Kỳ tam nguyệt cá thứ 2 của thai kỳ - Đúng như các sách vở ghi chép thì đây là một chu kỳ dễ chịu nhất của các bà bầu. Dễ chịu là bởi sao? Là bởi thứ nhất: sức khoẻ của mẹ bầu ở thời kỳ này ổn định, mẹ bầu không còn tiêu chảy, không đau đầu, không high mood và cũng là lúc nhiều mẹ chọn đi du lịch, hay tận hưởng cuộc sống trước khi sinh nhiều nhất. Tuy nhiên, đối với mình, một người lần đầu làm mẹ thì chu kỳ thứ 2 của thai kỳ mình vẫn gặp phải một số vấn đề sau:
1. Sức khoẻ
Ngứa -Ngứa - Ngứa điên người...
May mắn hơn các mẹ khác là mặt mình trơn láng, không mụn nhọt, mũi không to và da, tóc có phần chắc khoẻ, căng bóng hơn ...tuy nhiên mình lại là đứa có cơ địa nhạy cảm. Mang thai mùa hè cơ thể mình đổ mồ hôi nhiều hơn và tháng 4-5-6 thai kỳ cũng là lúc mình bắt đầu xuất hiện dấu hiệu rạn da... Do vậy mình ngứa sau khi tắm xong (da khô), ngứa khi da đổ nhiều mô hôi (bầu lại thân nhiệt cao hơn người khác) và ngứa cả ở những da rạn... sau một một hồi nghiên cứu vài loại kem rạn bà bầu thì mình lựa chọn dùng dầu dừa làm chân ái bôi thoa lên khu vực ngứa của mình mỗi khi tắm xong hoặc mỗi khi thấy ngứa... Đặc biệt ở khu vực chân ngực hay đổ mồ hôi mình lót thêm miếng khăn xô em bé để hạn chế việc mồ hôi tiết vào người gây ngứa ..Vậy là vết ngứa cũng tạm ổn.
Chuột rút, phù chân
So với những mẹ bầu khác mình phù chân và chuột rút khá sớm. Từ tháng 4 của thai kỳ việc chuột rút diễn ra 3-4 lần/1 tuần và phù chân khiến cho mỗi bước đi của mình hơi đau... hồi đầu mình thực tình không chú ý việc này cho lắm cho đến khi sáng nào cũng dậy trong cơn đau chuột rút nhiều quá mình mới nghiên cứu tìm hiểu vì sao mình hay bị thế? Để giải quyết vấn đề này bác sĩ đã kê cho mình liều lượng canxi và magie nhiều gấp đôi người thường, thêm vào đó đứa bạn cũng tặng một chiếc gối bầu chữ J để gác chân mỗi tối (bác sĩ cũng khuyến nghị mình kê chân, kê bụng để hạn chế máu dồn chân) ... Cũng thế là từ đó, vợ chồng mình tạm xa nhau mỗi đêm bởi em gối đã trở thành chân ái không thể thiếu được cho mình có giấc ngủ êm ái
2. Tài chính
Vitamin
Oạch, hoá ra giờ mang bầu tốn kém phết chứ chả đùa. Ở kỳ tam cá nguyệt thứ nhất mình tốn khá nhiều chi phí cho xét nghiệm và chi phí thuốc men an thai thì ở tam cá nguyệt thứ 2 này chi phí tốn kém của mình nằm ở việc mua bổ sung thêm các vitamin cho bầu như Sắt, Canxi, Magie, DHA... Mặc dù các chị gái ở văn phòng chia sẻ nó không tốn kém lắm nhưng đó là thời các chị khám thai cách đây 7-8 -9 năm rồi, còn đến giờ, trung bình mỗi tháng mình cần chi trên 1 triệu đồng cho việc mua các loại vitamin này.
Quần áo mẹ bầu
Thêm vào đó, bầu bí cũng là lúc cơ thể biến đổi, mình cũng cần sắm thêm quần áo váy bầu, dép bầu để cho phù hợp với hoàn cảnh. Theo kinh nghiệm cho thấy: mình chỉ mua khoảng 5-6 bộ mới (4 váy, 2 quần áo) để cho việc ra ngoài, mua một đôi dép bầu tăng lên 2 size so với số cũ -mình cũng ưu tiên chọn loại không có quai hậu hay buộc dây để tiện xỏ ; Sắm 3-4 bộ ở nhà trong đó cũng chia một nửa là váy, một nửa quần áo bầu vì mình thấy mặc quần tiện hơn cho cơ địa hay ngứa của mình... như vậy cũng là đủ. Mình không khuyến khích mọi người nên mua nhiều vì bằng một cách nào đó khi bạn mang bầu, rất nhiều người sẽ cho bạn quần áo bầu :)) thêm vào đó, cái bạn cần đầu tư chất lượng thì sẽ là đồ lót bầu. Áo lót cần khoảng 5 cái và quần lót tầm 10 cái. Lý do: ngực sẽ biến đổi theo thời gian, chiếc áo lót êm êm là chiếc bạn sẽ dùng đến tận khi khi bạn cho con bú nên áo cần đầu tư, nghiên cứu loại tốt. Còn quần lót, sau khi được tặng và tự mua mình nhận thấy loại cần có đũng trắng và làm từ cotton, không viền ren, không cạp cao là một chân lý!!! Vừa tiện theo dõi dịch vì bầu rất dễ viêm nhiễm "em bé mèo" và khi bầu thì cũng không nên chun bụng quá, tức bụng lắm!!!
Tiết kiệm sinh nở & bảo hiểm thai sản
Ngoài ra, khi mang thai, điều mình không thể không quan tâm đó chính là chi phí sinh nở. Mặc dù vợ chồng mình đã tính toán để chuẩn bị ra những khoản cho chi phí sinh con. Bản thân mình còn có thêm gói bảo hiểm sinh nở do cơ quan mua thêm cho nhân viên tuy nhiên đến tháng thứ 6 của thai kỳ, gói bảo hiểm của mình có sự thay đổi, giảm xuống 2/3 chi phí hỗ trợ. Như vậy, đồng nghĩa là vợ chồng mình cần tiết kiệm nhiều hơn để chào đón bé yêu ra đời. Kinh nghiệm xương máu này cho mình thấy là tốt hơn không nên quá phụ thuộc vào các loại bảo hiểm cơ quan mua:
- Bảo hiểm y tế bắt buộc thì chi trả khám thai khá ít. Và nếu bạn sinh nở thì nó chi trả 80% với trường hợp khẩn cấp, đúng tuyến và 40% trái tuyến. Nếu bạn đẻ mổ và có sử dụng dịch vụ thêm thì nó không hỗ trợ nhiều chi phí như thuốc gây tê, giảm đau (cái thứ đắt tiền xót ví)
- Bảo hiểm tự nguyện cơ quan mua thêm thì có thể thay đổi điều khoản bất cứ lúc nào... Trường hợp của mình không phải ngoại lệ mà khá phổ biến. Cơ quan bạn thân mình cũng vậy, đến năm bạn mình đẻ thì bảo hiểm tự nguyện cũng có thay đổi. Bạn may mắn hơn mình là bạn chỉ bị giảm 20% số tiền nhận thai sản khi công ty bảo hiểm thay đổi chính sách.
Như vậy, để an toàn, mình khuyến nghị chị em nên nghiên cứu bảo hiểm thai sản tự nguyện - tự mua và đóng trước khoản này trước 240 ngày để có thể nhận gói bảo hiểm thai sản - vừa tiết kiệm chi phí sinh và cũng vừa bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro bảo hiểm mình kể trên.
3. Tinh thần
Trộm vía, tháng 4-5-6 cũng là những tháng mình đã quen với sự thay đổi hóc -môn do vậy mình không còn dễ tức -dễ khóc như 3 tháng đầu nữa. Đây cũng là thời gian mình bắt đầu nạp thêm kiến thức sinh- chăm sóc con và luyện tập một số bài tập thể dục thể thao để vừa khoẻ thể chất vừa dẻo tinh thần.
Kiến thức chăm sóc mình, chăm sóc con
Trên thị trường có khá nhiều loại và thú thực mình mình hoang mang không biết nên bắt đầu từ đâu? Sau một hồi mày mò mình thấy có 2 cuốn có thể đọc đó là:
- " Lần đầu làm mẹ": Sách do một bác sĩ người Nhật viết. Sách đơn giản. Ghi rõ những vấn đề hay gặp khi mang thai và có giới thiệu những đồ dùng cần thiết khi mang thai, sinh nở . Tất nhiên, đây là sách của Nhật nên sẽ có một số thông tin mình thấy không dùng được ở Việt Nam. Bạn có thể dùng 70% kiến thức chung về bầu bí ở đây để áp dụng vào thực tế.
- "Nuôi con không phải cuộc chiến 1": chăm em bé sơ sinh theo phương pháp EASY. Đơn giản, dễ hiểu và "thực chiến". Cuốn 2-3 mình chưa thèm đọc. Lý do: cứ từ từ đến đâu tính đến đó vì lúc bầu hay quên lắm :P
- Ngoài ra mình tải thêm app FLO. Mình dùng bản có trả phí vì đứa em nó cho mình hé hé. App hay ở chỗ là ngoài theo dõi kinh nguyệt ra thì sau khi có thai, app sẽ cung cấp kiến thức cho mình hành trình bé lớn từng tuần ra sao, mẹ nên làm gì-ăn gì ở mỗi tuần.. túm lại khá chi tiết và đặc biệt lại ở điện thoại nữa nên khá tiện tra cứu. Điểm trừ: hiện tại FLO chỉ có bản tiếng Anh nên bạn cần biết chút ngoại ngữ để đọc nó.
- Sử dụng AI: từ lúc mình bầu là muôn vạn câu hỏi vì sao xuất hiện trong đầu.. Ông chồng mình, cũng một người lần đầu làm bố đã hỗ trợ mình tìm kiếm một con Ai chuyên trả lời các câu hỏi về bầu bí cho mình để mỗi lần cần gì mình lên đó tra cứu cho tiện thay vì search linh tinh. Thế là mỗi khi không biết có nên loại quả này hay bôi thuốc gì không? mình đều hỏi Ai trước khi hỏi bác sĩ.. nếu vấn đề không quá nghiêm trọng...
Điều chỉnh cảm xúc và thói quen
- Group mẹ bầu: Khoẻ lại cũng là lúc mình lên mạng để tìm sự đồng điệu :)) Lý do mình không nói chuyện với các bạn thân đã mang bầu của mình vì các bạn hiện đã sinh con hết rồi và không có thời gian nhiều cho mình. Do vậy việc lên group FB các mẹ bầu bên cạnh đọc thông tin về sinh nở, mình còn tìm thấy ở đó những băn khoăn y chang mình khi mang bầu...túm lại mình đã thấy bản thân không cô đơn khi ở trong group. Recommend cho bạn là mình hiện ẩn danh ở group: mẹ bầu thông thái (FB), bạn có thể vào để học hỏi kinh nghiệm các mẹ nếu bạn đang và chuẩn bị mang thai trong năm tới.
- Viết nhật ký: hahahaa, mình viết nhật ký không phải là ghi lại cảm xúc của mình dành cho con mà chủ yếu ghi lại món mình đã ăn :))) mình là một con nghiện cafe,trà và thi thoảng đôi lúc cũng ăn uống không lành mạnh do vậy việc ghi lại đồ mình ăn hàng ngày sẽ hỗ trợ cho mình điều chỉnh lại chế độ ăn của mình, kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể hay chỉ đơn giản là phòng ngừa chứng táo bón thai kỳ....VD: nhờ ghi lại nhật ký mình phát hiện mình đã có kỷ lúc 10 ngày liên tiếp ăn bánh mỳ pate như vậy khá thừa cholesterol và không đủ chất cho bé nên đã tự điều chỉnh để bản thân ăn uống tốt hơn.
- Tập thể dục: Ừ- Đây là việc mình lười nhất khi mang thai...cứ đi bộ được 10 phút mình phải nghỉ 20 phút vì quá mệt.. và khi mệt thì mình chả làm được gì cả nguyên buổi sáng/ chiều hôm đó. Dẫu vậy, mình vẫn luôn cố gắng một tuần tập thể dục 2-3 lần. Mỗi lần 10-20 phút để cho bản thân bớt uể oải hơn, và quan trọng là khi tập xong mình cảm nhận rõ rệt tinh thần mình tốt hơn so với lúc không tập. Các bài tập mình sử dụng thường có tiêu chí dễ -bổ -free bao gồm: (1) Đi bộ - Dễ nhất nè; (2) Tập quay các khớp cơ thể (mình dùng bài tập khởi động của Vĩnh Xuân quyền) - Tập cái này xong thì người sảng khoái lắm, đúng kiểu đả thông kinh mạch trong kiếp hiệp; (3) Tập cardio theo clip trên youtube của Vblogger Phan Nữ Uyên Nhi bởi bạn ấy có chia làm 2 hiệp tập. Mỗi hiệp chỉ tầm 10p nên nếu mệt mình có thể pause video lại sau đó tập tiếp. Trong các bài tập có sẵn trên mạng này, mình không lựa chọn tập Yoga ưu tiên như nhiều mẹ bầu vì mình chưa có điều kiện đi tập với giáo viên và khi tập theo các video trên mạng mình không chắc mình có làm đúng không. Và cuối cùng, khi có thời gian thì mình tập hít thở, quan sát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân :)) trong vòng 10 -30 phút tuỳ ngày. Vì sao mình làm vậy? Vì mình thấy mỗi lần mình làm thế tự nhiên mình trở nên sáng suốt, từ bi hơn so với những ngày không thực hành vậy :)) Mình nghĩ rằng bé nhà mình cũng được lợi ích gì đó như là nhận được nhiều oxy hơn chả hạn mỗi khi mình thực hành chánh niệm.
Trên đây là chia sẻ về một số kinh nghiệm cá nhân của mình sau khi đã đi qua giai đoạn tam nguyệt cá thứ hai. Mình muốn lưu lại khoảnh khắc chỉ đến 1-2 lần trong đời này của mình và cũng muốn tặng bạn góc nhìn khác trên spiderum, không chỉ có triết, chính trị, kinh tế, tình yêu ...mà còn có cả góc nhỏ cho cuộc sống thường nhật: chuyện bầu bí.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất