Chưa bao giờ tương tác với người dùng lại khó như ngày hôm nay. Những phương tiện truyền thông nhỏ lẻ và tẻ nhạt có ở khắp mọi nơi đã vô tình trao quyền cho người dùng kiểm soát cả thời gian, địa điểm lẫn cách thức họ tương tác với thương hiệu. Là những nhà tiếp thị, chúng ta cần tìm cách thu hút sự chú ý của người dùng, biến bản thân trở thành một thanh âm khác biệt vượt lên khỏi chốn ồn ào và tới được tai của những khách hàng yêu quý. Để đạt được điều này, chúng tôi đã thấy nhiều nhà tiếp thị chuyển sang bán hàng trên mạng xã hội và Game hóa.

Bán hàng trên mạng xã hội là gì?

Bán hàng trên mạng xã hội là quá trình sử dụng tương tác trên các phương tiện truyền thông xã hội để phát triển các mối quan hệ, coi đó như một phần của quá trình bán hàng. LinkedIn phát hiện ra rằng có tới 78% doanh nghiệp đang sử dụng mạng xã hội để bán hàng.
Bán hàng trên mạng xã hội không phải là điều mới mẻ, nhưng khi sự quan tâm của người tiêu dùng thay đổi mỗi ngày, thì việc thu hút người xem theo những cách độc đáo lại càng quan trọng hơn.
Trong 18 tháng qua, thật không ngoa khi nói rằng cuộc sống của chúng ta đã thay đổi đáng kể: chúng ta duyệt web nhiều hơn, lướt mạng xã hội lâu hơn và hiếm khi nào rời xa được thiết bị di động của mình. Theo eMarketer 2021, trong suốt đại dịch, việc sử dụng mạng xã hội đã tăng 43%, nghĩa là có hơn 3,7 tỷ người đã và đang tiếp cận với các phương tiện truyền thông xã hội mỗi ngày. Câu hỏi là, khi đối tượng mục tiêu của bạn lên mạng nhiều hơn, làm cách nào để bạn với tư cách là một thương hiệu có thể tạo ra sự nổi bật và tối đa hóa cơ hội mà điều này mang lại?

Cách Game hóa tác động tới bán hàng trên mạng xã hội

Trong bài viết này, Game hóa được hiểu là việc áp dụng cơ chế trò chơi vào trong bối cảnh thương mại. Là con người, một trong những bản năng cơ bản của chúng ta là tìm kiếm niềm vui và trò chơi. Vì vậy, khi một thương hiệu cung cấp trải nghiệm được thiết kế tốt bằng cách sử dụng cơ chế trò chơi, thì điều đó vốn dĩ sẽ đáng nhớ hơn vì nó đánh vào nhu cầu của con người là kết nối, cạnh tranh, được thử thách, được thưởng và được vui vẻ. Chúng tôi nhận thấy rằng cơ chế trò chơi được tích hợp trong trải nghiệm hoặc hành trình của khách hàng càng thường xuyên hoặc càng nhiều thì nó càng có nhiều tác động đến kết quả kinh doanh.
Bạn có thể tự hỏi điều này có liên quan như thế nào đến việc bán hàng qua mạng xã hội. Game hóa làm cho việc bán hàng trên mạng xã hội trở nên độc đáo và đáng nhớ hơn. Tại sao chúng ta lại sẵn sàng tương tác với những trải nghiệm Game hóa? Đó là bởi vì cơ chế trò chơi kích hoạt bộ não của chúng ta theo một cách khác với các phương pháp tiếp thị truyền thống. Nó khiến chúng ta, với tư cách là người tiêu dùng, chọn tham gia chơi trò chơi, tương tác tự do với thương hiệu và chia sẻ thông tin vì có sự trao đổi giá trị rõ ràng mà chúng ta cảm thấy thoải mái.
Game hóa nâng cao khả năng phát triển mối quan hệ trực tiếp của thương hiệu với những người tiêu dùng, bao gồm thông qua việc thu thập dữ liệu. Như vậy, với tư cách là nhà tiếp thị, chúng ta có thể cung cấp trải nghiệm tốt hơn, được cá nhân hóa hơn trên các kênh.

Năm cơ chế trò chơi cốt lõi mà tất cả các nhà tiếp thị nên sử dụng

Cơ chế trò chơi là động lực thúc đẩy của Game hóa và là thứ khiến Game hóa trở nên mạnh mẽ như vậy. Có rất nhiều cơ chế, nhưng chúng tôi sẽ tập trung vào năm cơ chế ở đây:
Cạnh tranh: Là con người, chúng ta luôn cố gắng cạnh tranh và chơi để giành chiến thắng. Cạnh tranh có nghĩa là một người chơi trực tiếp "chống lại" ai đó hoặc thứ gì đó. Cạnh tranh là một trong những yếu tố quan trọng làm nên xương sống của Game hóa. Nó đánh vào những mong muốn tiềm thức của chúng ta và khiến người ta chú ý theo những cách đáng kinh ngạc.
Thử thách: Tất cả chúng ta đều thích thử thách - những nhiệm vụ không dễ hoàn thành. Trong bối cảnh Game hóa, nó thường làm cho trải nghiệm hấp dẫn và thú vị hơn, thu hút sự chú ý của khách hàng lâu hơn. Khi hoàn thành thử thách, chúng ta sẽ có được cảm giác thành tựu tuyệt vời.
Nêu gương: Con người luôn có nhu cầu so sánh, mặc dù điều đó không nhất thiết phải luôn theo cách cạnh tranh. So sánh đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người là xác nhận sự tồn tại của bản thân, hiểu bản thân hơn thông qua việc nhìn nhận người khác.
Phần thưởng: Phần thưởng có thể quan trọng, nhưng không bao giờ bắt buộc phải là tiền. Phần thưởng có thể đơn giản như phản hồi hoặc cung cấp thông tin mà người đó chưa biết trước đây, quyền truy cập vào nội dung độc quyền, giảm giá hoặc ưu đãi đặc biệt. Cả phần thưởng bên trong lẫn bên ngoài đều có khả năng trở thành động lực thúc đẩy hành động.
Vui vẻ: Cơ chế trò chơi cuối cùng chính là niềm vui. Hãy đối mặt với điều này, tất cả chúng ta đều thích một chút vui vẻ trong cuộc sống của mình. Nhưng chúng ta không nên đánh giá thấp giá trị của niềm vui. Đối với khách hàng, niềm vui là một món hàng trao đổi quan trọng. Họ dành thời gian cho thương hiệu của bạn, có thể chia sẻ một số thông tin để đổi lấy sự vui vẻ và hài lòng.
Bằng cách khéo léo sử dụng các cơ chế này để tạo ra các chiến dịch trò chơi, các nhà tiếp thị có thể cung cấp cho người tiêu dùng cơ hội trải nghiệm trạng thái Flow - tương tự khi chúng ta hoàn toàn tập trung vào một nhiệm vụ đặc biệt, cộng với một liều hormone tích cực, chẳng hạn như dopamine, để làm cho trải nghiệm trở nên đáng nhớ.

Thực hành cơ chế trò chơi

Dưới đây là một ví dụ sử dụng cơ chế trò chơi và bán hàng trên mạng xã hội của công ty siêu thị hàng đầu Costcutter. Costcutter hoạt động như một nhà cung cấp nhóm biểu tượng cho những cửa hàng tiện lợi thuộc sở hữu độc lập và không cần giấy phép. Mục tiêu của chiến lược là lôi kéo người tiêu dùng đến cửa hàng nhiều hơn.
Giống như nhiều doanh nghiệp trong năm 2020, kế hoạch tiếp thị của Costcutter đã phải thay đổi rất nhiều. Sean Russell, giám đốc tiếp thị tại Costcutter, giải thích, "Từ việc quảng bá trong một sự kiện thể thao mùa hè, chúng ta đã xoay trục để tạo ra một chiến dịch tiếp thị tích hợp với trọng tâm chính là Game hóa."
CostCutter làm việc với nhà tài trợ Budweiser để tung ra các trò chơi quay số trúng thưởng và bốc thăm trúng thưởng trực tuyến, khuyến khích người tiêu dùng tổ chức ngày thể thao của riêng họ, tận hưởng một đêm hẹn hò mùa hè và tạo ra các công thức nấu ăn ngon cho mùa hè.
Ngoài Game hóa, họ còn làm việc với Jacqueline Jossa, một nhân vật có ảnh hưởng để quảng bá chiến dịch trên Instagram, bao gồm các trò chơi cụ thể trong chiến dịch. Ban đầu, họ đặt mục tiêu 100.000 lượt đăng ký cho các trò chơi trực tuyến của mình trong suốt chiến dịch kéo dài sáu tuần, con số này đã hoàn toàn phá vỡ khi đạt được hơn 400.000 lượt.
Hệ thống cũng cho thấy 5.000 liên kết đến công cụ định vị cửa hàng, đây là một tín hiệu mạnh mẽ về sự xuất hiện của những người mua sắm mới. Điều quan trọng ở đây là đối với những khách hàng đã đăng ký, Costcutter có thể đưa họ vào các chiến dịch chăm sóc đặc biệt, cho họ biết về các chương trình hỗ trợ giá tại cửa hàng địa phương của họ. Nhờ vậy, CostCutter đã chứng kiến mức độ tương tác của người mua hàng cao nhất từ trước đến nay cho chiến dịch mùa hè của mình.
Kể từ cuộc khủng hoảng Covid, Costcutter thay đổi hướng quan tâm tới lớp người mua sắm trẻ hơn, giàu có hơn trên thị trường tiện lợi. Bằng cách tập trung vào các kênh quảng bá, nội dung và sự hấp dẫn của trò chơi, họ đã hỗ trợ nhà bán lẻ chuyển đổi những người mua sắm đã vô tình phát hiện ra họ trong thời gian giãn cách trở thành những khách hàng trung thành trọn đời.
Bằng cách kết hợp bán hàng trên mạng xã hội và Game hóa, các nhà tiếp thị có thể cung cấp những cách thức đẹp mắt, hấp dẫn để đẩy nhanh tốc độ chốt đơn của khách hàng, đồng thời thu hút khách hàng trong suốt vòng đời khách hàng và tạo ra tác động tới kết quả kinh doanh mỗi ngày.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa: