Xin chào, lại là tôi đây nhưng hôm nay chúng ta sẽ cùng nói về chủ đề hướng nghiệp. Có những điều mà, phải đi làm và trải nghiệm rồi thì tôi mới nhận ra, nên tôi sẽ chia sẻ ở đây để cho các bạn trước khi chọn ngành thì hãy suy nghĩ kỹ và chọn đúng để hạn chế rủi ro chọn sai ngành và phải bắt đầu học - thực tập lại từ đầu nhé:
1. Ngành Luật - Có nên đi du học chuyên ngành Luật?
Có lẽ do background từng đi du học và quen biết nhiều anh chị học các trường công/tư khác nhau nên tôi hay được các phụ huynh quen biết lẫn xa lạ hỏi ý kiến về việc chọn ngành chọn trường cho con. Có một lần tôi từng nói chuyện với một phụ huynh định cho con du học ngành luật, thì với kiến thức của tôi là một người có chứng chỉ ngắn hạn của một trường đại học luật công lập tại Việt Nam, nhà có người mở văn phòng công chứng và có bạn bè học luật tại nước ngoài, tôi sẽ phân tích 2 ý như sau:
Yếu tố 1: Đi học về - Hành nghề luật
Mỗi đất nước sẽ có thể chế pháp luật riêng, và khi bạn đi học một bằng đại học luật thì bạn đang học bộ luật của đất nước đó, và hình thành tư duy luật pháp dựa trên những gì bạn được giáo dục ở bậc đại học. Khá là phổ biến khi mình gặp các bạn đi du học luật ở nước ngoài về và thực tập tại các văn phòng luật tại Việt Nam bị sốc vì sự khác biệt về cách tư duy và vận hành ngành luật tại Việt Nam, vì tại bước đầu tiên hình thành mindset về chuyên ngành, bạn được tiếp xúc với bộ luật và cách tư duy hành pháp khác với cách vận hành tại Việt Nam, nên sẽ có nhiều chỗ bạn thấy bị cấn hoặc không phù hợp với cách bạn tư duy xử lý tình huống luật. Nhưng đôi khi, có một số điều luật hoặc quy định đã được thiết kế và áp dụng riêng cho tính chất xã hội và cộng đồng địa phương Việt Nam, nên gần như bạn học xong đi về, bạn sẽ phải làm quen lại từ đầu như một bạn sinh viên năm nhất, nhưng là với bộ luật Việt Nam.
Yếu tố 2: Đi học về - Viết lại luật
Có những bạn nói rằng đi du học luật nước ngoài là để hiểu cách thể chế pháp luật nước khác đang vận hành trên đất nước và cộng đồng của họ như thế nào, để rồi tham khảo các thể chế hay và có tính tối ưu cao để ứng dụng cho bộ luật tại Việt Nam. Về cơ bản thì ý tưởng đó không sai, nhưng tính chất học một bằng đại học luật là bạn phải đi học bộ luật và ứng dụng dựa trên thể chế luật pháp mà quốc gia bạn học, nên nếu mục tiêu của bạn là như vậy thì bạn đang đi sai hướng để đạt mục tiêu. Tôi sẽ khuyên bạn tham khảo thử ngành Chính Sách Công (Public Policy), tôi có biết một số anh chị bạn đang theo học ngành này ở trường đại học công lập Singapore thì thấy đây là một ngành học cover được cả về kinh tế, xã hội, chính trị, luật pháp etc; và con đường sau đó bạn có thể làm không chỉ về luật mà có thể tư vấn về chính sách công cho các tập đoàn nước ngoài chẳng hạn? Các công ty nước ngoài khi tiếp cận một thị trường địa phương sẽ rất cần một chuyên gia hiểu rõ về luật pháp địa phương lẫn các chính sách của chính phủ cho doanh nghiệp, hiểu rõ tính chất xã hội - kinh tế của một nước để tư vấn cách vận hành và phát triển cho doanh nghiệp tại địa phương đó. 
2. Ngành Du Lịch & Khách Sạn - Có nhất thiết phải học Du Lịch & Khách Sạn thì mới là đúng ngành?
Câu chuyện về việc học và làm ngành Du lịch & Khách sạn khá là thú vị, ít nhất đối với tôi. Vì từng được gia đình hướng đi học Hospitality (nhưng không chọn do thấy không phù hợp) và đi thực tập tại khách sạn lớn ở mảng Marketing Communications, nên tôi có kiến thức cơ bản về ngành này để chia sẻ cho các bạn. Nếu bạn đang có ý định học ngành Du lịch & Khách sạn, bạn nên nắm được 2 mảng cơ bản của ngành này để xem mình có nên học hay không:
Yếu tố 1: Vận hành 
Các công việc liên quan tới vận hành của ngành này là công việc liên quan tới các mảng Nhà Hàng/Bar/Pub (F&B), Đặt phòng (Reservation & Booking), Set-up (như dọn dẹp, chuẩn bị đồ, etc) hoặc Thiết kế Tour (Tour Guide). Những công việc này bắt buộc bạn phải có cả kiến thức lẫn trải nghiệm của một người làm chuyên ngành Du lịch & Khách sạn chuyên nghiệp để có thể vận hành trải nghiệm của một khách hàng của bạn thật trơn tru, và bạn sẽ được học từ cái nhỏ nhất như cách phục vụ khách hàng, cách pha chế đồ uống, cách set-up phòng hoặc sắp xếp lịch đặt phòng, etc. Theo đúng nghĩa của ngành, “Hospitality” - sự tiếp đón. 
Yếu tố 2: Kinh doanh/Marketing/Tài chính/Nhân sự etc 
Đa phần các trường đại học về kinh doanh sẽ có mở chuyên ngành Du lịch & Khách sạn, nhưng thường dạy các kiến thức chung chung về kinh doanh thay vì đi sâu vào bản chất của ngành Du lịch & Khách sạn. Cũng đúng thôi, vì với kinh doanh, việc có kiến thức cốt lõi về cách vận hành và phát triển các loại doanh nghiệp là yếu tố đầu tiên, còn yếu tố thứ hai sẽ là hiểu rõ về ngành hàng mình đang làm. Nên các bạn học du lịch & khách sạn nhưng muốn làm ở các vị trí như Marketing, Tài Chính hoặc Sale/Phát triển Kinh Doanh (Business Development) sẽ dễ mông lung vì mình học xong không hiểu sâu về bản chất du lịch & khách sạn mà cũng không nắm được cốt lõi kinh doanh, thường sau đó chỉ khi thực tập hay đi làm thì các bạn mới được học lại từ đầu. 
Lời khuyên của mình là, nếu bạn muốn làm về vận hành, hãy chọn một trường chuyên đào tạo về Du lịch & Khách sạn và cho thực tập trong chương trình học để bạn hiểu rõ về bản chất ngành. Còn nếu muốn đi sâu về phát triển doanh nghiệp (Business Growth), hãy học thẳng chuyên ngành đó và coi Du lịch & Khách sạn như một trong những lựa chọn ngành hàng mà bạn có thể trải nghiệm.
3. Ngành Marketing - Có phải chỉ có mỗi sáng tạo và mạng xã hội?
Từng có các thời điểm một số ngành học lên ngôi theo biến động của thị trường lao động, như Tài Chính - Ngân Hàng khi các công ty Big4 nổi lên, ngành Du Lịch & Khách Sạn khi cơ hội rộng mở, được làm việc tại các khách sạn fancy hoặc đi du lịch nhiều nước với thu nhập cao, cho đến hiện tại là ngành Marketing khi cơ hội được thỏa sức sáng tạo, khẳng định cá tính và nổi tiếng trên mạng xã hội. 
Tuy nhiên, có phải Marketing chỉ xoay quanh sáng tạo và mạng xã hội?
Một lần nữa, tôi cũng từng có dịp được nói chuyện với một em học lớp 12 có hỏi ý kiến tôi về việc chọn ngành Marketing, và câu chuyện diễn ra như status của tôi bên dưới:
Một chiếc status nho nhỏ đăng từ đầu tháng 5.
Một chiếc status nho nhỏ đăng từ đầu tháng 5.
Nếu đúng ra, chúng ta không nên dịch Marketing là Tiếp thị - nên dịch nó là từ “Làm Thị Trường”. Bạn tìm hiểu về một thị trường, khai phá nó. Bạn tìm hiểu về các đối tượng mục tiêu, tiếp cận họ. Bạn tạo ra một sản phẩm, bán nó. Bạn muốn người ta nhớ tới thương hiệu và sản phẩm của bạn, tạo ra thông điệp và biến gắn liền giá trị nó với top of mind của khách hàng. Để đến được giai đoạn tạo ra các sản phẩm sáng tạo, viết nên những áng văn chương bắn trend thì phải đi từ gốc chiến lược phát triển kinh doanh, sản phẩm và khai thác thị trường đó. Nên hãy hiểu rõ bản chất ngành và suy nghĩ kỹ trước khi vào Marketing nhé.
Có lẽ tôi là người khá khó tính và mọi thứ phải thật sự chỉn chu, nên tôi không chấp nhận việc những người làm Marketing hời hợt với cái nghề này. Ngoài đam mê, kiến thức thì nó còn cần một sự lì lợm với nghề, vì tôi nói thật, nghề này khắc nghiệt và cạnh tranh quá. Họ dùng những content điều hướng, bắt trend sáo rỗng để lấy peak traffic và gọi đó là Marketing :( oh no. Đó chỉ là một phương pháp truyền thông rất nhỏ trong Marketing, còn chúng tôi tập trung vào kiến tạo giá trị cốt lõi cho thương hiệu, sản phẩm và phục vụ tăng tiếp cận và sale cho sản phẩm. Nếu bạn làm Marketing mà không ra sale, bạn đã fail
Trên đây là 3 sự thật đắng lòng về 3 ngành cũng khá hot hiện nay. Mong rằng các em trước khi chọn ngành, hãy có cái nhìn đúng đắn về ngành mình chọn, để về sau không có gì hối tiếc và tiếp tục phát triển, sống đúng với đam mê mà vẫn kiếm ra tiền nhé :D 
Bài viết này có sự hỗ trợ từ chương trình Spiderum Ambassadors. Các bạn có thể tham khảo bộ sách “Người trong muôn nghề” của Spiderum để hiểu rõ về thông tin, câu chuyện về các ngành nghề thực tế từ các chuyên gia và người nổi tiếng trong ngành. Series sách “Người trong muôn nghề” cover nhiều mảng khác nhau, các bạn có thể tham khảo ở link Shopee bên dưới:
Ngành Sáng Tạo Nghệ Thuật Có Gì? https://shopee.vn/abc-i.119238273.11554033712
Ngành Xã Hội & Nhân Văn Có Gì? https://shopee.vn/abc-i.119238273.14579566228
Định Hướng Nghề Nghiệp Toàn Diện? https://shopee.vn/abc-i.119238273.8502094121