Vụ phóng sinh đợt rằm vừa rồi làm nhớ lại nhiều tranh cãi khác trong dư luận về các thực hành Phật giáo. Ở Vn tôi thấy thường các ý kiến hay bàn quanh chuyện "có thực Phật nói vậy không?" hay "Phật có nói nhưng có thực hiểu như thế không", mà ít khi thấy có câu hỏi này:

Uh, cứ coi Phật nói thế. Rồi sao?

Như kiểu rằng Phật đại diện cho cái gì đó hẳn nhiên là chân lý và việc tranh cãi chỉ còn là chân Phật hay giả Phật mà thôi vầy.  

Trong tâm trạng ấy, tôi nhớ đến truyện Tây Du Ký và một comment về nó như sau: 

Có thể ai đó sẽ cười bạn này sao lại đem góc nhìn hiện đại đi áp vào tiểu thuyết thần tiên chứ. Song tôi thì nghĩ, chính góc nhìn của hậu thế, nhờ độ trượt thời gian, có lúc lại phản ánh thế giới xưa chân thực hơn. Và comment trên đã nhận ra một điều đúng như sau: 
Tây Du Ký không phải một tiểu thuyết được viết để ca ngợi Phật giáo.

Mà để làm điều ngược lại. 
   
Tây Du ra đời thời Minh Thanh, thuật lại chuyến đi của Trần Huyền Trang và các đệ tử sang Tây thiên thỉnh kinh ở thời Đường. Nội dung chính nằm ở 9x9=81 kiếp nạn thuộc đủ thể loại: vu vơ như quên hỏi tuổi rùa nên bị thả rơi ở Thông Thiên Hà, trúc trắc như trả vàng báo ơn nhà họ Khấu rồi mắc hoạ, hài hước như Đường Tăng uống nước Tử Mẫu nên mang thai tại Tây Lương, đau lòng như Ngộ Không bị đuổi khi thu phục Bạch Cốt, dễ dàng như Đại Thánh một gậy diệt sạch lũ mộc tinh, nhiêu khê như Hành Giả ba lần mượn quạt bà La Sát, náo nhiệt hài hước như Tôn Trư Sa chễm chệ toà Tam Thanh biến sư thành đạo sĩ và đạo sĩ cả nước hoá thành sư, hay cả trớ trêu vụn vặt như đem về kinh không chữ.  
Nhưng dù có đầy đủ màu sắc, đa dạng tình tiết với tầng tầng lớp lớp nhân vật người lẫn yêu ma, vẫn có một vài mô típ lặp đi lặp lại trong 81 kiếp nạn trên:    
1. Yêu, người, phật, thần, đều khó phân biệt chân giả.


Pháp thuật yêu ma ưa chuộng là biến hình. Level cơ bản hoá ra người, cao hơn hoá ra người quen, cao nữa sẽ mạo danh người có vị thế kiểu như tiên chúng thần phật. Ma đầu tiêu biểu là Bạch Cốt Tinh, tuy chỉ biết vài ngón biến thân tầm thường cũng khiến mấy thầy trò một phen khốn đốn. Bạch Cốt đã vẽ ra đủ chuyện éo le thương tâm như là cô gái đi mời cơm, bà lão đi tìm con gái, rồi ông già tất tả tìm con và vợ, và khiến Ngộ Không, nhân vật từng đại náo thiên cung lần này đành cúi đầu chịu nhục, giết xong Bạch Cốt cũng bị thầy mắng nhiếc đuổi đi, và kết cục Ngộ Không phải gạt nước mắt bay về Thuỷ Liêm Động.    
Không chỉ giỏi biến quái thành người, một số con tinh còn có khả năng biến người thành yêu quái. Giữa triều đình, trước mặt vua nước Bảo Tượng, Hoàng Bào Lão Yêu (Khuê Tinh) vừa đội lốt một trang thiếu niên tài ba tuấn tú vừa phun nước biến Tam Tạng thành hổ dữ, chớp mắt đã biến mình đường đường chính chính ngồi cạnh quốc vương còn Tam Tạng thành yêu tinh nhốt trong cũi sắt.


Lộn chân giả, yêu quái hoá phò mã, Tam Tạng thành yêu tinh

Tất nhiên ma cao một trượng đạo cũng lóp ngóp được một thước, hầu vương Tôn Hành Giả cũng toàn có trò hoá thân thành yêu tinh lẻn vào động nghe ngóng hay nẫng trộm bửu bối. Nhưng Ngộ Không vốn từng là một con yêu, nên có như vầy cũng ko có gì lạ lẫm. Thú vị chính là các vị thần tiên cũng thích biến thành cấp thấp hơn, như sơn thần thổ địa hay hoá thành ông già bà lão tiều phu cảnh báo kiếp nạn sắp tới. Hay Bồ Tát đã từng biến thành yêu tinh sói để giúp thu phục đồng đảng là tinh gấu đen, hình thức bộ điệu giống đến độ Ngộ Không thốt lên một câu ẩn ý:    
“Tuyệt quá, tuyệt quá! Ngài là Bồ Tát yêu tinh, hay là yêu tinh Bồ Tát đấy?”  
Cũng nhờ những tình tiết lẫn lộn như thế, Tây Du Ký cho ta chu du vào một thế giới chân giả biến ảo khôn lường, nơi mà một con thỏ có thể làm nên công chúa, một con hươu chễm chệ chức Quốc sư, một con sư tử hoá ra Đường Tăng và một thằng oắt con cũng mang danh Bồ Tát. Thần, người, quỷ, tiên, như nhập nhoà, trắng đen tốt xấu chẳng dễ phân định. Đọc Tây Du, vì vậy, việc đầu tiên là đặt ra tự vấn:  
Vậy thì làm sao để biết đâu là thần là người là yêu, đâu là thánh tăng và đâu là yêu ma đội lốt đây?  
2. Sẽ bị lừa hết thôi ...
Thắc mắc trên càng trở nên kịch tính khi chân giả được sắp xếp để trực diện đối đầu.


Hành Giả giả - Hành giả thật
Có con yêu nọ từng đội lốt Ngộ Không tính nhái cả 4 thầy trò đặng tự đi lấy kinh. Lúc đầu nó lừa được Tam Tạng và Sa Tăng; Hành Giả bèn kéo nó sang Nam Hải tố với Bồ Tát, Bồ Tát cũng chịu không nhận ra, kéo lên thiên đình, các thiên thần bó tay, kéo vào điện Linh Tiêu, Thượng Đế soi Kính Chiếu Yêu cũng không phân biệt nổi. Lên Trời không được thì xuống Đất, cả hai xộc vào Sâm La nhờ Diêm Vương khu xử, các ông vua âm ty tra sổ cũng không lần ra manh mối, cuối cùng nhờ con Đế Thính có khả năng hiểu thấu thiện ác mọi cõi thì mới ra, nhưng chính nó cũng chả dám nói mà đẩy sang Tây Thiên. Chỉ nơi cuối cùng trời và đất này, ở Bảo Sái lôi âm, duy nhất Như Lai mới nhận ra được chân tướng của con yêu là giống khỉ 6 tai, nghe rõ và biết rõ việc trời đất.  


Bảo Sái lôi âm, khỉ 6 tai hiện nguyên bản tướng
Khác với Bồ Tát từng chủ quan cho rằng “Sự thật thì khó dệt, giả dối sẽ dễ trừ, cứ đến đó tự khắc sẽ rõ”, hồi bé tôi đã tự xếp đây là kiếp nạn khó khăn số một trong toàn truyện Tây Du, bởi chưa lúc nào vừa đọc lại vừa hồi hộp lo cho Ngộ Không nhiều như thế. Cũng dễ hiểu là với Tôn Ngộ Không, người vốn coi thường Thiên lẫn Địa, thì đánh mất Nhân mới là kinh dị nhất, có nỗi sợ nào còn cơ bản hơn nỗi sợ hiện sinh kiểu bỗng nhiên có thằng hang hốc đâu hiện ra, nháy mắt nẫng luôn không chỉ nhân dạng mà cả bạn bè người thân quá khứ hiện tại tương lai của mình chớ.    
Cũng từ kiếp nạn trên, ta thấy với câu hỏi về chân giả, đáp án trong Tây Du là rất chắc chắn:   
An tâm, tất cả rồi đều sẽ có lúc bị lừa, ko chừa một ai.
Người bị lừa, sư bị lừa, đạo sĩ bị lừa, quân thần vua chúa bị lừa, yêu tinh lớn bé đều bị lừa, thần tiên Bồ Tát Thượng Đế cũng bị lừa và thần thông quảng đại như Đại Thánh bị lừa nốt. À quên, có Phật Tổ và Đế Thính là không. Cơ mà cả vũ trụ có nhõn một Phật Tổ Như Lai và một con Đế Thính, cụ với nó chỉ ngồi đó làm bình vôi đâu có can dự việc thế gian, có đúng không?    
Bởi chân giả vô cách thẩm định như vậy, trong đại đa số diễn biến của Tây Du, kết cục là hung hiểm hay kỳ tích chỉ dựa trên cán cân hỗn loạn sẽ nghiêng về đâu: Giữa người và yêu, là bên nào sẽ nhận ra trước hay bên nào sẽ bị lừa trước?    
Ngộ Không nhìn rõ thật giả nên giết được Bạch Cốt, Tam Tạng ko phân thật giả nên chửi mắng Ngộ Không, Ngộ Không bị đuổi nên Tam Tạng vào tay Khuê tinh, Khuê Tinh giỏi tráo chân giả nên Tam Tạng bị nhốt Khuê Tinh thành phò mã, cuối cùng Khuê Tinh cũng chả phân biệt được công chúa thật công chúa giả nên mới bị Đại Thánh thâu phục.    
Ta có thể coi quá trình đấu tranh trong chuyện càng ngày càng ít giống mô típ cái Thiện cảm hoá và vượt lên cái Ác, mà gần hơn với sự giằng co mẹo mực giữa đôi bên xoay quanh nhào trộn Chân và Giả. Một lần nữa, điều này muốn ẩn dụ về sự mờ nhoè ranh giới giữa chính đạo và tà đạo, giữa tam giống Thần, Phật, Yêu, ko chỉ theo ý: Vô cách phân biệt; mà còn theo ý: Thực ra có gì khác biệt hay không?  
3. Bị lừa ... có thật là bị lừa?  
Để làm rõ ý này, có thể thấy cấu trúc đời sống của các giới nhìn bề ngoài thì cũng không quá khác nhau hay khác con người là mấy.    
VD như thần tiên cũng có hỷ nộ ái ố, có châm chọc chế giễu, có dung túng bao che, có phân biệt đẳng cấp, có luôn hận thù mấy kiếp hẹn ngày hạ phàm báo trả. Ngược lại, phía yêu ma quỷ quái, cũng có tri kỷ đàm đạo ngâm thơ đánh đàn, có anh em cha mẹ vợ chồng ông cháu, có tình có nghĩa, biết lo lắng biết khóc thương, biết báo hiếu biết trả ơn, có cả tôn ti trật tự kính trên nhường dưới.  
Xét về chuyện tu hành, nhiều con yêu tinh không chỉ có bề ngoài mặt mũi nhân từ, bộ điệu thanh quý, biết khoác cà sa, mang áo dấu, cầm quyền trượng, vẩy phất trần, mà còn ngồi thiền, tụng kinh, tu công, niệm chú, cầu trời đất, cúng Tam Thanh, thờ Phật Tổ, và mở miệng rao giảng điều nhân nghĩa.    
Ngược lại, con người và thần phật tu hành thì sao?  


Mê cà sa, phương trượng sinh tâm ác
Phương trượng trụ trì mê cái cà sa đẹp mà sẵn sàng lừa mượn, cả tu viện bao sư sãi đều hùa nhau lập mưu phóng hoá giết người, A Nan Ca Diếp đệ tử chân truyền Phật Tổ thì vòi vĩnh hối lộ, không được bèn lừa người giao cho kinh không chữ. Phật tổ đi cầu siêu đòi nhà nọ phải dâng tặng mấy đấu vàng; mang tiếng dứt khỏi hồng trần song vẫn nhận đại bàng là “họ hàng”, con này gây hại vô số trong nhân gian, Phật dụ nó quy y như sau “Ta cai quản cả bốn đại bộ châu, vô vàn chúng sinh chiêm ngưỡng. Phàm có việc gì hay, ta bảo họ cúng khẩu nhà ngươi trước”, đâu có khác chuyện thời nay các lãnh đạo ở Vn hay rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc và chuyển sang vị trí khác cao hơn là mấy. Nói cách khác là giới Phật trông uy nghiêm mà có lúc chả khác mấy cõi trần, cũng đầy đủ sự tự tư tự lợi từ kẻ kém đạo hạnh cho đến bậc chân tu. 
Tất cả những diễn biến này tạo thành các câu hỏi:    
Thế thì có tồn tại ranh giới yêu, thần, Phật hay không?  
Hay tất cả đều là những cái nhãn, tất là đều là người mà thôi, nhưng tự khoác cho mình cái áo và chụp người khác cái mũ để phân biệt? 
Bình loạn cuối trận:  
Hẳn nhiên Yêu Thần Phật đâu phải y hệt, trong truyện thì yêu ăn thịt người, thần phật thì ko. Song sự hỗn loạn thật giả đặt ra câu hỏi:
Nếu cái giả xuất hiện đầy rẫy mà tu hành đắc đạo nghìn năm cũng chả giúp nhận ra, thì không phải những rao giảng Yêu Thần Phật dựa trên hình thức đều là chênh vênh, chủ quan và nhiều lúc vô nghĩa hay sao?    
Cả một cơ ngơi cõi Phật với ngọn Linh Sơn, toà Lôi Âm, “năm trăm La Hán, ba nghìn Yết Đế, bốn vị Kim Cương, .... ” đi cùng Phật Tổ Như Lai trên toà sen, tất cả chỉ là đồ hàng mã của một tay tiểu đồng, vầy mà vẫn lừa được thánh tăng trí tuệ đức độ Đường Huyền Trang, không phải là ẩn dụ của Ngô Thừa Ân về ảo tưởng Phật giáo hay sao? Có khi viết đến đoạn này Ngô lão gia không bật cười thì ắt cũng tủm tỉm, như một ông Tàu nào đó cho rằng Tây Du Ký “thực chất để cười nhạo với đời”.    
Theo cách ấy, nếu một số người vẫn cho rằng Phật giáo cho ta niềm tin, thì Tây Du Ký đã tặng cho chúng ta niềm nghi ngờ. 
Tiêu đề của bài viết là công án thiền Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ, vốn nghĩa là khi tu tập đừng quá ham cầu tựu thành. Câu này gồm 2 ý: 1. Bởi nghĩ rằng tựu thành nghĩa là dừng lại, kẻ nào tự mãn mình đã nhìn thấy Phật, đã biết đâu là chân lý cũng nghĩa là đã vĩnh viễn dừng lại; và 2. câu này muốn tách rời cái đích cần hướng tới khỏi sự hình thức, mà hình thức ở đây ko chỉ là vỏ vật chất còn cả các tín điều được dạy dỗ.  

Sự nghi ngờ Tây Du đặt ra chính là khớp với công án này. Khi mọi hình thức, bao gồm cả dáng điệu lời nói đều có thể bị làm giả, thì đừng bao giờ chỉ ỉ i vào những thứ đó để mà tin. Suy cho cùng, không phải diện mạo, không phải áo quần, cũng không phải nốt những lời rao giảng, chỉ có duy nhất một thứ, đó là hành động, hành động và hành động, là ăn thịt người hay là cứu người, mới xác định được tà hay là chính mà thôi.    

Như vậy, Tây Du có thể nhạo đời hay nhạo báng cả Phật, nhưng chính theo cách đó lại là đang hiểu được cái chân chính nếu có của Phật pháp. Mà thế cũng có thể coi như, tưởng chân hoá giả mà trông giả lại hoá chân vậy ...  


Bài có liên quan 
My Facebook: Gwens