*Disclaimer: Bài viết này là chia sẻ cá nhân của mình sau một nửa thời gian học tại đại học. Hi vọng kinh nghiệm ít ỏi của mình có thể giúp các bạn và các em trong các vấn đề đang gặp phải,
Trước khi lên đại học thì việc học đối với mình chưa bao giờ là khó, không phải mình nổ đâu nhá, nghĩa là ở mức được học sinh giỏi hàng năm hay vượt qua kì thi đại học thôi ý, thì các kiến thức ở cấp 2, cấp 3 đối với mình không quá khó và điểm số nhận được thì lúc nào cũng ổn. Thế nên khi vào đại học, vẫn mang theo tâm thế nghĩ rằng bản thân tiếp thu nhanh, học tập tốt, trong những kì học hay cụ thể là năm học đầu tiên, mình đã rất rất chủ quan nên điểm số thực sự không tốt một chút nào. Sau đó với tinh thần phải tiến lên, cố gắng để gỡ gạc lại “những gì đã mất” ở năm học đầu, mình có thể kết luận học ở đại học khó là thật, tuy nhiên nếu thực sự cố gắng thì chắc chắn sẽ không toang, mà có khi còn có quả ngọt.
Mình biết là trong một, hai năm đầu tiên, thậm chí mình còn luôn tự hỏi bản thân liệu rằng mình học ngành này có đúng hay không, lo lắng cho bước đi tiếp theo sẽ như thế nào, ti tỉ thứ để quan tâm. Mình cũng hiểu rằng chương trình học đại cương sẽ khó có thể gây hứng thú với. Thế nhưng chúng ta vẫn là sinh viên mà, và lý do chúng ta học thêm một bậc, lựa chọn tiếp tục theo đuổi con chữ thay vì đi làm sớm hay những lựa chọn khác, học hành vẫn luôn là một việc quan trọng. Dưới đây là một số điều mình tâm niệm ra được để có điểm tốt trên đại học.
Tự học là kỹ năng quan trọng
Điều này chắc lúc nào mọi người cũng được nghe, có khi lại nghe nhiều là đằng khác. Thế nhưng có thể khẳng định rằng “tự học” rất rất rất rất rất quan trọng, kể cả có khi sau này đi làm đi chăng nữa. Mà nói đến tự học, chắc chắn là phải có cả tính kỷ luật cao nữa đúng không? Mình nhận ra rằng trong những năm đầu tiên, mình trượt dài là do khả năng tự học cùng kỷ luật yếu. Hồi còn học cấp 3, hầu như các bài tập giải quyết không quá khó khăn là do đã được dạy rất kỹ bởi các thầy cô giáo, đồng thời cũng nhờ nguồn tài liệu ôn thi phong phú trên mạng. Thế nên kỹ năng tự học của mình hầu như không được rèn luyện, mình chỉ về nhà và đọc lại kiến thức thầy cô cung cấp và học thuộc theo. Khác với việc “cho sẵn” như vậy, đại học yêu cầu bạn có khả năng tự tổng hợp vấn đề, tự khai thác vấn đề. Hơn nữa, các giảng viên trên đại học cũng không kèm cặp giống như thời trung học, họ thường sẽ nghiêng về giải đáp các thắc mắc sinh viên gặp phải trong bài giảng, đưa ra các case study cụ thể minh họa cho bài giảng. Thế nên sẽ tốt hơn nếu như bạn đã đọc trước bài hay sách giáo trình ở nhà, tự viết ra mindmap hay tổng hợp sau một chương học thì khi ôn thi cũng sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tin mình đi
Đừng lười nhác
Có vẻ vô nghĩa khi nói điều này, thật ra người ta nói lên đại học học hành rất nhẹ nhàng, có học gì đâu, có khi là đúng như thế thật bởi việc đó chỉ bắt đầu trong khoảng một tháng? (hay một tuần?) trước khi thi, và đó là khoảng thời gian khủng khiếp mệt mỏi nhất (bên cạnh lúc nhận điểm). Nếu cả kì bạn đã không cố gắng, thì đến lúc cuối hãy cố gắng bù lại thật nhiều. Ban đầu khi học triết học, hay tư tưởng, mình thực sự không hiểu rằng mình học cái này để làm gì, và mình không biết một chữ gì và cũng không có một chút động lực nào để nhồi nhét kiến thức. Tuy nhiên có một sự thật tất cả mọi người đều phải chấp nhận là “Lên đại học mọi sự ngu đều được trả bằng tiền:)” thế nên là mình lại vác xác lên ngồi dậy cố mà học, bởi nếu không qua thì mình sẽ mất thời gian, mất tiền, và có khi lại còn chả ra được trường, haha. Thế nên là, đừng lười nhác, chăm chỉ không bao giờ là thừa thãi mà. 
Nhớ kỹ lịch thi
Haha, mình biết điều này nghe có vẻ ngu ngốc, nhất là khi các em cấp 3 đọc được nữa chứ. Vì làm gì có ai lại quên lịch thi:) Trên thực tế, là có đấy, và, mọi người sẽ không có cơ hội thứ hai đâu, đồng nghĩa là các bạn sẽ phải học lại bộ môn đó và bao nhiêu công sức ôn thi đổ bể chỉ vì một chút sai sót nhỏ này đấy. Sai một ly đi một dặm mà. Hãy nhớ kỹ lịch thi của mình nhé!