Văn hóa doanh nghiệp là một khái niệm rất đặc thù, mà nói theo cách nôm na, nó là thứ khiến cho môi trường làm việc trong Google khác xa với Bank of China. Khi bạn đảm nhận một dự án Game hóa, thấu hiểu văn hóa doanh nghiệp là điều rất quan trọng, bởi những gì bạn áp dụng cho Bank of China chưa chắc đã hoạt động với Google và ngược lại. Nếu bạn là một nhà thiết kế Game hóa chuyên cho môi trường doanh nghiệp, bạn cần dành chút thời gian để nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp, từ đó thiết kế nên những dự án Game hóa thành công.

Sự khác biệt có ở muôn nơi

Khi bạn xây dựng một hệ thống Game hóa cho một doanh nghiệp, thứ bạn cần lưu tâm đầu tiên chính là văn hóa công sở. Chưa bàn đến những biểu hiện đa dạng và khả năng phân hóa mạnh mẽ, có một điều bạn sẽ muốn ghi nhớ ngay là: văn hóa làm nên bản sắc, làm nên chất riêng của một doanh nghiệp, được hoàn thiện nhờ những luật lệ riêng, phong tục riêng - và đương nhiên là cả đồng phục riêng nữa.
"Văn hóa doanh nghiệp giống như văn hóa quốc gia. Đừng cố gắng thay đổi, hãy cố gắng sống chung với những gì bạn có."
Peter Drucker, nhà tư vấn quản lí
Nhân vật trong bài viết này, anh A, là trưởng phòng tập huấn của một công ty Ả Rập. Anh A quản lí phòng ban của mình theo cách khá thoải mái, nhân viên được khuyến khích suy nghĩ và hành động cho bản thân, đồng thời cũng được vận động để hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau.
Còn anh B, đối tác của anh A, một trưởng phòng nhân sự, lại vận hành phòng ban của mình theo cách khác hẳn. Anh B thích một bầu không khí nghiêm túc, nơi mà mọi quyết định phải gửi cho anh ta duyệt trước rồi mới được thi hành, và anh ta cũng thích cho các nhân viên của mình cạnh tranh và đối đầu lẫn nhau.
Văn hóa công sở có thể là sự phản chiếu của văn hóa địa phương, nhưng bạn không thể lấy điều đó làm chuẩn mực chung cho mọi thứ. Để nắm được cách công ty vận hành, bạn cần phải thực hiện những khảo sát một cách tỉ mỉ.
Văn hóa công sở có thể là sự phản chiếu của văn hóa địa phương, nhưng bạn không thể lấy điều đó làm chuẩn mực chung cho mọi thứ. Để nắm được cách công ty vận hành, bạn cần phải thực hiện những khảo sát một cách tỉ mỉ.
Chúng ta không thể nói văn hóa của doanh nghiệp này là đúng và của doanh nghiệp kia là sai, bởi ngay trong nội bộ của một tổ chức, những thái cực vẫn luôn tồn tại. Bạn có thể bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài, nhưng rồi chính vẻ bề ngoài đó cũng sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích liên quan đến những thứ thực sự diễn ra sau bàn giấy của công ty.
Dưới đây là một số góc độ văn hóa mà bạn có thể tham khảo khi phát triển hệ thống của mình, được cung cấp bởi Janaki Kumar và Mario Herger trong cuốn sách của họ - Gamification at Work: Designing Engaging Business Software:

Nghiêm túc (Formal) và Tự do (Informal)

Có một sự thật là môi trường làm việc trong hầu hết những công ty công nghệ đều thoải mái hơn những tổ chức tài chính, tất nhiên là vẫn tồn tại một số ngoại lệ. Bạn có thể thấy những phòng ban đảm nhận vai trò phát ngôn cho công ty sẽ cực kì chuẩn mực trong khi đội kinh doanh tiếp thị lại vô cùng thoải mái - nhưng xin nhớ rằng đó chỉ là một cách nhìn, hãy tham khảo chứ đừng quy chụp. Muốn nắm bắt văn hóa doanh nghiệp, bạn nên dành một ít thời gian để đi dạo trên các hành lang và quan sát thực tế xung quanh, sau đó hãy phản chiếu những điều bạn trông thấy vào trong thiết kế của mình - thông qua ngôn ngữ và hình ảnh.

Đối đầu (Competitive) và Hợp tác (Cooperative)

Thông thường chúng ta nghĩ phòng kinh doanh là môi trường đối đầu căng thẳng nhất, nhưng thực tế là chúng tôi đã tiếp xúc với những đơn vị bán hàng có tinh thần hợp tác rất cao. Có một số người được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh nhưng một số người khác lại thấy chán nản khi cứ phải so bì với người khác. Tương tự, môi trường hợp tác (theo lời đồn) có thể mang lại những thành quả lớn lao nhưng cũng sẽ chẳng mang lại bất cứ điều gì nếu người ta không thấy hứng thú khi kết nối với người khác. Bạn sẽ không muốn đưa bảng xếp hạng vào trong một môi trường có tính hợp tác cao hay áp dụng một kế hoạch chia sẻ cộng đồng với những người chơi ưa đối đầu - bản thân không phù hợp, chúng làm suy giảm niềm vui.
Môi trường tiếp thị không phải lúc nào cũng mang tính đối đầu; mà ngược lại, họ cũng là những người biết cách hợp tác chặt chẽ với nhau.
Môi trường tiếp thị không phải lúc nào cũng mang tính đối đầu; mà ngược lại, họ cũng là những người biết cách hợp tác chặt chẽ với nhau.

Cấu trúc (Structured) và Phi cấu trúc (Unstructured)

Ở nhiều nơi, văn hóa doanh nghiệp được cấu trúc rất chặt chẽ với những luật lệ hà khắc, cốt để mọi thứ luôn nằm dưới quyền kiểm soát của đội ngũ đứng đầu. Một số nơi khác - tiêu biểu là những công ty khởi nghiệp - thì những thứ như quy định nọ kia lại dễ dàng và thoải mái hơn rất nhiều. Một số công ty có thể quy trách nhiệm cho cá nhân khi có sự biến đổi trong kết quả kinh doanh, trong khi những nơi khác thậm chí còn đưa ra mức độ trách nhiệm lớn hơn nhiều trong trường hợp xảy ra sai sót (và ngược lại, ít ăn mừng hơn trong trường hợp thành công!)
Nghiên cứu cấu trúc doanh nghiệp sẽ giúp bạn xây dựng được một luật chơi phù hợp cho dự án của mình, là một chỉ dẫn quan trọng để bạn trả lời cho những câu hỏi như cần cung cấp bao nhiêu thông tin là phù hợp và khi nào cần gửi phản hồi lại cho người chơi.

Phần thưởng cá nhân (Individual Rewards) và Phần thưởng nhóm (Team Rewards)

Doanh nghiệp bạn đang hợp tác sẽ thưởng cho cá nhân hay thưởng cho nhóm để ghi nhận một thành tựu? Hãy phản ánh điều này trong cơ chế Game hóa của bạn.
Một lần nữa, bảng xếp hạng là lựa chọn hoàn hảo cho những công ty thưởng cho thành tích cá nhân, còn nếu công ty dành phần thưởng cho cả nhóm thì bạn cần suy nghĩ lại về thiết kế của mình. Bạn vẫn có thể làm một bảng xếp hạng cho nhóm (xếp hạng theo điểm tổng) nhưng bạn cần sắp xếp làm sao để khiến mọi người chú ý vào niềm vui ở nơi làm việc hơn là nhìn nhau rồi so tài cao thấp.
Nếu bạn xác định được doanh nghiệp mà bạn đang phục vụ thuộc loại văn hóa nào trong bốn loại văn hóa doanh nghiệp kể trên, tỉ lệ thành công của dự án Game hóa sẽ tăng lên đáng kể.
Bảng xếp hạng là một yếu tố quen thuộc trong nhiều trò chơi và cũng là một kĩ thuật thường thấy trong những dự án Game hóa, nhưng trước khi áp dụng, bạn cần xác định xem nó có phù hợp với văn hóa nơi làm việc của bạn hay không.
Bảng xếp hạng là một yếu tố quen thuộc trong nhiều trò chơi và cũng là một kĩ thuật thường thấy trong những dự án Game hóa, nhưng trước khi áp dụng, bạn cần xác định xem nó có phù hợp với văn hóa nơi làm việc của bạn hay không.

Kết luận

Văn hóa doanh nghiệp có ảnh hưởng rất lớn vào cách người chơi của bạn tiếp cận một dự án Game hóa. Nếu dự án của bạn không phù hợp với văn hóa hiện tại của doanh nghiệp, sẽ rất khó để bạn đạt tới thành công. Thông qua khảo sát, bạn có thể xác định được loại hình văn hóa doanh nghiệp tương ứng với những mẫu thức chung là Nghiêm túc hoặc Tự do, Cấu trúc hoặc Phi cấu trúc, Đối đầu hoặc Hợp tác và Phần thưởng cá nhân hoặc Phần thưởng nhóm. Tuy nhiên, thực tế là trong một văn hóa doanh nghiệp có thể tồn tại rất nhiều thái cực, bởi vậy nên trong quá trình thiết kế bạn cần chú ý thêm nhiều yếu tố khác để dự án Game hóa của mình có sức sống hơn. Việc nghiên cứu văn hóa doanh nghiệp có thể giúp bạn tìm được những thông tin hữu ích, nhưng việc thâm nhập trực tiếp vào nơi văn hóa ấy khởi nguồn sẽ còn đưa bạn gần đến thành công hơn.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa