Vào năm 2020, thị trường Game hóa toàn cầu được định giá 10,19 triệu đô la và dự kiến sẽ đạt 38,42 triệu đô la vào năm 2026.
Lý do cho sự tăng trưởng theo cấp số nhân này là gì? Câu trả lời nằm trong tay bạn, thậm chí có thể nằm trên chính thiết bị mà bạn đang dùng để đọc bài viết này. Đúng vậy, sự gia tăng của điện thoại thông minh và thiết bị di động đã trực tiếp tạo ra một cơ sở rộng lớn cho thị trường Game hóa.
Bản chất con người là yêu thích trò chơi. Không bàn cãi gì nữa, Game hóa chính là phương pháp tuyệt vời nhất hiện nay để xây dựng hành vi con người, tạo ra sự đổi mới, nâng cao năng suất và thúc đẩy sự phát triển. Vượt ra ngoài phạm vi truyền thống là các công cụ tiếp thị, Game hóa giờ đã chạm tới những nơi làm việc như một phương tiện hiệu quả để thúc đẩy nhân viên.

Game hóa ở nơi làm việc là gì?

Các nhà khoa học đương đại tin rằng vui chơi là một phần quan trọng trong trải nghiệm của con người. Đó là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của con người khi còn nhỏ và hóa ra, nó cũng quan trọng không kém ở người lớn. Từ thể thao đến trò chơi điện tử cho đến các ứng dụng trò chơi trên điện thoại của bạn, chơi game là một hoạt động quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta.
Khi các tổ chức nhận ra những lợi ích của trò chơi, họ đã nhanh chóng áp dụng chúng vào rất nhiều lĩnh vực như kinh doanh hay giáo dục và đã ghi nhận được một số thành tựu. Hãy tưởng tượng việc đạt được điểm hay thành tích ở trường hoặc ở nơi làm việc, hoặc được phép thực hiện nhiệm vụ theo bất kỳ cách nào bạn muốn bằng cách sử dụng khả năng sáng tạo và toàn bộ tiềm năng của bản thân.
Khi chúng ta nói về Game hóa tại nơi làm việc, về cơ bản chúng ta đang nói về việc biến hoạt động công việc thành trải nghiệm giống trò chơi hơn. Bằng cách này, các quy trình như đào tạo và các công việc hàng ngày trở nên thú vị và hấp dẫn hơn. Hãy nghĩ đến huy hiệu, giải thưởng ảo và bảng xếp hạng, tất cả đều được kết nối với các ứng dụng và phần mềm được sử dụng tại nơi làm việc. Đối với nhà kho nói riêng, nó có rất nhiều ý nghĩa. Bạn có một nhóm lớn để thúc đẩy và tiếp tục tương tác - và tất cả họ đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ phần mềm cầm tay hoặc đeo được cả ngày.

Game hóa để tạo động lực và năng suất

Vào năm 2018, kết quả từ một cuộc khảo sát về Game hóa cho thấy trò chơi đã tạo ảnh hưởng rõ ràng đến động lực và mức độ tương tác của nhân viên. Trong cuộc khảo sát đó, 81% người được hỏi nói rằng trò chơi điện tử mang lại cảm giác thân thuộc và có mục đích ở nơi làm việc. Một năm sau, con số này thậm chí còn tăng cao hơn.
Ngày càng có nhiều bằng chứng rằng phần mềm Game hóa có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhân viên, thậm chí có thể liên quan đến cảm giác hạnh phúc. Trên thực tế, số liệu thống kê về tương tác Game hóa cho thấy 9/10 nhân viên cảm thấy hạnh phúc hơn khi họ sử dụng phần mềm Game hóa tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, Game hóa dường như không chỉ thúc đẩy tinh thần mà còn cải thiện năng suất. Trong cùng cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2019, có đến 89% người được hỏi tin rằng Game hóa dường như đã thúc đẩy sự cạnh tranh và sự háo hức trong họ. Trên hết, 89% khác nói rõ rằng Game hóa khiến họ làm việc năng suất hơn; một con số so với năm 2018 chỉ cao hơn 2%. Tuy nhiên, so với năm 2014, nó cao hơn 10%.
Từ góc độ quản lý, Game hóa có thể mang lại sự minh bạch trong việc đánh giá hiệu suất bằng cách hạn chế sự lệ thuộc các công cụ phân tích cồng kềnh. Việc quản lý sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều khi các vấn đề về năng suất được nắm bắt và điều chỉnh kịp thời. Người giám sát cũng có quyền truy cập vào dữ liệu một cách nhất quán và nhanh chóng hơn, với khả năng theo dõi các điểm chuẩn suốt cả ngày ở cấp độ thành viên nhóm.

Mặt trái của Game hóa ở nơi làm việc

Cần lưu ý rằng, mặc dù việc Game hóa nơi làm việc mang lại những lợi thế rõ ràng, nhưng sẽ luôn tồn tại những thành viên không hề bị thúc đẩy bởi sự cạnh tranh. Thật không may, trong một số trường hợp, nó thậm chí còn tạo cơ hội cho sự cạnh tranh không công bằng và bắt nạt trong toàn tổ chức.
Bạn có chắc rằng trong tất cả những buổi xây dựng nhóm, bạn đã không vô tình bỏ rơi một bộ phận nhân viên không quan tâm đến Game hóa? Nếu không có sự dàn dựng phù hợp và sự chú ý đến từng chi tiết, văn hóa cạnh tranh sẽ trở thành vấn đề khiến bạn đau đầu. Bổ sung hệ thống điểm, bảng thành tích và huy hiệu mà không tạo ra trải nghiệm cân bằng giữa cạnh tranh và cộng tác có thể dẫn đến những kết quả bất lợi.
Để ngăn ngừa những kết quả tiêu cực tiềm ẩn, ban quản lý nên xem xét triển khai Game hóa theo lộ trình, dựa trên những cá nhân xuất sắc trong chương trình trước. Quá trình này cần được suy nghĩ kỹ lưỡng và lên kế hoạch có chủ đích. Ví dụ: Game hóa không nên được sử dụng như một công cụ để điều khiển nhân viên làm việc theo cách mà họ có thể không làm.
Đội ngũ quản lý cũng phải có hiểu biết về những gì đang xảy ra khi đạt được mục tiêu. Cách tiếp cận thí điểm này sẽ tiết lộ những cạm bẫy chưa biết và cho phép cải tiến liên tục trong suốt quá trình hội nhập lực lượng lao động.
Ngày nay các công ty liên tục đòi hỏi những chương trình đa năng mà không cân nhắc hết được những rủi ro và thách thức phải đối mặt. Mặc dù Game hóa có tiềm năng cách mạng hóa toàn bộ quy trình tuyển dụng, giới thiệu, đào tạo nhân sự và lãnh đạo công ty, nhưng nếu những trò chơi ấy không được thiết kế cẩn thận dựa trên dữ liệu thực tiễn, việc thu nhận những thành tựu giống trong lí thuyết là rất khó khăn.

Game hóa trong nhà kho

Mặc dù cuộc sống trong kho hàng đôi khi rất vui vẻ và thú vị, nhưng logistics lại có thể hơi tẻ nhạt một chút. Từ quan điểm văn hóa doanh nghiệp, muốn xây dựng một môi trường nhiều niềm vui, Game hóa cần tập trung thúc đẩy động lực cạnh tranh tự nhiên của con người, hình thành thói quen cho cá nhân và nhóm.
Ngoài ra, Game hóa còn giúp đặt ra các mục tiêu cụ thể và thiết lập trách nhiệm cho các cá nhân và nhóm. Bằng cách cung cấp Game hóa nhà kho, bạn có thể bầu không khí hứng khởi và giàu động lực, từ đó thu hút lực lượng lao động và cải thiện năng suất cho toàn hệ thống. Không chỉ vậy, bầu không khí ấy còn giúp cải thiện mức độ tương tác của nhân viên và giảm đi những chi phí không cần thiết, giúp nâng cao doanh số thực và tạo ra những ấn tượng tốt về một nhà tuyển dụng trong mơ.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa: