Game hóa đào tạo công sở: Xu hướng của tương lai
Trong một thế giới đa nhiệm, Game hóa đào tạo công sở có thể mang lại nhiều động lực cũng như giúp nhân viên của bạn gắn kết và trung thành hơn.
Việc đào tạo trong tương lai sẽ vừa phải di động vừa phải cá nhân hóa - những điều vốn đã được liên kết với AI và công nghệ trò chơi.
Năm ngoái, tập đoàn ngân hàng toàn cầu BBVA đã giới thiệu một hệ thống nâng cao kỹ năng hoàn toàn mới - như một phần trong chiến lược toàn công ty nhằm thúc đẩy chuyển đổi số giữa các nhân viên.
Được thiết kế để củng cố, cập nhật và đào sâu kiến thức cho nhân viên, hệ thống hoạt động trong môi trường Game hóa, nơi nhân viên có thể quyết định lộ trình phát triển của riêng mình và học hỏi thông qua các phương pháp khác nhau, từ video, podcast đến mô phỏng và học tập trải nghiệm dựa trên trò chơi.
So với hệ thống đào tạo trước đây của ngân hàng, hệ thống mới đã ghi nhận số lượng bài học hoàn thành tăng gấp 7 lần trong 48 ngày đầu tiên.
Đối với BBVA, tổ chức được S&P vinh danh là ngân hàng bền vững nhất châu Âu trong ba năm liên tiếp, Game hóa là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong thiết kế hệ thống đào tạo của mình. Pilar Concejo, trưởng bộ phận học tập toàn cầu của BBVA, chia sẻ: "Game hóa giúp hình thành động lực và sự gắn kết trong nhân viên. Nó cho phép chúng tôi thiết kế những trải nghiệm có khả năng thấu hiểu nhân viên, từ đó tăng mức độ cam kết của họ đối với quá trình học tập."
Và doanh nghiệp nào lại không muốn đạt được điều đó? Sở hữu lực lượng lao động có động lực, gắn bó và cam kết là chìa khóa thành công trong kinh doanh sau đại dịch - nơi mà phương thức làm việc kết hợp chiếm ưu thế tối cao, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số liên tục tăng tốc khiến cho nhân viên dễ kiệt sức hơn mỗi ngày.
Game hóa - từng được sử dụng phổ biến hơn trong kinh doanh như một chiến thuật để giành giật và giữ chân khách hàng - đang chứng minh rằng bản thân có thể làm được nhiều thứ hơn trong môi trường đào tạo công sở. Một cuộc khảo sát gần đây của TalentLMS cho thấy Game hóa giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn (87%), gắn kết hơn (84%) và hạnh phúc hơn trong công việc (82%).
Không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp, từ IBM, BMW đến Deloitte, đang chuyển sang sử dụng Game hóa. Với những tập đoàn lớn, Game hóa là một chiến lược hữu ích không chỉ trong bán hàng và tiếp thị mà còn là một phần của phát triển và đào tạo nhân sự, nhằm thu hút và phát triển nhân tài cũng như thúc đẩy động lực và sự gắn kết của nhân viên.
Sau khi triển khai chương trình thử nghiệm huy hiệu số vào năm 2019, IBM đã ghi nhận số lượng nhân viên vượt qua kỳ thi cuối khóa tăng 694%. Trong khi Deloitte, công ty sử dụng bảng xếp hạng trong học viện lãnh đạo số để giúp nhân viên phát triển kỹ năng mềm, đã chứng kiến số lượng người dùng quay lại tăng 47% mỗi tuần.
David Semach, trưởng bộ phận AI và Tự động hóa EMEA tại Infosys Consulting đã chia sẻ với chúng tôi rằng, Game hóa không chỉ là "ý tưởng khả thi" để khiến người tiêu dùng hiện đại mua sản phẩm, yêu thích và trung thành với thương hiệu, mà còn sở hữu "tiềm năng mạnh mẽ cho việc đào tạo và gắn kết nội bộ".
An Coppens, Giám đốc Gamification Nation, tổ chức chuyên tạo ra các trải nghiệm Game hóa để trợ giúp từ xa cho các doanh nghiệp, chia sẻ: "Kể từ khi đại dịch bùng nổ, khi các công ty buộc phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số thì họ mới bắt đầu nhìn nhận Game hóa một cách nghiêm túc. Họ nhận ra một số công cụ và cấu trúc công việc của họ không thực sự tạo động lực, đặc biệt là đối với lớp nhân viên Gen Z trẻ tuổi, những người đã sinh ra và lớn lên cùng trò chơi kĩ thuật số."
Lợi ích của Game hóa trong việc thúc đẩy và gắn kết nhân viên
Game hóa vốn là một chiến lược kinh doanh không mới. Gartner định nghĩa Game hóa là "việc sử dụng cơ chế trò chơi và thiết kế trải nghiệm để tạo tương tác kỹ thuật số và thúc đẩy mọi người đạt được mục tiêu của họ".
Trong nhiều thập kỷ, các yếu tố giống như trò chơi đã luôn là một phần của chiến lược tối ưu hóa kinh doanh và xây dựng nhận thức về thương hiệu. Các thương hiệu lớn, từ Starbucks, KFC đến Nike, đã sử dụng Game hóa như một chiến thuật tiếp thị để nâng cao doanh số bán sản phẩm và lòng trung thành trong nhiều năm.
Mãi tới 2009, Hilton Garden Inn, một trong số những cái tên tiên phong về Game hóa đào tạo công sở, đã giới thiệu một trò chơi điện tử để đào tạo lực lượng lao động - điều mà họ khẳng định đã tăng cường khả năng lưu giữ thông tin giữa các nhân viên và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Dù nhiều lúc bị đơn giản hóa tới mức chỉ biến các nhiệm vụ thông thường thành những mục tiêu hoặc thử thách thú vị, nhưng hiệu quả Game hóa mang lại thì luôn vượt xa kì vọng - khuyến khích sự tham gia vào các hoạt động và cải thiện trí nhớ của những người tham gia.
An, người thường xuyên sử dụng Game hóa để kích thích hợp tác nhóm, cho biết Game hóa đào tạo công sở có thể thu hút những cá nhân phù hợp vào nhóm, từ đó kích thích văn hóa nhóm, cải thiện năng suất lao động cũng như khả năng giữ chân. "Phương châm của chúng tôi là 'Các đội chơi cùng nhau sẽ ở bên nhau' vì chúng tôi tin rằng trò chơi kết nối chúng ta với tư cách là con người ở mức độ sâu sắc hơn là chỉ giao tiếp."
Nói một cách đơn giản, Game hóa có thể thay đổi hành vi và tạo thói quen trong một môi trường không cạnh tranh. Nó chia nhỏ khái niệm phức tạp thành nội dung có kích thước vừa phải, giúp việc học trở nên thú vị và hấp dẫn (thường là trong cài đặt VR), đưa ra phản hồi và đo lường tiến độ trong thời gian thực, cho phép nhân viên kiếm điểm, trạng thái và phần thưởng khi họ thành thạo một kĩ năng nào đó.
David nói: "Việc tạo ra một trải nghiệm đáng nhớ, gây ngạc nhiên và thích thú sẽ mang lại lợi tức theo cấp số nhân về lòng trung thành của khách hàng và nhân viên."
Các nhà khoa học đã chỉ ra cách thức mà các hóa chất đằng sau hệ thống tạo khoái cảm của não bộ, endorphin và dopamine, có thể cải thiện động lực, thúc đẩy sự lặp lại và nâng cao khả năng học tập. Chẳng hạn, tham gia vào các thử thách hoặc cạnh tranh để giành huy hiệu kỹ năng có thể cải thiện khả năng giữ chân nhân viên, mở rộng kiến thức và thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức - điều cần thiết hơn bao giờ hết trong thế giới làm việc từ xa.
An chia sẻ: "Khi bạn biết điều gì thúc đẩy các thành viên trong nhóm của mình, bạn có thể đạt được sự thay đổi bằng cách kết hợp những mong muốn ấy với tầm nhìn mới của mình. Để kích thích hành động hướng tới thay đổi, trước hết bạn phải cung cấp một lộ trình rõ ràng. Sau đó là xem xét cách thúc đẩy họ hướng tới những gì bạn muốn về hành vi mới, và cũng đừng quên khen thưởng cho những người nỗ lực."
Game hóa và học tập được cá nhân hóa
Người lao động ngày nay có những kỳ vọng rất khác. Được David mô tả là "quanh co hơn bao giờ hết", nhân viên hiện đại muốn có sự nghiệp riêng biệt thay vì chỉ đi theo con đường thành công của người tiền nhiệm.
David nói: "Đứng trước sự thay đổi này, các hoạt động học tập được cá nhân hóa là điểm khác biệt thiết yếu đối với các nhà tuyển dụng hiện nay. Việc đào tạo trong tương lai sẽ vừa phải di động vừa phải cá nhân hóa - những điều vốn đã được liên kết với AI và công nghệ trò chơi.”
Infosys Consulting sử dụng các công cụ kỹ thuật số độc quyền của riêng mình để hướng tới hiệu quả tốt nhất của việc học trực tiếp, tất cả đều được lưu trữ đám mây và ưu tiên thiết bị di động để nhân viên có thể truy cập mọi nơi mọi lúc. "AI rất quan trọng đối với chương trình đào tạo mới, không chỉ để tạo sự khác biệt với các chương trình rập khuôn trong quá khứ."
David chỉ ra rằng Game hóa là mảnh ghép còn thiếu để bổ sung vào khóa đào tạo hỗ trợ AI. "Rất nhiều tổ chức đang đầu tư vào các nền tảng đào tạo nhằm tìm hiểu điểm mạnh, điểm yếu, phong cách học tập cũng như sở thích làm việc của bạn... tất cả để tạo ra trải nghiệm thực sự thú vị và hấp dẫn."
Những thông tin chi tiết này có thể được sử dụng để tự động đề xuất các khóa đào tạo và mô-đun phù hợp cá nhân. "Với những ứng dụng được Game hóa, các tổ chức có khả năng tự động hóa chương trình đào tạo nhân viên, tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí trong điều kiện kinh tế khó khăn, đồng thời cải thiện sự gắn kết.”
Tương lai của Game hóa - AR, VR và Metaverse
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các công nghệ mới như Thực tế tăng cường (AR), Thực tế ảo (VR) và Thực tế mở rộng (XR) đang đưa Game hóa lên một tầm cao mới - tận dụng các nguyên tắc của Game hóa trong thời gian thực, chuyển từ đào tạo tại chỗ sang "học đi đôi với hành", và từ "một kích cỡ phù hợp cho tất cả" đến cá nhân hóa.
David nói rằng mặc dù việc sử dụng VR và AR đã trở nên phổ biến trong lĩnh vực giáo dục, nhưng "chúng tôi vẫn chưa thấy xu hướng tương tự trong môi trường doanh nghiệp".
Một nghiên cứu dự đoán 14 triệu lao động Hoa Kỳ sẽ sử dụng kính AR trong các khóa đào tạo tại chỗ vào năm 2025. Với một số công ty như BMW thì tai nghe AR đã được triển khai tại một số nhà máy để đào tạo lắp ráp động cơ. Khi đó, nhân viên sẽ được hướng dẫn qua tất cả các bước của quy trình và có thể tham khảo hình ảnh trực quan để tìm hiểu về các bộ phận mà họ đang làm việc trong đời thực.
David chia sẻ rằng những công nghệ này có thể ứng dụng rộng rãi để nâng cao kỹ năng từ xa cho nhân viên, đặc biệt là khi được kết hợp với Game hóa. Ví dụ, phát triển kỹ năng thuyết trình, một quy trình thường không mấy hấp dẫn đối với nhân viên khi phải nói trước đồng nghiệp, giờ đây có thể đạt được theo một cách thú vị hơn.
"Bằng cách đưa vào phòng huấn luyện ảo các yếu tố thực tế như sự phân tán và tiếng ồn xung quanh của khán giả, đồng thời mô phỏng quá trình xử lý những vấn đề này một cách chính xác, nhân viên có thể rèn luyện những kỹ năng này theo cách thú vị và hấp dẫn hơn. AI có thể đưa ra phản hồi về tốc độ giọng nói, số lượng từ ngập ngừng và thậm chí cả giao tiếp bằng mắt."
An tin rằng siêu dữ liệu và phòng làm việc số sẽ trở thành một phần trong cách chúng ta làm việc trong tương lai. Cô ấy chỉ ra hoạt động của các nhóm phi tập trung như một ví dụ về việc mọi người cùng nhau cống hiến kỹ năng và kinh nghiệm cho một nhiệm vụ, và điều quan trọng là họ tình nguyện hoặc chọn tham gia làm như vậy vì họ tin vào mục tiêu chung của nhóm.
Cô ấy nói: "Xu hướng mới là hướng tới các nhóm độc lập thông qua Metaverse. Bản thân Metaverse đang sử dụng thế giới trò chơi hoặc ít nhất là công nghệ trò chơi để tạo ra trải nghiệm, một tương lai nơi ngày càng có nhiều công ty trò chơi tham gia vào thế giới kinh doanh."
An cũng tin rằng mặc dù công nghệ đang thúc đẩy một số tiến bộ, nhưng điều quan trọng nhất là khiến cho tương tác Game hóa gần gũi và thân thiện với con người.
Dẫn lời nhà thiết kế trò chơi nổi tiếng thế giới Jane McGonigal, người đã từng nói: "Các nhà thiết kế trò chơi bị ám ảnh bởi việc tạo ra trải nghiệm cảm xúc cho người chơi của họ", An tin rằng đã đến lúc các nhà quản lý trong doanh nghiệp phải "nghĩ theo cách tương tự".
5 bước để đảm bảo Game hóa doanh nghiệp hiệu quả
An Coppens, Giám đốc tại Gamification Nation đã chia sẻ 5 lời khuyên dành cho các doanh nghiệp đang cân nhắc sử dụng Game hóa.
1. Hiểu được động lực của đối tượng mục tiêu của bạn.
2. Điều chỉnh trải nghiệm cho phù hợp với động lực kia để đối tượng cảm thấy vui vẻ, được truyền cảm hứng để nói, hành động và tham gia.
3. Làm cho trải nghiệm trở nên đáng nhớ với đồ họa đẹp, cốt truyện hay và nhân vật hấp dẫn mà đối tượng có thể liên tưởng, học hỏi và được truyền cảm hứng.
4. Làm cho trải nghiệm trở nên cụ thể. Điều đó có nghĩa là phải thiết kế nhiều hành trình để phù hợp với các cấp độ kinh nghiệm và khả năng khác nhau.
5. Đừng nhìn vào bất kỳ một khuôn khổ nào để giải quyết tất cả các vấn đề của bạn. Sử dụng những gì quan trọng với đối tượng.
5 công ty đang sử dụng Game hóa để tạo động lực học tập
Cách những công ty lớn kết hợp các yếu tố giống như trò chơi vào chương trình học tập để thu hút và thúc đẩy nhân viên.
1. Siemens: Sử dụng cách kể chuyện như một yếu tố Game hóa để khuyến khích sự tham gia, vào năm 2011, Siemens đã tung ra một trò chơi trực tuyến có tên là Plantville với một nhân vật tên là Pete the Plant Manager. Trò chơi trực tuyến này đã đào tạo hơn 23.000 chuyên gia kỹ thuật, mô phỏng trải nghiệm của người quản lý nhà máy, cung cấp hướng dẫn một cách sáng tạo, mang tính giáo dục và thú vị để đào tạo nhân viên về các phương pháp hay nhất cho hoạt động của nhà máy.
2. Cisco: Chương trình Đào tạo Truyền thông Xã hội của công ty này bao gồm một yếu tố tiến trình, trong đó người tham gia chuyển sang cấp độ mới sau khi hoàn thành. Trong chương trình, học viên có thể đạt được ba cấp độ chứng nhận - Nhà tư vấn, Nhà chiến lược, Chuyên gia.
3. Deloitte: Công ty Big 4 này sử dụng bảng xếp hạng để giúp nhân viên phát triển các kỹ năng mềm. Thường được các chuyên gia coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất của trải nghiệm Game hóa, bảng xếp hạng của Deloitte cho người tham gia biết thứ hạng của họ so với đồng nghiệp. Tại Deloitte, sau mỗi hoạt động hoàn thành, người tham gia có thể xem danh sách 10 người hoạt động hiệu quả nhất mỗi tuần để khuyến khích người mới cạnh tranh.
4. IBM: Thu thập huy hiệu cho những thành tích học tập khác nhau là một kĩ thuật Game hóa được IBM sử dụng. Chương trình huy hiệu số của công ty đã khuyến khích người học hơn nữa bằng cách cho phép họ đăng tải huy hiệu của mình lên mạng xã hội. 87% người tham gia nói rằng họ đã tham gia nhiều hơn nhờ yếu tố này.
5. Walmart: Theo báo cáo, gã khổng lồ bán lẻ này đã đào tạo hơn một triệu nhân sự bằng cách sử dụng tai nghe VR như một phần của chương trình đào tạo nhân viên. Họ ước tính rằng VR đã mang lại "hơn một triệu ngày làm việc trọn vẹn" nhờ trải nghiệm sống động của VR giúp giảm một giờ đào tạo đến 10 phút.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất