Trên đời này, những người xung quanh bạn sẽ đến rồi đi. Cuộc đời giống như một chuyến xe buýt vậy: Có những người chỉ ở lại thoáng chốc ở trên xe, và có những người sẽ đứng lại để nói chuyện với bạn. Nhưng họ đều có một điểm chung: Họ sẽ đều bước xuống xe vào một thời điểm nào đó. Nhưng gia đình bạn giống như người lái xe vậy - Họ sẽ ở lại, và đảm bảo rằng bạn có một hành trình tốt nhất có thể...
Tôi chưa từng viết về gia đình mình, mặc dù họ là người có ảnh hưởng tới tôi nhiều nhất. Đối với tôi, gia đình tôi chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, có lẽ bởi vì chúng tôi đã trải qua quá nhiều khó khăn cùng nhau. Để giới thiệu, gia đình (nhỏ) của tôi bao gồm 4 người: bố, mẹ, tôi và em gái. Bố mẹ tôi kết hôn vào năm 27 tuổi, và em tôi sinh muộn hơn tôi 5 năm. Thoạt nghe thì có vẻ chúng tôi là một gia đình hoàn toàn bình thường như bao gia đình khác, nhưng sự thật là không phải vậy...
Cuộc sống của chúng tôi trôi qua như mọi gia đình khác trong vòng 15 năm đầu đời của tôi. Bố mẹ tôi là những người trên mức khá giả và đều là những người rất giỏi trong công việc. Ngày xưa, bố mẹ tôi cũng đều đỗ vào những trường chuyên hàng đầu của cả nước, và là những học sinh ưu tú nhất trong trường. Lên đại học, bố mẹ tôi dễ dàng đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội với số điểm cao. Mẹ tôi học công nghệ thông tin, còn bố tôi học hóa. Thực tế là cả gia đình tôi, từ ông bà nội ngoại cho tới cô chú bác, đều vào Đại học Bách Khoa cả. Bạn thấy đấy, gia đình tôi là một gia đình có học thức và có địa vị trong xã hội. Cho đến thế hệ của tôi: Tôi có lẽ là người đầu tiên trong dòng họ không đỗ vào bất cứ một trường điểm nào của Hà Nội.
Trong suốt những năm tháng cấp một, cấp hai và đầu cấp ba, bố mẹ tôi luôn thể hiện sự thất vọng rõ rệt khi đứa con gái cả không hề thông minh, và không có một xíu sự chăm học nào cả. Và tất nhiên là tôi cũng chả bao giờ chia sẻ gì với bố mẹ tôi cả. Nhớ về khoảng thời gian đó, tôi và bố mẹ tôi cãi nhau rất nhiều, và rõ ràng tôi rất hỗn láo và vô tâm nữa. Mọi chuyện cứ trôi qua như vậy thôi. Như bao gia đình khác, bố mẹ tôi có một đứa con gái đang tuổi mới lớn và nổi loạn, và một đứa con gái khác thì hiền lành và thông minh hơn. 
Tất cả mọi thứ đều rất bình thường cho tới năm cấp ba của tôi, tức năm tôi 15 tuổi. Không hiểu vì một lí do nào đó, tất cả những điều kinh khủng nhất đều xảy đến với mỗi thành viên trong gia đình tôi. Mở đầu bằng việc tôi trượt cấp Ba và vào một trường tư ở Hà Nội. Em tôi cũng học cấp hai tại ngôi trường đó để tiện đưa đón cả hai chị em. Và, do bản tính được chiều chuộng từ bố mẹ, cộng thêm gene nhạy cảm, em tôi gặp khó khăn trong việc hòa nhập với các bạn và bị bắt nạt khi bước sang ngôi trường mới. 
Còn tôi thì có bạn trai chỉ sau một tuần bước chân vào cấp Ba. Thế là tôi bắt đầu bỏ bê gia đình và việc học, lêu lổng với bạn trai tôi suốt ngày. Bố mẹ tôi có ý định cho tôi đi du học khi vào đại học, nhưng với bảng điểm của tôi lúc bấy giờ thì mọi chuyện dường như là không thể. Thế là chúng tôi, đã cãi nhau nhiều rồi, giờ còn cãi nhau nhiều hơn. Bố mẹ tôi liên tục trách mắng tôi vì không sang thăm ông bà ngoại, bỏ bê việc học, và không quan tâm tới chuyện em tôi bị bắt nạt. Còn tôi thì cứ bỏ ngoài tai, và dành toàn bộ công sức để xây dựng mối quan hệ với bạn trai của tôi. (Nếu bạn đọc những blog trước của tôi, bạn sẽ biết được thêm rằng mối quan hệ này đã hoàn toàn sụp đổ vào năm tôi học lớp 11, và là nguyên nhân chính khiến tôi chuyển trường vào năm lớp 12). 
Vào năm tôi học lớp 11 và cũng là năm em tôi vào lớp 6, mọi chuyện bắt đầu tệ hơn. Em tôi vẫn bị bắt nạt, còn tôi thì rơi vào trầm cảm sau một mối quan hệ đổ vỡ và không có bạn bè. Đó cũng là năm gia đình tôi bắt đầu rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng: Bà tôi bị ốm thập tử nhất sinh, chi phí chữa trị một ngày lên tới 15 triệu đồng. Em tôi bị bắt nạt thì hay về nhà buồn bã, cáu gắt và không nói chuyện với mọi người. Còn tôi thì sau khi bước ra khỏi mối quan hệ đó, tôi dường như cảm nhận lại được cuộc sống xung quanh tôi sau một khoảng thời gian dài. Tôi quan tâm tới gia đình mình hơn, tới thăm bà ở viện nhiều hơn, và tâm sự với mẹ nhiều hơn nữa. Vào học kì hai của năm lớp 11, cơn trầm cảm của tôi càng ngày càng trầm trọng, còn em tôi thì càng ngày càng tách biệt bản thân ra khỏi mọi người xung quanh. Mẹ tôi cho tôi đi trị liệu và đến bệnh viện nhưng cũng không hề xuyên giảm. Tôi vẫn còn nhớ vào cuối năm lớp 11, cả gia đình tôi đi tham quan cùng lớp của em tôi. Chúng tôi vô cùng đau lòng khi thấy em tôi luôn tách mình ra khỏi tập thể, khó chịu với các bạn, và hay khóc ở giữa đám đông. Vào mùa hè năm đó, em tôi bắt đầu nhìn thấy những ảo giác (một trong những dấu hiệu của bệnh lý tâm thần). Con bé hay kể với tôi về con ma màu đen hay đứng đằng sau dọa giết nó, điều khiển nó và ra lệnh cho nó phải làm những điều đáng sợ. 
Những kí ức đã phai mờ dần trong tâm trí tôi, nhưng tôi không bao giờ quên được những đau khổ của mùa hè bốn năm về trước. Tôi ngồi trên giường, khóc tới dường như ngất lịm đi, trong sự cô đơn, mệt mỏi và tuyệt vọng. Đó là khi bố tôi mắng chửi tôi khi em tôi chửi tôi trong khi tôi hoàn toàn không làm gì cả - "Mày có im ngay đi không. Mày biết nó đã bị như thế rồi mày còn muốn mọi chuyện tệ hơn nữa à.". Tất cả những gánh nặng đổ dồn lên đôi vai của đứa con gái 16 tuổi - không có bạn bè, trải qua một mối quan hệ đổ vỡ, có một gia đình nhiều vấn đề. Và tôi vẫn không bao giờ quên được cơn trầm cảm đó - cảm giác như có hàng nghìn cục đá trĩu nặng ở lồng ngực, khiến bạn không thể thở nổi. Đau như xé nát lồng ngực, nhưng dù khóc tới bao nhiêu, cơn đau ấy cũng chẳng thể phai nhòa...
Tôi bước vào năm lớp 12 ở một môi trường hoàn toàn mới. Đó là trường nội trú, nên tôi ở trường 9 tiếng một ngày. Vào đầu năm tôi lớp 12, con em tôi cũng chuyển vào trường mới, sau khi bố mẹ tôi lo ngại về những gì xảy ra với em tôi. Mặc dù chuyển sang một môi trường mới thân thiện hơn, em tôi vẫn gặp khó khăn trong việc hòa nhập với các bạn. Tôi thường bắt gặp nó đi một mình và ăn trưa một mình(giống như tôi hồi đó thôi). 
Và những điều đau đớn nhất bắt đầu... 
Tôi đang xem một bộ phim Hàn Quốc, tên là It's okay that's love. Trong phim, có một câu nói "Quá khứ đã qua đi, nhưng những kí ức đau khổ thì vẫn sẽ tồn tại. Giống như tôi ngủ trong buồng tắm, còn cô là chững rối loạn lo âu". Tôi chợt nhận ra bản thân mình trong câu nói đó. Tôi vẫn đang mắc phải PTSD và rối loạn lo âu sau tất cả những gì đã trải qua vào năm lớp 12 của tôi. Những kí ức đau đớn quá nhiều và quá buồn, khiến tôi không thể kể hết... Từ việc tôi self-harm lần đầu tiên sau cãi vã với gia đình, rồi lần self - harm thứ hai cũng sau cuộc cãi vã với gia đình. Cho tới lần cuối cùng, tôi thật sự nghĩ tới chuyện chấm dứt cuộc đời nếu như tương lai không tốt đẹp hơn. 
Đã hơn hai năm trôi qua, và tôi vẫn không thể nào quên được những gì đã xảy ra vào cái năm đen tối nhất cuộc đời đó. Em tôi, với sự cô lập ở lớp học, về nhà và trút giận hết lên mẹ tôi. Em tôi liên tục quát tháo mẹ, và bắt bẻ mẹ từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Mỗi khi mẹ tôi bị tổn thương và định mắng em tôi thì bố tôi gắt lên, mắng mẹ tôi và bảo mẹ tôi phải thôi đi. 
Nếu ai chưa từng trải qua, tôi có thể chia sẻ rằng, cảm giác nhìn thấy mẹ khóc là cảm giác đau nhất trên đời này. Đó là cảm giác thương, muốn chia sẻ nỗi đau đó nhưng không thể làm gì được. Và gia đình tôi luôn cãi nhau vào buổi tối, khi em tôi lại gây ra một điều gì đó và khiến gia đình tôi hỗn loạn. Mỗi khi ba chúng tôi cố gắng có một khoảnh khắc vui vẻ bên nhau, em tôi vì cảm thấy lạc lõng nên gây sự chú ý bằng cách gây sự với mọi người và khiến chúng tôi cãi nhau. 
...
(Còn tiếp)
p/s: Giờ đã là 1:17 nên tôi buồn ngủ quá rồi, tôi làm điếu thuốc rồi cà la té đây XD