"Giữa đường đứt gánh tương tư"

Đây là một câu thành ngữ được sử dụng trong Truyện Kiều. Tương tư vốn là một trạng thái không trọng lượng, không thể cân đo, đong đếm được. Nhưng nếu gán ghép thêm từ "gánh" vào, thì "gánh tương tư" lại mang một sức nặng đến vô cùng. Người gánh càng nặng tình bao nhiêu thì khi đứt gánh sẽ càng đau lòng bấy nhiêu. "Giữa đường" mang hàm ý chông chênh, nửa vời, gợi một cảm giác bơ vơ. "Giữa đường đứt gánh tương tư" cũng giống như một hạnh phúc lưng chừng. Giữa đoạn đường tình cảm ấy, vai gánh đứt đoạn, một khối tương tư vỡ vụn tan tành, người gánh lặng lẽ bơ vơ.... Trong sự bế tắc của tình yêu, người nào nặng tình hơn thì người ấy đau nhiều hơn.

"Hạnh phúc tắc đường"

Đây cũng là một trạng thái bế tắc trong tình yêu, nhưng là cả hai người cùng mắc kẹt. Có lẽ chính là vì sự không hiểu nhau, sự bất đồng quan điểm. Cả hai người cùng đi trên một con đường, nhưng vì không thấu lòng nhau mà hai người tạo ra rào cản, giam chân nhau không thể bước tiếp, vậy nên hạnh phúc tắc đường. Nếu suy theo một giả thiết khác, rằng rào cản ấy là do nguyên nhân khách quan từ bên ngoài chứ không phải nguyên nhân chủ quan từ hai người thì sao ? Điều đó là không thể, vì nếu đủ yêu thương tin tưởng lẫn nhau, thì cho dù cuộc đời có tạo ra muôn vàn thử thách, hai người vẫn sẽ đồng lòng vượt qua. Còn khi đã là vấn đề xuất phát từ chính bản thân, cả hai không hiểu lòng nhau, không tin tưởng nhau, thì sẽ không thể vượt qua rào cản. Hạnh phúc tắc đường mang nỗi đau đến cho cả hai chứ không chỉ riêng một người.
Bạn có đang mắc kẹt với 1 trong 2 trạng thái trên ?