GIẢI “NGỐ” vài “THUẬT NGỮ” về TÂM TRẠNG CON NGƯỜI
Nguồn ảnh: Tự chỉnh sửa trên mạng Hoang mang là không biết sắp tới thế nào và mọi việc diễn ra ra sao. Tức là người ta thấy được...
Hoang mang là không biết sắp tới thế nào và mọi việc diễn ra ra sao. Tức là người ta thấy được một sự việc bất thường xảy ra phá vỡ đi tính bình thường hiện tại (ly hôn, mất việc, tai nạn, rủi ro...) nhưng lại không đủ lo-gic và nền tảng lý lẽ ở dưới để giải thích: tại sao nó lại diễn ra? từ đó dẫn đến hoang mang. Hệ quả của hoang mang là lo lắng và sợ hãi vì không biết lúc nào nó đến với mình.
Lo lắng là cảm giác bất an về hiện tại và tương lai, người ta thường lo lắng về tương lai nhiều hơn. Để tránh lo lắng, con người có xu hướng tích trữ, phần lớn tích trữ là của cải và tiền bạc. Lo lắng càng nhiều thì ham muốn và khối lượng tích trữ càng lớn.
Sợ hãi là tâm lý tự vệ để né tránh đau đớn và mất mát. Mong muốn né tránh càng lớn thì nỗi sợ càng tăng. Người ta có thể chết vì nỗi sợ nhiều hơn là chết vì đau đớn và mất mát thực tế mà họ phải nhận. COVID- 19 là một nỗi sợ vô hình như thế.
Nhàm chán là mất đi cảm hứng và niềm vui trong việc đang làm, mối quan hệ đang có. Sâu xa hơn nữa đó là không tìm thấy tính kết nối giữa hiện tại và ý nghĩa cuộc đời, khi đó người ta gọi là sống ''lạc trôi''.
Cô đơn là không được thỏa mãn mãn về sự quan tâm. Ham muốn càng lớn trong khi sự đáp ứng của đối phương càng nhỏ thì cô đơn càng tăng. Cô đơn không phụ thuộc vào ít người hay nhiều người quan tâm đến bạn mà nó chỉ phụ thuộc vào mức độ ham muốn của bạn và khả năng đáp ứng của đối phương thôi.
Chơi vơi là bước đi mà không có cái neo hay điểm tựa trong cuộc sống. Chơi vơi thể hiện một điều là người đó bước vào cuộc sống mới nhưng không có sự chuẩn bị đầy đủ trước đó, nó gọi là ''hổng nền''. Chơi vơi cũng là giai đoạn con người ta khám phá, thay đổi nhiều nhất trước khi tìm được cái neo và xây dựng điểm tựa trong cuộc sống.
Lạc lõng là cảm giác lẻ loi như bước đi một mình, tách khỏi một đám đông để lựa chọn một ngã rẽ riêng. Sâu xa của cảm giác lạc lõng đó là thiếu vắng sự thấu hiểu và ủng hộ từ người xung quanh. Người lạc lõng còn phải nhận một loạt kiểu gán ghép bên ngoài như ''chơi trội'', ''khác người''. Nếu cảm giác lạc lõng và áp lực bên ngoài lớn quá khiến con người ta gục ngã, người đó sẽ có xu hướng hòa tan và hùa mình vào đám đông. Còn nếu vượt qua được thì sẽ dần dần nhận được sự ủng hộ và đón nhận, lúc đó cũng là lúc hình thành được bản sắc riêng.
...
Ở một giai đoạn hoặc bối cảnh nào đó, con người có rất nhiều cảm xúc và tâm trạng đan xen nhau. Theo mức độ thì những cảm xúc và tâm trạng đó sẽ ảnh hưởng hoặc chi phối đến công việc và cuộc sống của người mang theo nó. Cái khó nhất ở điểm này là người ta không đủ ngôn từ và sự thấu hiểu để diễn tả tâm trạng đó như thế nào, ảnh hưởng đến bản thân và xung quanh ra sao và đó cũng là lý do mà người ta không thể xử lý hoặc điều hướng các cảm xúc, trạng thái theo hướng có lợi, tích cực được. Cái này gọi là ''quản lý cảm xúc'' á.
Ngọc Đạt | Hà Nội ngày 29/6/2021.
- - -
Link bài viết trên Blog cá nhân: http://www.trinhngocdat.com/post/giai-ngo-vai-thuat-ngu-ve-tam-trang-con-nguoi-
Bài viết trên Fanpage: https://www.facebook.com/104053838230919/posts/218988446737457/?d=n
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất