bán vàng mà, chú lấy bớt cho con vui”. Sự kiên định của anh trong việc của nhất định không lấy 1 đồng tiền nào từ các nhà hảo tâm khiến tôi nể phục. Thì ra trên đời này vẫn có những người bên ngoài tánh kỳ, bên trong tốt bụng như vậy.
Hay như đội ngũ tình nguyện viên chấp nhận xa nhà, xa gia đình, ngày ngày cống hiến sức trẻ cho hành trình chống dịch. Chị tôi nói, hết dịch thì cũng phải 3 tháng sau chị mới gặp em được. Lúc chị đi, chị đã chuẩn bị tinh thần hết rồi. Ok chị, em biết rồi. Chị giữ gìn sức khoẻ.
Cách đây vài ngày, có một thống kê được công bố trên báo chí rằng có khoảng 1500 em nhỏ mồ côi cha mẹ vì đại dịch Covid. Dù giàu hay nghèo, chúng đều chịu chung nỗi đau mất đi người thân. Giống như hàng triệu người Sài Gòn khác đang phải đương đầu với hàng vạn nỗi lo riêng không dám chia sẻ với ai. Tôi nghĩ họ xứng đáng được kêu than, được đấu tranh để có lại cuộc sống “bình thường mới”, cho dù phải đứng xếp hàng chen chúc ở siêu thị để có đủ thức ăn cho con họ suốt 4 tháng trời!
Tôi thương tất cả mọi người, thông cảm với những khó khăn mà mỗi người phải gánh chịu, không chỉ vì bạn vẫn còn tiền trong túi, còn cơm ăn qua ngày. Tôi vẫn hay nói vui với bạn bè mình rằng: Yên tâm, không chỉ có anh/chị/mày đang trầm cảm đâu. Cả Sài Gòn đều đang “trầm cảm” đây nè! Ráng lên nghen.
Mong cho tất cả những người Sài Gòn đều mạnh khoẻ, tiếp tục vững tin trong hành trình chống dịch này.
Tragtrag from Saigon with <3
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất