Một bộ phim hay thường nhắm đến khía cạnh dẫn dắt mạch truyện, giúp người xem hòa mình vào bối cảnh hay nhân vật, từ đó để lại những cảm xúc và trải nghiệm khó quên. Bỏ qua một số chi tiết chuyên sâu về phim ảnh như góc quay hay diễn xuất của nhân vật, âm nhạc chính là thứ làm cho bộ phim trở nên sinh động, mang lại các cảm xúc khó tả mà không cần phải qua một diễn giải dài dòng nào. Suy nghĩ đó, quan niệm đó đã không bao giờ rời bỏ Thomas Bergersen
Lấy ví dụ từ bản soundtrack “Final Frontier” trong trailer của bộ phim Interstella, chắc bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng đoạn trailer này đã cán mốc 16 triệu lượt xem trên trang chia sẻ Youtube. “Final Frontier” mang âm hưởng hùng tráng và dồn dập nhưng cũng không kém phần diễn cảm, truyền tải được những gì mà đạo diễn Christopher Nolan muốn truyền tải đến người xem qua “bản anh hùng ca khoa học không gian Instertella”. Cũng cần phải nói thêm rằng chính nhạc sỹ nổi tiếng Hans Zimmer và đạo diễn Christopher Nolan đã chọn bài nhạc Epic này cho bộ phim.

Tác giả của nhạc phẩm “Final Frontier” không ai khác chính là Thomas Bergersen, nhạc sỹ trẻ người Na Uy. Anh là người đồng sáng lập Two Steps From Hell với bề dày thành tích tham gia các bộ phim lớn như “Interstellar”, “Star Trek”, “The Dark Knight”, “No Country for Old Men” và “Lincoln”. “Final Frontier” cũng là một trong những nhạc phẩm từ album Epic “Sun” của Thomas Bergersen. Bài phỏng vấn sau đây sẽ mang lại cho chúng ta những thông tin chi tiết hơn về chàng nhạc sỹ trẻ tài năng này, giúp khán giả tiếp cận gần gũi hơn với hình ảnh của anh.

Chào Thomas, điều gì đã mang lại cảm hứng cho các sáng tác của anh?
Nói về cảm hứng một cách chính xác là điều rất khó. Đối với tôi thế giới giống như một bảng màu vậy, mỗi người sẽ có cách phối màu của riêng mình để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật, phục vụ cho bản thân và cho cộng đồng. Cảm hứng của tôi đến từ những khoảnh khắc rất bình thường, cái chính là chúng ta phải biết nắm bắt và thay đổi hay cải thiện nó theo ý mình, truyền được “cái hồn” của sự sáng tạo vào nó.
Các tác phẩm của anh có ảnh hưởng từ phong cách của các nghệ sỹ nào?
Làm sao để có thể lên được một danh sách đầy đủ đây, vì nhiều lắm. Tôi không quan tâm quá nhiều về thể loại hay sự phân chia trường phái riêng biệt. Trong âm nhạc, điều cần thiết chính là khả năng truyền tải thông điệp cũng như hướng đến các giá trị văn hóa phù hợp với cuộc sống. Do đó tôi dễ dàng nhận ra rằng bất kể ở thể loại hay trường phái nào, nếu chúng ta thích và cảm nhận được một tác phẩm nào đó thì nó đã là một sản phẩm thành công.

Thể loại hùng ca luôn mang lại một trải nghiệm rất “đã” và được rất nhiều người yêu thích. Xin anh cho biết định nghĩa sơ bộ về thể loại này cũng như vì sao anh chọn nó?
Như đã nói trên, tôi quan tâm khá ít đến các định nghĩa về thể loại hay trường phái. Các “định nghĩa” này thường làm hạn chế khả năng phát triển của âm nhạc, chia nhỏ nó ra thành từng “kiểu nhạc” khác nhau bằng các quy định và phân loại chung. Nó còn là nguyên nhân khiến đông đảo người nghe nhạc “bị định hướng” theo một “kiểu nghe” nào đó, phần nhiều là từ các ý kiến của số đông. Khi sáng tác tôi thường đơn giản là thả hồn ra và chỉ thế thôi, cảm hứng sẽ tự đến một cách tự nhiên nhất. Nếu bắt buộc phải phân loại, tôi sẽ đặt tên cho nhạc của mình là “thể loại cảm xúc”.
Anh có thể dùng ví dụ từ tác phẩm “Final Frontier” để giải thích thêm về phong cách cũng như trường phái âm nhạc của mình không?
“Final Frontier” thực ra là một bài hát mà tôi đã sáng tác từ lâu mang tên “I’ll Do Anything” tuy nhiên chưa có dịp giới thiệu với thính giả. Ca khúc được bắt đầu bằng âm điệu đơn giản với nhịp nhanh đều, sau đó được hòa thêm âm thanh từ một số nhạc cụ khác, tạo ra một nền nhạc hỗn loạn và dồn dập hơn. Thực sự mà nói, tôi dường như còn không suy nghĩ gì hết khi sáng tác “Final Frontier”, và chưa bao giờ tự nói với mình rằng “Cái này không được” hay “Cái kia không phù hợp”. Tất cả đều là tự nhiên mà đến cả.

Tôi đoán rằng các nhạc phẩm trong album “Sun” cũng được sáng tác tự nhiên như thế phải không?
Có thể nói là đúng một nửa. Tuy đều xuất phát từ cảm hứng tự nhiên, tuy vậy mỗi tác phẩm lại là một trải nghiệm khác nhau không có chút tương đồng hay trùng lặp nào cả. Sự khác biệt có mặt từ các chi tiết đơn giản hữu hình như tempo, cách dẫn nhạc đến những cảm xúc phức tạp tùy theo trải nghiệm của mỗi người. Soạn nhạc là phải có tính tò mò, thêm bớt chỗ này chỗ khác để có thể tạo ra được một tác phẩm ưng ý nhất, tôi may mắn được sở hữu tính tò mò này.
Những trailer nào được anh yêu thích nhất và tạo cảm hứng sáng tác cho anh nhiều nhất?
Tôi khá ít xem trailer và phim, ngay cả những bộ phim đình đám như Star Wars, Avatar hay Schindler’s List tôi cũng chưa có dịp để thưởng thức. Các đoạn trailer tôi đã xem cùng có một điểm chung là sử dụng quá nhiều nhạc và được “nhấn” vào các phân cảnh một cách hơi máy móc. Tuy nhiên nhiều trailer cũng làm rất tốt khi biết chọn nhạc phù hợp, gợi lên được sự hiếu kỳ của người xem khi chờ đón bộ phim.
Nhạc của anh thường dùng ngôn ngữ Latinh thay vì tiếng Anh, vì sao lại có sự “phân biệt” này?
Lời hát bằng tiếng Latinh trong các tác phẩm của tôi phần nhiều được dùng như âm thanh của một loại “nhạc cụ đặc biệt”. Những tiếng khấn niệm, tiếng đồng ca đó mang âm hưởng chi tiết và biểu cảm hơn nhiều so với tiếng Anh. Thêm nữa là khi người nghe hiểu được ngay lời nhạc, bộ não của họ vô thức sẽ chuyển ngay sang việc phân tích ngôn ngữ đó, bỏ qua “cái hồn” trong tiếng nhạc mà tôi muốn truyền tải.
Có nhiều nhận xét rằng phong cách âm nhạc hùng tráng đang bị lạm dụng ngày càng nhiều trong các trailer hay các bộ phim thời gian gần đây, tạo ra sự bão hòa và nhàm chán dồng thời làm cho loại nhạc này bị “tầm thường hóa” đi. Ý kiến của anh ra sao?
Tôi không có ý kiến nào cả. Đối với tôi nếu một cái gì đó gây được sự chú ý và chấp nhận của người khác thì tôi mừng cho họ, thế thôi. Công việc tôi làm mỗi ngày, những nhạc phẩm tôi sáng tác đều bắt nguồn từ đam mê âm nhạc và cảm xúc tự nhiên. Tôi không bắt mình phải sáng tác theo một “chu kỳ” hay quy chế nào, và cũng không cố gắng nhào nặn tác phẩm của mình cho phù hợp với số đông. Nếu một âm thanh nào đó bị chê là nhàm chán nhưng lại phù hợp với cảm xúc sáng tác của mình, tôi sẽ không ngần ngại sử dụng nó.
Anh có nhận định riêng nào về ngành sản xuất nhạc phim trailer hay không? Theo anh khuynh hướng nào sẽ trở nên thông dụng trong tương lai?
Tôi không chắc lắm về câu hỏi này vì bản thân không theo dõi nhiều về xu hướng thị trường nói chung cũng như ngành công nghiệp nhạc phim trailer nói riêng hiện nay. Theo cá nhân, tôi nghĩ dòng nhạc giao hưởng sẽ phát triển vượt trội trong tương lai và thay thế các thể loại nhạc điện tử. Giới trẻ có đủ sự thông minh và điều kiện trải nghiệm để tìm ra cho mình một khuynh hướng phù hợp nhất, và khuynh hướng đó sẽ thống trị trong tương lai. Chúng ta không cần phải bó buộc họ vào cách nghĩ lối mòn và xưa cũ làm gì, việc gì đến sẽ đến một cách tự nhiên nhất.
Xin cảm ơn anh.