Gia phả, tộc phả là gì?

Bây giờ, không mấy gia đình còn "gia phả" nói chi là "tộc phả". Đây là căn bản truyền nối của gia đình, mà nhờ đó, người ta có thể truy tìm được nguồn cội và những người cùng 1 huyết thống.
Nhờ có "tộc phả" mà mới đây, người ta tìm lại được các hậu duệ của vị hoàng tử lưu vong nhà Lý hiện sinh sống có trên 200 gia đình ở Hán Thành (Seoul), Hàn Quốc.
Vào thế kỷ 13, nhà Trần diệt tận gốc rễ nhà Lý, nhưng hoàng tử Lý Long Tường 1 mình trốn thoát khỏi nanh vuốt của Trần Thủ Độ, cùng với gia tướng xuống thuyền vượt ra biển, phiêu bạt lên phía Bắc rồi trôi dạt vào nước Triều Tiên, xin lập nghiệp tại đó. Hoàng tử Lý Long Tường đã lập được công nghiệp lớn với triều đình nước Kim (Triều Tiên) trong việc chống trả lại quân xâm lược nhà Nguyên (Mông Cổ) cho nên được trọng đãi và tưởng thưởng xứng đáng.
Trải qua mấy mươi đời truyền lại cơ nghiệp, hậu duệ của hoàng tử họ Lý vẫn giữ được "tộc phả" tuy là dân nước Hàn Quốc, vẫn nhớ đến cố quốc của ông tổ mình là Việt Nam ngày nay.
Điều này minh chứng rằng "tộc phả" và "gia phả" đóng 1 vai trò quan trọng trong việc duy trì huyết thống chung tộc.
Không còn "tộc phả" nhưng 1 số người vẫn còn "gia phả", cần giữ gìn và tiếp nối. Thậm chí ngay những gia đình không còn "gia phả", gia trưởng cũng có thiết lập lại bằng cách sưu tra hoặc nhờ những người cao niên kể lại mà lập sơ khởi bản "phủ ý" có thể thực hiện được một bản gồm 3, thậm chí đến 4 đời, để rồi về sau con cháu có căn bản tiếp nối.
Cho dầu rằng con cháu vì sinh sống, vì kinh tế lưu lạc khắp nơi, nhưng trong tâm huyết về sau có thể truy nguyên định rõ cố hương tông họ nhà mình ở đâu, nhờ có "phủ ý" hay "gia phả"
Trải qua bao thời kỳ thăng trầm, chuyển di dời chỗ ở là chuyện thông thường. Nhiều người ở miền Nam không có "gia phả" không định rõ nguồn gốc của mình ở đâu, vẫn tưởng gốc gác ở Nam Bộ. Thực ra người ở miền Nam ngày nay là hậu duệ của dân thiên cư vì nhiều lý do khác nhau. Những họ còn giữ được "gia phả" hay "tộc phả" từ năm đời trở lên đều truy nguyên đuợc rằng tổ tiên nhà mình đều có gốc gác ở Bắc bộ hay miền Bắc Trung bộ trước đây nhiều thế kỷ, trải qua nhiều thế hệ thiên cư do nhiều lý do đi làm quan, đi canh điền lập nghiệp, đi buôn bán tha phương cầu thực, vân vân.

Cách thiết lập lại gia phả

Nếu không có tài liệu sưu tra tham khảo thì ta thiết lập lại bản "phủ ý" bằng cách nghe kể lại và ghi chép, it nhất có thể được 4 đời, để có được 1 văn bản lưu truyền.
Bản "phủ ý" này sau sẽ trở thành "gia phả", rồi tới những thế hệ kế tiếp sẽ thành "tộc phả"
Theo tác giả Phạm Côn Sơn, sách "Nền nếp gia phong":
_ Tôi đã thành lập gia phả của tông môn tôi hồi năm 1956. Có lẽ "tộc phả" tông môn tôi bị thời gian và cuộc sống xoá hết hơn 10 đời, bởi có hơn 10 trang giấy bị mục nát, chữ không đọc được vì nước ruộng thấm ướt qua hơn mười mấy năm chôn giấu ở ngoài đồng. Do những gì còn có thể đọc được, tôi truy gốc họ tông môn tôi đã xuất phát từ 1 vùng phía Nam Bắc bộ, và nhiều tiền nhân của tôi vốn dòng nho y, đã từng làm quan ngự y, và cũng có nhiều người lo việc canh điền, đã thiên cư trên suốt đường thiên lý xuyên Việt tới tận cùng đất nước là xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Minh Hải ngày nay. Do việc truy nguyên nguồn gốc nói trên, tôi có một kinh nghiệm rằng chính "gia phả" đã đem lại niềm tự hào và niềm tin lớn lao cho con cháu, rất có hiệu lực cho việc giáo dục gia đình.
Lưu ý khi thành lập 1 quyển gia phả:
1. Chọn 1 quyển tập dày trăm trang, đóng bìa cứng để giữ lâu chắc chắn.
2. Dành 1 trang cho 1 người, trong đó tên người đứng đầu thế hệ được viết với chữ lớn, kèm theo tên của người hôn phối (vợ). Chánh thất (vợ cả) ghi trước và thứ nhất kèm theo, sinh được bao nhiêu người con, ghi rõ tên thuộc bà mẹ nào. Riêng người con nối truyền gia phả, thường là trưởng nam, được viết bằng kiểu chữ của người cha, nhưng nhỏ hơn, và tên người này được dành cho nguyên trang kế tiếp, trong ý tưởng là người truyền giữ huyết thống chi phái.
3. Cũng ở trang đó, cần ghi thêm ngày sinh , ngày tử và những tính ý hay, những lời gia huấn nếu có của người ấy.
Trong trường hợp có thể thiết lập được 1 "tộc phả", bao gồm từ 6 đời trở lên, người ta còn có thể diễn giải bằng hình vẽ hay sơ đồ đi xuống (descendant) của các phân chi như "tộc phả" Hoàng triều nhà Nguyễn dưới đây.
"Gia phả" hay "tộc phả" thường ghi truyền tiếp theo tên người kế thừa. Những người không kế thừa ở các phần chi thì sao chép ra bản khác để lập ra những bản "gia phả" khác.
Thí dụ, ông Phúc sinh ra 3 con: trưởng là Lộc, thứ là Thọ và Mai. Thì bản chính "gia phả" lưu truyền tới ông Lộc và con cháu kế thừa của ông Lộc, còn ông Thọ và Mai sẽ lập thành bản "gia phả" riêng với chiều xuống lưu truyền của từng chi nhánh.
"Gia phả" còn có tác dụng quan trọng khác. Dân tộc ta có quan niệm và thường cố tránh bằng được việc lấy tên của các bậc tiền nhân hay vai vế cao mà đặt cho con cháu. Chính "gia phả" giúp cho người ta tránh được những sai lầm này và cũng tránh việc người trong dòng họ (có cùng huyết thống) lấy nhầm lẫn nhau tránh tội loạn luân. Vì dân tộc ta đã cấm kỵ người cùng chung huyết mạch lấy nhau thậm chí người cùng họ nhưng khác huyết thống (trường hợp ngoại lệ là đời nhà Trần có tục dòng họ lấy nhau theo chính sách "Di Hoa tiếp mộc" của Trần Thủ Độ, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi vương triều, và cũng chỉ áp dụng cho hoàng tộc nhà Trần. Điều này bị các nhà đạo đức và thức giả đời sau nghiêm khắc phê phán.