50 năm trước, 1972, một báo cáo mang tên “Giới hạn của Tăng trưởng” được gửi cho Câu lạc bộ Rome, một tổ chức tập hợp các nhà lãnh đạo, học giả và doanh nhân, tạo nên cú sốc nhận thức đầu tiên.
Lần đầu tiên chúng ta cùng ý thức được rằng tăng trưởng kinh tế không thể diễn ra vô hạn do cạn kiệt về tài nguyên.
2 năm sau, 1974, báo cáo thứ hai “Nhân loại tại Thời điểm Bước ngoặt” đưa ra dự đoán lạc quan hơn về diễn tiến của môi trường sống, cho thấy rằng nhiều yếu tố liên quan nằm trong tầm kiểm soát của con người, có thể giúp tránh và ngăn ngừa các thảm họa môi trường và kinh tế.
Tuy nhiên, năm 1991, nghĩa là 17 năm sau nữa, Câu lạc bộ Rome xuất bản Cuộc Cách mạng Toàn cầu lần thứ Nhất cho chúng ta thấy thói quen ngu ngốc và tai hại của chính mình khi tìm một kẻ thù chung để đổ lỗi khi đối diện với những vấn đề mà chúng ta không thể tự giải quyết: “Chúng ta đã nhầm lẫn khi nhận định rằng mối đe dọa chung đối với nhân loại là các nguy cơ đến từ ô nhiễm, sự nóng lên toàn cầu, thiếu hụt nguồn nước, nạn đói và những thứ tương tự; nhưng khi làm như vậy chúng ta đang rơi vào bẫy nhầm lẫn giữa triệu chứng và nguyên nhân. Tất cả những nguy cơ này đến từ sự can thiệp của con người vào các quá trình tự nhiên, và chỉ khi chúng ta thay đổi thái độ và hành vi, chúng mới có thể được khắc phục. Kẻ thù thực sự là chính nhân loại”.
Và sự lạc quan nhạt dần theo năm tháng. Năm 2008, G. Turner đã chỉ ra rằng dữ liệu 30 năm qua diễn ra tương đối phù hợp với kịch bản bi quan nhất đã dự liệu trong Giới hạn của Tăng trưởng, dẫn đến khả năng sụp đổ của thế giới vào giữa thế kỷ 21.
Thực tế 50 năm qua chứng tỏ chúng ta đã không ứng xử lý tính và có trách nhiệm một cách thích đáng trước những mối nguy khẩn cấp xảy đến với trái đất, thay vào đó, các lập luận phi lý tính và cảm tính đã chiếm ưu thế, chia rẽ chúng ta thành các phe phái thù địch, đổ lỗi cho nhau về sự suy thoái ngày càng nhanh của thế giới toàn cầu hóa nơi chúng ta đang sống.
Dưới đây tác giả Pierre Darriulat tổng kết lại 10 nguy cơ trở nên đặc biệt nghiêm trọng với hành tinh trong 50 năm qua (tóm tắt)
1. Nhân khẩu học tăng trưởng quá nóng
Dân số thế giới đang tăng đều đặn với tốc độ 1 tỷ người sau mỗi 12 năm và dự kiến sẽ đạt 8 tỷ người vào năm 2023.
2. Di cư, nghèo đói, bất bình đẳng
Ở một số quốc gia châu Phi, hơn 1 trong số 10 trẻ em sinh ra ngày nay sẽ chết trước 5 tuổi, so với con số 1 trên 250 trẻ em ở châu Âu và Đông Á. Số năm được đến trường cũng khác nhau, giữa 5 năm ở các quốc gia Châu Phi so với 15-20 năm ở các quốc gia kia. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người ở Qatar lớn hơn 150 lần so với Cộng hòa Trung Phi, nếu so sánh Hoa Kỳ với các quốc gia khác, con số này là gấp 7 lần với Trung Quốc và 25 lần với Việt Nam.
Hơn 2000 tỷ phú trên thế giới có giá trị tài sản nhiều hơn 4,6 tỷ người cộng lại - tức 60% dân số hành tinh.
4/5 người dưới mức nghèo sống ở các vùng nông thôn trong đó một nửa là trẻ em, phụ nữ chiếm đa số, khoảng 70% người nghèo từ 15 tuổi trở lên không được đi học hoặc chỉ được giáo dục cơ bản. Hơn 50% người nghèo sống trong các nền kinh tế yếu ớt, có nguy cơ xung đột và bạo lực cao hiện chiếm 10% tổng dân số thế giới, với con số dự kiến sẽ tăng lên 67% trong thập kỷ tới.
Hệ quả của bất bình đẳng là sự di cư. Về lâu dài, di cư cũng gây ra mối lo lắng về tính bền vững, có nguy cơ gây bất ổn xã hội nơi người di cư ra đi và cả nơi tiếp nhận họ.
3. Các cuộc chiến tranh và khủng bố
Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, 50 năm qua thế giới chỉ chứng kiến rất ít xung đột lớn. Song một hình thức bạo lực mới ra đời, mang tên khủng bố, với các hành động “nhằm gây ra cái chết hoặc tổn thương nghiêm trọng cho dân thường với mục đích đe dọa người dân hoặc chính phủ của họ”. Từ năm 1970 đến năm 2015, đã có tổng cộng 160.000 vụ khủng bố, trung bình 10 vụ mỗi ngày. Đặc điểm chung của chủ nghĩa khủng bố là sự sợ hãi mà chúng đe dọa reo rắc trong dân chúng.
4. Quản trị, thất bại dân chủ, chủ nghĩa dân túy
Một trong những quan ngại xuất hiện trong những năm gần đây là nhận thức về sự suy giảm đáng kể chất lượng quản trị ở nhiều quốc gia phương Tây. Tiêu biểu cho sự sa sút đó là nhiệm kỳ Tổng thống của Donald Trump ở Hoa Kỳ như một mẫu hình của sự khiếm nhã, đồi bại và không tôn trọng các giá trị đạo đức cơ bản mà thế giới đã liên tục gây dựng trong 25 thế kỷ qua. Sự thất bại của hệ thống trong việc ngăn chặn tác hại mà nó gây ra cho quốc gia đó đã cho thấy sự mong manh và tính dễ bị tổn thương của các nền dân chủ phương Tây trước chủ nghĩa cực đoan. Nó cũng cho thấy mức độ nào đó, hành động của hầu hết các chính trị gia được thúc đẩy bởi mục tiêu tái cử thay vì phục vụ lợi ích quốc gia.
5. Năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, hạt nhân, năng lượng tái tạo
Trong 50 năm qua, so với mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu, phần nhiên liệu hóa thạch đã thay đổi từ 93,5% xuống 84,5%, năng lượng tái tạo tăng từ 5,8% lên 11,3% và năng lượng hạt nhân điều chỉnh từ 0,7% lên 4,2%. Quá trình diễn ra khá chậm chạp và những phỏng đoán tương lai về những thay đổi nhanh chóng là không thực tế.
(Còn tiếp)
Lược trích từ bài viết của GS người Pháp Pierre Darriulat
Ông là chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân và vật lý thiên văn, viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ 1986, Giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) trong khoảng 1987-1994.
Bài gốc được đăng trên Tia sáng