Giấc mơ của người già
Hiếm có tháng Tư nào mà trời lại lạnh và mưa dầm dề đến thế. Mái nhà lợp tôn, cả đêm ông bà thao thức nằm nghe tiếng mưa lộp độp. Ngoài...
Hiếm có tháng Tư nào mà trời lại lạnh và mưa dầm dề đến thế. Mái nhà lợp tôn, cả đêm ông bà thao thức nằm nghe tiếng mưa lộp độp. Ngoài sân, lối nhỏ dẫn vào nhà cỏ đã quấn vào nhau, đám bồ công anh gặp mưa hoa bết lại, không biết đến bao giờ mới nở hết để bay đi theo gió.
Cũng chính thời gian này, những suy tư của ông bà không còn giao thoa với suy tư con cháu. Trong ngôi nhà tranh tối tranh sáng bây giờ, hai bóng dáng người già cô đơn nương tựa vào nhau. Ông bảo, một lần nữa bên ngôi nhà hoang vắng, chỉ còn lại ông và bà như cái thuở ban đầu.
Con cháu vốn đã xa mặt cách lòng, nay mùa dịch bệnh kèm theo mưa lê thê càng khiến chúng trốn tìm với cuộc đời mình đâu đó. Cả tháng nay, đám trẻ không còn qua lại, có chăng đôi ba lần chúng ghé dúi vào tay ông bà nửa ký thịt hoặc sang hơn là tờ năm trăm nghìn đồng mà ông bảo “mới đến mức đem cạo râu cũng được”.
Thế là ngôi nhà trống vắng chỉ còn tiếng côn trùng và tiếng mưa đáp lại tiếng thở dài của ông bà. Ngay phòng khách, bàn cờ tướng chỉ còn mỗi mình ông ngồi nhặt từng con pháo, mã mà thèm tiếng đứa cháu í ới gọi ông dạy chơi cờ. Còn bà, thú vui duy nhất là đếm đi đếm lại đàn gà con mới nở. Bà bảo, công việc lặt vặt không mang đến những giá trị cụ thể này đã đánh thức những nỗi niềm ẩn giấu suốt bao năm trong lòng bà. Như ký ức ngày đầu gặp ông, bà chỉ được nhìn qua tấm phên vênh mà ông cố ngoại đan từ cây nứa.
Trời mưa càng làm hố sâu ngăn cách hai thế hệ trở nên xa ngái. Đám trẻ, trong những lần hiếm hoi đội mưa đến thăm ông bà, mắt vẫn không chịu rời điện thoại. Ông bảo, chắc tụi nhỏ cô đơn lắm nên mới phải chạy trốn trong thế giới chỉ bằng đôi bàn tay. Còn bà nhìn những đứa cháu cúi đầu, thỉnh thoáng cười ré lên rồi phút chốc bực tức chửi thề khiến bà lo lắm. Bà than, sao không đứa cháu nào nhận ra sự hư vô của thế giới ảo ảnh ấy. Rồi một mai khôn lớn, liệu chúng có còn ngẩng đầu lên để thấy bầu trời xanh trong như mắt mèo sau cơn mưa chiều.
Lúc đầu nghe ông bà than thở ai cũng ậm ừ vâng dạ. Nhưng rồi dần dần ông bà bị bỏ mặc trong thế giới cô đơn riêng, khi con cháu chỉ còn thấy bóng dáng hai người già đi lại vất vưởng và miệng luôn nói ra những điều lảm nhảm.
Ông bà buồn lại càng buồn thêm, mang cả những tiếng than thở vào giấc mơ của mình. Mỗi đêm trong giấc ngủ chập chờn, ông thường ngồi dậy đi quanh nhà, còn bà nằm đó tay vắt ngang trán mà thao thức. Dù im lặng nhưng cả hai ông bà đều biết, chính thời gian này, nỗi sợ lớn nhất trong những năm tháng gần đất xa trời không phải là bóng tối, với những giấc mơ gặp lại người thân đã mất, mà là nỗi lo sợ mơ hồ cho thế hệ sau.
Rồi một buổi chiều mưa tháng Tư, đám con cháu tụ họp nghe ông bà căn dặn. Đây là ý muốn ông đã bàn với bà sau những đêm dài mất ngủ. Ông bảo thời gian còn quá ngắn, và trái tim mình ngày một già thêm trong từng nhịp đập chậm chạp mà ông bà không hề biết vì sao, như thế nào và đến bao giờ. Ông mong sau buổi họp mặt này anh em ruột thịt yêu mến nhau nhiều hơn, con cháu biết quý trọng cuộc sống đời thực hơn là thế giới ảo.
Cứ thế, trong cơn mưa chiều, ông bà hướng ánh mắt ra cửa và dặn dò những điều đầy triết lý. Đám con cháu đứa đứng, đứa ngồi lô nhô tay ôm đầu, mắt nhìn ông bà đầy nghi ngại. Buổi họp mặt kết thúc, mưa cũng vừa kịp tan, đám con cháu lại kéo nhau ai về nhà nấy trong tiếng cười đùa cứ như chưa từng nghe thấy điều gì. Trong những tiếng nói cười ấy, dường như có ai đang than thở rằng thời buổi bây giờ kiếm đồng tiền khó quá, có khi thẳng da lưng chùng da bụng làm quần quật mà cũng chẳng tích góp được bao nhiêu.
Cứ thế, thời gian không đi qua mà quay vòng. Ngày mai trời vẫn mưa và đám con cháu vẫn sống trong xa cách. Ông thầm thì với bà, có lẽ mình không nên nói ra những điều không đáng nói như thế, có vẻ như mình vừa làm con cháu thêm lo và buồn. Bà im lặng, mái đầu và bàn tay ngúc ngắc vì căn bệnh run rẩy tuổi già, bà trả lời, thôi ông ạ, đất không chịu trời thì trời đành chịu đất.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất