Thế nào là học thực sự?
Học vốn là một thuộc tính tự nhiên. Không phải vì thi hay vì cha mẹ, cũng không phải để sau này có việc thơm tho với đồng lương cao ngất. Giống như con sư tử tập vồ, con hươu tập chạy, trẻ em nên phải được học và có quyền được học như những con thú . Nó học vì chỉ như thế nó mới là nó. Học là một bản năng gốc. Bà Montessori ở Italia, năm 1907, nghĩ ra lối dạy học kiểu tự nhiên có lẽ cũng dựa trên nguyên lý của động vật như vậy.
Nhiều người trưởng thành đã nghiêm túc kết luận: Trường học là một phát minh ngu xuẩn nhất của nhân loại. Một trong những người đó là Steve Jobs.
Đúng sai miễn bàn ở đây nhưng rõ ràng không phải vô cớ mà người ta đưa ra nhận định này.
Thứ nhất, trường học đặt ra các môn học bắt buộc một cách phản khoa học và phi logic so với ý định của đấng sáng tạo. Hãy nhìn thế giới động vật. Cá biết bơi thì không thể leo cây. Ngựa phi trên thảo nguyên nhưng đi cày thì rất kém. Vượn nhảy nhót trên cành cây nhưng không thể lặn ngụp dưới nước. Con nào con nấy đều chỉ rèn luyện, mài sắc và chăm chút cho sở trường của mình. Tất cả đều khiêm tốn và tôn trọng nhau trong sự hòa hợp viên mãn.
Vậy mà, con người lại xây ra trường học để nhốt tất cả trẻ em vào đó. Bắt chúng phải học các môn giống nhau với mong muốn kết quả thi cử phải cao và đồng đều. Không có vị lãnh đạo nào chấp nhận một học trò Toán 1 và Văn 9. Cái áp lực thi cử và điểm số này, trong đời chúng ta, chắc ai cũng từng nếm trải.
Trước đây nhân loại không có trường học quốc dân. Nghĩa là nhà nước không kiểm soát các lớp học và các trường học. Ở Tây Âu, khi ông Platon lập ra trường Academy là hoàn toàn tự do. Ông có quyền nhận học viên, loại học viên, quyết định giáo trình. Rất nhiều môn được tích hợp lại với nhau. Mà dạy rất ít. Chủ yếu đi…ngắm cảnh thiên nhiên. Thỉnh thoảng thầy lại tung ra một câu. Đúng như thánh phán. Học trò về nghiền ngẫm và phân tích, phản biện. Chính quyền rất nể và tôn trọng các thầy giáo và người đi học.
Mãi đến tận thế kỷ 19, thời đại của Newton, Tây Âu cũng không hề kiểm soát giáo dục. Những năm tháng đó, hình thức học gia sư và homeschooling rất phổ biến.Nhiều bạn bây giờ lầm tưởng trường học là cái gì đó vĩ đại và quan trọng lắm. Thực tế thế giới của chúng ta đã trưởng thành mà không hề cần trường học tập trung do nhà nước kiểm soát. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phát minh, nhà tư tưởng gia vĩ đại không hề đến trường.
Tội lớn nhất của người lớn và các nhà trường là nghĩ ra trò thi đua lập thành tích để phân hạng trường và phân hạng lương cho giáo viên.
Giai đoạn học cấp 2 là thời kỳ giông bão, ám ảnh và đau khổ nhất của tuổi thơ tôi. Chúng tôi cày kéo như những con nghé miệt mài trên những thửa ruộng mênh mông, khô cằn và nứt nẻ. Giáo viên, học sinh, phụ huynh đi đâu, ngồi đâu cũng chỉ bàn về các giải tỉnh, giải quốc gia. Người ta tôn vinh những học sinh được giải này giải nọ. Người lớn khích động chúng tôi vươn lên, nỗ lực hơn nữa để cướp giải về cho trường, cho dòng họ, cho quê hương. Người lớn bắt chúng tôi học thuộc những bài văn mẫu để hòng có giải. Người lớn bắt chúng tôi học những bài toán mà có lẽ ngay cả Newton và Einstein cũng đau đầu, nhức óc trong khi tôi lại chỉ thích nghệ thuật và văn học.
Cũng phải nói thêm, ngày đó, do nhận thức còn hạn chế, người ta rất kỳ thị và khinh bỉ những người học Văn Sử Địa. Ai từng đi học thời gian đó đều hiểu điều này. Người ta ngầm hiểu, nếu bạn là nam giới mà say mê văn sử địa thì đích thực bạn có vấn đề về giới tính. Chỉ có những anh giỏi toán lý hóa mới đáng được coi trọng và tôn vinh.
Tôi nhất quyết không để cho con tôi phải gánh cái đau khổ mà tôi đã phải chịu đựng, cho dù nó bị lạc lõng và khinh bỉ. Con tôi không cần thi cử tranh giải tỉnh giải huyện với ai, cũng chẳng cần trường chuyên lớp chọn. Vì tôi quá hiểu sự đau khổ do người lớn gây ra như thế nào. Nỗi đau khổ ấy được mang cái tên mỹ miều là giáo dục.
Ý tưởng tẩy chay giáo dục tập trung đã ra đời từ thế kỷ 19. Leo Tolstoy, nhà đại văn hào vĩ đại ở Nga đã lập ra những lớp học kỳ dị theo mô thức mà bà Montessori (thế kỷ 20) đã cụ thể hóa và phát triển dữ dội sau này.Leo Tolstoy cho rằng giáo dục ở nhà trường như chúng ta đang làm là đang hủy hoại loài người. Rằng, con người sinh ra đã hoàn hảo, thượng đế đã ban cho đứa trẻ những bản tính tuyệt vời. Đáng lẽ chúng ta chỉ nên mài sắc nó, để mầm non lớn lên tự nhiên như cây sồi, cây dẻ. Trái lại, giáo dục kiểu loài người đang làm lại biến trẻ em thành những cỗ máy, ép trẻ con phải làm những điều mà người lớn cho là tốt (thực tế chưa hẳn là tốt, thậm chí phản lại thiên tính của trời đất).
Vậy theo Leo Tolstoy thì như thế nào là giáo dục lý tưởng?
Đó là để đứa trẻ tự nhiên lựa chọn môn học như lựa đồ chơi. Giới thiệu cho đứa trẻ đủ các môn, đủ các thứ nhưng không mưu cầu thành quả phải thế này hay thế khác.
Ngày xưa ở Tàu, người ta dạy võ luôn gồm đủ cả 18 ban, với khí giới thì đủ cả 12 thứ vũ khí nhưng ông thầy dạy võ không mong và cũng không thể mong trò mình giỏi tất cả các môn đó. Ông ta chỉ yêu cầu đệ tử chọn một trong các món đó để dùng. Ngẫm ra như thế cũng phải lắm. Giáo dục bây giờ lại bắt mọi người học giống nhau, không có lựa chọn, đã thế lại còn phải đạt kết quả như nhau.
Tiếc thay! Khỉ leo cây nhưng bơi lại kém. Cá bơi được nhưng lại dốt leo cây. Khỉ và cá cùng học chung lớp lại cho ngồi làm bài thi giống nhau chẳng phải là việc làm vô ích hay sao?
Nhớ lại ở châu Âu, từ khi giáo dục cộng đồng, giáo dục quốc dân chưa ra đời, người giàu phải thuê gia sư đến nhà dạy, người nghèo hơn thì đưa con đến tận nhà thầy, cơm đóng gạo góp, ở với thầy đến hàng chục năm. Người thầy lúc đó phải biết hết các môn nhưng không cần phải giỏi tất cả. Ông ta sẽ tùy theo sở trường và đam mê của trò mà lựa môn, lựa cách dạy. Thiên tài do đó cứ nở hoa ầm ầm.
Sau này, tính từ năm 1907, bà Montessori lập ra lý thuyết dạy học kiểu tự nhiên dựa trên nền tảng tư tưởng của Leo Tolstoy. Người Tây hưởng ứng liền vì tư duy họ rất mở. Một số gia đình Tây bây giờ vẫn đi theo mô thức này.Không dạy. Không thi, không điểm. Không gò ép. Không có trường và kỷ luật ra vào lớp. Giáo viên không nói câu nào nếu không có ai hỏi. Mọi thứ phô bày ra trước mắt, để học sinh tự triền miên theo đam mê và khám phá tự nhiên.
Quan điểm của tôi về lối giáo dục này
Thứ nhất, tôi ủng hộ nhưng nó đứng trên phương diện cá nhân. Nhưng trên phương diện hoạch định chính sách thì nó mang tính bất khả thi vì xã hội sẽ trở nên hoang mang và xáo trộn mạnh.
Thứ hai, cách giáo dục này tạo ra những thiên tài kiệt xuất nhưng cũng tạo ra những con thú hoang dại, ngu dốt. Tại sao vậy? Thiên tài bẩm sinh thì đã có một ngọn đuốc trong não soi đường. Nghĩa là, thiên tài sẵn có thiện tính bẩm sinh, có đam mê lành mạnh và mải miết theo đam mê đó. Với thiên tài, tính tự giác, tự khám phá của họ rất cao. Nhưng phần đa chúng sinh thuộc nhóm bình dân, những người cần kỷ luật và sự giám sát nghiêm ngặt. Bỏ kỷ luật thì nhóm bình dân sẽ nhanh chóng biến thành dã thú liền. Lơ là kỷ luật thì THAM SÂN SI sẽ tấn công và khống chế toàn bộ tâm thức của nhóm người này.
Vậy câu trả lời tốt cho giáo dục nhi đồng là phải kết hợp. Người thầy giỏi là biết phân loại học sinh để dạy kiểu bình dân hoặc dạy kiểu thiên tài. Không nên áp lối dạy bình dân cho thiên tài và không dạy kiểu thiên tài cho nhóm bình dân.Có thể bạn thắc mắc rằng tại sao thời xưa đi học, có thể lớn hoặc nhỏ, nhưng ai cũng thành đạt? Theo tôi là vì ngày xưa không có nền giáo dục đại trà. Những ai được gia đình cho đi học hoặc dám đi học đều phần lớn có tố chất khác thường rồi. Những anh xoàng xĩnh hoặc không có tố chất cầm bút thì đã lập nghiệp theo cách riêng của mình. Bây giờ ta có giáo dục đại trà nên mới có nhiều khác biệt và diễn biến phức tạp.
Sở dĩ có giáo dục đại trà bậc cao vì người ta cho rằng tất cả đều có quyền đi học, và có quyền học lên cao. Đúng thế, nhưng năng lực nhận thức của con người lại khác nhau. Ai cũng có thể cầm bút ư? Không phải vậy. Cầm bút là một thiên chức không phải Chúa trao tùm lum cho bất cứ ai. Làm không đúng thiên chức, trong Nho giáo, người ta gọi là kẻ lỗi đạo.Vì bởi lẽ là không phải ai cũng ham thích học và có căn quả cầm bút. Như trên tôi đã nói, con cá biết bơi nhưng không thể leo cây.
Con khỉ biết leo cây nhưng lại không thể bơi. Với hai loại này, ta nên để chúng chơi hai trò chơi khác nhau. Đừng nên hô hào tất cả nhân dân đều nhảy lên cầm bút. Cha mẹ cũng không nên bắt con em mình phải cầm bút theo ý mình. Đó không phải vì con mà là vì ý chí chủ quan của cha mẹ.
................................................. Trên đây là bài viết đã được đăng trên kênh www.facebook.com/docaosang của Sang Đỗ. Các bạn có thể vào đó để xem nhiều hơn. Trân trọng cảm ơn!