Tất cả chúng ta khi lớn lên đều đối mặt với những vấn đề cá nhân không muốn chia sẻ với người khác. Có những vấn đề nhỏ nhặt, trôi qua nhanh chóng mà không gây hậu quả nặng nề, nhưng cũng có những vấn đề khiến chúng ta vắt óc, gặp khó khăn; những khoảng thời gian gây tác động tiêu cực đến cảm xúc và tâm lý của chúng ta.
Mỗi người có những cách giải quyết khác nhau. Một số người cảm thấy hoang mang, không biết làm gì với cảm xúc tiêu cực của mình, và không tìm được người để chia sẻ hay đưa ra giải pháp. Đôi khi, ngay cả khi nói ra, vấn đề vẫn không được giải quyết.
Vậy làm thế nào để tự đối diện và giải quyết các vấn đề như thế? Đối với mình, viết là lựa chọn hàng đầu.

Tại sao viết? Nó ảnh hưởng như thế nào đến việc giải quyết vấn đề và cảm xúc của mình?

Mình là một đứa khá nhạy cảm với mọi thứ xung quanh, với thái độ, lời nói và hành động của mọi người. Vì vậy, trong 20 năm cuộc đời này, mình đã có nhiều lần có những cảm xúc tiêu cực hướng tới một sự vật, sự việc hay bản thân mình.
Khi mới lớn, mình không nói và chia sẻ nhiều. Dù có bạn thân nhưng mình không muốn chia sẻ những cảm xúc tiêu cực ấy, thay vào đó, mình chỉ ôm lấy chúng và tự tìm hướng đi. Với một đứa bé trầm tính, ít nói như mình hồi ấy thì việc duy nhất mình có thể làm là suy nghĩ "Sao lại thế nhỉ? Mình ghét điều này. " Tuy nhiên, mình nhận ra khi càng suy nghĩ như vậy thì mình càng tiêu cực hơn, vấn đề càng không được giải quyết. Nếu mình vứt lại những suy nghĩ ấy, vấn đề vẫn còn đó, một thời gian sau đó khi có 1 yếu tố nào đấy làm gợi lại câu chuyện ấy, mình sẽ lại khó chịu, lại buồn.
Mình nhận ra rằng khi có 1 điều gì xấu xảy đến hoặc khi mình có cảm xúc tiêu cực, mình phải ngồi lại để phân tách vấn đề, để hiểu tại sao mình lại cảm thấy như vậy và làm sao để giải quyết nó. Tức là mình phải bình tĩnh giữa những lúc tưởng chừng như khó bình tĩnh nhất. Cũng thời điểm ấy, mình bắt đầu đọc sách và đâu đó trong những cuốn sách mình đọc, một tác giả đã gợi ý rằng "Khi bạn viết ra được vấn đề lên giấy, bản thân vấn đề ấy đã được giải quyết 50% rồi." Mình đã thử. Thay vì hàng ngàn suy nghĩ tuôn ra trong đầu làm mình choáng váng, mình bắt đầu viết lại những suy nghĩ ấy lên giấy. Ban đầu, việc này khá khó khăn và mình cảm thấy suy nghĩ bên trong loạn lên, khó để ghi lại. Sau vài lần như thế, mình đã viết được ra những suy nghĩ ấy, mình cảm thấy dòng suy nghĩ trong mình cũng phần nào ổn định hơn, dễ dàng nắm bắt hơn và mình thoải mái hơn chút xíu. Việc viết đã giúp mình giảm tốc dòng suy nghĩ của mình để mình có thời gian nghĩ kĩ hơn thay vì nghĩ nhiều hơn. Mình bình tĩnh hơn và thay vì để dòng suy nghĩ kiểm soát cảm xúc của mình thì mình kiểm soát dòng suy nghĩ ấy. Mình cảm thấy việc viết ra suy nghĩ của mình như việc mình gửi thêm vào não mình những chú công an giao thông có nhiệm vụ phạt những đối tượng phạm lỗi, điều phối giao thông. Họ góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn xảy ra. Trong trường hợp này, việc viết cũng giúp mình xem xét xem ý nghĩ nào là "đúng" với mình, giúp mình giải quyết vấn đề và suy nghĩ nào được mình tạo ra để làm mọi thứ tệ hơn. Qua đó, phần nào đó giúp mình nắm bắt được sự việc và giải quyết vấn đề cảm xúc trong mình. Dù việc viết không luôn đưa ra phương hướng giải quyết hoàn hảo, nhưng nó giúp mình giải tỏa tâm trạng và chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với vấn đề. Người ta thường nói một cái đầu lạnh sẽ tốt hơn một cái đầu nóng khi giải quyết vấn đề. Mình không phải 1 người bẩm sinh đã có 1 cái đầu lạnh nên mình phải tìm cách hạ nhiệt cho nó- bằng cách viết!

Làm thế nào khi viết quá khó khăn?

Nếu khó quá, bạn có thể tưởng tượng rằng bạn đang chia sẻ với 1 người bạn về vấn đề, về cảm xúc của mình. Tuy nhiên, ở đây, chữ viết sẽ thay thế cho lời nói và độ tin cậy của người bạn ấy là 100%. Bạn không cần lo người ấy sẽ đánh giá bạn hay câu chuyện của bạn ra sao, người ấy chỉ âm thầm lặng lẽ lắng nghe bạn và tuyệt đối không nói với ai khác.
Với mình, việc chia sẻ luôn giúp ích khi cần giải tỏa cảm xúc. Tuy nhiên, trong những trường hợp như thế này, mình nghĩ làm bạn với chính mình là lựa chọn tuyệt vời nhất!

Mình có cần đọc lại những gì mình viết ra không?

Mình vẫn còn lưu một số bản ghi những năm trước nhưng mình không đọc lại. Tại sao? Vì sau mỗi lần viết như thế, mình đã cảm thấy khá hơn và mình không cần thiết phải đọc lại những suy nghĩ ấy. Đôi khi, những thứ mình viết ra khá tiêu cực nên mình không nghĩ việc đọc lại là tốt. Bằng chứng là để viết bài này, mình đã mở 1 bản note mà mình đã viết trong 1 đêm "đẫm nước mắt" và mình thấy khá tệ. Đương nhiên, mình đã giải quyết được cảm xúc của mình vào thời điểm ấy nhưng đọc lại 1 thứ mình viết ra trong lúc tâm trạng tệ như thế không phải là một trải nghiệm tốt với mình.
Dù vậy, mình vẫn giữ những bản note ấy vì mình thấy tiếc khi bỏ chúng đi. Danh sách những bản note bị khóa trên điện thoại chính là những minh chứng về những điều mình đã trải qua. Mình yêu quý tất cả những gì đã và đang làm nên con người mình và mình giữ những bản note như một kỷ vật.
Cuối cùng, cuộc sống không bao giờ chỉ có màu hồng, và việc đối diện với những cảm xúc tiêu cực là điều tất yếu. Bằng việc chọn cách viết, mình đã khám phá ra một phương thức an toàn để giải tỏa, tự thấu và tìm hiểu bản thân hơn. Đó là một cuộc hành trình đáng giá và luôn cần sự kiên nhẫn và tình yêu thương đối với bản thân. Dù chúng ta có chọn viết hay không, quan trọng nhất là tìm được cách để chăm sóc tâm hồn và sức khỏe tinh thần của mình. Hãy mở lòng và sẵn lòng khám phá những phương pháp khác nhau, tìm ra điều phù hợp nhất với bản thân và tiến về phía trước với niềm tin vào khả năng vượt qua mọi khó khăn.
P/s: Dạo gần đây mình có nghe được một chiếc podcast khá hay có liên quan đến vấn đề này. Mình nghĩ podcast này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình phát triển và thấu hiểu bản thân.