1. Định nghĩa
- Theo triết học kinh tế hiện đại, giá trị nội tại của một tài sản bắt nguồn từ cách con người cảm nhận về tầm quan trọng của tài sản đó. Vd: khi bạn lạc giữa sa mạc, sắp chết khát thì nước là thứ có giá trị hơn mọi tiền bạc bạn mang trên người.
- Giá trị nội tại còn có thể xem là "giá trị tính toán", được xác định bằng cách sử dụng phân tích cơ bản, phân tích các yếu tố định tính như mô hình kinh doanh, phương pháp quản trị, thị trường hoặc các yếu tố định lượng như: dòng tiền, lượng hàng hóa, giá trị tài sản,... Thông qua việc xác định giá trị nội tại của 1 sản phẩm / doanh nghiệp, người ta có thể ước tính rằng sản phẩm / doanh nghiệp đó đang được bán với giá "hời" hay không? Đây là lối tiếp cận để xây dựng danh mục đầu tư mà Warren Buffet và nhiều nhà đầu tư khác áp dụng.
2. Cơ sở để xác định giá trị nội tại?
Thực tế không có một phương pháp chính xác nào trong việc định giá giá trị nội tại. Vì sao? Vì cho dù áp dụng phương pháp nào đi nữa thì nó cũng dựa trên một thứ gọi là "cảm nhận" của người đánh giá. Và vì mỗi người đều có kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm khác nhau nên việc đánh giá chỉ ở một mức độ tương đối mà thôi. Nó kiểu như: 1 viên ngọc thô, 2 người có năng lực khác nhau sẽ thấy giá trị hoàn toàn khác nhau.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có 1 số cơ sở chung để nhìn nhận vấn đề như sau:
a. Giá trị sử dụng: tài sản đó có thể được sử dụng để làm gì
b. Giá trị thừa nhận: tức là mức độ phổ biến, được thừa nhận của số đông trong việc chấp nhận giá trị của tài sản đó
Để có thể xác định giá trị sử dụng, người ta sẽ giả định 1 số tình huống sao cho tài sản có giá trị nhất / "đẹp" nhất, rồi lựa chọn 1 số chỉ số chính (key metric) để làm cơ sở so sánh các tài sản với nhau.
Một câu mà Sơn cảm thấy tâm đắc đó là:
"Sở dĩ chúng ta cảm thấy Bitcoin không có giá trị nội tại là vì phần lớn chúng ta chưa hiểu được hình thái của giá trị nội tại."
Phần tiếp theo sẽ đi vào từng hình thái của giá trị nội tại để có thể hiểu rõ ràng hơn, từ đó tạo ra các tiêu chí để đánh giá giá trị nội tại của Bitcoin.
3. Giá trị sử dụng
Lưu ý: từ đây trở xuống, mình sẽ sử dụng Vàng như 1 sự so sánh trực tiếp với Bitcoin khi nói về giá trị nội tại, so sánh ở nhiều mặt khác nhau.
Chúng ta sẽ đi tìm điểm chung của Vàng và Bitcoin, rồi sau đó sẽ xét đến công dụng của 2 loại tài sản này.
Các điểm chung bao gồm:
- Không bị hao mòn theo thời gian, là biểu tượng của giá trị và lòng tin ở việc quý và và khó / không thể bị làm giả.
- Có thể / đã từng đươc xem là phương tiện thanh toán nhưng do biên độ dao động quá lớn nên không còn là phương tiện thanh toán chính thức được xã hội chấp nhận rộng rãi.
- Khó tạo ra: cả việc đào vàng hay đào bitcoin đều tốn kém rất nhiều chi phí.
- Trữ lượng có hạn và không thể tạo ra thêm được nữa: đối với Bitcoin thì chỉ có 21 triệu, đối với vàng thì mặc dù vẫn tiếp tục khai thác nhưng trữ lượng trên Trái Đất là hữu hạn và việc khai thác thực tế cũng càng ngày càng khó, các mỏ vàng cũng cạn kiệt dần
-> Điểm qua 1 số yếu tố về đặc tính và cấu thành, chúng ta thấy khá nhiều điểm tương đồng giữa 2 loại tài sản này.
Còn về giá trị sử dụng thì thế nào?
Bitcoin: A Peer-to-peer electronic cash system. Đây là tựa đề của whitepaper Bitcoin. Và cho đến hiện tại, BTC đã trở thành store of value, là phương tiện để đầu cơ / cất giữ giá trị chứ chẳng ai đem nó ra làm phương tiện thanh toán. Nhưng cái được chính là: Bitcoin đã đặt nền móng cho sự phát triển của mọi loại electronic cash sau này bằng cách: chứng minh được giá trị của blockchain trong việc tạo ra một hệ thống chính xác tuyệt đối không thể bị thay đổi / phá hoại. Đó chính là giá trị lớn nhất mà BTC đem lại cho đến thời điểm này
Vàng: Đây chính là điểm mà nhiều người dùng để lập luận rằng BTC không có giá trị nội tại: Vàng có rất nhiều công dụng trong thực tế. Vàng được sử dụng làm đồ trang sức, làm linh kiện điện tử, trong công nghiệp hàng không, nha khoa, y tế, v.v... Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: trừ trang sức, tỉ lệ vàng được sử dụng trong tất cả các ngành công nghiệp khác chiếm tỷ trọng bao nhiêu? Hay bạn không muốn thừa nhận rằng phần lớn trữ lượng vàng đều dưới dạng thỏi (bullion) và chủ yếu nằm bất di bất dịch trong các hầm vàng? Ngay cả trong khía cạnh là trang sức thì (1) người ta coi vàng nhẫn cũng là 1 kênh cất giữ giá trị và (2) vàng trang sức thể hiện sự quyền quý, ăn theo giá trị cất giữ của vàng vì các loại kim loại khác cũng có tính chất như vàng đều không có giá trị bằng -> Như vậy, giá trị sử dụng của vàng thật sự chỉ đóng 1 phần rất nhỏ. Đây không thể là lý do để nói rằng vàng có giá trị nội tại vì nếu nói ở mặt sử dụng làm nguyên liệu, vàng thua và có khả năng bị thay thế bởi nhiều loại kim loại khác.
4. Giá trị thừa nhận
Mỹ, sau khi thành công trong việc gắn giá trị của USD với dầu mỏ (petrodollar) thì mức độ phổ biến (adaption) của USD là vô địch. Tránh dông dài ngoài lề các bạn nên tự search thêm để biết.
Vàng, trải suốt chiều dài lịch sử, vàng đã xuất hiện gần như ở khắp mọi nơi, đóng vai trò trọng yếu trong rất nhiều nền văn minh như là 1 biểu tượng của sự giàu sang và quyền lực. Vàng đồng thời cũng đã tích tụ được một sự thừa nhận rộng khắp thế giới.
Quay ngược lại khoảng hơn 30 năm trước, khi các hệ thống máy tính vẫn còn là các thứ xa lạ với con người. Trong bối cảnh đó, những trải nghiệm của con người vẫn nói rằng: chỉ có những thứ gì có ở dưới dạng vật chất, cầm / nắm / nhìn thấy được thì mới là "thật", những gì không thấy được đều là "ảo". Chỉ 30 năm đó thôi, nếu so với chiều dài hàng ngàn năm lịch sử loài người thì rõ ràng việc chấp nhận Bitcoin là 1 loại tài sản có giá trị sẽ còn tốn thời gian.
Bạn cho rằng Bitcoin "ảo" vì suy nghĩ của bạn bị đóng hộp trong những trải nghiệm và tư duy có sẵn. Vậy mình hỏi bạn rằng:
- 1 bài hát được phát trên internet cần có bản quyền không?
- 1 bức tranh được vẽ bằng đồ họa máy tính thì "thật" hay "ảo"
- Số tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn cũng "ảo" nốt?
Xin nhắc lại 1 điều mình đã ghi ở trên.
"Sở dĩ chúng ta cảm thấy Bitcoin không có giá trị nội tại là vì phần lớn chúng ta chưa hiểu được hình thái của giá trị nội tại."
- Bạn không hiểu được giá trị của 1 thứ không thay đổi được, trên đời này thứ gì mà không thay đổi được sẽ là vô giá
- Bạn cho rằng việc đào BTC phí năng lượng, tổn hại môi trường nhưng bạn không biết rằng đó là cái giá rất rẻ để tạo ra 1 thứ không ai có thể can thiệp hay phá hoại - unbreakable
- Bạn cho rằng BTC chậm chạp nhưng bạn không hiểu rằng giá trị của nó là sự chính xác tuyệt đối chứ không phải là nhanh hay chậm
Cùng với các tính chất tuyệt vời của mình, chỉ trong vòng 10 năm, Bitcoin đã thách thức tất cả các giá trị truyền thống tồn tại hàng ngàn năm qua mà con người dầy công xây dựng được.
Các tính chất của Bitcoin sẽ được trân trọng theo thời gian bao gồm:
- 1 hệ thống không phụ thuộc vào bất cứ chủ thể nào, tồn tại độc lập tránh khỏi mọi sự kiểm soát của bất cứ ai
- 1 hệ thống không thể bị phá vỡ bởi bất kì tác nhân nào, trừ khi con người tuyệt chủng vì cơ chế incentive có tác động điều phối mọi thứ tuân thủ theo 1 luật chơi công bằng
- 1 nền tảng duy nhất (ý là chẳng có cái nào là Bitcoin thứ 2), không nền tảng nào có thể cạnh tranh dù công nghệ hoàn toàn mở vì đã tích tụ được 1 lượng "tư bản" cực lớn
- 1 sự chính xác tuyệt đối trong việc ghi nhận các giao dịch: không ai có thể tấn công vào "core", mọi việc tấn công đã từng thực hiện chỉ nhắm vào người dùng mà thôi.
- 1 lượng cung giới hạn 21 triệu (dù chỉ còn khoảng dưới 19 triệu tối đa do bị mất key), không ai có thể thay đổi.
Như vậy, bằng nhận thức thông thường, mỗi người chúng ta cần tiếp nhận những thứ mới mẽ này ra sao?
Mỗi người nên tự tìm cho mình 1 cách tiếp cận khiến cho bản thân bạn cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Mình biết và tôn trọng 1 số người hoàn toàn đứng bên lề, không quan tâm đến Bitcoin và mình cảm thấy vui cho họ vì cuộc sống họ vẫn tốt, không hề bị phụ thuộc hay dao động. Họ đã làm chủ cuộc đời!
Tuy nhiên, với mình, đây là cơ hội của cả đời người, là cơ hội ngàn năm có 1 mà mình đã may mắn tích lũy đủ kiến thức, vốn sống để đón nhận nó. Bạn thì hãy tự tìm câu trả lời phù hợp nhé.