Ghi chép từ tọa đàm “Các lý thuyết về dịch giả” của Zzz Review
Người dịch có vô hình so với tác giả? Đâu là những giới hạn của sự sáng tạo trong dịch thuật? Người dịch nên đối mặt với vấn đề quản...
Người dịch có vô hình so với tác giả? Đâu là những giới hạn của sự sáng tạo trong dịch thuật? Người dịch nên đối mặt với vấn đề quản lý rủi ro và đạo đức nghề nghiệp như thế nào? Những chủ đề này đã được thảo luận một cách sôi nổi trong buổi tọa đàm “Các lý thuyết về dịch giả”, do tạp chí Zzz Review tổ chức sáng 28/11/2020 tại Viện Geothe Hà Nội.
Buổi tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện về văn học và xuất bản, do tạp chí Zzz Review tổ chức mỗi tháng 2 lần. Lần này, diễn giả chính là chị Nguyễn Quyên (Tiến sĩ văn học, chủ biên Zzz Review) và anh Nguyễn Nhật Tuấn (Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ & Dịch thuật, tốt nghiệp Đại học Dublin, hiện giảng dạy tại Đại học Hà Nội). Trước sự kiện, cử tọa đề nghị đọc chương “Các lý thuyết về người dịch”, in trong cuốn “Theories of Translation” của Jenny Williams. Việc thảo luận trên cơ sở tài liệu đã giúp tiết kiệm thời gian của diễn giả, đồng thời giúp cử tọa nhanh chóng bước vào một cuộc trao đổi sôi nổi, thú vị nhưng không kém phần chất lượng và hàm súc.
Người dịch có vô hình so với tác giả?
Đây là câu hỏi được đặt ra khá sớm trong buổi tọa đàm. Các diễn giả và cử tọa đã trao đổi về vấn đề này qua lăng kính lý thuyết của Lawrence Venuti, mà chương 4.3 trong “Theories of Translation” có đề cập.
Về mặt cảm quan, Tiến sĩ Nguyễn Quyên nhận xét rằng độ hữu hình của người dịch ở Việt Nam đã thay đổi theo dòng thời gian. Trước năm 2007, tên người dịch hầu như không bao giờ được ghi lên bìa sách ở Việt Nam, và người dịch nào đòi ghi tên lên bìa có thể bị xem là “táo tợn, quá đáng”. Sau thời điểm đó, các quy định về bản quyền khiến việc ghi tên người dịch lên bìa sách, đảm bảo sự hữu hình của người dịch trở thành một chuyện đương nhiên. Không dừng ở đó, thị trường xuất bản hiện nay còn chứng kiến một hiện tượng ngược lại, khi người dịch được gán cho tầm quan trọng không kém tác giả. Nhiều dịch giả đã xuất hiện trong các buổi giới thiệu và ký tặng sách – một vinh quang trước đây chỉ dành cho tác giả. Dù vậy, danh tiếng dễ có được thì cũng dễ mất đi: các “cuộc chiến dịch thuật”, trong đó đám đông được huy động để “truy sát” và “ném đá” dịch giả, cũng đã trở thành một hiện tượng quen thuộc trên không gian mạng. Chị Quyên giải thích rằng trong thị trường văn học Việt Nam, tác phẩm Việt Nam yếu so với tác phẩm nước ngoài, nên lượng sách dịch áp đảo lượng sách viết, và dịch giả dần có tầm quan trọng không kém tác giả.
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Tuấn cũng chia sẻ quan điểm này, khi nhận xét rằng trong các nền văn học non trẻ, văn học dịch thường chiếm thế mạnh hơn. Qua góc nhìn của lý thuyết phức hệ (polysystem theory), anh Tuấn cho rằng vị thế nền văn học của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào các tác phẩm văn chương, mà còn phụ thuộc vào vị thế chính trị, kinh tế, thậm chí là số người được trao giải Nobel của quốc gia đó; bởi đây là những yếu tố khiến người ngoài cho rằng tác phẩm văn chương của một nước là đáng dịch. Như vậy, có nhiều yếu tố khiến người dịch đang có vai trò lớn và độ hữu hình lớn ở Việt Nam.
Về mặt thực hành, người dịch nên dịch sát nghĩa của văn bản gốc (word for word), vì vậy trở nên vô hình, hay nên tái tạo văn bản theo cảm nhận của mình sao cho để phù hợp với ngôn ngữ đích và đối tượng độc giả (sense for sense), nhờ đó trở nên hữu hình? Tiến sĩ Tuấn cho rằng đây là câu hỏi cần đặt ra trong nhiều cuộc tranh luận về dịch thuật trên mạng xã hội. Chẳng hạn, trong “cuộc chiến dịch thuật” xoay quanh hai bản dịch Lolita của Dương Tường và Thiên Lương, từng gây bão mạng vài năm trước, nhiều chi tiết gây tranh luận không thật sự là lỗi dịch thuật do trình độ, mà chỉ do hai dịch giả có cách diễn giải khác nhau. Một ví dụ khác là cuộc tranh luận về việc có hay không nên dịch các câu chửi tục trong tiểu thuyết, khi một mặt, những nội dung này thường không xuất hiện trong sách in ở Việt Nam, mặt khác, việc loại chúng khỏi văn bản sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến ý nghĩa của văn bản.
Đối với câu hỏi này, các diễn giả và cử tọa đồng ý rằng lời giải sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố - như thể loại văn bản, nhu cầu của nền văn hóa, kỳ vọng của nhóm độc giả, và các lực lượng tham gia hoặc tác động đến quá trình xuất bản.
Về thể loại văn bản, người phiên dịch cần dịch sát nghĩa các đoạn hội thoại, trừ một số ít trường hợp đặc biệt. Người biên dịch cũng cần dịch sát nghĩa các văn bản hợp đồng, pháp luật, khoa học… Trong khi đó, người dịch văn chương nên “cố gắng truyền tải cảm quan của mình về tác phẩm thay vì chỉ dịch câu chữ”, và “được phép phóng tác, miễn là làm tác phẩm bay lên”. Tuy nhiên, cần đặt ra giới hạn cho cả hai lối dịch: việc dịch “word for word” không được phép khiến bản dịch trở nên không thể hiểu được; còn người dịch “sense for sense” không được phép hiểu sai ngữ pháp và từ vựng, hoặc gây hiểu lầm về bối cảnh văn hóa của văn bản gốc.
Về nhu cầu của nền văn hóa, lý thuyết của Venuti sử dụng hai khái niệm quan trọng: nội địa hóa (domestication), và ngoại quốc hóa (foreignization). “Nội địa hóa” là dịch văn bản nguồn bằng giọng văn quen thuộc trong ngôn ngữ đích, qua đó duy trì hiện trạng và quyền lực của ngôn ngữ đích; còn “ngoại quốc hóa” là duy trì lối diễn đạt của ngôn ngữ nguồn trong văn bản đích, qua đó vừa kháng cự, vừa làm giàu ngôn ngữ đích. Tiến sĩ Tuấn cho rằng chiến lược “nội địa hóa” chỉ nên được áp dụng khi văn bản nguồn chứa các khái niệm và bàn đến các vấn đề quá mới, chưa từng hiện diện trong các trao đổi, thảo luận ở Việt Nam. Ngoài ra, cần lưu ý rằng nếu chọn “ngoại quốc hóa”, người dịch sẽ phải du nhập các cấu trúc văn hóa, cấu trúc suy nghĩ, cấu trúc tinh thần của các nền văn hóa nước ngoài, thay vì chỉ du nhập phần xác của ngôn ngữ.
Việc chọn lựa giữa “nội địa hóa” và “ngoại quốc hóa” cũng cần được xem xét trên một phương diện khác: kỳ vọng của nhóm độc giả. Khi dịch những văn bản có ngôn ngữ phá cách (ví dụ: trường hợp cuốn Genre Trouble), dịch giả sẽ phải cân nhắc xem liệu mình đang muốn phổ biến kiến thức trong sách cho nhiều người, hay muốn chia sẻ với một nhóm độc giả nhỏ những cách nhìn, cách nghĩ mới mà tác giả muốn truyền đạt qua cấu trúc ngôn ngữ.
Sau cùng, những lực lượng tham gia hoặc tác động đến quá trình xuất bản – như các đội dịch, các biên tập viên và các hệ thống kiểm duyệt – cũng có ảnh hưởng lớn đến những lựa chọn của người dịch. Diễn giả và cử tọa đồng ý rằng quy trình xuất bản sẽ tác động đến các quyết định của người dịch trong nhiều tình huống thực tế, như khi phải dịch các câu chửi bậy trong tiểu thuyết, hoặc dịch những chi tiết bị cho là “nhạy cảm về mặt chính trị”.
Những kinh nghiệm thực tiễn trong nghề dịch
Trong buổi tọa đàm, diễn giả Nguyễn Nhật Tuấn cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn của anh trong quá trình hành nghề phiên dịch và biên dịch.
Về câu hỏi “Khác biệt giới giữa tác giả và dịch giả có làm ảnh hưởng đến chất lượng bản dịch không?”, anh Tuấn cho rằng câu trả lời còn tùy từng trường hợp. Nếu khác biệt này khiến dịch giả chưa có trải nghiệm cảm xúc tương tự tác giả, và không hiểu thế giới quan của tác giả, thì bản dịch sẽ không phản ánh được tinh thần của bản gốc, khiến chất lượng của bản dịch bị ảnh hưởng. Để khắc phục hạn chế của mình khi dịch những đoạn văn xoay quanh trải nghiệm của người chăm sóc con nhỏ, anh Tuấn từng phải dành thời gian để đọc các trao đổi trên diễn đàn Web Trẻ Thơ. Trong một số trường hợp khác, anh và các cộng sự đã phải liên lạc để thảo luận với tác giả về cách dịch phù hợp nhất.
Cử tọa cũng đặt câu hỏi: “Nên dịch các văn bản cổ, thuộc một hệ hình văn hóa khác, như thế nào?”. Về vấn đề này, anh Tuấn gợi ý rằng nên xác định đúng đối tượng và mục đích của bản gốc; dịch đúng ngữ pháp; và sử dụng ghi chú khi cần làm rõ bối cảnh, hoặc khi dịch các cụm từ có hai lớp nghĩa.
Anh Tuấn lưu ý rằng để hạn chế rủi ro khi hành nghề phiên dịch, người dịch cần hiểu biết và có chiến lược. Về mặt hiểu biết, cần hiểu khách hàng, hiểu bối cảnh, và “đứng chắc chân trong hai vùng văn hóa”. Phiên dịch viên nên thương lượng với khách hàng để được đọc trước các tài liệu liên quan, nếu có thể; và không nên nhận các đầu việc quá sức mình. Về mặt chiến lược, người dịch cần hiểu rằng mình đang giữ vai trò một bên tham gia đàm phán. Từ góc nhìn thực dụng, khi làm phiên dịch trong các cuộc thương lượng, người dịch cần cân đối giữa nhu cầu bảo vệ lợi ích của thân chủ với nhu cầu giữ cho thương lượng không đổ vỡ (do việc đó có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của mình). Từ góc nhìn đạo đức nghề nghiệp, người dịch cần cố gắng truyền tải chính xác những gì các bên muốn nói, và xem xét những tình huống trong đó họ cần bảo vệ bên yếu thế thay vì thân chủ. Ngoài ra, cả người phiên dịch lẫn biên dịch đều phải đối phó với những rủi ro do hệ thống chính trị và văn hóa mang lại. Trong từng hoàn cảnh khác nhau, người dịch cần chủ động ra quyết định để cân đối giữa lợi ích thực dụng, các sức ép từ hệ thống chính trị, văn hóa, và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Chuỗi sự kiện về dịch thuật mới chỉ bắt đầu
Trong các trao đổi bên lề buổi tọa đàm, đại diện của Viện Goethe khẳng định rằng Viện luôn coi trọng vai trò của các dịch giả trong hành trình “kéo các nền văn hóa lại gần nhau”. Viện Goethe Hà Nội đã cùng tạp chí Zzz Review thực hiện dự án “Đọc lại Truyện Kiều”, nhằm xem xét Truyện Kiều qua lăng kính của cả cách đọc truyền thống lẫn các cách diễn giải đương đại. Viện sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao Đức để tổ chức một buổi hội thảo online về dịch thuật vào ngày 07/12. Thông tin về sự kiện này sẽ được thông báo qua các phương tiện truyền thông của Viện trong vài ngày tới.
Tiến sĩ Nguyễn Quyên cho biết tạp chí Zzz Review sẽ tiếp tục tổ chức một buổi tọa đàm về dịch thuật vào ngày 12/12/2020, với sự tham gia của diễn giả từ ba đầu cầu là Pháp, Mỹ và Việt Nam. Trong năm 2021, Zzz Review sẽ ra một số tạp chí xoay quanh chuyên đề lý thuyết dịch thuật, do Việt Nam đang rất thiếu sách về chủ đề này, dù thị trường dịch thuật ở Việt Nam đang độ nở rộ.
Nguyễn Vũ Hiệp
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất