Bạn đang học ngoại ngữ và chuẩn bị ra trường nhưng không biết nên làm phiên dịch tự do (freelancer) hay xin vào làm việc cho một công ty (fulltime)? Bạn băn khoăn lựa chọn nào sẽ đưa bạn đến thành công trong con đường sự nghiệp? Ưu nhược điểm của mỗi lựa chọn là gì? Cần phải làm gì nếu chọn một trong hai?  Bài viết dưới đây mình làm rõ định nghĩa, lợi ích và hạn chế của cả hai con đường: fulltime & freelancer dưới góc nhìn của một biên phiên dịch với 6 năm toàn thời gian và hơn 3 năm làm tự do. 
PHIÊN DỊCH TỰ DO LÀ GÌ (FREELANCER)
Phiên dịch viên tự do là những người làm việc cho chính họ, không chịu bất kỳ sự quản lý hay giám sát, chỉ đạo nào của công ty hay bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. 
Họ làm việc tại nhà riêng, văn phòng hoặc nơi nào tùy thích; được quyền nhận/ từ chối các job phiên dịch phù hợp với mình. Phiên dịch hay biên dịch viên tự do chủ động chọn thời gian làm việc, lên kế hoạch để hoàn thành công việc theo tiến độ hoặc theo yêu cầu của khách hàng.
PHIÊN DỊCH LÀM TRONG CÔNG TY LÀ GÌ (FULLTIME)
Phiên dịch hay biên dịch viên tại công ty là người chịu trách nhiệm truyền tải các nội dung bằng lời nói hoặc văn bản giữa cấp trên và các cấp dưới và ngược lại. Làm toàn thời gian tại công ty hay một tổ chức nào đó, phiên dịch viên chịu sự quản lý và giám sát,chỉ đạo trực tiếp của các cấp liên quan. Thông thường khi xin vào làm việc cho một công ty, bạn sẽ được phân bố vào làm cho một phận cụ thể và phiên dịch hoặc biên dịch các tài liệu cho bộ phận đó. Có thể là kế toán, nhân sự, thu mua hoặc sản xuất. 
Điều này có nghĩa là phiên dịch toàn thời gian làm việc trong môi trường chuẩn hóa; được giao những công việc có sẵn và được hưởng những chế độ, phúc lợi xã hội theo quy định hiện hành. Đồng thời cùng phải tuân thủ mọi nội quy, quy chuẩn của công ty đó, việc vi phạm hay không hoàn thành, hoàn thành trễ nhiệm vụ sẽ có thể bị xử lý theo quy định của công ty và luật Lao động.

ƯU NHƯỢC ĐIỂM 
Tự do là ưu điểm lớn nhất khi làm một freelancer. Bạn có thể chọn thời gian, địa điểm, cách thức làm việc, khách hàng. Bạn có thể làm ở nhà, quán cà phê, coworking space…Bạn có thể bận rộn suốt vài tuần hoặc vài tháng để hoàn thành một công việc/ dự án nhưng sau đó là những ngày nghỉ ngơi thư thả, thoải mái bên gia đình. Bạn cũng quyết định được khách hàng của mình là ai, mức phí mình xứng đáng nhận là bao nhiêu. Ngoài ra, phiên dịch tự do có mức phí trả theo giờ/ ngày/ dự án thường cao hơn so với phiên dịch toàn thời gian. 
Một lợi ích khác cho các phiên dịch tự do nếu đã lập gia đình chính là vừa có thể làm tại nhà vừa chăm sóc con. Một freelancer hoàn toàn có thể vừa đi du lịch vừa làm việc chỉ với một chiếc máy tính có kết nối internet.
Dù vậy thì freelancer cũng có những hạn chế không nhỏ. Bạn có những tháng rủng rỉnh tiền vì những job hời thì cũng có những tháng bạn không tìm được một job nào. Khách hàng thỉnh thoảng bùng tiền và bạn cũng không được hưởng các chế độ bảo hiểm. Bạn cũng có khả năng mất luôn khách hàng khi không đảm bảo tiến độ công việc, thường xuyên trễ deadline, chất lượng phiên dịch/ biên dịch kém…Ngoài ra bạn có khả năng phải chuyển nghề nếu không cam kết học hỏi và phát triển bản thân mỗi ngày. Tự do cũng có nghĩa là tự lo và tự kỷ luật. Không ai đốc thúc bạn, hướng dẫn bạn phải làm gì, làm ra sao và tìm kiếm khách hàng như thế nào. 
Ngược lại với làm tự do, fulltime cũng có nhiều ưu điểm không thể phủ nhận được như thu nhập ổn định, chế độ phúc lợi và bảo hiểm giúp bạn vẫn có nguồn thu khi thai sản, ốm đau hay thất nghiệp. Thêm vào đó, cơ hội thăng tiến hay đi công tác nước ngoài cũng nhiều hơn. 
Một điểm hạn chế cho những bạn làm fulltime lâu năm đó là giới hạn hiểu biết của bạn trong 1 hay 1 vài lĩnh vực. Ví dụ như bạn dịch cho bộ phận thu mua thì từ vựng của bạn chỉ quẩn quanh đâu đó trăm từ. Tính tuần hoàn lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác cũng khiến bạn rơi vào tình trạng ù lì, kém thích nghi, ngại thay đổi. Khi chuyển sang bộ phận khác hoặc chuyển hẳn sang công ty khác, nhiều khả năng bạn phải học và làm lại từ đầu. Và, nếu không phấn đấu để đi lên,10 hay 20 năm sau bạn vẫn sẽ là phiên dịch mà thôi. 
Có rất nhiều bạn mới ra trường chọn làm phiên dịch toàn thời gian cho một doanh nghiệp nào đó để vừa đảm bảo thu nhập vừa học thêm chuyên môn. Trong thời gian này các bạn cũng học thêm một kỹ năng mà khi làm freelancer sẽ cần. Và khi tiền tiết kiệm kha khá đủ để sống trong ít nhất 6 tháng đến 1 năm mà không cần phải làm việc thì chuyển qua freelancer.
Một vài đồng nghiệp của mình nhận dịch thuật tại nhà sau những giờ làm việc tại công ty. Vừa kiếm thêm thu nhập vừa là bước chuẩn bị cho con đường làm freelancer sắp tới. Sẽ đến lúc bạn không còn muốn làm việc dưới sự quản lý/ điều hành của ai đó nhất là khi bạn đã có gia đình và muốn có thời gian riêng cho bản thân và những người thân yêu.
Nhưng cũng có nhiều bạn can đảm hơn, họ chọn cái bấp bênh ngay từ đầu để quăng mình vào thử thách, học hỏi nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất để mài dũa bản thân và khám phá xem mình thật sự phù hợp với cái nào. 
Nhiều bạn đã bắt đầu làm thêm khi còn là sinh viên. Đến khi ra trường tiếp tục làm tự do nhưng ở những mảng được trả cao hơn như là hướng dẫn viên du lịch. Nếu quản trị tài chính tốt, cân đối thu chi cho những tháng không có việc thì bạn vẫn hoàn toàn có thể sống được với nghề. Sau vài năm khi đã biết rõ mình nên đi sâu vào lĩnh vực nào như là dịch song song, dịch đuổi, dịch cabin, dịch hội thảo…thì rèn luyện thêm kỹ năng cần thiết cho lĩnh vực đó.
Một bạn khóa sau của mình rất thích đi du lịch. Khi còn là sinh viên năm cuối, bạn làm cộng tác viên du lịch cho một công ty lữ hành chuyên khách Hàn Quốc. Ngoài tiền công, bạn này còn nhận thêm tiền tip và các chi phí ngoài lề khác. Khi dịch covid ập đến, ngành du lịch bị thiệt hại nghiêm trọng, bạn vẫn có thu nhập từ việc dẫn khách nội địa đi du lịch trong nước nhờ kỹ năng thuyết trình hài hước và các địa điểm ăn uống ngon mà giá cả hợp lý bạn đã thu nhặt được trong thời gian trước.
Mình có hỏi bạn vì sao không vào làm công ty cho ổn định về mặt thu nhập vì bạn đã có gia đình. Bạn cho rằng bản thân vốn là người yêu tự do, thích đi đây đó và cảm thấy gò bó dưới sự quản lý của người khác!
Ngược lại, nhiều người bắt đầu bằng phiên dịch toàn thời gian vẫn rất thành công. Một số đàn anh, đàn chị của mình xin vào ngân hàng hoặc một doanh nghiệp nào đó sau khi ra trường. Họ liên tục trau dồi chuyên môn và học chuyên sâu thêm kiến thức và kỹ năng cho 1 một lĩnh vực nữa. Sau 10 năm, có người đã là trưởng phòng thu mua hoặc trưởng bộ phận cho vay mảng khách hàng doanh nghiệp, chuyên khách Hàn Quốc. Cộng thêm việc thành thạo ngoại ngữ, họ khó bị thay thế bởi người khác.        
Vậy nên làm freelancer hay fulltime? Lựa chọn là tùy thuộc vào hoàn cảnh, khả năng, mức độ ưu tiên và mục tiêu sự nghiệp của chính bạn. Quan trọng nhất vẫn là bạn có đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc để phát triển bản thân và sự nghiệp của mình không. Nếu có, thành công đến với bạn chỉ còn là yếu tố thời gian.