Học sinh trở nên lười biếng, chán nản và sa sút tinh thần? Lí do có thể không nằm ở môn học, mà ở chính trong cách giảng dạy của bạn.
Chưa bao giờ giáo viên lại phải đấu tranh để kiếm tìm sự chú ý của học sinh như thời đại hiện nay. Tình trạng này tựa như một căn bệnh kéo dài dai dẳng, vắt kiệt sức lực của những giáo viên đang mong tìm được một chút gì đó gọi là động lực trong học sinh của mình. Đó là một thế hệ trẻ em sống trong thế giới không thể thiếu trò chơi điện tử, điện thoại di động cũng như internet. Theo phân tích, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, đội ngũ lao động toàn cầu sẽ được thay thế bởi những người thuộc thế hệ kì lạ này - những người quen làm việc đa nhiệm với một cái đầu phân tán.
Các phương pháp giáo dục truyền thống về cơ bản không còn hiệu quả vì chúng được thiết kế để cung cấp kiến thức cho học sinh theo con đường thụ động. Đó là một quy trình nông cạn, nơi học sinh bắt buộc phải ghi nhớ (chưa nói đến thấu hiểu) mọi thứ để đối phó với các bài kiểm tra. Thông thường, các bài kiểm tra sẽ không quan tâm đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của học sinh như độ tuổi, phong cách học tập, và năng lực tiếp thu, cũng chẳng bao giờ hỏi xem học sinh có ngủ đủ giấc hay có kịp ăn uống gì trước kì thi không. Và khi một giáo viên bị ép phải dạy học trong 6 đến 7 tiếng mỗi ngày - liên tục mỗi ngày trong hàng tuần lễ và hàng tháng trời - họ dĩ nhiên sẽ lựa chọn phương pháp giảng chay theo đúng những gì sách giáo khoa viết, những mong hoàn thành chỉ tiêu do nhà trường đề ra.
Cố gắng bám sát sách giáo khoa, cung cấp các bài học lấy giáo viên làm trung tâm mà ít cân nhắc về phong cách học tập và trải nghiệm của từng học sinh, đồng thời chỉ kiểm tra người học về những gì họ có thể nhớ,… tất cả đều dẫn đến cái chết của giáo dục.
Sự thật là học sinh không cần thêm sách giáo khoa. Sẽ chẳng ích gì khi tăng lượng sách phải đọc hay tăng thời gian lên lớp khi bản thân học sinh không không có động lực. Sẽ không có học sinh nào muốn tham gia vào một lớp học nhàm chán. Sẽ chẳng có ai học được bất cứ điều gì.
Những gì học sinh cần bây giờ là những trải nghiệm và tương tác hiệu quả giúp kích thích động lực học, đặt song hành với những kỹ năng gắn liền với tình huống thực tiễn. Họ cần được tham gia tích cực vào quá trình học tập.
Họ cần một lớp học được Game hóa.

Game hóa hay học tập qua game là gì?

Khi chúng ta nói đến một lớp học Game hóa, chúng ta đề cập đến một kiểu trò chơi sử dụng kết quả học tập làm đích đến cuối cùng. Đó là nơi việc học được tiến hành thông qua các trò chơi kỹ thuật số và phi kỹ thuật số được thiết kế tốt để kích thích khả năng ngôn ngữ, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Đó là nơi các yếu tố trò chơi được bổ sung vào môi trường học tập để tăng cường sự tương tác và tham gia.

Lưu ý

Game hóa lớp học không có nghĩa là giáo viên cho một đám trẻ ngồi xung quanh mình rồi giao cho chúng một trò chơi để chơi. Không phải trò chơi nào cũng giống nhau. Trước khi thực hiện một trò chơi, giáo viên nên xem xét cấu trúc của trải nghiệm chơi. Đó không nên là một trò chơi xa rời mục tiêu học tập, và cũng không nên là trò chơi để lại trong học sinh sự bực bội và nỗi chán nản.

Lợi ích

Game hóa có khả năng tạo ra những môi trường học tập lý tưởng, khuyến khích được tinh thần học tập chủ động và tư duy phản biện, không phải học tập thụ động. Các trò chơi được áp dụng tốt nhất là những trò chơi tích cực thu hút người học, để họ trải nghiệm niềm vui khi khám phá và tìm hiểu về một tri thức mới.
Những trò chơi được thiết kế tốt, được chơi theo nhiều cách khác nhau, sử dụng các phương tiện và nền tảng khác nhau có thể thu hút được người học theo cách rất riêng mà ít có phương pháp nào thực hiện được. Trò chơi có thể ở dạng chơi chữ, tường thuật và nhập vai, cũng như trong các nền tảng kỹ thuật số.
Trò chơi có thể được sử dụng cho học sinh ở hầu hết mọi lứa tuổi và trình độ ngôn ngữ - từ những người đã đạt được kỹ năng đọc viết và đang thực hành kỹ năng nghe và nói, đến nâng cao tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề, cũng như phát triển kỹ năng đọc viết kỹ thuật số (gọi chung là kỹ năng thế kỷ 21).
Một điểm lợi khác của lớp học Game hóa là học sinh có cơ hội phát triển tính tự chủ và khả năng điều chỉnh bản thân một cách dễ dàng và nhanh chóng mà không gặp nhiều căng thẳng và áp lực. Trò chơi sẽ đưa ra một lộ trình tiến bộ và học sinh có thể học theo tốc độ của riêng mình.
Vậy làm cách nào tôi kết hợp các yếu tố trò chơi vào những bài học tiếng Anh bây giờ? Như với bất kỳ cách tiếp cận mới nào, có một số yếu tố nhất định bạn cần xem xét:

1. Sự tham gia của người học

Động lực của học sinh quyết định mọi thứ, nó định hướng nội dung và cách thức học tập cũng như thời gian chú ý của các em. Điều đầu tiên bạn cần làm là bắt đầu một cuộc thảo luận về trò chơi điện tử, hỏi học sinh về những trò chơi yêu thích, các em sử dụng thiết bị nào, tần suất chơi, cách các em cân bằng giữa việc chơi game với các hoạt động khác ngoài trường học. Thể hiện sự quan tâm đến những gì các em chia sẻ và sử dụng thông tin ấy để lập một kế hoạch cho các bài giảng Game hóa của mình. Quan trọng hơn, hãy yêu cầu học sinh tạo một danh sách các trò chơi mà các em chơi hoặc muốn chơi, từ đó xác định những trò chơi nào có tiềm năng áp dụng vào lớp học (phù hợp với độ tuổi và thiết bị được sử dụng). Có rất nhiều công cụ để bạn lựa chọn, hàng trăm nghìn trò chơi đơn giản và miễn phí ở trên mạng.

2. Tìm lời khuyên

Hãy tham khảo ý kiến đồng nghiệp của bạn. Những người quan tâm đến việc học tập Game hóa có thể sẽ thích chia sẻ ý kiến và lời khuyên. Đảm bảo bạn luôn cập nhật thông tin cho ban giám hiệu nhà trường và phụ huynh để tránh mọi hiểu lầm, đặc biệt là sự khác biệt giữa "chơi" và "học".

3. Quản lý lớp học

Bạn không nên mong chờ học sinh thực hiện công việc một cách nghiêm túc ngay từ ngày đầu tiên. Hãy giải thích thật rõ ràng về các quy tắc trong lớp học Game hóa. Nhắc nhở học sinh rằng các em vẫn ở trong lớp và các em ở đây để học. Chơi game là chuyện làm ở nhà, với gia đình. Giải thích rằng sẽ vẫn có những nhiệm vụ học tập, và giống như trong bất kỳ lớp nào, học sinh sẽ có trách nhiệm hoàn thiện các nhiệm vụ ấy. Thực sự bạn không cần thiết phải sử dụng chữ "trò chơi" đâu. Học sinh sẽ sớm hiểu những gì mà lớp học đang thực hiện.

4. Cấu trúc bài học phù hợp

Khi chúng ta lập kế hoạch cho một bài tập nghe, thay vì sử dụng video hay clip, hãy cấu trúc bài học theo hướng liên kết với một chủ đề lớn hay rộng hơn là mục tiêu chung của cả chương trình giáo dục. Hãy lập một kế hoạch dạy học bao gồm đặt ra ngữ cảnh nghe, sau đó là các nhiệm vụ trước khi nghe, trong khi nghe và sau khi nghe để khuyến khích người học sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả. Đảm bảo rằng có một ngữ cảnh rõ ràng để sử dụng các trò chơi trong bài học.
Lưu ý, trò chơi không phải là giáo viên, trò chơi chỉ là một hoạt động để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục. Bạn không nên đánh giá học sinh trong khi chơi, mà hãy đánh giá khả năng tiếp nhận của học sinh sau khi chơi trò chơi và bước vào bài học.

5. Lùi lại

Hạn chế can thiệp vào quá trình tìm hiểu tri thức của học sinh trừ khi chúng thực sự cần giúp đỡ. Bạn nên nhìn nhận trò chơi như một hệ thống và hãy trân trọng mọi trải nghiệm chơi.

Thêm nhiều cách áp dụng Game hóa vào bài học

Bạn có thể sử dụng trò chơi để thay thế cho những văn bản đọc hiểu trên lớp. Hãy chọn những trò chơi có tính tương tác cao, điển hình như bộ sách Choose Your Own Adventure từ những năm 1980. Hoặc bạn có thể sử dụng những cuốn sách áp dụng mô hình hành trình của anh hùng (ví dụ: Harry Potter, Allegiant, The Hunger Games, How to Train Your Dragon) để khám phá các chủ đề và thực hành kỹ năng mới.
Hãy thử:
Never Alone: một tác phẩm dựa trên truyện kể dân gian của thổ dân Alaska.
Journey: một câu chuyện ngụ ngôn tương tác.
Brothers: A Tale of Two Sons: một trò chơi phiêu lưu từng đoạt giải thưởng dựa trên lối chơi hợp tác.
Trò chơi điện tử cũng là một chất xúc tác tuyệt vời cho những công việc yêu cầu tính hợp tác. Vào năm 2015, trong một hội thảo của iCivics tại hội nghị Quốc tế về Công nghệ trong Giáo dục, Benjamin Stokes đã so sánh trải nghiệm chơi trò chơi với tham gia một chuyến đi thực tế trên lớp. Với một chuyến đi thực tế, hãy đưa cho học sinh những nguyện vọng về kiến thức và kĩ năng mà bạn muốn chúng đạt được trước khi để chúng được tự do khám phá thế giới. Rồi khi trở lại lớp học, hãy kết nối chuyến đi ấy với chương trình giảng dạy thông qua các tiết thảo luận.
Minecraft là một trò chơi xây dựng thế giới tuyệt vời, mang nhiều ý nghĩa về cảnh quan, môi trường và lịch sử. Một giáo viên tại Edutopia đã sử dụng Minecraft như một cách để học sinh khám phá những khó khăn khi thiết lập một thuộc địa (như Jamestown) trong một môi trường thù địch. Học sinh hiểu được sự nguy hiểm của việc định cư thế giới mới bởi vì các em đã trải qua chúng trong trò chơi.
Tuy nhiên, Game hóa học tập không phải lúc nào cũng cần những công cụ kỹ thuật số. Những trò chơi phi kỹ thuật số có thể là một cách tuyệt vời để thực hành kỹ năng. Các trò chơi không có văn bản và có thể được khai thác theo nhiều cách "truyền thống" hơn, chẳng hạn như các nhiệm vụ nghe trực tiếp, soát chính tả hay kể chuyện sáng tạo.

Đặc điểm Game hóa lớp học

Giáo viên nên cân nhắc những điều sau khi dự định sử dụng trò chơi trong lớp học:
- Có mục tiêu ngôn ngữ rõ ràng khi soạn giáo án.
- Đảm bảo tương tác cho học sinh.
- Cho phép học sinh tự tạo ra và điều chỉnh các quy tắc để giải quyết vấn đề.
- Đưa ra phản hồi về ngôn ngữ ở nhiều điểm trong bài học.
- Cho phép nhiều cơ hội để thử trò chơi.
- Thoát khỏi lối chơi cạnh tranh thống trị.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa: