Ayn Rand (Đây là bài viết của Rand vào năm 1962 cho tờ thời báo Los Angeles. Các dữ kiện, sự kiện đề cập “ngày nay”, “hiện nay” trong bài được ghi nhận ở thời điểm 1962.)
-----------------------------------------------------------------------------
    Tại một hội nghị kinh doanh ở Nhà xuất bản Random House, trước khi tác phẩm Atlas Shrugged (tạm dịch: Atlas vươn mình) được xuất bản, một nhân viên bán sách đã hỏi liệu tôi có thể trình bày về bản chất triết học của mình một cách ngắn gọn không. 
    Tôi đã làm như thế này: 
    Bản chất của CHỦ NGHĨA KHÁCH QUAN: 
1. SIÊU HÌNH HỌC: Hiện thực khách quan 
2. NHẬN THỨC LUẬN: Lý trí 
3. ĐẠO ĐỨC HỌC: Tính tư lợi 
4. CHÍNH TRỊ HỌC: Chủ nghĩa tư bản 
    Nếu bạn muốn hiểu những phạm trù này theo ngôn ngữ thông thường, chúng sẽ là: 
1. “Bản chất, để được ra lệnh, phải được tuân thủ” hay “Ước muốn không tạo nên hiện thực” 
2. “Phải chọn giữa trắng và đen” 
3. “Mỗi người là đích đến tự thân” 
4. “Hãy cho tôi tự do hoặc để tôi chết” 
    Nếu bạn nắm giữ những khái niệm này với sự nhất quán hoàn toàn và lấy chúng làm cơ sở cho niềm tin của mình, bạn sẽ có một hệ thống triết học hoàn chỉnh giúp định hướng hành trình cuộc sống. Song, để nắm giữ chúng với sự nhất quán hoàn toàn nghĩa là để hiểu, để xác định, chứng minh và áp dụng chúng- đòi hỏi một lượng tư duy nhất định. Điều đó giải thích lý do tại sao triết học không thể được thảo luận trong một khoảnh khắc hoặc căn cứ trên hai quan điểm ngược nhau của cùng một vấn đề. 
    Quan điểm thứ hai là quan điểm triết học chiếm ưu thế ngày nay, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị. Trong phạm vi giới hạn của mục báo, tôi chỉ có thể đưa ra một tóm tắt ngắn gọn về quan điểm của mình, làm cơ sở tham khảo cho các bài báo khác của tôi trong tương lai. Triết lý của tôi, Chủ nghĩa khách quan, cho rằng: 
    1. HIỆN THỰC tồn tại khách quan tuyệt đối. Sự thật là sự thật, độc lập với cảm xúc, ước muốn, hy vọng và sợ hãi của con người. 
    2. LÝ TRÍ, khả năng xác định và tích hợp các nguyên liệu được tạo ra bởi giác quan của con người, là phương tiện duy nhất để con người nhận thức thực tế, nguồn tri thức duy nhất của con người, kim chỉ nam cho hành động và là phương tiện sinh tồn cơ bản của con người. 
    3. CON NGƯỜI - mỗi cá thể người - là đích đến tự thân, không phải là phương tiện cho đích đến của người khác. Họ phải tồn tại vì lợi ích cá nhân của chính mình, không hy sinh vì người khác và cũng không hy sinh người khác vì mình. Theo đuổi tính tư lợi duy lý và hạnh phúc cá nhân là mục đích đạo đức cao nhất của đời người. 
    4. HỆ THỐNG KINH TẾ-CHÍNH TRỊ lý tưởng là chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh. Đó không phải là một hệ thống nơi con người đối phó với nhau như nạn nhân và kẻ hành quyết, hay như chủ nô và nô lệ, mà như những thương nhân trao đổi với nhau một cách tự do và tự nguyện vì lợi ích đôi bên. Đó là một hệ thống mà không ai có thể giành được bất kỳ giá trị nào từ người khác bằng cách sử dụng bạo lực và không người nào có thể kích động việc sử dụng bạo lực để chống lại kẻ khác. Chính phủ hành động như một cảnh sát bảo vệ quyền con người và chỉ sử dụng vũ lực để trả thù và chống lại những ai kích động sử dụng bạo lực, như tội phạm hay ngoại xâm. Trong một hệ thống chủ nghĩa tư bản hoàn chỉnh, nên có (song lịch sử chưa bao giờ chứng kiến) sự tách biệt hoàn toàn giữa nhà nước và kinh tế; theo cùng một cách, vì cùng một lý do với sự tách biệt giữa nhà nước và giáo hội. 
    Chủ nghĩa tư bản là hệ thống bắt nguồn từ Hoa Kỳ. Thành công, sự phát triển, thành tựu của nó chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Triết lý chính trị Hoa Kỳ dựa trên quyền con người với cuộc sống cá nhân, với tự do, với việc mưu cầu hạnh phúc của riêng họ. Điều đó có nghĩa là: quyền con người tồn tại vì lợi ích của riêng họ. Đó là quy tắc đạo đức ngầm của Hoa Kỳ, nhưng điều đó không được xây dựng rõ ràng. Đó là lỗ hổng trong bộ giáp trí tuệ của đất nước, đang hủy hoại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và chủ nghĩa tư bản đang bị diệt vong vì thiếu một nền tảng đạo đức. Kẻ hủy diệt chính là đạo đức của chủ nghĩa vị tha. 
What is Post Objectivism? | Post Objectivist
Vị thần Atlas, nguồn cảm hứng cho tiêu đề cuốn Atlas Shrugged của Ayn Rand
    Chủ nghĩa vị tha quan niệm rằng một người không có quyền tồn tại vì lợi ích riêng của họ, rằng phụng sự người khác là biện minh đạo đức duy nhất cho sự tồn tại của con người, rằng hy sinh bản thân là nghĩa vụ đạo đức cao nhất của họ. Biểu hiện chính trị của chủ nghĩa vị tha là chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa nhà nước, cho rằng cuộc sống và công việc của một người phụ thuộc vào nhà nước, vào xã hội, vào đội nhóm, đoàn thể, chủng tộc và quốc gia. Và rằng nhà nước có thể loại bỏ cá nhân bằng bất kì cách nào để thỏa mãn lợi ích được cho là lợi ích cộng đồng, tập thể. 
    “Từ thuở sơ khai, nước Mỹ đã bị giằng xé bởi cuộc đụng độ giữa hệ thống chính trị với đạo đức vị tha. Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa vị tha xung khắc với nhau, không thể cùng tồn tại trong một con người, hay trong một xã hội. Ngày nay, cuộc xung đột đã lên đến đỉnh điểm.”
    Lựa chọn là rất rõ ràng: hoặc đạo đức mới của tính tư lợi duy lý, với kết quả là tự do, công lý, phát triển và hạnh phúc cá nhân; hoặc đạo đức nguyên thủy của chủ nghĩa vị tha, với kết quả là chế độ nô lệ, bạo lực, đe dọa khủng bố và các lò sát sinh. 
    Bạn có thể quan sát kết quả thực tế của chủ nghĩa vị tha và chủ nghĩa nhà nước khắp xung quanh trong thời buổi hiện nay, ví như trại lao động cưỡng bức ở Liên Xô, nơi 21 triệu tù chính trị làm việc trong các dự án xây dựng của chính phủ và chết vì suy dinh dưỡng, mạng sống trở nên rẻ mạt hơn cả thực phẩm; hay các phòng hơi ngạt và trại tử thần của Đức Quốc Xã, hay các vụ khủng bố và nạn đói trong cuộc Đại Cách mạng văn hóa Trung Quốc, hay cuộc bạo loạn ở Cuba nơi chính phủ rao bán cả con người, hay vụ Bức tường Đông Berlin nơi người dân nhảy xuống từ mái nhà hoặc bò qua các cống rãnh để trốn thoát, trong khi lính canh xả súng vào những đứa trẻ đang chạy trốn. 
    Quan sát những hành động tàn bạo này và hãy tự hỏi bản thân xem những sự kiện như vậy liệu có xảy ra nếu con người không chấp nhận quan niệm rằng chúng ta là vật hiến tế để hy sinh vì lợi ích cộng đồng. Hãy đọc những bài diễn văn của các nhà lãnh đạo chính trị ở các quốc gia này và tự hỏi các vị này sẽ tranh luận như thế nào nếu từ “hy sinh” không phải là quan điểm đạo đức mà là tội lỗi chống lại loài người. Hãy lắng nghe những bài diễn thuyết của chính quyền hiện tại và tự hỏi những điều tương tự.
--------------------------------------------