Đậu nành là một trong những loại thực phẩm gây tranh cãi nhiều nhất trong những năm gần đây. Nhất là khi người ta cho rằng ăn đậu nành quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú. Mình từng được bác sĩ khuyên nên hạn chế ăn đậu nành khi chuẩn đoán có u nang vú trong đợt khám sức khỏe định kỳ.
Đậu nành là nguồn cung cấp protein thực vật, chất xơ và một số chất dinh dưỡng dưỡng quan trọng khác cho cơ thể. Những tin đồn về estrogen trong đậu nành mặc dù đã có nhiều nghiên cứu và bằng chứng cho thấy rằng đậu nành thực tế là an toàn cho mọi người nhưng vẫn chưa khiến mọi người bớt lo lắng.
Do đó, mình viết bài này nhằm mục đích “giải oan” cho đậu nành, xóa bỏ nỗi lo lắng, cung cấp đến cho bạn đọc thêm thông tin và sự tự tin khi bổ sung thêm đậu nành vào thực đơn hằng ngày.

Isoflavone thực chất là gì?

Isoflavone chủ yếu hoạt động như phytoestrogen (estrogen thực vật) và có trong tự nhiên. Cơ thể người cũng có thể sản xuất ra các dạng hormone estrogen của riêng mình. Estrogen đóng nhiều vai trò khác nhau trong cơ thể . Chủ yếu estrogen được biết đến với vai trò quan trọng đối với sự phát triển và sức khỏe sinh sản, tình dục. Phytoestrogen có một số chức năng quan trọng đối với thực vật và là một phần trong cơ chế bảo vệ của chúng, đặc biệt là chống lại một số loại nấm. Estrogen (ở người) và phytoestrogen (ở thực vật) có cấu trúc hóa học rất giống nhau, nhưng chúng hoạt động rất khác nhau.
Đậu nành có nồng độ phytoestrogen cao nhất (dưới dạng isoflavone), và cũng được tìm thấy trong các loại đậu khác, một số loại ngũ cốc nguyên hạt (như lúa mì và yến mạch) và một số loại hạt (như hạt lanh và hạt vừng). Trong quả nho, một số phytoestrogen ở dạng resveratrol. Thậm chí, bạn có thể tìm thấy hàm lượng phytoestrogen thấp hơn trong các loại thực phẩm quen thuộc như gạo, và cà phê.
Trong cơ thể con người, isoflavone có thể liên kết với các thụ thể estrogen trong tế bào giống như các dạng estrogen mà cơ thể chúng ta tự tạo ra. Điều đó góp phần gây ra những trang cãi về việc liệu ăn đậu nành có thực sự an toàn hay không. Điều khiến người ta trở nên lo lắng là việc tiêu thụ isoflavone trong chế độ ăn uống có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư vú. Một lo ngại khác là việc ăn nhiều đậu nành có thể dẫn đến tình trạng tồi tệ hơn đối với những phụ nữ đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú hoặc đang thuyên giảm bệnh ung thư vú.
Tuy nhiên, trong khi estrogen liên kết với các thụ thể ERɑ và ERβ, thì isoflavone chỉ liên kết và kích hoạt ERβ. Điều này rất quan trọng và cần lưu ý vì hai thụ thể estrogen có sự phân bố mô khác nhau và khi được kích hoạt, chúng có tác dụng sinh lý khác nhau và đôi khi trái ngược nhau. Bởi vì isoflavone thích ERβ hơn nên chúng có tác dụng đặc hiệu với mô và là chất điều biến thụ thể estrogen chọn lọc (SERM)

Tin đồn về đậu nành bắt nguồn từ khi nào?

Để có thể xóa bỏ được lời đồn không tốt về đậu nành, mình sẽ cùng nhau quay trở về quá khứ vào những năm 1990, khi đậu nành bắt đầu gây được tiếng vang lớn. Vào thời điểm đó, các chuyên gia tin rằng đậu nành có khả năng chống lại các vấn đề như béo phì, bệnh tim và ung thư. Nơi tiêu thụ đậu nành nhiều nhất là khu vực châu Á, và nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy những người ở khu vực này có tỷ lệ béo phì, bệnh tim và ung thư vú thấp hơn đáng kể so với người dân ở Mĩ. Vậy, điều này có thể thấy đậu nành mang lại nhiều tác động tích cực đối với sức khỏe con người, đúng không?
Nhưng những nghiên cứu đó chỉ chỉ ra được mối liên hệ, chứ không phải là nguyên nhân và kết quả. Khi các nhà nghiên cứu xem xét kỹ hơn để tìm ra điều gì đã làm cho đậu nành tốt cho sức khỏe và họ đã gặp một số kết quả khá bất ngờ. Trong khoảng thời gian đó, một loạt nghiên cứu trên động vật cho thấy isoflavones có thể kích thích sự phát triển của ung thư vú ở chuột. Hóa ra, đậu nành có chứa ba loại isoflavone (genistein, daidzein, và glycitein) và họ cho rằng genistein thúc đẩy sự phát triển tế bào ung thư. Và một số phát hiện cho thấy rằng các hợp chất này có thể thúc đẩy sự phát triển của một số tế bào ung thư, làm giảm khả năng sinh sản của phụ nữ và gây rối loạn chức năng tuyến giáp. Một số chuyên gia cũng cho rằng đậu nành có thể gây rối loạn nội tiết, vì nó có thể bắt chước estrogen trong cơ thể, dẫn đến tình trạng quá tải hormone.
Và những nghiên cứu này đã gây ra rất nhiều nỗi sợ hãi và mất lòng tin của mọi người đối với đậu nành. Nhìn bề ngoài, những nghiên cứu này có cơ sở để đứng vững nhưng chúng ta cần nhìn sâu hơn vào vấn đề, khi những tuyên bố này chưa được chứng minh hoặc lặp lại trên các nghiên cứu liên quan đến phụ nữ khỏe mạnh và phụ nữ bị ung thư vú. Chưa kể, chuột nhắt và chuột cống có quá trình chuyển hóa isoflavones khác so với người. Thêm vào đó, những con chuột sử dụng trong nghiên cứu, đã được cắt bỏ buồn trứng và được sử dụng để nghiên cứu về estrogen, vì nếu chúng giữ buồng trứng, các nhà nghiên cứu sẽ phải đối mặt với việc sản xuất hormone của chính chuột cái. Trên thực tế, khi các nghiên cứu được lặp lại trên các mô hình động vật khác giống với con người hơn (nghĩa là buồng trứng và tuyến ức còn nguyên vẹn), tác dụng kích thích khối u của genistein đã mất hoàn toàn.
Mãi đến năm 2009, các nghiên cứu trên động vật trước đó mới được chứng minh là sai. Dữ liệu lâm sàng hiện nay cho thấy isoflavone liều cao không có tác dụng đối với sự phát triển của ung thư vú.
Nói tóm lại, đậu nành không phải là nguyên nhân gây ung thư và đậu nành hoàn toàn an toàn cho con người.

Mối tương quan giữa đậu nành và ung thư vú

Trước đây, người ta đồn rằng đậu nành là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nhưng thực tế lại ngược lại, đậu nành có tác dụng ngăn cản ung thư vú.
Ung thư vú là một trong nhữung dạng ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Trong vài thập kỷ qua, có một niềm tin nổi lên rằng chế độ ăn uống có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư vú và tỷ lệ tử vong của căn bệnh này. Một trong những thực vật có khả năng làm giảm ung thư vú phải kể đến đậu nành. Nhiều nghiên cứu đã xem xét mối quan hệ giữa tiêu thụ đậu nành, isoflavone và ung thư vú.
Đậu nành chứa genistein và daidzein isoflavone. Isoflavone là phytoestrogen, có cấu trúc tương tự như 17-β estradiol, một loại hormone ở nữ giới. Isoflavone bắt chước hoạt động của estrogen trên các cơ quan bằng cách liên kết và kích hoạt thụ thể estrogen, giảm việc sản xuất estrogen. Điều này dẫn đến lý do vì sao các nhà khoa học tìm hiểu mối tương quan giữa tác dụng của đậu nành và sự xuất hiện của bệnh ung thư vú. Hơn thế nữa, isoflavone trong đậu nành đã được chứng minh làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư vú thông qua sự ức chế độc lập với thụ thể estrogen đối với topoisomerase DNA và tyrosine kinase. Trong nghiên cứu này, họ đã kết luận rằng tiêu thụ đậu nành làm giảm sự biểu hiện của ung thư vú. Phụ nữ tiêu thụ nhiều đậu nành và isoflavone có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú thấp hơn so với phụ nữ không ăn đậu nành.
Năm 2012, Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ và Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ủng hộ rằng bệnh nhân ung thư vú có thể tiêu thụ thực phẩm đậu nành.
Hy vọng qua bài viết này, bạn cảm thấy yên tâm hơn trong việc sử dụng đậu nành trong bữa ăn hàng ngày. Từ giờ trở đi, nếu người thân hoặc bạn bè của bạn cảm thấy lo lắng về việc tiêu thụ đậu nành và ung thư vú, bạn có thể đưa họ bài viết này để họ có thể hiểu hơn tác dụng của đậu nành.