Giải mã sức hút của “Dấu Ấn Rồng Thiêng: Cuộc Phiêu Lưu Của Dai”
Qua lần xuất bản đầu tiên vào năm 1996, cái tên Dấu ấn rồng thiêng đã in đậm trong tâm trí của thế hệ 8x, 9x Việt Nam cho đến tận ngày nay – thời điểm cách tuổi thơ của họ gần 30 năm sau đó.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, các bộ truyện tranh nổi tiếng thế giới, trong đó phần lớn là manga của Nhật Bản, đã du nhập vào nước ta và nhanh chóng tạo ra cơn sốt trong cộng đồng thanh thiếu niên. Ký ức “đẹp đẽ” về tuổi thơ nhịn-ăn-sáng-để-mua/thuê-truyện-tranh là những kỷ niệm không thể nào quên trong lòng thế hệ 8x, 9x tại Việt Nam.
Trong số những bộ truyện tranh làm mê mẩn giới học sinh Việt Nam thời đó, các bộ manga thuộc thể loại shounen (truyện tranh Nhật Bản dành cho đối tượng thanh thiếu niên nam giới) chiếm số lượng khá lớn. Đây là các bộ truyện tranh có nội dung chiến đấu, với motif các nhân vật thiếu niên dũng cảm, có sức mạnh phi thường, cùng với bạn bè và đồng đội chiến đấu để chống lại các thế lực gian ác.
Cú nổ lớn nhất vào thời kỳ đó mang tên 7 viên ngọc rồng – tên gọi cũ tại Việt Nam của Dragon Ball – bộ manga biểu tượng của đế chế shounen Nhật Bản. Sau bước đi thành công của 7 viên ngọc rồng, nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc một tựa manga mới với cái tên rất liên quan – Dấu ấn rồng thiêng.
Được phát hành liền kề sau thành công lớn của 7 viên ngọc rồng, nhưng Dấu ấn rồng thiêng vẫn chinh phục được đông đảo bạn đọc trẻ tuổi tại Việt Nam nhờ vào nội lực của chính bộ truyện. Qua lần xuất bản đầu tiên vào năm 1996, cái tên Dấu ấn rồng thiêng đã in đậm trong tâm trí của thế hệ 8x, 9x Việt Nam cho đến tận ngày nay – thời điểm cách tuổi thơ của họ gần 30 năm sau đó.
Dragon Quest là tên một tựa game nhập vai đình đám được phát hành bởi hãng Enix của Nhật Bản. Các bộ manga cùng tên được xây dựng với mục đích marketing cho sản phẩm game, đồng thời phát triển hệ sinh thái của thương hiệu Dragon Quest. Tuy ra đời với mục đích ban đầu hướng đến ý nghĩa thương mại, nhưng các bộ manga Dragon Quest đã chinh phục được lượng lớn độc giả bởi sự chỉn chu trong cách triển khai cốt truyện và cách xây dựng hệ thống nhân vật.
Tại Việt Nam, vào những năm 90 của thế kỷ 20, có 2 bộ truyện tranh Dragon Quest đã được NXB Kim Đồng chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam. Đó là bộ Dấu ấn rồng thiêng có nhân vật chính là Dai, với tên tiếng Anh là Dragon Quest: The Adventure of Dai. Và sau đó là bộ Dấu ấn rồng thiêng tiếp theo có nhân vật chính là Arus (tên gọi cũ*: Ansu), với tên tiếng Anh là Dragon Quest: Emblem of Roto.
Trong tâm trí của bạn đọc tại Việt Nam thời kỳ đó, cả 2 bộ manga kể trên đều là những “ký ức tuổi thơ”. Riêng Dấu ấn rồng thiêng: Cuộc phiêu lưu của Dai được coi là bộ truyện tranh kế thừa xuất sắc hiệu ứng của 7 viên ngọc rồng. Khi cơn sốt này chưa đi qua, thì cơn sốt khác đã lại tới. Sự tán dương dành cho bộ truyện về cậu bé Dai dũng sĩ là mạnh mẽ không kém sự hâm mộ dành cho bộ truyện về “khỉ con” Son Goku.
Trên thực tế, không chỉ tại Việt Nam, các bộ manga Dragon Quest đã gặt hái được nhiều thành công trên phạm vi thế giới. Trong đó, Dragon Quest: The Adventure of Dai là bộ manga thành công nhất trong hệ thống manga mang thương hiệu Dragon Quest, với doanh số ấn tượng là 50 triệu bản trên toàn thế giới.
Sức hấp dẫn của Dragon Quest: The Adventure of Dai đến từ nhiều yếu tố, trong đó có những chất liệu đặc trưng của dòng truyện shounen. Truyện khai thác motif các anh hùng trẻ tuổi chiến đấu chống lại cái ác, từ đó gửi gắm các bài học về chính nghĩa, tinh thần đồng đội và tình cảm gia đình, bạn bè. Nhưng bên cạnh đó, Dragon Quest: The Adventure of Dai còn có những nét đặc sắc riêng.
Đi sâu khắc hoạ chân dung nhân vật
Mặc dù có nhân vật chính là Dai, nhưng câu chuyện trong Dragon Quest: The Adventure of Dai không bị biến thành cuộc phô diễn của riêng nhân vật chính. Trong suốt cuộc phiêu lưu, tác giả nhiều lần dành đất thể hiện cho các nhân vật khác, kể cả ở phe chính diện lẫn phe phản diện.
Tuy lấy Dai làm trung tâm câu chuyện, nhưng phép bù trừ được tác giả sử dụng linh hoạt để tạo điểm mạnh cho mỗi nhân vật. Ngoài Dai là nhân vật chính được kể lại câu chuyện quá khứ với nhiều tổn thương, cùng quá trình cậu vượt qua thử thách để trở thành người anh hùng của nhân loại, tác giả còn khắc hoạ khá rõ nét chân dung những người bạn đồng hành của Dai.
Trong số những người bạn sát cánh bên Dai, Popp là nhân vật nhận được nhiều sự chú ý từ độc giả. Ở phần đầu của truyện, Popp hiện lên với hình ảnh là một cậu bạn lười nhác, ham chơi, hay ngại việc khó. Cho đến nửa sau của cuộc phiêu lưu, khi nhóm dũng sĩ đối mặt với trận chiến lớn gần kề, Popp vẫn gặp phải những rắc rối xuất phát từ sự thiếu tự tin, không xác định được phẩm chất nổi bật của mình là gì.
Với tất cả những điểm yếu đó, Popp trở thành nhân vật có chất “con người” và có điểm chung với nhiều bạn trẻ trong thực tế. Rất nhiều người trẻ cũng khởi đầu đường đời với sự non nớt, thiếu kinh nghiệm thường thấy. Không ít người cũng cảm thấy sợ hãi trước những thử thách, gian truân. Song, sự phát triển của bộ truyện cũng kéo theo sự phát triển và trưởng thành của các nhân vật. Riêng Popp với vai trò pháp sư, dần trở thành nhân vật phụ trách chiến thuật cho nhóm dũng sĩ.
Sự biến chuyển theo hướng tích cực của Popp đã kéo theo sự đồng cảm của không ít các độc giả vốn nhận thấy có điểm chung với nhân vật này. Không có sức mạnh của chiến binh như Dai, nhưng Popp có sự mưu trí và tinh thần chiến đấu kiên cường. Trong các trận chiến có sự chênh lệch về sức mạnh, Popp vẫn là chỗ dựa cho Dai và toàn bộ nhóm dũng sĩ.
Dragon Quest: The Adventure of Dai có một nữ nhân vật vô cùng gợi cảm, đó là Maam (tên gọi cũ: Mina). Khi xuất hiện ở đầu truyện, Maam (hay Marm) được giới thiệu là không sử dụng thần chú chiến đấu, mà chỉ sử dụng các thần chú giải độc và trị thương. Cô được thầy Avan tặng cho một vũ khí mang tên “Súng ma đạn” để có thể dùng nó chiến đấu, thay vì phải tự thân tạo ra thần chú.
Maam cũng là một nhân vật có sự phát triển mạnh mẽ trong nhóm bạn của Dai. Từ chỗ cô thiếu niên chiến đấu một cách bản năng dựa vào món “đồ chơi” mà thầy Avan chế tạo ra, cô dần khám phá ra sở trường võ thuật của bản thân và quyết tâm theo đuổi cho thành tài. Sự lột xác của Maam sau thời gian khổ luyện khiến cho nhóm bạn của cô “mắt tròn mắt dẹt”. Tác giả cũng có sự ưu ái không hề nhỏ đối với nữ nhân vật này khi cho cô đất solo trong một số trận chiến với các nhân vật mạnh của phe phản diện.
Khác với Maam, Leona là nhân vật có hình ảnh nữ tính điển hình. Xuất thân là công chúa của Vương quốc Papnica, nhưng Leona có tính cách khá mạnh mẽ và thẳng thắn. Xuyên suốt cuộc phiêu lưu của Dai, Leona hiện lên là một nữ lãnh đạo trẻ tuổi đầy bản lĩnh và quyết đoán. Cô không có sức mạnh về thể chất như Maam, nhưng lại có tư duy sáng suốt và sự tỉnh táo trước các tình huống. Nếu Maam có võ thuật cao cường thì Leona tinh thông về thần chú, đặc biệt là các thần chú trị thương.
Hyunckel (tên gọi cũ: Hunken) là một nhân vật hút khá nhiều fans trong bộ truyện. Bên cạnh ngoại hình điển trai, nam kiếm sĩ còn sở hữu quá khứ bất hạnh và nhiều thù hận. Cách xây dựng tình huống éo le, tạo ra sự hiểu lầm để đưa nhân vật Hyunckel vào thế “thiện-ác” phân tranh trong chính bản thân đã tạo ra thêm nét cuốn hút cho nhân vật này.
Điều đặc biệt, do truyện lấy cảm hứng từ game nhập vai Dragon Quest, các nhân vật trong truyện cũng tương ứng với các lớp nhân vật (class) trong game. Dai và Hyunckel thuộc lớp Chiến binh (Warrior). Dai còn được xếp vào lớp Anh Hùng (Hero). Maam có sự chuyển đổi lớp nhân vật, từ Tăng lữ (Priest) sang Chiến binh (Warrior). Với kỹ thuật chiến đấu thuộc về bộ môn võ thuật, Maam còn được xếp vào lớp Võ sĩ (Martial Artist). Popp từ đầu truyện đã có định hướng trở thành Pháp sư (Mage), cậu tiếp tục có bước phát triển vượt bậc ở gần cuối bộ truyện. Leona hoàn thiện đội hình “5 học trò của Avan” với vai trò Hiền giả (Sage).
Một nhân vật tuy không xuất hiện quá nhiều trong mạch truyện, nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng. Người mà các dũng sĩ trẻ tuổi luôn kính trọng, đó là Avan (tên gọi cũ: Avande) - người thầy đáng kính của Dai và nhóm bạn Popp, Maam, Hyunckel. Avan được xây dựng là một nhân vật khá thú vị khi anh sở hữu các đặc điểm về ngoại hình, tính cách và khả năng chiến đấu dường như không liên quan với nhau.
Đằng sau những điệu bộ, cử chỉ tưởng chừng như ngớ ngẩn của Avan là một bộ óc thiên tài, sự mưu trí cùng kỹ năng chiến đấu thượng thừa. Ngoài tài năng thiên bẩm, những kỹ năng mà vị “gia sư dũng sĩ” tích luỹ được hình thành qua quá trình tôi rèn và khổ luyện. Thành quả cho quá trình đó là các chiêu thức tuyệt vời mà Avan truyền lại cho thế hệ dũng sĩ trẻ, với lý tưởng bảo vệ loài người khỏi các thế lực tà ác.
Bên phía phe phản diện, các nhân vật yêu ma ngoài đặc điểm có sức mạnh áp đảo còn được khắc hoạ với các khía cạnh tính cách rất “con người”.
Hadlar (tên gọi cũ: Hadola) là nhân vật xuất hiện đầu truyện với hình ảnh Ma Vương tàn ác. Lúc này, hắn được mô tả là kẻ ham muốn quyền lực, với mưu đồ thống trị thế giới. Trong thời kỳ Dai còn chưa xuất hiện, khi người anh hùng của thế giới con người lúc này là Avan, thì kẻ phản diện đầu sỏ mà con người phải chiến đấu chống lại chính là Hadlar.
Sau tất cả, Hadlar trở thành nhân vật phản diện có quá trình phát triển sức mạnh và chuyển biến tâm lý thành công bậc nhất trong bộ truyện. Nếu bên phe chính diện, người đó là Popp, thì bên phe phản diện, người “lột xác” chính là Hadlar. Quá trình chuyển biến của vị Ma Vương, sau này là Tổng tư lệnh Quân đoàn yêu ma của Đại Ma Vương từ chỗ xấu xa, đáng ghét để cuối cùng trở thành một chiến binh mạnh mẽ, có tinh thần quả cảm đã gây ấn tượng với nhiều độc giả.
Bên cạnh Hadlar thì một nhân vật phản diện nữa cũng được khắc hoạ khá sắc nét, đó là Myst-Vearn (tên gọi cũ: Misuto). Khởi đầu, Myst được giới thiệu là 1 trong 6 Tư lệnh Quân đoàn yêu ma của Đại Ma Vương Vearn – Quân đoàn do Hadlar làm Tổng Tư lệnh. Myst được biết đến với ngoại hình bí ẩn, cùng tính cách trầm lắng. Dù ban đầu được giới thiệu dưới quyền Hadlar, nhưng càng về sau, Myst càng thể hiện vai trò quan trọng trong bộ máy quân ma, thậm chí còn vượt lên trên Hadlar về sức mạnh và mức độ thân tín với Đại Ma Vương Vearn.
Trong bộ sậu các Tư lệnh Quân đoàn, thì Myst là một nhân vật nhận được sự tôn trọng và nể nang từ không ít các “sếp” khác, trong đó có cả Tổng Tư lệnh Hadlar. Tính cách thì trầm lắng, nhưng khi chiến đấu thì Myst là một chiến binh hùng mạnh, với nhiều ma thuật và kiếm pháp thượng thừa. Chiếc “áo choàng bóng tối” – vật tạo nên sự bí ẩn cho Myst là thương hiệu của kẻ án ngữ chốt chặn cuối cùng trước Đại Ma Vương Vearn.
Trong truyện, không ít lần Myst cho thấy sự đánh giá công tâm. Myst coi thường những kẻ 2 mặt, nịnh bợ, xảo trá, dùng thủ đoạn để đạt được mục đích. Trong khi đó, sự coi trọng danh dự, tinh thần cầu tiến của Hadlar khiến Myst tôn trọng và ghi nhớ. Với tư cách Tổng Tư lệnh Quân đoàn của Đại Ma Vương, Myst tuyên bố với loài người rằng hắn luôn tôn trọng những kẻ có sức mạnh và tinh thần chiến đấu dũng cảm, bất kể là phe ta hay phe địch.
Có khán giả nhận xét, Đại Ma Vương Vearn (tên gọi cũ: Dracubin) giống như một tấm gương soi vào mặt tối của con người. Sự ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau hay việc chống đối, thủ tiêu đối với những kẻ có năng lực vượt trội là những biểu hiện xấu xa của con người được Vearn đem ra phê phán. Hắn cho rằng con người là một giống loài thấp kém, khi có thể chất yếu đuối nhưng lại được thần linh ban cho quá nhiều đặc ân. Song, con người lại phung phí sự ban ơn đó, lãng phí tài nguyên mà thần linh trao tặng vào những việc vô nghĩa.
Sự phê phán, mỉa mai của Đại Ma Vương Vearn dành cho con người chẳng phải là dụng ý tự phê phán những thói hư tật xấu của chính loài người đó sao?
Tạo hình đẹp mắt
Các bộ manga Nhật Bản thường chiếm được cảm tình của độc giả nhờ phong cách vẽ tranh ấn tượng. Mỗi mangaka sẽ có một phong cách vẽ khác nhau, tạo ra đặc trưng cho họ.
Các bộ manga Dragon Quest thời kỳ trước được tạo ra bởi lứa hoạ sĩ thuộc thế hệ mangaka thập niên 80-90, do đó phong cách vẽ của họ thiên về sự cổ điển, không quá tập trung vào việc “tỉa” các tiểu tiết mà tạo ra các hình khối tương đối dễ nhìn. Manga giai đoạn này cũng chưa được xử lý quá nhiều bởi công nghệ digital.
Điều gây ấn tượng của Dragon Quest: The Adventure of Dai còn nằm ở cách tạo hình nhân vật được người hâm mộ dành nhiều lời tán dương. Tạo hình và trang phục của các nhân vật cũng đẹp dần, trau chuốt dần theo thời gian.
Bên phía phe phản diện, ngoài Tổng Tư lệnh Hadlar được “nâng cấp” ngoại hình theo thời gian, tác giả của bộ truyện còn tạo ra thêm “Đội cận vệ Hoàng gia” phục vụ dưới quyền Hadlar là nhóm nhân vật có tạo hình “chất lượng”. Đội cận vệ này thực chất là 5 quân cờ trong bộ môn cờ vua. Mặc dù có nguồn gốc từ bàn cờ vua của Đại Ma Vương Vearn, nhưng do Hadlar là kẻ dùng cấm thuật để tạo ra, các chiến binh trong “Đội cận vệ Hoàng gia” có lòng trung thành tuyệt đối với vị Tổng Tư lệnh này.
Điểm độc đáo trong cách sáng tạo nhân vật ở đây chính là ý tưởng về các chiến binh tinh nhuệ được phát triển từ các quân cờ vua. Với chất liệu hợp kim Orichalcum được cho là quý hiếm và cứng nhất vũ trụ, những quân cờ vô tri được Hadlar biến thành các chiến binh mạnh mẽ và tuyệt đối trung thành với chủ nhân. “Ngũ hổ cờ vua” (theo bản dịch cũ) là một team được độc giả vô cùng yêu thích, cả về thiết kế mãn nhãn lẫn cá tính và tuyệt chiêu chiến đấu của mỗi thành viên.
Đặc biệt, trong quá trình sát cánh cùng nhau, có những hành động mà các chiến binh cờ vua cùng với chủ nhân Hadlar thực hiện tương ứng với các nước đi trong bộ môn cờ vua. Các tình tiết này khiến cho diễn biến của câu chuyện thêm phần bất ngờ. Các nhân vật trong truyện sửng sốt trước “thế cục xoay vần”. Còn độc giả ngoài đời thì không khỏi trầm trồ bởi sự tài tình trong cách sắp xếp của tác giả.
Myst-Vearn là một nhân vật thuộc phe phản diện có tạo hình ấn tượng. “Áo choàng bóng tối” mà Myst mặc trên người cũng được nhiều độc giả đánh giá là một trong những bộ trang phục đẹp nhất truyện.
Bên cạnh Myst-Vearn, thì một nhân vật khác thuộc phe phản diện cũng gây ấn tượng bởi tạo hình, đó là Kill-Vearn (tên gọi cũ: Kiban) – sát thủ riêng của Vearn. “Thần Chết” mặc trên người trang phục gã hề màu đen, mang chiếc mặt nạ lột tả cảm xúc của hắn và thường có thói quen “chơi đùa” với lưỡi hái. Đi cùng Kill là một tiểu yêu nhỏ bé, hài hước nhưng dị hợm.
Trong số các tạo hình nhân vật ấn tượng trong bộ truyện, ngoại hình của nhân vật “trùm cuối” Đại Ma Vương Vearn thực sự là một “cú twist” kinh điển. Tạo hình của Vearn cũng được đánh giá là đẹp và hút mắt bậc nhất trong toàn bộ các nhân vật trong truyện.
Một điểm thu hút nữa của Dragon Quest: The Adventure of Dai đã để lại ấn tượng đối với bạn đọc thanh thiếu niên nam giới, đó là thiết kế của các bộ áo giáp, vũ khí. Trong truyện, bộ ma kiếm giáp của Hyunckel và bộ ma thương giáp của chiến binh lục quân Larhart (tên gọi cũ: Si Sên) là các trang phục chiến đấu hớp hồn độc giả thanh thiếu niên trẻ tuổi.
Về vũ khí, “Chân Ma Cang Long Kiếm” của kỵ sĩ rồng Baran là vũ khí được yêu thích bên cạnh “Thần kiếm Orichalcum” mà Dai là chủ sở hữu. Ngoài ra, “Thanh kiếm Bá Vương” mà Hadlar sử dụng cũng là một vũ khí được tác giả “tỉa tót” khá trau chuốt. Ngay cả con dao của Hoàng tộc Papnica mà Leona tặng cho Dai, hay cây Long Kiếm được mang ra đấu giá trong cửa hàng bách hoá ở Vương quốc Bengarna cũng có hình dáng khá đặc biệt.
Không chỉ đẹp về tạo hình nhân vật và áo giáp, vũ khí chiến đấu, đến cả “sào huyệt” của Đại Ma Vương – Đại Ma Cung “Vearn Palace” cũng là một công trình kiến trúc kỳ vĩ, với thiết kế độc đáo và nguyên lý hoạt động kỳ lạ.
Những cú twist “gắt”
Một trong những cú twist khiến cho độc giả không thể nào quên, liên quan đến thân thế, gốc gác của Dai – nhân vật chính của bộ truyện. Mở đầu truyện, độc giả không hề biết cậu đến từ đâu. Dai chỉ được giới thiệu là một cậu bé mồ côi, được một quái thú nuôi dưỡng tại nơi đảo hoang. Trong một lần gặp nguy hiểm, Dai bộc phát sức mạnh đáng gờm. Đây cũng chính là một tình tiết cơ bản báo hiệu cho sự lột xác về năng lực của những nhân vật anh hùng.
Trải qua lần thực chiến bất ngờ và giành chiến thắng oanh liệt, Dai sau đó được Avan phát hiện và bắt đầu quá trình đào tạo trở thành dũng sĩ. Cuộc phiêu lưu của Dai bắt đầu từ đây, và cũng chính từ đây, cuộc đời của cậu đã thay đổi. Song, bước ngoặc đó chính là định mệnh của cậu. Gốc gác của Dai dẫn dắt cậu đến với số phận đã được định trước từ các vị thần.
Cú twist “gắt” tiếp theo đến từ chân tướng thực sự của Myst-Vearn, kẻ trầm lặng giấu mặt dưới lớp áo choàng màu trắng. Khó có thể tưởng tượng ra Myst thực sự là ai nếu không trực tiếp giao chiến và buộc hắn phải cởi bỏ lớp che mặt. Khuôn mặt ẩn phía sau tấm “áo choàng bóng tối” được đánh giá là một chi tiết gây bất ngờ bậc nhất đối với độc giả, cả về khía cạnh đường nét trên khuôn mặt lẫn bản chất thực sự của khuôn mặt đó.
Bên cạnh Myst thì Kill là tên thuộc hạ thân cận còn lại của Đại Ma Vương có độ nguy hiểm thuộc vào hàng top. Bản chất về thân thế của Kill xứng đáng là cú twist khiến độc giả “ngả ngửa”. Đây cũng là tình tiết ảnh hưởng trực tiếp đến kết thúc của bộ truyện. Không chỉ twist về việc “Kill là ai?”, mà câu hỏi “Mục đích của Kill là gì?” cũng chỉ được làm sáng tỏ khi độc giả theo dõi truyện đến những tình tiết cuối cùng.
Cú twist về Đại Ma Vương Vearn – phản diện trùm cuối trong Dragon Quest: The Adventure of Dai cũng xứng đáng được-ghi-vào-sách-giáo-khoa. Không chỉ được chiêm ngưỡng ngoại hình hoàn chỉnh của Vearn, độc giả còn hiểu được mục đích của việc gây chiến với con người theo “lý tưởng”của vị Đại Ma Vương này thực chất là gì.
Kết
Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ khi bộ manga lấy cảm hứng từ game này ra đời và càn quét cộng đồng người hâm mộ manga trên thế giới. Dragon Quest: The Adventure of Dai đã kết thúc với nhiều tiếc nuối.
Hoà vào xu hướng vực dậy và hoàn thành những bộ manga ăn khách từ giai đoạn trước, phần tiền truyện của Dragon Quest: The Adventure of Dai mang tên The Hero Avan and The Dark Lord of Hellfire đã và đang được triển khai. Với sự giám sát và sáng tạo từ chính tác giả của bộ truyện gốc là Riku Sanjo, cùng sự hỗ trợ phần hình ảnh của hoạ sĩ thế hệ sau là Yusaku Shibata, phần tiền truyện của Dragon Quest: The Adventure of Dai kể về câu chuyện đã xảy ra trước cuộc phiêu lưu của Dai năm nào.
Mặc dù thế hệ ngày nay đã có rất nhiều lựa chọn khác mới mẻ và đa dạng hơn, nhưng Dragon Quest: The Adventure of Dai cũng như nhiều manga đình đám một thời vẫn sẽ là một lựa chọn “khuyên dùng” đối với bạn đọc yêu manga nói chung và yêu thể loại shounen nói riêng.
Dragon Quest: The Adventure of Dai là bộ manga thuộc thể loại shounen nổi tiếng của Nhật Bản. Bộ truyện tranh được sáng tác bởi 2 mangaka là Riku Sanjo (story) và Koji Inada (art), dựa trên thương hiệu game Dragon Quest do Yuji Horii sáng tạo. Truyện được đăng lần đầu trên tạp chí nổi tiếng Weekly Shounen Jump từ tháng 10/1989 đến tháng 12/1996 và được xuất bản dạng truyện tranh tại Nhật bởi NXB Shueisha. Truyện được chuyển thể thành anime lần đầu vào năm 1991 bởi hãng phim hoạt hình Toei Animation và xưởng phim Nippon Animation. Năm 2020, Toei Animation ra mắt bộ anime làm lại hoàn chỉnh từ manga Dragon Quest: The Adventure of Dai. Tại Việt Nam, truyện được xuất bản lần đầu bởi NXB Kim Đồng vào năm 1996 với tên gọi tiếng Việt là Dấu ấn rồng thiêng. Năm 2024, NXB Kim Đồng chính thức xuất bản bộ truyện có bản quyền tiếng Việt của Dragon Quest: The Adventure of Dai.
*: tên gọi cũ là tên gọi do NXB Kim Đồng đặt ở lần xuất bản đầu tiên tại Việt Nam
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất