Gánh nặng trách nhiệm vẫn luôn đề nặng trên vai nam giới...
Đàn ông không phải là cỗ máy. Họ cũng cần được chia sẻ và yêu thương.
Kêu gọi sự bình đẳng giới nhưng xã hội vẫn luôn đặt lên vai cánh mày râu rất nhiều kỳ vọng. Sự bình đẳng có tồn tại đúng nghĩa?
Trên thực tế, khi nói đến sự bình đẳng, chúng ta luôn nghĩ về bạo lực gia đình và sự đối xử thiếu công bằng giữa đàn ông và phụ nữ trong bối cảnh gia đình, xã hội. Nếu xem “trọng nam khinh nữ” là một chiếc cân bị lệch, và chúng ta đang muốn đưa nó về trạng thái cân bằng, thì ta không những phải “đặt nặng” nữ giới hơn, mà còn phải “buông nhẹ” nam giới nữa. Xã hội dường như đang lãng quên một nửa công việc phải làm để đạt đến sự bình đẳng giới thực sự.
Khi đi học, các bạn nam hiếm khi nhận được con mắt thiện cảm của mọi người nếu bạn đó học giỏi những môn xã hội thay vì môn tự nhiên. Và giải như may mắn được ban phú cho khả năng học tốt các môn tự nhiên, họ cũng cần nỗ lực để nổi bật hơn những bạn gái để không bị chê cười “con trai mà thua con gái”. Bước ra trường đời, họ lại phải tất bật xây dựng sự nghiệp từ sớm để chuẩn bị nền tảng chắc chắn cho việc thành gia lập thất. Những áp lực cứ đè nặng lên vai từng ngày, 18 tuổi thì phải thi được vào trường tốt để có tương lai xán lạn; 22 tuổi ra trường phải xin được công việc tốt, thu nhập cao để gia đình, người yêu nở mày nở mặt; 25 tuổi phải có được nền tảng ổn định, không có nhà, có xe thì cũng phải có sổ tiết kiệm để chuẩn bị lấy vợ; 27 tuổi lấy vợ phải lo được cho cuộc sống sung túc của cả hai, nhà nội – nhà ngoại; sau này phải có nhà có xe, khi có con phải chăm lo cho nó học trường tốt. Nếu con gái có thể dễ dàng giễu cợt rằng họ không cần cố gắng giỏi giang, chỉ cần kiếm được một anh chồng giàu có, sống bình đạm hưởng thụ qua ngày, thì nam giới khó có thể thốt ra những lời như vậy.
Kể ra mới thấy, cuộc sống của nam giới cũng không dễ chịu bởi họ luôn bị giam cầm trong một “nồi áp suất” mang những cái tên khác nhau, trong những bối cảnh khác nhau, từ xã hội, đến gia đình, thậm chí kể cả trên giường. Chỉ bởi vì từ xa xưa, có ai đó đã gọi họ là “phái mạnh” nên họ được giao trách nhiệm “phải bảo vệ những người xung quanh”. Dù thế giới đã trải qua bao cuộc chuyển vần, nhưng luôn tồn tại những sự kỳ vọng và định kiến cố hữu dành cho nam giới được in sâu từ đời này sang đời khác một cách vô thức.
Trong thời buổi hiện đại, những người phụ nữ cũng sẵn sàng san sẻ gánh nặng với nam giới, tự nguyện làm những việc “trước đây chỉ nên dành cho đàn ông”. Họ cũng không đòi hỏi người đàn ông của mình phải chu cấp một cuộc sống sung túc để mình hưởng thụ. Nhưng, mặc cho sự dịu dàng mát lạnh bao quanh, chiếc nồi áp suất đầy áp lực của đàn ông vẫn luôn sục sôi, phải chẳng là vì “cái tôi” của họ quá lớn. Như mọi giống loài khác trên đời, con người cũng luôn mưu cầu sự tự do, tự do khỏi áp đặt, tự do khỏi định kiến, nhưng khác với con vật, kẻ đeo gông cùm cho con người lại chính bản thân họ. Chính những người đàn ông cũng mang trong mình định kiến về những trách nhiệm mà họ phải gánh vác như một hình xăm trong tiềm thức. Khác với cách nữ giới đòi quyền bình đẳng, nhà tù mà người đàn ông cần phải thoát ra không phải là xã hội mà là định kiến của chính bản thân mình. Chỉ khi đàn ông có thể xóa bỏ những niềm tin cố hữu được áp đặt bởi xã hội, họ mới có thể rộng lượng nhìn nhận người phụ nữ của mình và đối xử với nhau một cách công bằng nhất.
Định kiến xã hội giống như một tòa án, và phán quyết đưa ra thì không thể chống lại. Nhưng chúng ta vẫn có thể tìm cách để sống mà không bị giam cầm bởi những phán quyết đó và đó là việc ta nên làm thật tốt, trước khi mong muốn thay đổi những quyết định của tòa án.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất