Mình không phải là fan phim kinh dị. Thực sự mà nói thì mình rất sợ ma, bình thường thì không có gì, nhưng xem xong thể nào cũng ám ảnh và đêm không ngủ được. Nặng thì mất ngủ 3 ngày, nhẹ thì 1 đêm, thế nên mình hạn chế xem phim kinh dị hết mức. Tuy nhiên, Ghost Stories (2017) là một phim khiến mình thật sự suy nghĩ nhiều sau khi xem.
Nguồn: Internet
Nói qua về bộ phim một chút. Ghost Stories là bộ phim liên quan đến đề tài tâm linh, đặt ra câu hỏi cho khán giả liệu ma, linh hồn có tồn tại hay chỉ là bộ não chúng ta đang bày trò. Câu nói xuyên suốt cả bộ phim chính là "Bộ não chỉ thấy những gì chúng muốn thấy", gắn liền với 3 câu chuyện của 3 con người. Phillip Goodman là một giáo sư chuyên nghiên cứu về tâm linh và lật tẩy những trò lừa đảo của kẻ tự xưng là thầy đồng. Bỗng một ngày Goodman nhận được lá thư từ thần tượng của mình chứng minh 3 câu chuyện ông đang theo là không thật. Ba câu chuyện của 3 con người, 3 tầng tâm lý đan xen li kỳ, những dấu vết rải rác xuyên suốt cả bộ phim tạo thành mạch phim hoàn hảo.
Bản thân mình không quá thích cái kết của phim. So với câu chuyện được kể từ đầu, cái kết có vẻ hoàn toàn không hợp với mạch phim. Tuy nhiên, cái kết vẫn khiến mình cảm thấy hợp lý một cách kì lạ. Một phần nào đó, cái kết của phim giúp người xem liên kết lại chuỗi những sự kiện đã xảy ra, những nhân vật đã xuất hiện và những chi tiết nho nhỏ hoàn thiện cả chuỗi sự kiện. Điều mình đúc kết được sau cả bộ phim không phải là liệu ma có thật hay không, mà là mỗi người đều có một "tâm ma" - một con quỷ hiện diện trong tâm mình, ám ảnh mình đến cuối đời. Nếu con quỷ của Tony Matthews là người con gái bị bệnh "tự nhốt", của Simon Rifkind là gia đình và của Mike Priddle là đứa con trai chưa bao giờ được sinh ra, thì con quỷ của Goodman chính là thanh niên đầu trọc chết trong ống cống. Lúc Goodman hét lên "Tại sao lại chỉ có một mình tôi. Tôi không phải là người gây nên cái chết của anh ấy" thì mình đã nhận ra ngay. Goodman không phải là người trực tiếp gây nên cái chết của anh ta - nếu anh ta có trở về sẽ không trực tiếp ám ảnh Goodman. Tuy nhiên, chính cái cảm giác tội lỗi "đáng ra mình phải nói" đã ám ảnh Goodman, biến thành con quỷ ám ảnh Goodman trong chính thân xác ông ta. 
Goodman xuất hiện từ ngay đầu phim với câu nói - tuyên ngôn của ông
Điều duy nhất khiến mình suy nghĩ mãi, đó là bắt đầu từ khi nào thì Goodman bị giam trong thân xác ông ta. Cuối phim Simon (lúc này đã là một y tá trong bệnh viện) có nói Goodman cố gắng tự tử nhưng không thành, sau khi nằm viện thì mắc bệnh "tự nhốt". Vậy Goodman bắt đầu tự tử từ khi nào? Sau khi chứng kiến Priddle tự bắn nát đầu mình? Hay sau khi đến gặp Cameron một lần nữa? Kết cục của Goodman giống như một tuyên ngôn bác bỏ toàn bộ 3 câu chuyện đầu phim, nhưng cả 3 người trong 3 câu chuyện lại xuất hiện lại với vai trò khác nhau, liên quan mật thiết đến Goodman khiến câu chuyện phát triển hoàn toàn khác. Một giả thiết mình đặt ra đó là Goodman có thể đã tự tử bất thành từ ngay đầu phim, toàn bộ những gì đã diễn ra là trí tưởng tượng của ông ta mà thành. Ông ta nằm bất động nhưng vẫn nhìn được mọi thứ đang diễn ra xung quanh, nên rất dễ dàng để Priddle, Simon và Matthew xâm nhập vào não ông ta, dựng nên một chuỗi sự kiện gắn liền với bóng ma trong tâm lý Goodman. Tuy nhiên, bóng ma tâm lý chỉ xuất hiện sau khi Goodman tìm hiểu sâu hơn vào 3 câu chuyện của 3 người. Vậy nên bộ phim biến thành một câu hỏi lớn cuốn hút người xem đến những phút cuối cùng.
Lại nói, bản thân mình không phải là fan của phim kinh dị. Tuy nhiên những bộ phim hot như Annabelle hay The Ring bản remake mình vẫn có nghe đến và có xem qua. Điều khiến Ghost Stories ấn tượng với mình mạnh mẽ hơn hẳn so với dòng Annabelle universe (hay vũ trụ kinh dị) đó là cái chất kinh dị Anh Quốc. Sự khác biệt lớn nhất giữa dòng kinh dị Anh và kinh dị Mỹ là âm thanh. Với mình, kinh dị Mỹ quá ồn ào, hầu như jump scare nào cũng sẽ có âm thanh vang dội, át tâm lý người xem bằng âm thanh nhiều hơn là hình ảnh. Nhưng kinh dị Anh thì khác. Nếu ai đã từng xem series Penny Dreadful ( Truyện kinh dị Anh Quốc) thì sẽ không xa lạ gì với những hình ảnh chết chóc, những dấu hiệu đầy ám ảnh. Những jump scare của cả Ghost Stories và Penny Dreadful đều sử dụng ám thị tâm lý để dọa người xem. Chất kinh dị Anh Quốc phát ra từ âm thanh của sự im lặng, từ nỗi sợ bóng tối xuất phát từ tận sâu trong tâm khảm con người, từ tiếng thở nặng nề, tiếng giày da đạp lên sàn nhà đầy bụi hay tiếng radio trong bóng tối mờ mịt. Toàn bộ những điều tưởng như đơn giản nhưng lại gây ra hiệu ứng cực tốt đối với phim kinh dị. Trong bóng tối, khi thị giác của con người giảm ở mức tối thiểu, toàn bộ các giác quan khác bị phóng đại đến tối đa, và lúc ấy sự im lặng tuyệt đối cũng gây ra nỗi sợ tột cùng.
Phân cảnh Priddle ôm đứa con trong tâm trí Goodman
Khi xem phim này, mình thật sự rất ấn tượng với diễn xuất của Martin Freeman. Anh già đóng phim này mang một cái cốt khác hẳn. Martin kể cả khi đóng Sherlock hay phim mới nhất của Marvel là Black Panther thì đều mang một cảm giác khá vội vàng. Martin luôn nhận những vai khá thông minh, và có hơi hướng quân đội như Watson trong Sherlock hay Ross trong Black Panther, nhưng kể cả vai Bilbo Baggins trong The Hobbit đều khiến mình có cảm giác anh khá vội vàng, và thỉnh thoảng hơi thiếu suy nghĩ. Nhưng vai Priddle trong Ghost Stories đã khiến mình suy nghĩ lại. Priddle của Martin nhuốm một màu quỷ quyệt, anh diễn chậm rãi, mỉm cười, thả từng câu chữ qua đôi môi mỏng, biến mất chỉ sau một khung hình. Cảm giác quỷ quyệt anh mang lại khiến mình hoàn toàn bất ngờ. Dù nhân vật Priddle của Martin vẫn có phần nào đó giống các nhân vật khác của anh trong các phim có bối cảnh hiện đại. Nhưng chính cái cảm giác quỷ quyệt anh mang đến (vì Priddle là người dẫn dắt Goodman đối mặt với con quỷ) khiến anh như biến thành một con quỷ thật sự. Cảnh Priddle bón một thìa thức ăn cho mèo cho đứa con trai đã chết của anh rồi ôm nó vào lòng thật sự khiến mình ấn tượng quá sâu. Anh diễn rất thong thả, như tận hưởng thời gian với đứa con ma quỷ với tình yêu thương vô hạn của một người cha.
Kết lại thì những ai thích xem phim kinh dị, thích xem một bộ phim cân não phải suy nghĩ rất kỹ để tìm ra cái kết thì mình thấy đây là một bộ phim hoàn hảo. Chính biên kịch của Ghost Stories cũng thừa nhận cái kết hoàn toàn không phù hợp, nên mình cũng chẳng cần xoi mói cái kết quá làm gì. Thật sự thì, đến tận khi mình viết ra những dòng này, mình vẫn sợ và ám ảnh những con quỷ trong phim, nhưng cùng lúc mình cũng suy đoán khá nhiều về những chi tiết phim. Vẫn có rất nhiều chi tiết trong phim mà mình không giải thích được như khoảng thời gian 4 giờ kém 15, hay hình ảnh con chim, con búp bê mặc váy vàng,... có ý nghĩa. Mong có ai giải thích cho mình.