Hạnh phúc là một khái niệm vô cùng rộng lớn, mỗi con người, mỗi lứa tuổi lại có một quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Hạnh phúc vốn tồn tại xung quanh chúng ta, xuất phát từ chính bản thân chúng ta và từ những điều nhỏ bé, dung dị nhất. Dường như có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Và ikigai cũng vậy, thực tế cho thấy mỗi người có một ikigai khác nhau và không phải ai cũng đã tìm ra được ikigai cho bản thân mình.
Ikigai là gì? Ikigai đối với người Nhật như thế nào?
        Xuất phát từ một quốc gia có dân số già nhất thế giới, ý tưởng này trở nên nổi tiếng ra khỏi Nhật Bản như là cách giúp bạn sống lâu và hạnh phúc hơn.
        Cụm từ ikigai trong tiếng Nhật được hợp thành từ hai từ kanji: “iki” có nghĩa là cuộc sống, và “gai” có nghĩa là giá trị hoặc sự xứng đáng. Khi ghép lại, ikigai có nghĩa là giá trị của cuộc sống, hay hạnh phúc trong cuộc sống. Nói một cách đơn giản, ikigai là lý do bạn thức dậy vào mỗi buổi sáng.
        Theo người Nhật, mỗi người đều có một ikigai tìm ẩn. Nó đòi hỏi một cuộc tìm kiếm sâu rộng và thường kéo dài. Sự tìm kiếm này được coi là rất quan trọng, vì người ta tin rằng sự khám phá ra ikigai của một người mang lại cho họ sự thỏa mãn và ý nghĩa của cuộc sống.
        Đối với người Nhật nếu con người tìm ra và theo đuổi được ikigai của mình thì thật hạnh phúc! Khi đó con người sẽ thường xuyên có niềm vui trong cuộc sống và hài lòng hơn với bản thân mình!
Để hiểu đơn giản về ikigai, sẽ có 4 câu hỏi tượng trưng cho 4 lĩnh vực:
  • Bạn yêu thích làm việc gì nhất?
  • Bạn làm tốt ở lĩnh vực nào?
  • Xã hội cần cái gì nhất (từ bạn)?
  • Bạn kiếm được tiền từ việc gì?
        Tìm ra câu trả lời và sự cân bằng giữa bốn lĩnh vực này chính là cách để tìm thấy ikigai một cách đơn giản – nhưng là đối với một người phương Tây. Còn với người Nhật, ikigai là một khái niệm rộng hơn nhiều, và nó bắt nguồn từ cuộc sống thường ngày. Ikigai có thể là công việc, nhưng nó cũng có thể là sở thích, là những người thân yêu, hoặc đơn giản là tận hưởng khoảng thời gian tụ họp cùng bạn bè.
Giới trẻ ngày nay tìm ikigai và định nghĩa về hạnh phúc như thế nào?
        Hạnh phúc của tuổi trẻ ngày nay là dám làm và dám làm lại? Họ phạm sai lầm, có những điều có thể sửa, một số thì không. Nhưng hơn hết, tuổi trẻ đủ sức và can đảm để đối mặt với hệ quả của hành động và lựa chọn. Hạnh phúc của tuổi trẻ ngày nay được nghe theo tiếng nói của trái tim và đôi lúc, họ bỏ mặc những lời đàm tiếu sau lưng, họ đi theo ước mơ và hoài bão.
        Steve Jobs có câu nói “Công việc chiếm phần rất lớn cuộc sống của bạn và cách duy nhất hài lòng hoàn toàn với nó là làm những gì chính bạn coi là vĩ đại. Và cách duy nhất làm những điều vĩ đại là hãy yêu cái việc các bạn làm!" Chỉ khi cảm thấy yêu mọi thứ mình làm bạn mới có thể yêu bản thân mình và tận hưởng trọn vẹn cuộc sống này.
        Giới trẻ cho rằng “Hạnh phúc là có việc gì đó để làm, có người nào đó để yêu và có điều gì đó để hy vọng”. Có lẽ, chính quan điểm xem hạnh phúc là những điều bình dị trong cuộc sống và tình yêu thương, lạc quan khiến cho họ luôn cảm thấy mình hạnh phúc. Tất nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bằng lòng với những gì mình đang có mà đó là điểm tựa để ta cố gắng hơn.
        Giống với ikigai, hạnh phúc không quá lớn lao, xa vời mà đôi khi rất giản dị, gần gũi, quan trọng là ta có đủ hiểu biết để cảm nhận nó hay không. Nó luôn hiện hữu trong đời sống, từng giây phút, từng ngày, với tất cả mọi người. Hạnh phúc chỉ đến với chúng ta khi ta sống lạc quan, nỗ lực hết mình, biết yêu thương, đồng cảm, biết trân trọng những gì mình đang có và cũng không thụ động ngồi một chỗ bằng lòng với mình. Hạnh phúc thật sự phải gắn với cuộc đời chung.
        Bạn hoàn toàn có thể áp dụng ikigai vào cuộc sống của mình nhưng hãy nhớ, đặt mục đích vào việc mình làm. Ikigai có thể thay đổi linh hoạt theo độ tuổi, miễn là bạn cảm thấy phù hợp và có ý nghĩa cho cuộc sống.
Brian Huỳnh Anh