John Locke
John Locke
John Locke (1632–1704) là một nhà triết học người Anh. Trường phái mà ông theo đuổi chủ nghĩa kinh nghiệm Anh trong lĩnh vực nhận thức luận. John Locke là một trong những nhà tư tưởng lớn của phong trào Khai sáng, những lý thuyết của ông về quyền tự nhiên, về lý thuyết xã hội đã đóng vai trò lớn trong cuộc cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp và đã góp phần định hình cho hiến pháp của các quốc theo chủ nghĩa tự do sau này. Qua các tác phẩm của mình, ông luôn đấu tranh chống lại chủ nghĩa chuyên chế và hi vọng con người dùng lý trí, trải nghiệm để đi tìm chân lý thay vì chấp nhận ý kiến áp đặt hoặc sinh ra bởi niềm tin mù quáng.
Quyền tự nhiên và khế ước xã hội
Lý thuyết nổi tiếng nhất của ông là lý thuyết về quyền tự nhiên và khế ước xã hội, đây là hai khái niệm cốt lõi trong quan điểm của ông về nhà nước và tổ chức nhà nước.
Quyền tự nhiên trước tiên là quyền mưu cầu sinh tồn của con người. Bao gồm quyền được sống, quyền được tự do, quyền được đảm bảo sức khỏe và cả quyền tư hữu tài sản. Một trong những quyền tự nhiên mà Locke đề cập tới là quyền được lao động, bởi theo ông, lao động là hoạt động gìn giữ sự tồn tại của loài người, vậy nên lao động là một quyền tự do của con người. Và Locke cho rằng lao động luôn sinh ra giá trị mới cho vạn vật, nên những của cải vật chất, giá trị tinh thần mà lao động tạo ra thuộc về người làm ra chúng - cho nên tư hữu tài sản là quyền tự nhiên cơ bản của con người. Và vì là quyền tự nhiên nên nó có trước thể chế nhà nước, chức năng sau cùng của nhà nước là đảm bảo quyền tự nhiên của con người.
"Khế ước xã hội" là học thuyết cho rằng con người tự thỏa thuận với nhau, cùng từ bỏ một phần quyền tự nhiên của mình để xây dựng cuộc sống cộng động.
Locke quan niệm trong trạng thái tự nhiên tất cả mọi người đều bình đẳng và tự do, không ai có quyền làm tổn hại đến người khác và mọi người đều có quyền trừng phạt kẻ vi phạm. Xã hội văn minh ra đời vì mục đích quản trị tốt hơn mà con người giao một số chức năng của mình cho các quan chức, và do vậy nhà nước hay hệ thống chính quyền ra đời. Do vậy, quyền lực của nhà nước là có giới hạn, và nhà nước có nghĩa vụ đối với người dân. Ngoài ra, quyền lực của nhà nước có thể bị thay đổi bởi chính người dân, người bị trị, những người đã trao quyền cho nhà nước.
Ông cũng cho rằng con người là ích kỷ và đầy ham muốn. Chính vì vậy mà ngay từ thời ở trạng thái tự nhiên, khi nhà nước chưa ra đời, con người bên cạnh quyền tự nhiên của mình đă phải tự cho mình quyền xét xử và trừng phạt kẻ khác để duy trì luật của tự nhiên. Chính vì vậy, khi xã hội văn minh ra đời với thể chế nhà nước là hệ quả của khế ước xã hội, đây là một bước tiến văn minh hơn và giúp duy trì luật của tự nhiên thông qua luật lệ của xã hội văn minh. Và ngay cả một nhà nước chuyên chế do vua chúa cai trị cũng vẫn phải thực hiện đúng các chức năng của khế ước xã hội như một chính quyền dân sự nếu không muốn bị diệt vong. Chức năng của một chính quyền dân sự hợp lẽ là phải bảo vệ quyền tự nhiên của con người, tức là quyền của mỗi công dân được sống, được tự do, có sức khỏe và có của cải.
Lòng bao dung trong tôn giáo
Locke xem bản chất con người là lý trí và khoan dung. Locke tin tưởng vào Chúa trời, nhưng ông không cho Chúa một vị trí nào trong tâm tưởng hay trái tim của con người. Chính hành vi và ý chí của con người mới là điều Locke quan tâm.
Quan điểm về tôn giáo của Locke là phải khoan dung. Một xã hội mới muốn thực hiện tốt chức năng của nó cần phải thống nhất không phải bằng một tôn giáo mà bằng lòng khoan dung. Và do vậy nhà thờ cần phải là các tổ chức tự nguyện chứ không phải gắn liền với nhà nước như Nhà thờ Anh giáo.
Trong "Thư về Lòng Khoan dung" (A Letter Concerning Toleration) (1689) sau hậu quả của các cuộc chiến tranh tôn giáo ở châu Âu, Locke đã đưa ra một lý luận kinh điển về lòng khoan dung tôn giáo, trong đó ba lập luận là trọng tâm:
1/ Các thẩm phán trần thế, nhà nước nói riêng và con người nói chung, không thể đánh giá một cách đáng tin cậy những tuyên bố về sự thật của các quan điểm tôn giáo cạnh tranh nhau
2/ Ngay cả khi họ có thể, việc thực thi một 'tôn giáo chân chính' duy nhất sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn, bởi vì niềm tin không thể bị ép buộc bởi bạo lực
3/ Ép buộc sự đồng nhất tôn giáo sẽ dẫn đến nhiều rối loạn xã hội hơn là cho phép sự đa dạng.
Thuyết lao động về giá trị và tích lũy của cải
Theo Locke, tài sản không được sử dụng là lãng phí và là một hành vi trái với tự nhiên, nhưng, với sự ra đời của hàng hóa "bền", con người có thể đổi hàng hóa dễ hư hỏng/không sử dụng của mình để lấy những hàng hóa tồn tại lâu hơn/hàng hóa cần thiết và do đó không vi phạm luật tự nhiên. Theo quan điểm của ông, sự ra đời của tiền đánh dấu đỉnh cao của quá trình này, giúp cho việc tích lũy tài sản không giới hạn mà không gây lãng phí.
Locke cho rằng giá trị và giá cả được quyết định theo luật cung cầu và tiền tệ có hai chức năng, một là để đo giá trị và hai chính là để tích trữ thay cho hàng hóa. Sự giàu có được đo bằng việc tích lũy được nhiều của cải. Locke cũng cho rằng một quốc gia cần phải có cân bằng thương mại nếu không sẽ thua thiệt so với các quốc gia khác khi giao dịch. Và khi dự trữ tiền tệ của cả thế giới tăng lên thì quốc gia cũng phải tìm mọi cách gia tăng dự trữ của mình.
Trong ngoại thương, bên cạnh luồng dịch chuyển của hàng hóa còn có luồng dịch chuyển của dự trữ tiền tề của quốc gia và chính sự dịch chuyển lưu thông luồng tiền này quyết định tỷ giá hối đoái. Nếu dự trữ tiền tệ của quốc gia đủ lớn, quốc gia có thể ảnh hưởng đến việc gia tăng giao dịch ở mức giá trị cao hơn bình thường. Locke nhấn mạnh rằng sự bất bình đẳng xuất hiện do thỏa thuận ngầm trong việc sử dụng tiền chứ không phải do khế ước xã hội thiết lập xã hội dân sự hay luật đất đai điều chỉnh tài sản.
Locke nhận thức được vấn đề đặt ra bởi sự tích lũy vô hạn nhưng không coi đó là nhiệm vụ của mình. Quan điểm của Locke về thuyết lao động về giá trị - "lao động luôn tạo ra giá trị mới cho vạn vật" - và Locke đưa ra để tạo ra lý giải cho đạo đức về quyền tư hữu tài sản chứ ko phải để lý giải thị trường.
ẢNH HƯỞNG TỪ TƯ TƯỞNG CỦA ÔNG
Lý thuyết về ý niệm của Locke thường được coi là nền tảng của các quan niệm hiện đại về bản sắc và bản thân, nổi bật trong tác phẩm của các triết gia sau này như Jean-Jacques Rousseau, David Hume và Immanuel Kant.
Locke có ảnh hưởng sâu sắc đến triết học chính trị, đặc biệt là chủ nghĩa tự do hiện đại. Michael Zuckert đã lập luận rằng Locke đã phát động chủ nghĩa tự do bằng cách xoa dịu chủ nghĩa chuyên chế Hobbesian và tách biệt rõ ràng các lĩnh vực của Nhà thờ và Nhà nước. Ông có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Voltaire, người gọi ông là "le sage Locke". Những lập luận của ông liên quan đến quyền tự do và khế ước xã hội sau này đã ảnh hưởng đến các tác phẩm viết của Thomas Jefferson. Về Locke, Thomas Jefferson đã viết:
"Bacon, Locke và Newton… Tôi coi họ là ba người đàn ông vĩ đại nhất đã từng sống, không có ngoại lệ nào, và là những người đã đặt nền móng cho những kiến ​​trúc thượng tầng đã được nâng lên trong khoa học Vật lý và Đạo đức"
Locke đã định nghĩa lại tính chủ quan, hay cái tôi, dẫn đầu các nhà sử học trí tuệ như Charles Taylor. Jerrold Seigel cho rằng tác phẩm "An Essay Concerning Human Thought" (Một tiểu luận liên quan đến tư tưởng con người) của Locke đánh dấu sự khởi đầu của quan niệm phương Tây hiện đại về bản thân con người. Lý thuyết của ông trong vấn đề nhận thức luận đã trở thành cảm hứng cho nhiều nhà tâm lý học sau này, đặt nền tảng cho tâm lý học hiện đại. Lý thuyết của ông về quyền tự nhiên và khế ước xã hội đã tác động tới nhiều triết gia cũng như các nhà hoạt động chính trị trong quá trình xây dựng chủ nghĩa tự do.
Các tác phẩm nổi bật
1/ Thư về Lòng Khoan dung (A Letter Concerning Toleration) (1689) 2/ Luận về sự Hiểu biết của Con người (An Essay Concerning Human Understanding) (1689)3/ Hai khảo luận về chính quyền (Two Treatises of Government) (1689) 4/ Một số suy nghĩ về hậu quả của việc hạ thấp tỷ giá và tăng giá trị của tiền tệ (Some Considerations of the Consequences of Lowering of Interest, and Raising the Value of Money) (1691) 5/ Tính hợp lý của Ki-tô giáo (The Reasonableness of Christianity, as Delivered in the Scriptures) (1695) 6/ Con đường của hiểu biết(Conduct of the Understanding) (sau khi mất) 7/ Lá thư thứ hai về Lòng Khoan dung (A Second Letter Concerning Toleration) (1690) 8/ Lá thư thứ ba về Lòng Khoan dung (A Third Letter for Toleration)(1692) 9/ Lá thư thứ tư về Lòng Khoan dung (Fourth Letter for Toleration) (sau khi mất)