Chúng ta đang sống trong mới thế giới phẳng. Nghĩa là thông tin và sự lựa chọn được rộng mở hơn nhiều so với cách đây 30 năm.

Cách đây chỉ chục năm, người dân không thể nào không ăn cái bánh giáo dục ẩm mốc và phản khoa học được nhét vào miệng ta một cách đầy cưỡng bức.

Nhưng bây giờ thì khác.

Trẻ em hoàn toàn không cần bằng cấp III của bộ giáo dục vẫn có thể đi học đại học ngay trên đất nước của mình. Trường Fulbright của Mỹ ở quận 9 và trường Đại học VinUniversity của Vingroup đã không cần xét bằng cấp III.

Thay vào đó, họ thi bằng một hệ thống khảo thí giống của nước ngoài (SAT, GMAT) và viết tiểu luận, phỏng vấn trực tiếp.

Gia đình tự học, đón gia sư, học online, học theo homeschooling với giáo trình của Mỹ đang dần dần trỗi dậy ở vài nơi.

Hãy tưởng tượng, với một tấm giấy chứng nhận của Mỹ, bạn có thể xin nhập học ở hơn 3000 trường đại học trên khắp thế giới và một tấm bằng tốt nghiệp cấp III ở Việt Nam chỉ có giá trị ở bán đảo Đông Dương thì bạn chọn cái nào.

NHỮNG LẦM TƯỞNG VỀ HOMESCHOOLING

1. Hiện tại homeschooling rất phổ biến trên thế giới và ở Sài Gòn. Nó là một trường học từ xa từ nhỏ tới lớn. Có giáo viên, có tài liệu, có bài tập, có trả bài, có bằng cấp chứng chỉ như một trường phổ thông ở Mỹ bình thường. Nó không xa vời như người ta tưởng.

2. Cần giỏi tiếng Anh? Không hẳn vậy. Homeschooling không cần người học quá giỏi tiếng Anh. Nó là hệ giáo dục linh động đáp ứng mọi thứ mà bạn cần, chấp nhận mọi loại học viên. Bạn order môn học giống như tiệm ăn buffet Sen Tây Hồ với hơn 500 món ăn một lúc. Bạn có thể học lịch sử và địa lý Việt Nam theo kiểu mới. Khách quan, trung thực và trong sáng.

3. Tôi không hề kinh doanh homeschooling, chỉ thấy nó có lợi nên chia sẻ. Trước sau như một, tôi luôn cảm thấy tự học, tự nghiên cứu thì tuyệt vời hơn nhiều học tập trung (institutional education). Trẻ em chỉ nên gặp bạn để vui chơi thể thao văn nghệ thì tốt hơn là học hàn lâm một cách máy móc. Và homeschooling thì đáp ứng rất tốt cho nhu cầu tự học và khuyến khích tự học.

Chẳng những phong trào homeschooling tăng cao, đi học Đại học đã không còn hấp dẫn giới trẻ. Họ chứng kiến quá nhiều tình trạng thất nghiệp của những sinh viên tốt nghiệp, những giáo sư giả, tiến sỹ giả. Các gia đình nông dân bắt đầu tỉnh ngộ. Họ đi theo hai hướng chính: Nếu con gái thì quyết tâm gả chồng ngoại quốc nếu điều kiện cho phép. Còn lại là học nghề. Nghề gì cũng được, miễn là có tiền.

Đến lúc nào đó, giáo dục lại trở về đúng trật tự cần có của nó. Tuy nhiên, dân tộc đã phải trả giá quá đắt cho những trò chơi phiêu lưu mạo hiểm của những người làm quan vô trách nhiệm.

Cái thiệt thòi của Việt Nam không phải là chỉ là tiền. Cái thiệt khi giáo dục bị tàn phá là lương tri xói mòn, đạo đức đổ nát. Tình trạng nói dối và gian trá hoành hành khắp nơi.

Học sinh nói dối với cô giáo. Cô giáo nói dối với hiệu trưởng. Hiệu trưởng nói dối phòng. Phòng nói dối với Sở. Sở nói dối Bộ. Bộ nói dối quốc hội. Xã hội nhan nhản những thằng Cuội đúng như bài thơ của Nguyễn Khuyến:

Thôi, thôi con có tội chi mà,
Lại đây tao cho giống ông Cuội;
Từ đấy Việt Nam đẻ ra người,
Bắc Nam rặt những thằng nói dối.

Còn nói như ông Thanh Tịnh thì, làm khoa học đương nhiên cần thí nghiệm. Nhưng thường người ta chỉ lấy chuột bạch, dê, lợn, gà ra thí nghiệm. Ở Việt Nam, người ta sẵn sàng đem cả dân tộc ra để thí nghiệm. Thật dã man và nhẫn tâm thay.

Gần đây nhiều bác họp nhau mở hội thảo về triết lý giáo dục Việt Nam và hình ảnh một công dân Việt tương lai.

Tôi thấy lạ quá.

Tại sao lại đi làm một việc dư thừa như vậy? Nếu không có bộ chính trị quyết thì các bác họp cũng đâu ích lợi gì?

Đảng ta là triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục chính là Đảng ta. Các bác không hiểu hay cố tình không hiểu?

Cách đây 2 năm, chính ông Trần Đại Quang khẳng định: tiêu chí hàng đầu của một công dân toàn cầu là trung thành tuyệt đối với XHCN và lý tưởng cộng sản.

Các bác định bàn gì thêm? Tôi cảnh báo lần đầu cũng là lần cuối: Nếu các bác tiếp tục bàn, tôi sẽ báo công an đến trói hết lại. Lúc ấy đừng trách tôi không nói trước.

Hãy làm gì đó như học tiếng Anh, đọc sách và vận động dân chúng đọc nhiều hơn. Đó mới đích thực là khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.