GIÁO DỤC: TỰ DO VÀ TRÓI BUỘC
Bài viết khám phá hai mặt của giáo dục: khai phóng tri thức và kìm hãm bản năng, qua các hình ảnh ẩn dụ và lý thuyết của Foucault và Freud, đặt ra câu hỏi liệu giáo dục là con đường dẫn đến tự do hay công cụ kiểm soát con người.
Education: A Path to Freedom or a Chain of Constraints?
Bạn nghĩ gì về hai hình ảnh này?
Tôi gọi hai bức hình này là hai thái cực của “giáo dục” – kìm hãm bản
năng và khai phóng.
Ngược về những thập niên của thế kỷ 20, Michel Foucault (1926–1984) là một trong những triết gia và nhà tư tưởng người Pháp với những nghiên cứu liên quan đến quyền lực, tri thức, và cách chúng vận hành trong xã hội, ông cho rằng: quyền lực và tri thức không tách rời nhau. Tri thức không chỉ là thứ được thu nhận hoặc khám phá, mà còn được cấu trúc và kiểm soát bởi quyền lực. Quyền lực không chỉ là sự áp chế từ trên xuống mà còn vận hành dưới dạng các cấu trúc tinh vi, hiện diện trong các hệ thống như giáo dục, y tế, và luật pháp. Các thể chế này sử dụng tri thức để định hình và kiểm soát cách con người suy nghĩ và hành xử.
Điều này được lý giải trong lịch sử, giáo dục được coi là một công cụ để các nhà cầm quyền cai trị hệ thống xã hội hoặc duy trì niềm tin tôn giáo. Dưới thời nhà Chu (1046–256 TCN) với nền tảng trọng tâm là Nho giáo. Hệ thống giáo dục này chủ yếu dạy về đạo đức, triết học và nghệ thuật quản lý, tập trung vào việc đào tạo các quan chức phục vụ trong bộ máy hành chính của nhà nước. Hay trong thời kỳ Trung Cổ (khoảng từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 15), giáo dục chủ yếu được kiểm soát và duy trì bởi các nhà thờ và các tổ chức tôn giáo. Nhà thờ Thiên Chúa giáo (Công giáo La Mã). Trong giai đoạn này, giáo dục được thiết kế chủ yếu để củng cố niềm tin tôn giáo và duy trì quyền lực của Giáo hội đối với dân chúng.
Tại sao chúng ta rất thích xem những bộ phim có nội dung “trả thù”? Chúng ta đón đợi cái kết mãn nhãn rằng nhân vật chính sẽ combat với phản diện và rồi cuối cùng những kẻ yếu thế hơn giành được chiến thắng, sống hạnh phúc và chúng ta khoái chí, mê mẩn điều đó, thậm chí có thể xem đi xem lại không thấy chán.
Lý giải cho điều này nói lên rằng, trong cuộc sống chúng ta bị dồn nén rất nhiều những áp lực nên chúng ta thường thích xem những bộ phim hoặc phương tiện giải trí có thể mang lại cho chúng ta cảm giác hưng phấn, vì trên thực tế chúng ta không thể làm điều đó hoặc không có được điều đó, một trong số sức mạnh dồn nén, kìm hãm chúng ta chính là những nhận thức về đạo đức được truyền qua bằng phương pháp “giáo dục”.
“Ồ không, mình không làm vậy được, vì mình là người có học mà” (mặc dù làm vậy mình thấy “sướng”, mình thấy “vui”)
Và để ngăn cản điều đó một cách hiệu quả nó phải tạo ra đạo đức dưới hình của Siêu Ngã, (Siêu Ngã là đạo đức xã hội được Nội phóng vào trong cái cấu trúc tinh thần của mình) và cách hay nhất để kiểm soát con người đó chính là để họ tự kiểm soát mình, thay vì phải sử dụng một lực lượng lớn an ninh để thao dõi và giám sát tư duy của bạn thì cách tốt nhất là bạn tự làm nó. Do đó, văn mình còn được cho là một âm mưu để biến chúng ta thành “nô lệ” (giống như khái niệm “Panopticon”).
Foucault lập luận rằng Panopticon không chỉ là một mô hình nhà tù, mà còn là một biểu tượng cho cách các thể chế hiện đại (như nhà trường, bệnh viện, nhà máy) sử dụng giám sát và kiểm soát con người. Thay vì dựa vào hình phạt bạo lực và trực tiếp như trong thời trung cổ, quyền lực hiện đại hoạt động thông qua việc tạo ra cảm giác bị giám sát và tự điều chỉnh hành vi.
Trong tác phẩm cuối cùng của nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud có tên “văn minh và những điều bất mãn của nó (Civilization and It’s Discontents)” tiên đoán rằng: “trước sau gì nhân loại cũng tự huỷ diệt chính bản thân mình vì bản năng của con người bị những cơ chế của văn hoá và giáo dục dồn nén như những sợi xích buộc chặt con thú nằm yên ở một chỗ… nhưng con thú đó sẽ không bao giờ chết, một ngày nào đó con thú đó sẽ ra khỏi hầm và tiêu diệt toàn bộ, bởi vì không ai có thể chống lại được bản năng vì bản năng được đồng hoá với hạnh phúc.”
Quan niệm này sau này còn được phản biện bởi Alfred Adler.
Theo lý thuyết tâm trí ba cấp độ của Sigmund Freud, ông tin rằng hành vi và tính cách được tạo thành từ sự tương tác liên tục và độc nhất giữa những nguồn sức mạnh tâm lý vận hành ở 3 cấp độ nhận thức khác nhau: Tiền ý thức, ý thức và vô thức. Ông tin rằng mỗi cấp độ này đều đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng lên hành vi và giáo dục nỗ lực để tác động lên cả ba cấp độ này.
Hiểu rõ được điều này để chúng ta nhận ra rằng giáo dục không chỉ là một quá trình truyền tải kiến thức đơn thuần mà còn là một hệ thống phức tạp có thể định hình hành vi, kiểm soát và thậm chí là dồn nén các bản năng tự nhiên của con người. Sự dồn nén này, như Freud đã chỉ ra, có thể dẫn đến mâu thuẫn bên trong giữa bản năng và những chuẩn mực xã hội. Bản năng tự nhiên - như khoái lạc, sự sáng tạo, và cảm xúc - bị điều chỉnh và áp đặt bởi các quy tắc đạo đức, văn hóa, và giáo dục.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở sự dồn nén. Giáo dục, thông qua quá trình tương tác với ba cấp độ tâm trí (ý thức, tiền ý thức, và vô thức), định hình cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh. Khi một cá nhân được giáo dục, họ không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn tiếp thu những chuẩn mực đạo đức, xã hội, và văn hóa từ môi trường học đường và xã hội. Những chuẩn mực này dần trở thành một phần của "Siêu Ngã" (Superego) – hệ thống giá trị và đạo đức mà Freud cho rằng chúng ta nội hoá từ xã hội.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: giáo dục đang thực sự giải phóng hay trói buộc chúng ta?
Có phải giáo dục đang cung cấp cho chúng ta chìa khóa mở ra những cánh cửa tri thức, tự do và sáng tạo, hay ngược lại, nó đang dồn nén những khát vọng tự nhiên, biến chúng ta thành những cá thể bị giám sát và tự giám sát? Sự dồn nén này liệu có dẫn đến một điểm bùng nổ, khi bản năng bị dồn nén quá lâu, và nếu như Freud đã tiên đoán, liệu nhân loại có tự phá huỷ chính mình khi không còn đủ khả năng kiểm soát bản năng?
Điều này đưa chúng ta đến một nhận thức quan trọng: giáo dục cần được thiết kế không chỉ để truyền tải kiến thức mà còn phải tìm cách hòa hợp giữa bản năng tự nhiên và các giá trị xã hội. Giáo dục không nên chỉ là một công cụ kiểm soát, mà cần trở thành phương tiện giúp con người nhận thức, khai phóng, và điều hòa bản năng của mình. Chỉ khi con người học cách chấp nhận và điều hòa những mâu thuẫn bên trong, giữa lý trí và bản năng, giữa xã hội và cá nhân, chúng ta mới có thể đạt được một trạng thái cân bằng thực sự trong cuộc sống.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất