Đây là cuốn sách viết về cuộc đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 – Thương Ương Gia Thố (Tsangyang Gyatso) – thủ lĩnh tôn giáo của dòng Phật giáo Mật Tông Kim Cương Thừa (tính riêng Hoàng Giáo – Cách Lỗ thì cũng có thể là Ganden Tripa) , lãnh tụ chính trị của mảnh đất Tây Tạng huyền bí, nhưng lại được hậu thế biết đến với tư cách là một nhà thơ tình vĩ đại.
hồng trần
Chắc không có tôn giáo nào trên thế giới này có nhiều nhánh phái, trường phái như Phật giáo cả. Mỗi một trường phái khác nhau lại có những hướng trọng tâm khác nhau để tu hành nhưng dù đạo danh có khác biệt, phương pháp có thể biến đổi chỗ này chỗ kia, thì tất cả vẫn luôn tuân thủ theo Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo của Đức Phật Thích Ca. Tức là dù đường đi là gì thì mục tiêu cũng là diệt hết hỉ, nộ, ái, ố để thoát được khổ đau, vượt ra khỏi vòng luân hồi sinh tử để chứng đắc Niết Bàn. Câu hỏi được đặt ra là làm sao có thể một người nhân từ, nhân hậu, thương yêu cả nhân loại, dành trọn đời để cứu độ chúng sinh thoát khỏi khổ đau như Đức Phật Thích Ca – con người vĩ đại ấy lại không biết yêu thương. Chắc chắn là không thể. Sẽ có những cách giải thích hợp lý khác cho câu hỏi trên, nhiều khi sẽ vô cùng gay gắt. Cũng có những cách giải thích đường vòng một chút nhưng dễ cảm nhận hơn đối với một người bình thường không thạo giáo lý, giả như thông qua việc nghiệm lại cuộc đời thăng trầm của vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 – Thương Ương Gia Thố.
Có lẽ mọi người đã quá quen thuộc với hình ảnh của vị Đạt Lai Lạt Ma đương nhiệm Đăng Châu Mục Thố (Tenzin Gyatso). Ngài tài giỏi, truyền cảm hứng, Ngài có tầm ảnh hưởng đến mức nhiều khi người ta vẫn nhầm tưởng Ngài chính là đại diện của toàn bộ tín đồ Phật giáo hiện nay. Có thể không đạt được tầm ảnh hưởng toàn cầu, nhưng sự vĩ đại của của vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Lobsang Gyatso đối với Hoàng giáo, đối với Phật giáo và đối với Tây Tạng có thể so sánh được. Lobsang Gyatso chính là người đưa địa vị của Đạt Lai Lạt Ma, của Hoàng giáo lên cao nhất, thống nhất lại một Tây Tạng đang rối ren.
Sinh ra trong bối cảnh người tiền nhiệm, tiền kiếp quá đỗi tài giỏi với chừng vậy những cống hiến, Thương Ương Gia Thố trở thành một “con sâu làm rầu nồi canh”, trở thành một biểu tượng tôn giáo mà đối với nhiều tín đồ là không thể chấp nhận được. Đó là bởi vì Ngài thân là Phật sống lại đem lòng đi yêu một cô gái. Cứ ban ngày thuyết giảng kinh Phật tại cung điện Potala, đêm xuống Ngài lại trốn ra ngoài để gặp tình nhân Mã Cát A Mễ. Cứ như vậy cho đến khi bị phát hiện, khiến Khang Hy nổi giận và đòi phế truất Ngài, áp giải Ngài về Bắc Kinh tra hỏi.
Thương Ương Gia Thố thường được ví là người “sinh vì Phật – sống vì tình”. Ngài là biểu tượng của sự nổi loạn trong một không gian tôn giáo nghiêm ngặt nhất. Ngài luôn được biết đến một trong những vị Đạt Lai Lạt Ma có trình độ học vấn và Phật pháp cao nhất nhưng đồng thời người ta cũng nhớ đến Ngài với những câu thơ tình kinh điển nhất. Ngài đi lại trên sợi dây ranh giới giữa đúng và sai, giữa nhiệm vụ giải thoát chúng sinh đang chịu quá nhiều khổ đau và tình yêu đang ngày một nồng cháy, giữa lựa chọn dành cả cuộc đời này để nối tiếp sứ mệnh của Phật Tổ hay có thể chết vì tình nhân.
“Thế gian ai trọn đôi đường cả
 Không phụ Như Lai chẳng phụ nàng”
------------------------
Có lẽ hiện nay khá khó để có thể tìm được một cuốn sách viết về lịch sử Tây Tạng, về những vị Đạt Lai Lạt Ma hóa thân chuyển thế, lại càng khó hơn để tìm được cuốn sách nào viết về Thương Ương Gia Thố, nhân vật gây quá nhiều tranh cãi này. Chính điều này đã làm nên giá trị của cuốn sách “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất” của tác giả Bạch Lạc Mai. Đọc xong cuốn sách, các bạn sẽ có hình dung nhất định về bối cạnh lịch sử, chính trị trước sau và quan trọng nhất là cuộc đời của Thương Ương Gia Thố và cả những huyền sử khó có thể đọc được ở nơi khác.
Nếu ai đã chót yêu quý vị Đạt Lai Lạt Mai thứ 6 này, chót say đắm những câu thơ tình phóng khoáng nhưng chịu đầy trói buộc của Ngài, những yếu tố khác như tác giả viết quá hoa mỹ, tản văn lan man, dài dòng, thì đây vẫn là một “báu vật”. Chưa kể, cuốn sách được kèm theo phụ bản các bài thơ của Thương Ương Gia Thố bằng tiếng Trung và có bản dịch lục bát tiếng Việt. Đảm bảo đây là những bài thơ bạn chưa từng đọc.