Gặp Nhau Cuối Năm 2020 hay sự ẩn dụ về những thay đổi.
Gặp Nhau Cuối Năm 2020 hay sự ẩn dụ về những thay đổi. Xem Gặp Nhau Cuối Năm (GNCN) năm nay, mình cứ tự hỏi sao nó… không có thời...
Gặp Nhau Cuối Năm 2020 hay sự ẩn dụ về những thay đổi.
Xem Gặp Nhau Cuối Năm (GNCN) năm nay, mình cứ tự hỏi sao nó… không có thời sự! Ừ thì, cứ cho là vui hay dở nó phụ thuộc vào gu mỗi người đi, nhưng tại sao nó lại mất đi cái tính thời sự truyền thống vốn có của GNCN, trước đây là Táo Quân?
Xin đừng hiểu lầm, bản thân phong trào đổi mới cũng là một tin tức, và xuyên suốt tác phẩm, các nhân vật cũng nói nhiều chủ đề khác nhau như hối lộ, tham nhũng…v…v… cũng khá “nóng”, nhưng thay vì điểm lại hàng loạt những tin tức trong năm vừa qua như Táo Quân, thì Làng Vũ Đại chỉ tập trung vào thông điệp chính là gìn giữ giá trị văn hoá, mà bản thân tin tức này cũng không phải là một điểm nhấn đặc biệt trong năm 2019.
Có thể nào format mới này phát triển từ những phong trào tìm về quá khứ hoặc gần gũi và nổi bật hơn cả là Vlog của 1977, sử dụng tài nguyên là các tác phẩm tương tự? Hoặc, việc nói liên tục và trêu đùa những khuyết điểm của dân và quan đã không còn sức hấp dẫn, hay có lẽ còn một giả thuyết đầy tính âm mưu nào khác?
Câu trả lời của cá nhân mình đến từ nửa sau của tiểu phẩm.
Khi (nhân vật) Xuân Tóc Đỏ hỏi mọi người có muốn giàu không, thì cả làng đồng thanh nói “Có!”, hình như còn câu hỏi có muốn thay đổi không, cũng với câu trả lời tương tự. Rồi, cuối cùng, khi sắp đập cái cổng làng, thì nhân vật Chí Phèo lại than khóc, bảo không thể bỏ cái cổng được, “cái cổng có tội gì đâu”.
Những việc này có nét tương đồng lớn với việc người ta muốn bỏ Tết Âm (1), bỏ Táo Quân (2) để thay bằng những lễ hội, chương trình khác.
Về ý thứ nhất. Việc phá bỏ từ gốc rễ, như cây đa, giếng nước, cổng làng… để đem về nét văn hoá mới, thu nhập cao cho người dân như Xuân Tóc Đỏ đề nghị, cũng giống với việc gộp Tết Âm vào Tết Dương để… tăng thêm mấy ngày làm việc, kiếm thêm thu nhập mà những năm gần đây nhiều cá nhân đề xuất. Nó đều là những tư duy rất vật chất, rất tư bản, mà lại là loại tư bản ăn xổi, không nhìn trước tính sau, suy nghĩ thiệt hơn. Việc phá bỏ những cái truyền thống mà không có căn bản, không giữ lại được cái gốc, là sự phá bỏ sai lầm.
Điều này cũng được thể hiện rõ ràng ở những tiết mục tạp kĩ có phần, theo cá nhân mình, là nhạt nhẽo và phục vụ khán giả xem trực tiếp hơn là xem qua bản thu vào đêm Giao Thừa. Những tiết mục này, hết từ xiếc thú đến múa ballet, múa lửa, thực cảnh múa dân gian, đều đến từ những nền văn hoá khác nhau, nhiều đoạn kết hợp có phần hơi gượng gạo và phần tung hô của “dân làng” giữa các tiết mục thì chưa được thuyết phục cho lắm, nói theo cách nhẹ nhàng nhất.
Nhưng, nếu hiểu đây là dụng ý tiểu phẩm, thì mọi thứ sẽ sáng tỏ hơn. Nhưng tiết mục đông tây kim cổ, nhạt nhẽo và có phần câu kéo thời gian, thực dụng (phục vụ khán giả xem trực tiếp), chính là “thông điệp” về tính “phát triển” quá nhanh mà không có gốc gác của làng Vũ Đại, hay nói rộng ra là xã hội hiện nay.
Về ý thứ hai. Chúng ta, dù có công nhận Táo Quân nhạt dần đi hay không, cũng phải công nhận một thực tế rằng… NÓ CÀNG NGÀY CÀNG NHIỀU QUẢNG CÁO HƠN! Bản thân quảng cáo không xấu, những cách chèn quảng cáo năm 2016 hay 2018 cũng khá duyên, không bị quá gượng… Nhưng, đi cùng với đó và những thông tin dạng phong thanh về việc kinh phí Táo Quân bị giảm, chương trình phải nhiều phần “tự lực cánh sinh”, và các diễn viên cũng nhiều lần bày tỏ là diễn vì đam mê, vì muón phục vụ khán giả… Từ những điều đó, mình cho là, chương trình đang đi vào ngõ cụt, ít nhất về mặt kinh phí, mặc dù được phát sóng trong giờ SIÊU VÀNG.
Vì vậy, một sự thay đổi là cần kíp chăng, thứ nhất là để làm mới lại toàn bộ format cũ, thổi làn gió mới vào các tác phẩm hài cuối năm. Thứ hai, có lẽ quan trọng hơn, là duy trì chương trình một cách truyền thống mà không gặp phải những sự phản đối từ cả “trên” lẫn “dưới”. Có lẽ đó là một tình thế “trên đe dưới búa” của đội ngũ sản xuất mà họ không biết bày tỏ nơi đâu trừ chính đứa con tinh thần của mình.
Nếu hiểu như vậy, thì thông điệp “Giữ lại truyền thống” chính nhằm để chỉ… Gặp Nhau Cuối Năm! Cũng như bài hát vô cùng hay Tennessee Waltz hát về chính nó, Làng Vũ Đại là một bức thư buồn gửi đến chính mình. Không dưới hai lần, Xuân Tóc Đỏ hỏi, “có muốn giàu không”, và ai cũng đồng thanh “có”. Hiểu Làng Vũ Đại như một thông điệp tới chính nó, thì có thể hiểu rằng, chương trình đã trở nên “nghèo nàn”, từ cả vốn thật có đến ý tưởng hài, lại trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, nên họ đành “thay đổi” để… “thoát nghèo”, cũng như chính Làng Vũ Đại trong tác phẩm.
Nhưng, dù buồn, đó cũng là một lời nhắn gửi nhẹ nhàng chăng, rằng chúng tôi đang thay đổi, sẽ thay đổi, nhưng vẫn sẽ không bỏ qua cái gốc rễ. Nhân vật Lão Hạc cuối tác phẩm có câu: “Chúng tôi muốn giàu có lắm, nhưng giàu có mà phải chặt cây đa, phải lấp giếng làng, thì đâu còn là làng nữa”, và Xuân Tóc Đỏ thì cuối cùng cũng nhận ra “Giá trị văn hoá thì không có đồng tiền nào mua nổi”. Phải chăng ý của đội ngũ sản xuất chính là, dù có thay đổi nhưng vẫn sẽ giữ được cái bản sắc vốn có của Gặp Nhau Cuối Năm?
Dù thế nào, dù nó có hàm ý gì hay không, thì Gặp Nhau Cuối Năm đã, vốn và sẽ luôn là một món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, một thứ giá trị gần như là văn hoá của người dân Việt Nam. Mà, đó “Giá trị văn hoá thì không có đồng tiền nào mua nổi”! Vì vậy, mong chúng ta sẽ còn được cảm nhận những giá trị này với nội dung sâu sắc hơn, thiết thực hơn và vui hơn nữa.
Chúc các bạn một năm 2020 vui vẻ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất