Mình luôn là đứa sống trong quá khứ. Kể cả trước đây hay bây giờ, tâm trạng mình hầu như luôn nằm đâu đó lại ở khoảng thời gian trước đây. Không khỏi có sự so sánh, và dường như quá khứ lúc nào cũng tốt hơn hiện tại thì phải. 

Song hành cùng việc là đứa thích nghĩ ngợi, mình lại ngại giao tiếp. Điều này không diễn ra thường xuyên, mà như là một trạng thái sẽ đến khi mình phải có mặt giữa chỗ đông người, còn với những nhóm nhỏ mình vẫn có thể đứng lên làm host, diễn thuyết hay pha trò được. Không hiểu tâm lý này từ đâu đến, mình chỉ biết những không gian đông đúc làm mình chẳng tập trung được vào việc riêng, kiểu như bình tĩnh để nêu ra quan điểm chẳng hạn, và mình hoàn toàn bị chìm nghỉm giữa những người khác, những người tiếng nói có sức nặng hơn, những người dễ dàng bỏ qua một cái giơ tay đơn độc của mình. Vì thế mình quay về thế giới của mình, nghiền ngẫm chuyện cũ, mình thấy dễ chịu hơn hẳn khi phải cố gắng nơi thực tại đầy mâu thuẫn này. 
Chỉ khi về phòng một mình mình với bốn bức tường, cái laptop để mở ra đoạn pause một cảnh phim, trên cái bàn gấp đầy mẩu giấy nháp ý tưởng và những dòng thơ nguệch ngoạc, mình mới cảm thấy được là chính mình. Trong nhưng giờ phút đó, mình viết, mình viết với tất cả xúc động và nức nở mà cuộc sống không cho phép mình lộ ra. Mình lấy quá khứ làm một cái giếng trong, nuôi những con cá bống kỷ niệm, để mỗi lúc cần mình gọi cá lên mà chơi đùa, bóng cá hòa với bóng người phản chiếu trong sự hoài nghi về chính những gì đang diên ra, đôi khi mang lại cảm giác chông chênh. Kỷ niệm cũng là những mảnh thời gian từng là hiện tại ở một thời điểm nào đấy, nhưng trớ trêu là nó chỉ đẹp khi nó đã đi qua, hiện tại ngay lúc này u ám và xao động như ngày mưa bão. 
Tình yêu là thứ chiếm đến già nửa tâm hồn con người, tạo hóa ban cho người một sức mạnh tuyệt vời không phải trí tuệ mà là tình yêu, tình yêu trong kỷ niệm luôn là tình yêu trong trẻo nhất. Một tình yêu đã qua mới là một tình yêu trường cửu, vì nó chẳng còn lệ thuộc vào một lời hứa hay sự xúc tác thể xác, nó sống như một thứ quan niệm ngược dòng thời gian và cứ thế trẻ mãi. Khi còn yêu ai đó, thứ dự cảm về tan vỡ lẩn quẩn đâu đó khiến ta vô tình thất lạc những điều đẹp đẽ, cuối cùng ta lại ngồi nhặt nhạnh quá khứ trong những mảnh vỡ kỷ niệm. Đã là kỷ niệm thì luôn đẹp, dù sao suy cho cùng người ta cũng chỉ mong muốn nhớ về những chuyện vui hơn là những nỗi buồn, dù biết rằng khi đã thuộc về ngày xưa thì kể cả niềm vui hay nỗi buồn cũ nó cũng đều nhuốm màu buồn. Ta thường nhớ đến niềm vui, chỉ vì ta cần những liều kỷ niệm để sống cân bằng trong cuộc sống hiện tại, nhưng ta lại sợ trước những nỗi buồn đã bị ủ quá lâu ta sẽ gục mãi xuống và không thể đứng dậy trở lại. Kỷ niệm thì mãi buồn. 
Mình luôn có cảm giác hình như lớn lên cũng chỉ là một cách nói khác của việc đến gần hơn với sự chết, hay nói cách khác ta đã bắt đầu những trải nghiệm đầu đời trên đỉnh cao, rồi cứ thế đi dần tới chân dốc cho đến ngày nhắm mắt. Những tương tác ban đầu với thế giới luôn gây cho ta tò mò, và tâm hồn thơ ngây khuyên ta hãy khám phá. Kỷ niệm trong những ngày này là đẹp nhất, vì nó chưa nhiễm vào chất độc của xã hội người lớn, xã hội đầy tị hiềm xích mích, đầy bon chen, tham lam và dục vọng. Kỷ niệm thơ ngây còn là mầm mống của sáng tạo, khi con người ta được tự do với nhận thức trống trơn của mình, những khai phá đầy tính tự giác không liên kết với xã hội được xây dựng vô thức nhưng bền lâu, và đến khi đủ nhận thức về mọi việc thì người ấy đã là một kẻ sáng tạo vĩ đại, tiếc là yếu tố xã hội luôn ảnh hưởng lớn khiến chẳng một cá nhân riêng lẻ nào có thể phát triển thuần túy theo cách đó. Nghệ thuật căn bản là phá vỡ, chắp nối và thể nghiệm những cảm giác trừu tượng, biến nó thành hữu hình, mà chỉ làm được với người có suy nghĩ thuần khiết, trân trọng tất cả mọi thứ không có ngoại lệ. Khi đã lớn, mặc dù không muốn nhưng bắt buộc ta phải hòa nhập vào xã hội chán chết và đầy tù túng, ta không còn là chính ta nữa, những khám phá ban đầu trở nên trần trụi hơn khi ta bị chi phối bởi bản năng. Ta vẫn yêu cái đẹp như những kỷ niệm ta đã có, nhưng "người" hơn, cuối cùng phần lý tưởng của tâm hồn vẫn chịu thua phần lý trí của thực tế. Kỷ niệm, trong những giờ phút trống rỗng một mình, cho ta tĩnh lại để bình an mọi suy nghĩ, để ta tìm lại cảm giác yêu một thứ thật đẹp theo đúng bản chất của nó. Khi một mình, ta sẵn sàng tôn thờ một bầu vú duyên dáng, một vùng kín thơ dại, ta coi trọng những đôi môi và ta thôi cuồng nhiệt như con thú khi ngụp lặn giữa cuộc đời. 
Nói cho gọn lại, kỷ niệm là món quà của trí nhớ, để ta đừng quên mình. Mình sẽ sống làm sao nếu cứ phải căng mình ra với công việc, với những toan tính đau đầu. Còn kỷ niệm là còn tâm hồn, còn nhớ, và còn biết thương chính mình, để sống còn niềm tin vào cái đẹp. 
 
Cuộn phim gần như đầu tiên của mình, kiểu ảnh bị hỏng nhưng không hiểu vì sao mình rất thích...