Source: Unsplash
Rằng Trầm Cảm là một giai đoạn bình thường trong cuộc đời, thậm chí là cần thiết cho sự trưởng thành, sự phát triển khoẻ mạnh về mặt tâm lý của một con người.
Mình từng bị trầm cảm - bắt đầu từ khi mình vào lớp 10, kéo dài đến khi mình vào năm nhất đại học. Mình không rõ là trầm cảm có quá nặng hay không, ký ức về những ngày đó còn khá mờ, nhưng mình nhớ rõ, đấy là một giai đoạn đầy sự nặng nề, cô độc, mệt mỏi, kéo dài lê thê, không biết lúc nào dừng. Những người thân thiết nhất không còn, mất kết nối với xung quanh, cảm giác bị xa lánh, yếu ớt, vô vọng, không có điểm tựa - giai đoạn đầu của trầm cảm như cơn ác mộng. Nhưng mình nhìn lại - chính giai đoạn "bơ vơ lạc lối" đó đã làm mình trưởng thành, độc lập lên rất rất nhiều. Khi không còn gì để bám víu - thì bạn sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài tự dựa vào chính mình, lắng nghe chính mình, làm bạn với bản thân. Từng bước từng bước, mình bước ra khỏi bóng tối của sự mịt mờ, vô vọng, và tìm thấy ánh sáng bên trong.
Trầm cảm là một giai đoạn bình thường trong cuộc đời, thậm chí là cần thiết cho sự trưởng thành, sự phát triển khoẻ mạnh về mặt tâm lý của một con người. Trầm cảm thường xảy ra khi con người bước vào một ngưỡng cửa mới, một cánh cổng mới - khi những gì của quá khứ, những gì đã xưa cũ đã không còn có thể phục vụ cho sự phát triển của bản thân, cho sự thích ứng với thực tại. Khi chúng ta học được bài học cần thiết cho sự trưởng thành, trải qua được giai đoạn "quá độ", quá trình chuyển tiếp từ một đứa trẻ về mặt tâm lý, trở thành một người trưởng thành, thì trầm cảm sẽ biến mất, và ta trở thành một con người mới - tự tin, thấu hiểu bản thân và thực tại hơn, chấp nhận được cuộc sống, cũng như chính bản thân mình, thay vì cố gắng níu giữ quá khứ, sống trong mơ tưởng. Nhưng để trải qua được giai đoạn quá độ này không hề đơn giản - nó buộc ta phải buông bỏ những thói quen cũ, suy nghĩ cũ, lề thói cũ, những tư tưởng mọi người xung quanh áp đặt lên ta, những gì ta từng tin về chính bản thân mình,... Rất rất nhiều điều về con người cũ buộc phải ra đi, con người cần phải tự "thanh lọc", thiết lập lại cả não bộ, cả thế giới quan, nhân sinh quan của bản thân, để từ đó ra đời một con người mới - khôn ngoan, trưởng thành, sâu sắc hơn. 
Bởi vậy, giai đoạn chuyển tiếp này diễn ra như một cuộc tái sinh - cái chết của con người cũ để có sự hồi sinh của một con người mới. Và giai đoạn chuyển tiếp này không chỉ diễn ra một lần, mà là nhiều lần ở những giai đoạn khác nhau của một cuộc đời. Chính sự mãnh liệt của cái chết về mặt tâm lý, của con người cũ này mới tạo ra những sự dữ dội bên trong cảm xúc của con người - mệt mỏi, chán chường, cảm giác cuộc sống vô nghĩa, u tối. Con người cũ đã không còn có thể hoà nhập được với thực tại, những gía trị cũ, niềm tin cũ, những gì ta từng được dạy đã không còn có thể giúp ích gì cho sự phát triển của chính bản thân ta bây giờ - bởi thế nó phải chết đi như một kết quả tất yếu. Những điều cũ phải ra đi thì con người mới mới có thể tái sinh, tâm lý con người mới thực sự trưởng thành, vững vàng trong cuộc sống, bởi thế, "trầm cảm" là một giai đoạn mang tính bước ngoặt trong sự phát triển của mỗi người, và giai đoạn bắt đầu cho quá trình trưởng thành - từ một đứa trẻ về mặt tâm lý: luôn lo âu, sợ hãi, không biết mình là ai - thành một người trưởng thành: vững vàng, cân bằng, kiên cường, và quan trọng là có sự thấu hiểu về bản thân sâu sắc, là cả một quá trình dài, đầy rẫy những sự chết đi và hồi sinh. Bởi vậy, ta có thể hình dung "trầm cảm" như một dòng sông - kết nối giữa con người cũ, niềm tin cũ đã lỗi thời tới con người mới với sự trưởng thành hơn về mặt nhận thức. Để đến được bờ bên kia - đến được với con người mới, ta không còn cách nào khác là phải nhảy xuống sông, lặn ngụp, tập tành bơi lội, giữ sức, chiến đấu một cuộc chiến dài hơi và mỏi mệt - để có được sự trưởng thành đáng giá.
Trầm cảm sẽ trở thành một căn bệnh nguy hiểm vào lúc nào? Đấy là khi trầm cảm kéo dài với những triệu chứng nặng nề, gây ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh (với những suy nghĩ muốn tự tử để đỡ phải chịu nỗi đau của giai đoạn chuyển tiếp tới sự trưởng thành). Đây là lúc người bệnh cần tìm đến sự giúp đỡ từ phía bác sỹ tâm lý, và lúc này, nhiệm vụ của bác sỹ tâm lý sẽ giúp người bệnh trải qua giai đoạn chuyển tiếp này, hoàn thiện quá trình trưởng thành mà chính bệnh nhân đã tự chính họ bắt đầu. 
Gần đây, mình đọc được một confession của một bạn "mọt sách" vừa ra trường đi làm. Bạn bị trầm cảm, bởi vì trong suốt thời gian đi học bạn luôn chỉ biết học, không biết cách giao tiếp với môi trường xung quanh, nên khi đi làm dễ bị mọi người bắt nạt, không dám lên tiếng bảo vệ quan điểm của chính bạn. Giá mà bạn nhận ra, chính giai đoạn trầm cảm này là "tín hiệu" của cuộc đời, rằng đã đến lúc để bạn thay đổi để phù hợp hơn với yêu cầu của thực tại, để thích nghi với cuộc sống của một người trưởng thành. Bởi vậy, "trầm cảm" không hề xấu - nó diễn ra vì bạn, không phải để quật ngã bạn, mà khiến bạn kiên cường, mạnh mẽ, khôn ngoan hơn. Đấy là những gì mình ước mình biết về trầm cảm 5 năm trước - rằng đằng sau giai đoạn đen tối kinh khủng của cuộc đời, một kế hoạch lớn lao hơn đang diễn ra, đưa bạn đến với  niềm hạnh phúc đích thực của một con người trưởng thành về mặt tâm lý, vững chãi, cứng cáp hơn trên đường đời. 
Vậy, khi bạn đang lặn ngụp giữa giai đoạn đen tối này của cuộc đời, thì nên làm gì? 
Khi mình bị trầm cảm, mình từng cố thúc đẩy bản thân khỏi giai đoạn đen tối đó, cố tìm về ký ức hạnh phúc ngày xưa, cố đủ mọi cách, nhưng màn đêm vẫn bao phủ, chẳng thấy lối ra. Nhưng khi đi qua những giai đoạn đen tối đó của cuộc đời, mình nhận ra: Càng cố vẫy vùng thì càng chìm sâu - như khi bị rơi xuống nước, nếu bạn càng cố thoát, cố bơi nhanh sang bờ bên kia, thì một lúc nào đó bạn sẽ mất hết sức lực và chìm xuống, hay như khi bạn lạc vào rừng sâu, càng chạy loạn lại càng lạc lối. 
Để thoát khỏi bóng đêm của trầm cảm, bóng đêm của cuộc đời, điều duy nhất bạn có thể làm là: Surrender - Đầu hàng. Đầu hàng không có nghĩa bỏ cuộc, tự tử luôn cho đỡ mệt mỏi. Đầu hàng là chấp nhận thực tại như chính nó - rằng bạn đang trải qua đêm đen của cuộc đời, rằng phải đi qua đêm đen này, bạn mới thấy được ánh bình minh, mới lột xác, trở thành con người mới. Khi đầu hàng rồi, tìm được sự bình yên trong tâm, không còn vẫy vùng, bạn sẽ dần dần có thể lắng nghe được sự mách bảo từ trái tim - rằng bạn cần thay đổi điều gì, bạn cần làm gì để bước qua được đêm đen một cách bình yên nhất - không vẫy vùng, hoảng loạn. Những gì cần phải ra đi, hãy để nó đi. Những cảm xúc đen tối bạn cần trải qua - thì hãy dũng cảm đối diện nó. Những năng lượng cũ, tiêu cực, đen tối được làm sạch thì mới có chỗ cho ánh sáng bước vào. Và rồi bạn sẽ đi qua đường hầm - trở thành một con người mới, mạnh mẽ, cứng cáp giữa sóng gió cuộc đời. 
Và một khi cơn bão đã đi qua, bạn sẽ không còn nhớ vì sao bạn lại vượt qua được nó, làm cách nào mà bạn lại sống sót. Bạn thậm chí còn chẳng thể chắc rằng, liệu cơn bão đã thực sự kết thúc chưa. Nhưng chỉ có một điều là chắc chắn. Một khi bạn đã đi qua cơn bão, bạn sẽ không còn là con người của trước đây. Ý nghĩa của cơn bão là vậy đó.
- Haruki Murakami, Kafka bên bờ biển
LƯU Ý - DISCLAIMER:
  • Mình viết bài viết này không để nói giảm đi độ nguy hiểm của căn bệnh trầm cảm. Nguyên nhân của trầm cảm còn có thể đến từ rất nhiều vấn đề khác: tâm lý học, xã hội học, sinh học (ví dụ: do não bộ có vấn đề, tiết ra các chất gây u sầu, chán nản, mệt mỏi, v.v.) Bởi vậy, nếu bạn bị trầm cảm nặng, kéo dài, hãy tìm đến sự giúp đỡ từ bác sỹ chuyên khoa để được chữa trị. 
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
-----------
Ghé thăm Blog của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: https://mysticcatlady.wordpress.com 
NGUỒN TÀI LIỆU CHO BÀI VIẾT: