“Người ta hỏi tôi, vì sao dành cả cuộc đời ở Rome?

Rome là gia đình, bạn bè, là những người tôi yêu quý. Rome là bờ biển, là những rặng đồi, là tượng đài bất diệt. Chảy trong Rome, tất nhiên, là dòng máu chiến binh.

Rome là hai sắc màu: đỏ và vàng.

Rome, với tôi, là cả Thế giới.

Đội bóng này, thành phố này, là cuộc sống chảy trong huyết quản của tôi”.


Đó, là những lời chia sẻ đầy cảm xúc của Francesco Totti – “Ông vua” thành Rome. Totti dành cả cuộc đời sự nghiệp quần đùi áo số của mình trong màu áo “bã trầu”. 25 năm cống hiến cho thành Rome hoa mỹ, tráng lệ - Francesco Totti là một tượng đài bất diệt, là một đứa con mãi có chỗ trong tim người dân nơi đây. Sự nghiệp của Totti, có lúc thăng, lúc trầm, đôi lúc tưởng chừng anh đã “ngã” sang thành Milan nhưng rồi, vị “vua” thành Rome vẫn ở đấy, vẫn đứng vững như những bức tường thành mãi trường tồn cùng thời gian.

Là một cầu thủ tài hoa, bóng dưới chân vị vua thành Rome luôn thừa sự sáng tạo. Và hầu hết khoảng thời gian cống hiến cho Roma, chúng ta luôn thấy khoác sau lưng anh là chiếc áo số 10 màu bã trầu đã đi vào huyền thoại. Nhưng chính điều này đã được thể hiện bằng nhiều phong cách chiến thuật theo những lăng kính thú vị dưới một loạt các nhà cầm quân.

Mặc dù được xuất hiện lần đầu ở tuổi 16 ở đội trẻ Roma vào cuối mùa giải 1992/93 dưới sự huấn luyện của Vujadin Boškov và được phát triển dưới thời Carlo Mazzone trong hai mùa tiếp theo. Nhưng cho đến khi HLV huyền thoại Zdenek Zeman dẫn dắt Roma, sự nghiệp của Francesco Totti mới thực sự bùng nổ.

Anh chuyển từ vai trò tiền đạo lùi sang đá cánh trái, ngay trong sơ đồ chiến thuật 4-3-3 của Zeman. Roma của Zdenek Zeman thời đấy nổi tiếng với lối chơi tấn công đầy cuốn hút cùng khả năng high pressing. Và ngay trong giai đoạn này, Francesco Totti đã phát triển bộ kĩ năng cá nhân một cách toàn diện. Không đơn thuần chỉ là một người sáng tạo trong lối chơi, Totti còn cải thiện về mặt thể chất, để kịp thích ứng với những đòi hỏi của phong cách chơi bóng dưới thời Zeman.

Sơ đồ 4-3-3 khi cần thiết sẽ biến đổi thành sơ đồ 2-5-3, với bộ đôi hậu vệ cánh được đẩy lên rất cao, điều này hoàn toàn cho phép Totti thoải mái di chuyển từ khu vực Final Third vào trong Shooting Zone (tạm hiểu nôm na là khu vực thuận lợi để dứt điểm cũng như tạo cơ hội)  để có thể thực hiện một pha dứt điểm hoặc một đường chuyền mang tính đột biến bằng cái chân phải ưa thích của mình, đồng thời mở ra cơ hội cho tiền đạo cánh phải.

Totti cũng chủ động lùi sâu hơn, như cái cách anh thi đấu trong hầu hết sự nghiệp của mình. Anh thực hiện khả năng kết nối cùng hàng tiền vệ, sau đó triển khai bóng lên tuyến trên. Bằng khả năng chuyền bóng siêu hạng kết hợp với tầm nhìn rộng của mình biến anh trở thành một Playmaker hoàn hảo và phần nào đó là một Trequartista. Chỉ sau hai mùa dưới thời Zeman, Totti đã ghi được tới 30 bàn thắng. Đồng thời trong giai đoạn này đánh dấu bước ngoặt lớn khi anh chính thức nắm băng đội trưởng Roma lúc mới chỉ 22 tuổi vào mùa giải 1998.

Mùa giải 2000/01, Roma đã giành được Scudetto thứ ba trong lịch sử của họ dưới thời Fabio Capello, với Francesco Totti, anh thực sự chạm đến đỉnh cao dưới vai trò của một nhạc trưởng nơi đấu trường Olimpico huyền thoại. Don Fabio khi ấy kéo Totti về đá như một số 10 cổ điển và cũng là vị trí làm nên tên tuổi của Totti mãi về sau này – Trequartista.

Mùa giải đầu tiên tuy chệch choạc khá nhiều và Roma chỉ cán đích ở vị trí thứ 6 vì mọi thứ chưa thực sự ổn định. Chỉ đến khi “Vua sư tử” Gabriel Batitusta chuyển đến từ Fiorentina cùng Emerson cập bến từ Leverkusen, Roma của Capello mới thực sự hoàn thiện và giành chiếc Scudetto sau 18 năm chờ đợi. Don Fabio áp dụng sơ đồ chiến thuật 3-4-1-2 với cặp tiền đạo gồm Batitusta cùng một người khác. Đó có thể là Vincenzo Montella, một Poacher thuần túy; hoặc Marco Delvecchio, một Denfensive Forward (tiền đạo phòng ngự), chơi ngay trước Totti.


Quán xuyến trung tâm của Roma khi ấy là bộ đôi Emerson và Damiano Tomassi là những cầu thủ thép, sẵn sàng tranh chấp tay đôi với bất kì tuyến giữa nào. Cặp Wing Backs (cầu thủ chạy cánh) có thể kéo dãn đội hình bất cứ lúc nào với Vincent Candela và Cafu, bọc lót cho tuyến phòng ngự ngay bên dưới là bộ ba trung vệ. Điều này biến sơ đồ Roma chia thành 2 phần trách nhiệm rõ rệt gồm 7 và 3, một hệ thống phòng thủ có nhiệm vụ đoạt lại bóng. Thông qua cặp hậu vệ cánh, bóng được luân chuyển về phía trước. Cho đến khi quả bóng đến được 3/4 sân (bắt đầu từ khung thành của Roma), Totti bắt đầu triển khai tấn công cùng hai tiền đạo ngay trên anh và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ ghi bàn.

Totti trong vai trò của một Trequartista

Hoàng tử thành Rome khi ấy là mối liên kết với hàng tiền vệ. Anh có thể lùi xuống để nhận bóng, sử dụng tầm nhìn bao quát của mình tìm kiếm cơ hội trước khi link up (kết nối) với tiền đạo để thực hiện một đường chọc khe, chuyền bóng hoặc quyết định dẫn bóng khi lộ ra khoảng trống. Với khả năng sáng tạo của bản thân, Totti ngay sau các tiền đạo có thể ghi bàn hoặc giữ bóng tìm kiếm cơ hội. Chính cách tiếp cận trận đấu như vậy đã biến Roma của Capello trở nên cực kì đáng gờm với Totti là một Trequartista đích thực.



Sự thay đổi đến với Francesco Totti trong giai đoạn từ 2005-2007, thời Luciano Spalletti phát triển sơ đồ 4-2-3-1, mà sau đó đã biến thành sơ đồ chiến thuật 4-6-0 (gần như đầu tiên trên thế giới) vào mùa giải 2006/07 khi Roma đối mặt với những chấn thương nơi các trụ cột. Spalletti gần như vẫn để Totti chơi ở vị trí số 10 như trước, nhưng khác biệt là ngay trên anh sẽ không còn một tiền đạo nào nữa. Chiến lược gia người Italia để Totti tiến hóa vai trò thành một False Nine (số chín ảo). Trở thành mũi nhọn cao nhất trên hàng công, Totti không chỉ tận dụng những đường chuyền từ tuyến sau hay những pha tạt bóng mà anh còn chủ động lùi về kéo bóng, tạo khoảng trống cho các tiền vệ ngay sau triển khai tấn công. Totti với vai trò mới đã cùng Roma giành lấy 11 trận thắng liên tiếp, bản thân anh liên tục nổ súng và chiến thắng trong cuộc đua giày vàng đầy nghẹt thở với Van Nistelrooy cùng Diego Forlan.

Totti đảm nhận False9 dưới thời Spalletti
Vẫn như trước, Roma dưới thời Spalletti vẫn chia làm hai hệ thống phòng ngự và tấn công. Nhưng trong trường hợp này, hệ thống phòng thủ bao gồm 5 người, với bộ tứ hậu vệ cùng người chơi thấp nhất nhất tuyến giữa -  Daniele De Rossi. Ngay trên Rossi, là năm cầu thủ có nhiệm vụ triển khai tấn công với bốn tiền vệ cùng Totti đá cao nhất. Bất cứ khi nào cần thiết, Totti sẽ lùi về kéo bóng, đồng thời tạo khoảng trống để bất kỳ tiền vệ nào cũng có thể dâng lên, hoặc hai cánh sẽ cut-inside vào trong, hoặc chính Totti sẽ là đầu tầu phát động tấn công cho Roma, nhưng thường anh sẽ bắt đầu từ một vị trí thấp hơn đáng kể so với một số 9 - hiệu quả là điều đó có thể làm mất cân bằng và gây nên sự xáo trộn trong hệ thống phòng ngự của đối phương. Hoặc dâng lên kèm Totti, làm gãy trục phòng ngự; hoặc giữ nguyên vị trí và để Totti tự do đi bóng triển khai tấn công.

Về sau, mặc dù đã bước sang độ tuổi bên kia sự nghiệp, nhưng “Vị vua thành Rome” vẫn duy trì một hiệu suất ghi bàn khá ổn định dưới thời Claudio Ranieri cùng với Montella. Và dưới sự chỉ đạo của Luis Enrique, Totti được trả về vai trò Trequartista như ban đầu. Sau lần tái hợp cùng Zeman, Totti đã 36 tuổi nhưng vẫn nâng cao thành tích ghi bàn của mình để trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều thứ hai trong lịch sử Serie A. Francesco Totti chính thức giải nghệ vào năm 2017, kết thúc hơn 2 thập kỉ gắn bó với màu áo bã trầu.
Ngày "Vị vua" thành Rome giải nghệ
Sự nghiệp quốc tế chứng kiến ông Vua thành Rome vô địch World Cup 2006 trên đất Đức, khi anh chơi trong sơ đồ 4-4-2 hơi lùi so với trung phong Luca Toni, cùng trục tiền vệ gồm Andrea Pirlo và Gennaro Gattuso ngay phía sau. Điều này cho phép Italia có trong tay hai con bài Playmaker, một tiến và một lùi, và Gattuso với sức mạnh cùng năng lượng vốn có sẽ bảo vệ tuyệt đối cho cả hai người. Một lần nữa, với sự di chuyển của Totti, cho anh ấy tạo nên những khoảng không và tìm thấy thời gian để lựa chọn thực hiện một đường chuyền lên phía trước hoặc dâng lên như một tiền đạo lùi. Điều đó mang lại sự thành công cho Italia xuyên suốt giải đấu.


Sự nghiệp của Francesco Totti, cho thấy một cầu thủ có thể tiến hóa và thích nghi vai trò theo thời gian, dưới hệ thống chiến thuật khác nhau từ những huấn luyện viên khác nhau. Vị vua thành Rome dần học cách chơi bóng hiệu quả hơn, bởi anh chính là trái tim, là linh hồn của đội bóng. Francesco Totti được khai thác ở mọi khía cạnh, từ tầm quan sát, kỹ thuật cá nhân điêu luyện đến bản năng săn bàn trứ danh bởi những vị chiến lược gia như Zeman, Capello, Spalletti, và cả những người khác. Từ Hoàng tử , anh đã trở thành một Vị vua đích thực của thành Rome. Đối với những người dân xứ La Mã – Yêu Roma đồng nghĩa với bạn yêu Totti, vì cả hai là một. Suốt sự nghiệp vĩ đại của Totti, anh có thể đã chọn sang Real Madrid, qua AC Milan để đoạt thêm nhiều danh hiệu cao quý và thậm chí có thể ghi tên vào danh sách những người đoạt Quả Bóng Vàng, nhưng rồi cuối cùng, tình yêu của Francesco, chỉ mãi dành cho Roma.

 Dù cho vai trò chiến thuật của anh thay đổi qua từng đời huấn luyện viên khác nhau, duy chỉ có màu anh mang trên người là không bao giờ thay đổi, là dòng máu Roman, là “màu máu” bã trầu đã chảy trong huyết quản của người con – và giờ là Vị vua bất tử của thủ đô nước Ý, Francesco Totti.



Biên tập: Minh Tài.