GIẢI MÃ BIỂU TƯỢNG TRONG "NHÀ GIẢ KIM" CỦA PAULO COELHO
1. Về cuốn sách Nhà giả kim và tác giả Paulo Coelho: Paulo Coelho là một tiểu thuyết gia Mĩ Latinh. Ông được biết đến với tư cách...
1. Về cuốn sách Nhà giả kim và tác giả Paulo Coelho:
Paulo Coelho là một tiểu thuyết gia Mĩ Latinh. Ông được biết đến với tư cách là tác giả của Nhà giả kim, 11 phút, Veronika quyết chết, Quỷ dữ và nàng Prym, Ngoại tình,… các cuốn sách này đều đã được xuất bản tại Việt Nam.
Nhà giả kim được coi là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Paulo Coelho, là tác phẩm đúc kết lại 11 năm nghiên cứu thuật giả kim của ông, cũng là cuốn sách hàm chứa trong nó nhiều ẩn ngữ và biểu tượng. Mặc dù chiếm được cảm tình của hàng triệu độc giả trên toàn thế giới, song trên thực tế, cuốn sách không hề được đón nhận trong lần xuất bản đầu tiên.
Nội dung của cuốn sách là kể về hành trình đi tìm kho báu của một anh chàng chăn cừu. Nghe nội dung như vậy có vẻ đơn giản, song thực chất, Nhà giả kim không phải là một cuốn sách dễ hiểu. Phần lớn người đọc đọc nó và lí giải theo hướng niềm tin của họ mong muốn, có rất ít người tiếp cận Nhà giả kim từ chính những biểu tượng tồn tại ở ngay trong tác phẩm.
2. Biểu tượng trong Nhà giả kim:
a. Biểu tượng là gì?
Biểu tượng phong phú hơn là một dấu hiệu, kí hiệu đơn thuần. Nó bao gồm phần: Cái biểu hiện và Cái được biểu hiện.
Roland Barthes đã cho rằng biểu tượng xét theo kí hiệu học gồm hai cấp độ: Kí hiệu học biểu thị bao gồm Cái biểu hiện và Cái được biểu hiện, Kí hiệu học hàm nghĩa bao gồm Cái biểu hiện (cấp độ bao trùm lên trên Cái biểu hiện và Cái được biểu hiện bậc 1) và Cái được biểu hiện.
Nghiên cứu biểu tượng chính là nghiên cứu cả hai cấp độ này.
Ví dụ: Với biểu tượng chim phượng hoàng, ta có thể hiểu theo cách sau:
Kí hiệu học biểu thị: Cái biểu hiện là Chim phượng hoàng, cái được biểu hiện sẽ là phần Sinh ra từ trong lửa
Kí hiệu học hàm nghĩa: Cái biểu hiện là Chim phượng hoàng sinh ra từ trong lửa, Cái được biểu hiện lại là Sự tái sinh.
Như vậy, nói một cách ngắn gọn, biểu tượng là thứ có thể đại diện cho một ý tưởng hoặc một quá trình, việc dùng biểu tượng là dùng các kí tự để đại diện cho khái niệm phức tạp hoặc một ý nghĩa nào đó. Đặc biệt, ý nghĩa của biểu tượng không bị giới hạn trong một phạm vi nào mà luôn được mở rộng ra với nhiều chiều liên tưởng, trên nhiều hệ quy chiếu khác nhau.
Ngày nay, trong nghiên cứu có một ngành nghiên cứu riêng về các biểu tượng. Và trên thực tế, để hiểu được ý nghĩa của bất kì văn bản nghệ thuật nào, người đọc cũng cần trang bị kĩ năng trong việc phát hiện và giải mã các biểu tượng, bởi vì các nhà văn, nhà thơ không bao giờ viết thẳng tuột ra những gì họ nghĩ mà thường truyền tải thông qua hệ thống biểu tượng mà họ khéo léo đan cài trong tác phẩm của mình.
Chính vì vậy, để thấu hiểu một cuốn tiểu thuyết, hay một bài thơ, trước hết cần liệt kê tất cả những biểu tượng xuất hiện trong đó, sau đó tư duy và tìm cách giải mã chúng.
b. Biểu tượng trong Nhà giả kim
Nhà giả kim là cuốn sách tràn ngập các biểu tượng. Để tiếp cận có hệ thống, tôi chia các biểu tượng thành 3 nhóm chính:
Nhóm 1: Biểu tượng về những mô hình người trong xã hội,
Nhóm 2: Những biểu tượng hành vi,
Nhóm 3: Các biểu tượng liên quan đến vấn đề tâm linh.
Nhóm 1: (6) Đàn cừu – Người chăn cừu và anh chàng đọc sách – Người bán kem – Chủ cửa hàng pha lê – Đội quân lính – Bọn cướp.
Nhóm 2: (4) Theo đuổi giấc mơ – Cuộc phiêu lưu – Sở hữu – Tình yêu lí tưởng
Nhóm 3: (9) Melchisedek – Urim Thummim – Sa mạc – Giấc mơ – Kim Tự Tháp – Nhà giả kim/ Thuật giả kim – Các dấu hiệu – Tâm linh vũ trụ - Vị trí kho báu
Từ đây, chúng ta có thể giải mã các biểu tượng xuất hiện trong tác phẩm theo từng nhóm.
Nhóm 1: Biểu tượng về những mô hình người trong xã hội
Đàn cừu: Đàn cừu là một biểu tượng xuất hiện dày đặc trong tác phẩm (15 lần, 9 lần trong lúc Santiago nhụt chí). Trong truyện, Santiago sở hữu một đàn cừu, và về sau, nó trở thành phương tiện trao đổi để phục vụ cho nhu cầu đi đây đi đó, đi đến Kim Tự Tháp của Santiago. Tuy nhiên, ý nghĩa của đàn cừu không chỉ dừng lại ở đó.
Đàn cừu còn biểu trưng cho một nhóm người trong xã hội, đó là những người ù lì, lười biếng, ngại thay đổi, không chịu sống đúng nghĩa. Đó là những người lúc nào cũng ngoan ngoãn, tuân thủ theo một loạt những quy tắc, định nghĩa nào đó do người khác nghĩ ra mà không chịu suy nghĩ, phản biện. Với những người này, chỉ cần tuân thủ và có được miếng ăn thì đã được xem như là đang sống rồi. Đàn cừu thực chất là tổng hòa của các yếu tố: sống không mục đích, không suy nghĩ, không hành động. Nhìn như vậy, trông đàn cừu thật chẳng khác nào một đàn zombie đói khát quanh năm chỉ nghĩ đến việc làm sao cho no bụng.
Trong Nhà giả kim, Santiago cực lực lên án lũ cừu:
“Nếu bất chợt mình biến thành một kẻ hung ác, giết hết con này đến con khác thì chắc khi cả lũ chết gần hết rồi chúng mới biết. Vì chúng mù quáng tin vào mình, chứ không còn tin ở bản năng của chúng nữa. Chỉ bởi mình là kẻ dẫn chúng đến những đồng cỏ xanh và nguồn nước mát.”
“Chúng không nhận ra rằng ngày này chúng đi đường mới. Chúng không biết đồng cỏ khác nhau và bốn mùa thay đổi, vì chúng chỉ lo mỗi chuyện ăn và uống. Nhưng biết đâu con người cũng y như thế.”
Tức là, có thể hiểu rằng, những ai chỉ biết nghĩ đến mỗi chuyện ăn và uống, thỏa mãn những ham muốn tầm thường thì chỉ là những con cừu bị động phó thác số mệnh cho kẻ chăn chiên.
Tiếp theo, chúng ta sẽ đến với những biểu tượng về hai mẫu hình người được xây dựng sóng đôi với nhau:
Đầu tiên là Người chăn cừu và anh chàng đọc sách. Người chăn cừu ở đây là Santiago. Ngay từ đầu, Santiago đã được biết đến là một anh chàng chăn cừu ham đọc sách. Sự khác biệt giữa việc đọc của Santiago và của anh chàng người Anh đang trên con đường tầm sư học giả kim là ở chỗ Santiago còn chú ý vào trải nghiệm thực tế. Cậu đi đây đi đó, vừa đi vừa học hỏi dọc đường, trong khi anh chàng kia chỉ chúi mũi vào sách và chỉ biết đến sách vở. Cách học của người chăn cừu là chủ động, vừa đọc sách, vừa liên hệ với thực tế cuộc sống, vừa thực hành những gì đã đọc được. Thậm chí, Santiago học được từ những trải nghiệm trong chuyến phiêu lưu còn nhiều hơn những gì cậu học được qua mấy trang sách viết vội.
Ở ngoài đời, chúng ta gặp nhiều anh chàng người Anh hơn là những cậu bé chăn cừu chủ động săn tìm kiến thức ở cả trong sách và ngoài cuộc sống. Chúng ta gặp những tay suốt ngày nói đến lí thuyết nọ lí thuyết kia, nhưng không bao giờ áp dụng được mớ lí thuyết đó vào thực tế, cũng thất bại luôn trong việc dùng lí thuyết để giải quyết vấn đề. Chúng ta gặp những tay mở mồm ra là sách vở, nhưng kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế luôn bằng 0. Mẫu người lí thuyết ấy ngày nay xuất hiện nhiều trong những người trẻ. Họ săn tìm tri thức được ghi trên giấy, cắm mặt vào sách, nhưng đọc mà không hiểu, để rồi tụng lại như một con vẹt, mà quên mất là tri thức tồn tại ngay trong chính cuộc sống, và tất cả những gì cần thiết là quẳng hết đống lí thuyết suông đi và trải nghiệm cuộc sống này.
Như vậy, hai mô hình người trong xã hội: Người chăn cừu – Người đọc sách được đẩy về hai thái cực đối nghịch nhau rõ rệt. Từ đó mới làm nổi bật lên được sự vô ích của việc đọc mà không hiểu, để lí thuyết làm chủ chứ không được là làm chủ lí thuyết.
Thứ hai là mô hình kiểu Người bán kem và Ông chủ cửa hàng pha lê. Người bán kem trong truyện là người thích đi đây đi đó và quyết định trở thành người bán kem để kiếm đủ tiền sang châu Phi chơi một tháng. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, người bán kem vẫn chỉ là người bán kem. Anh ta không đi được đâu, cũng không sang châu Phi chơi được.
Trong thực tế, người bán kem đại diện cho những người có ước mơ, có mục đích riêng, nhưng lại bị phân tâm, xao nhãng đến mức quên đi mục đích ban đầu đã đặt ra. Việc quên đi này có thể được lí giải bằng nhiều lí do, nhưng một trong những lí do có thể kể đến là sự tiện lợi. Việc mục đích không được thực hiện vốn không phải do có thử thách gì quá khó khăn, mà chỉ là người ta cảm thấy trạng thái hiện có tiện lợi hơn, vì tiện hơn nên mới dẫn đến việc quên đi ý tưởng ban đầu.
Chủ cửa hàng pha lê lại là kiểu người đối ngược với người bán kem. Ông mở cửa hàng để có kiếm tiền chi trả cho chuyến hành hương đến Mekka – Thánh địa của những người theo đạo Hồi. Cuộc hành hương đó lúc nào cũng ở trong tâm trí ông, song dù kiếm đủ tiền rồi ông vẫn quyết không đến Mekka. Không giống với người bán kem bị xao lãng và quên đi mục đích của mình, ông chủ cửa hàng pha lê lại là người nhớ rất rõ và liên tục nhắc nhở chính mình về mục đích cuộc đời: Hành hương đến Mekka.
Ông chủ cửa hàng pha lê tiêu biểu cho những người biết, nhớ mục đích nhưng không chịu làm vì sợ làm xong rồi thì không còn mục đích gì để sống nữa. Đây là những người coi mục đích là yếu tố trung tâm của cuộc sống, và họ không thể sống nếu thiếu mục đích. Chính vì thế, họ cố gắng duy trì việc hướng đến nó, chứ không cố gắng thực hiện nó.
Hai mẫu hình còn lại là Đám quân lính trên sa mạc và Bọn cướp. Đám quân lính trên sa mạc không tin vào nhà giả kim và Santiago, yêu cầu Santiago phải chứng minh sức mạnh của cậu. Khi tận mắt nhìn thấy cơn bão cát, họ đã tin và thả Santiago.
Đây là những người đặt sự hoài nghi lên trên tất cả, tuy nhiên, sự hoài nghi của họ là có căn cứ, và khi được chứng minh hợp lí, họ tin. Từ hoài nghi đến yêu cầu xác minh thông tin, họ đại diện cho một nhóm người trong xã hội ngày nay: Những người luôn đặt câu hỏi, luôn hoài nghi, và luôn sẵn sàng phản biện. Họ là những người thực tế vừa đủ, để khi điều họ hoài nghi được chứng minh, họ sẵn sàng tin tưởng.
Bọn cướp lại khác hẳn. Bọn cướp xuất hiện ở cuối truyện. Chúng cười nhạo Santiago và hành động chạy theo giấc mơ của cậu. Tên thủ lĩnh thậm chí còn khuyên Santiago không nên tin vào những thứ hão huyền như giấc mơ.
Ở ngoài đời, bọn cướp chính là những con người sống thực tế đến mức thực dụng. Họ không tin vào ước mơ, không có mục đích, cũng không hề có ý định trở thành những người phản biện xã hội. Công việc của những kẻ thực dụng là chọn những việc dễ làm, nhanh chóng thu được lợi nhuận (chọn làm cướp, thay vì thử du hành tìm kho báu). Chính vì thực dụng như vậy nên những người đó không làm được gì có giá trị, không cống hiến được gì cho xã hội bởi cướp bóc không tạo ra thêm được giá trị gì cho nhân loại. Những gì họ nhận được cũng chỉ là những gì tủn mủn, không đáng kể, và chắc chắn, những thứ ấy vĩnh viễn không bao giờ sánh được với “kho báu” mà Santiago tìm thấy.
Cùng là những người thực tế, nhưng nếu đám quân lính được chứng kiến những “điều kỳ diệu” từ Santiago và nhà giả kim bởi họ đã bỏ công đặt ra nghi vấn và có ý thức đi tìm lời giải đáp cho những thông tin còn đang mập mờ, thì toán cướp chỉ gặp toàn những nỗi thất vọng. Thực tế là tốt, song nếu thực tế bị đẩy lên thành thực dụng thì mọi thứ sẽ chẳng còn lại gì ngoài sự cô độc và tuyệt vọng. Sai lầm của những người thực dụng khi hành động đó là họ nghĩ rằng họ sẽ có tất cả. Tuy nhiên, sự thật là họ không có được bất cứ thứ gì.
Nhóm 2: Những biểu tượng hành vi
Hành vi đầu tiên được xem như một biểu tượng cần giải mã chính là Theo đuổi giấc mơ. Việc chạy theo một giấc mơ này không có nghĩa Santiago là một người tham lam đang cố săn tìm kho báu mà mang một ý nghĩa khác. Cậu quyết định đến Kim Tự Tháp không phải vì cậu bị mê hoặc bởi kho báu, mà vì cậu không hiểu được tại sao cậu lại có một giấc mơ như vậy. Và để có câu trả lời, không có cách nào khác ngoài việc chính cậu phải đến Kim Tự Tháp.
Nhiều người nhầm lẫn giữa việc Santiago đi theo giấc mơ và Santiago chạy theo khó báu. Đây là hai vấn đề khác nhau. Ngay từ đầu, Santiago không hề để ý đến kho tàng, và cái kho tàng cũng không thu hút cậu đến thế (nếu kho tàng thu hút, Santiago đã không nhiều lần nghĩ đến việc bỏ cuộc và đi về tậu một đàn cừu khác để tiếp tục cuộc đời anh chăn cừu thích đi đây đi đó).
Mơ là hiện tượng diễn ra trong tâm trí mỗi người, nó là vấn đề xảy ra bên trong, mặc dù nội dung của chỉ dẫn Santiago lại đưa đến một địa điểm bên ngoài là Kim Tự Tháp. Giải quyết các vấn đề bên trong bằng việc dấn thân vào cuộc hành trình tưởng như là hướng ra bên ngoài, tưởng như là đang chạy theo thứ vật chất xa hoa phù phiếm nào đó, Nhà giả kim đã khiến nhiều người hiểu nhầm về hành vi “theo đuổi giấc mơ”. Theo đuổi giấc mơ, thực chất là hành động khám phá và giải mã, tìm kiếm và xử lí những vấn đề đang diễn ra bên trong tâm trí, trong suy nghĩ, và trong chính con người Santiago, chứ không chỉ đơn giản là thực hiện một hành động nào đó xuất hiện trong giấc mơ theo nghĩa đen.
Biểu tượng hành vi tiếp theo là Cuộc phiêu lưu. Thông qua hành trình từ Tây Ban Nha sang Ai Cập, Santiago có cơ hội phát hiện và xem xét tất cả những vấn đề cậu có, từ chuyện thích đi đây đi đó, cho đến những suy nghĩ về bản chất của kho báu, những gì cậu học được trên từng đoạn đường, thử sức ở các công việc khác nhau… Cuộc phiêu lưu của Santiago không đơn thuần là hành trình khó khăn của một chàng trai đang săn tìm kho báu, mà còn là quá trình vượt qua mọi giới hạn, không ngừng mở rộng, phát triển bản thân của Santiago. Không dừng lại ở người chăn cừu, Santiago tiếp tục đi. Làm việc ở cửa hàng pha lê, trở thành người lữ hành trên sa mạc, tập cách nhận biết các dấu hiệu, … qua mỗi chặng đường, độc giả lại thấy một Santiago khác với Santiago trước đó.
Thực chất, câu chuyện về hai giọt dầu được kể đến trong tác phẩm cũng nhấn mạnh vào ý thức chủ động mở rộng bản thân ấy. “Bí quyết của cuộc sống là nhìn ngắm những cảnh vật xung quanh mà vẫn không quên đi hai giọt dầu trước mắt”. Hai giọt dầu là mục đích, là cái mỗi người tự đặt ra và tự yêu cầu bản thân phải hoàn thành nó. Nhưng hoàn thành theo cách nào? Nhiều người chăm chăm vào mục đích riêng, hoạt động như một con robot được lập trình sẵn. Những người ấy có mục đích, nhưng họ không thực sự sống. Tuy nhiên, những người quá tập trung vào các thứ râu ria trên đường đi mà lạc mất mục đích của bản thân cũng không phải là đang sống hoàn toàn. Hành trình chinh phục mục đích chính xác là một cuộc phiêu lưu. Thế nhưng, cuộc phiêu lưu chỉ thật sự là cuộc phiêu lưu khi người ta cống hiến hết mình cho chính nó, tận hưởng mọi thứ gặp phải trên đường, vui lạc thú, sẵn sàng chấp nhận thử thách,… và không bao giờ quên điểm cuối của chuyến hành trình.
Cuộc phiêu lưu vừa là để chinh phục, vừa là để tận hưởng. Và để có thể tận hưởng, rõ ràng cần phải thử sức trong tất cả các vị trí, làm trọn vẹn công việc của từng vị trí để hiểu rõ đâu là vị trí phù hợp nhất, đâu là thứ bản thân có thể phát huy hết khả năng,… Cuộc phiêu lưu có thể xem như một cuộc thử nghiệm, một chương trình rèn luyện, ở đó, Santiago có thể hóa thân vào các công việc khác nhau, vừa làm việc, vừa tìm kiếm giá trị của bản thân cậu.
Một biểu tượng hành vi quan trọng nữa cần giải mã là Hành vi Sở hữu. Sở hữu ở đây được hiểu theo nghĩa là cố gắng giữ những thứ gì đã có trong tay. Về kiểu hành vi sở hữu, trong Nhà giả kim đề cập đến hai kiểu, dựa theo hai mối quan hệ: Santiago – lũ cừu, và Nhà vua – lũ cừu.
Hành vi sở hữu của Santiago thể hiện rõ trong việc lúc nào cậu cũng quanh quẩn với đàn cừu. Và bất cứ khi nào gặp phải một thử thách khác thường, hoặc đạt được một vài thành công nào đó về mặt tiền bạc, điều đầu tiên cậu nghĩ đến cũng là quay về Tây Ban Nha, mua thật nhiều cừu để tiếp tục chăn cừu. Lũ cừu trở thành một thứ cám dỗ cản trở Santiago. Hay nói cách khác, hành vi sở hữu trở thành rào chắn ngăn cản Santiago đi tiếp. Việc liên tục nghĩ về những gì đã có, thỏa mãn với những gì đã có thường xuyên khiến Santiago rơi vào trạng thái mất tập trung, xao nhãng trước mục đích chính là theo đuổi giấc mơ (nhiều người hiểu nhầm mục đích là đi tìm kho báu).
Cần phải thẳng thắn rằng, chừng nào Santiago còn nghĩ về đàn cừu, chứng đó cậu vẫn còn ở trong trạng thái của một anh chăn cừu tầm thường, nếu không muốn nói là thấp kém. Trên thực tế, trong suốt nửa đầu câu chuyện, tôi không biết là Santiago sở hữu lũ cừu, hay là lũ cừu đang sở hữu và điều khiển suy nghĩ Santiago. Với mỗi lần khép lại chặng đường cũ, Santiago lại thêm một lần tưởng nhớ đến đàn cừu (chỉ còn tồn tại trong hoài niệm) của mình. Kéo theo đó là rất nhiều tưởng tượng về viễn cảnh ngày cậu trở lại với căn phòng giam đầm ấm mà lũ cừu cần mẫn giành tặng riêng cho cậu.
Mặc dù đã bước vào cuộc phiêu lưu, đã thử sức ở nhiều vị trí, song phải rất khó khăn, Santiago mới có thể thoát được khỏi tâm lí của một kẻ chăn cừu. Cậu luôn cần người nhắc cậu nhớ về mục đích thật sự khi cậu lên đường. Đó là vị vua già, là ông chủ cửa hàng pha lê, là nhà giả kim, là Fatima,… Hành vi này của Santiago cũng là một hành vi thường gặp trong thực tế. Nó là câu chuyện của sự dễ dàng thỏa mãn với những gì đang có, chăm chăm hướng đến thứ đã có, giữ khư khư chúng mà quên đi việc chính. Chỉ vì cái tâm lí sở hữu ấy mà Santiago khi đó lúc nào cũng cần người nhắc nhở, cần người hướng dẫn, và cần người đẩy cậu đi, dù rằng cậu đã có một mục tiêu rất rõ ràng.
Khác với Santiago, hành vi sở hữu của nhà vua già lại được biểu hiện ra bằng một cách thức khác. Melchisedek là một vị vua của xứ Salem – nơi được mệnh danh là vùng đất thánh. Ông có thừa của cải, vàng bạc, và chắc chắn, có thừa cừu. Thế nhưng tất cả những gì chúng ta “đọc” được ở ông lại không phải là những suy nghĩ tủn mủn về cừu hay về tiền. Thay vào đó, ông nói về điểm hạn chế của những cuốn sách, về hành trình trong cuộc đời của mỗi con người, về chân lí “Khi một người quyết tâm điều gì thì cả thế giới sẽ chung sức để họ đạt được điều đó”. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?
Xét về mặt sở hữu của cải, chắc chắn số lượng cừu cũng như số lượng tiền của Santiago chắc chắn không bao giờ chạm đến được ngưỡng ngoài cùng của kho tài sản mà vị vua già có. Thế nhưng sự khác biệt vốn không nằm ở việc ai có nhiều hay ít cừu hơn, ai nắm giữ nhiều tiền hay nhiều quyền hơn. Đặt sự so sánh ở đây là vô nghĩa, bởi không giống Santiago, vị vua già không bao giờ để của cải vào trong mắt. Lũ cừu sẽ ở đúng với vị trí của nó, và vị trí ấy không phải là ở trong suy nghĩ hay cái nhìn của một vị vua. Melchisedek có của cải và thực sự làm chủ được những gì ông có. Melchisedek không phụ thuộc vào đàn cừu, ông làm chủ nó, ông là thủ lĩnh. Và chính vì là thủ lĩnh nên lũ cừu không thể giam hãm ông. Đó chính là điểm khác biệt. Suy nghĩ của Santiago quá nửa chặng đường vẫn là suy nghĩ được nhìn qua cái nhìn và vị thế của một tay chăn cừu, một người đang tự đánh đồng mình thành một trong số những con cừu ngoan ngoãn.
Tuy nhiên, cuộc phiêu lưu sẽ là vô nghĩa nếu kẻ chăn cừu vẫn mãi mãi là kẻ chăn cừu. Đoạn đường từ đồng cỏ Andalusia sang Kim Tự Tháp đã chuyển hóa Santiago một cách từ từ. Dần dần, trong chuyến đi của mình, Santiago đã loại được những gì nhỏ bé, tầm thường ra khỏi tâm trí. Để rồi trong thành công cuối cùng khi tìm thấy một hòm tiền được chôn dưới lòng đất, điều đầu tiên Santiago nghĩ đến, tuyệt nhiên không còn là vài ba con cừu, mà là cô gái sa mạc Fatima – tình yêu của đời cậu. Đối với tôi, đó vừa là thời điểm Santiago tìm ra một kho báu, đồng thời cũng là khoảnh khắc vị thế của cậu chuyển từ kẻ chăn cừu sang một vị vua đích thực, và còn lúc đánh dấu thời điểm lũ cừu không bao giờ có thể điều khiển suy nghĩ Santiago được nữa.
Biểu tượng cuối cùng trong nhóm hành vi là Tình yêu lí tưởng. Tình yêu lí tưởng được thể hiện thông qua nhân vật Fatima. Qua câu chuyện, người đọc nhận ra được tình yêu của Fatima là tình yêu không trói buộc, đem lại cho Santiago sự tự do và quyền lựa chọn. Ở đây, không tồn tại hành động ép buộc, cũng không tồn tại những xung đột theo kiểu “liệu cô ấy có yêu người bán kem?” như thứ tình cảm Santiago có trước đó với cô con gái của một thương nhân.
Có sự khác biệt rõ rệt trong hai mối tình của Santiago (nếu mối quan hệ với cô gái ở phần đầu được coi là tình cảm). Ở phần đầu, mối tình của Santiago thật sự không gây ấn tượng đối với người đọc. Không có sự tin tưởng, không chia sẻ, không thấu hiểu. Thậm chí, cô gái ở mấy chương đầu còn đặt những câu hỏi ngớ ngẩn theo kiểu “Tại sao anh lại đọc sách?”, “Em không nghĩ rằng người chăn cừu lại biết chữ”,… Trái lại, cuộc gặp gỡ Fatima trên sa mạc lại hội tụ đầy đủ cả ba yếu tố trên. Santiago chia sẻ với Fatima về giấc mơ, về cuộc hành trình, Fatima chia sẻ cùng Santiago về người đàn ông ra đi rồi sẽ trở về, và tình yêu chân thật sẽ không ngăn cản người đàn ông đi theo vận mệnh của họ.
Đặt trong mối tương quan giữa hai người con gái ấy, tôi nhận ra hai kiểu quan hệ thường thấy trong xã hội. Kiểu thứ nhất là sự nhầm tưởng về tình yêu. Cho đến giờ, tôi vẫn không thể biết được Santiago thích cô con gái của ông thương nhân kia vì lí do gì. Một thứ cảm xúc bị ngộ nhận là tình yêu, rồi người ta cứ bám víu lấy nó mà không biết rằng hành động đó là vô ích. Kiểu thứ hai là một mô hình tình yêu lí tưởng (có khả năng sẽ tìm thấy, hoặc không). Với kiểu này, hai người không phải chỉ ngồi tán gẫu những câu vô thưởng vô phạt, mà đồng hành cùng nhau khi khó khăn ập đến, chia sẻ suy nghĩ để cùng giải quyết vấn đề. Đặc biệt, tình yêu này không ngăn cản bất cứ ai, càng không có chỗ cho những ích kỉ, vụ lợi cá nhân.
Theo đó, tất cả những hành vi của Fatima đều là biểu hiện của một thứ tình yêu lí tưởng, mà nếu Santiago không lên đường, cậu sẽ không bao giờ biết hay cảm nhận được.
Một điểm thú vị khác trong việc xây dựng mô hình tình yêu lí tưởng thông qua nhân vật là cách Paulo Coelho chọn đặt tên và không đặt tên cho hai người nữ. Cô gái đầu tiên không có nổi lấy một cái tên cho tử tế, hay chính là cô không đáng để được nhắc đến. Gương mặt và cái tên của cô lẫn lộn vào đâu đó giữa hàng trăm, hàng nghìn gương mặt khác mà chúng ta đã từng biết mà không có lấy một chút ấn tượng khả dĩ nào. Trong khi đó, sự xuất hiện của Fatima lại là một sự xuất hiện vô cùng đặc biệt. Cô không chỉ được nhắc đến với một cái tên cụ thể, mà còn được khắc họa bằng những cử chỉ cụ thể, trong những tình tiết cụ thể. Fatima hiện lên rõ ràng là một người phụ nữ hết lòng vì người yêu, với đôi mắt thăm thẳm và dáng đợi chờ giữa sa mạc rộng lớn. Người ta không thể lẫn Fatima với bất kì ai, cũng như tình yêu lí tưởng sẽ không bao giờ bị pha tạp, trộn lẫn.
Nhóm 3: Nhóm biểu tượng liên quan đến vấn đề tâm linh
Melchisedek là biểu tượng đầu tiên. Trong tác phẩm, Melchisedek được nhắc đến là một vị vua xứ Salem. Ông là người đã khích lệ Santiago theo đuổi giấc mơ của cậu. Melchisedek được nhắc đến trong Cựu ước là vị thượng tế muôn đời, người có nhiệm vụ truyền đi những dấu chỉ của Chúa. Sự xuất hiện của Melchisedek trong lúc Santiago phân vân là một dấu hiệu đáng chú ý. Melchisedek không chỉ là một vị vua xứ Salem bình thường, mà đã trở thành đại diện cho sự thôi thúc của Thượng Đế, thúc giục Santiago đi theo tiếng gọi của giấc mơ.
Biểu tượng tiếp theo là Nhà giả kim/ thuật giả kim. Nhà giả kim là người nhắc nhở S khi cậu có ý định sẽ ở lại sa mạc cùng tình yêu của đời cậu, cùng là người thầy hướng dẫn S trên đoạn đường phía sau. Xét về chức năng, Nhà giả kim và Melchisedek có chức năng ngang bằng nhau, chia đều ở phần đầu và phần cuối tác phẩm.
Giả kim là biểu tượng đặc biệt. Biểu tượng này không chỉ thể hiện qua nhân vật nhà giả kim xuất hiện ở nửa sau câu chuyện mà còn trải dài trong suốt toàn bộ cuốn sách. Nhà giả kim được nhắc đến với tư cách là người có thể biến đá thành vàng và chế tạo thuốc trường sinh. Đó là những hành động thường được nhắc đến về giả kim. Tuy nhiên, thuật giả kim không chỉ có thế. Về mặt tinh thần, song song với quá trình luyện đá, chì thành vàng ròng, các nhà giả kim cũng tham gia vào quá trình tôi luyện, chuyển hóa bản thân. Nhà giả kim không đơn thuần là người luyện vàng mà đã nâng lên thành biểu tượng về luyện đan tinh thần. Theo cách nói của Paulo Coelho là “Họ nhìn ngọn lửa cho đến khi mọi cao ngạo của thế giới này biến mất dần. Rồi một ngày kia họ nhận thấy rằng tinh hóa kim loại cũng là thanh lọc chính mình”. Như vậy, ý tưởng chính của thuật giả kim là chuyển hóa để đạt đến trạng thái cao nhất, hoàn mĩ nhất.
Từ ý tưởng này, có thể thấy quá trình Santiago bước vào cuộc phiêu lưu, không ngừng mở rộng bản thân, vượt qua mọi giới hạn cũng chính là quá trình Santiago đang chuyển hóa chính mình. Sự chuyển hóa ấy không chỉ diễn ra ở việc cậu thay đổi công việc mà còn diễn ra trong chính suy nghĩ của Santiago. Santiago cũng trở thành 1 nhà giả kim trong chính hành trình tâm linh của cậu.
Urim & Thummim: là 2 viên đá Melchisedek đưa cho S. 4 lần – những lần phân vân, lưỡng lự.
Theo sách Book of Samuel, có 3 cách để biết được sự thật: Qua lời các ngôn sứ, qua những giấc mộng hoặc qua Urim và Thummim.
Tuy nhiên, những lời dặn dò chỉ hữu ích khi ta biết ta muốn gì. Tức là cần có 1 sự hiểu biết nhất định về ý muốn của chính mình trước khi kiếm tìm những dấu hiệu. Santiago chỉ dùng khi không thấy những dấu hiệu nào và cảm thấy không còn lí do nào để tiếp tục đi. Thực chất 2 viên đá là một dấu hiệu để nhắc Santiago nhớ về giấc mơ của cậu.
Sa mạc: Sa mạc là không gian của sự thử thách, và là thử thách lớn nhất.
Đây là nơi Santiago gặp tình yêu của đời cậu, được giữ lại làm người giải mã các dấu hiệu cho bộ tộc, đạt được một số thành công và một lượng tiền nhất định.
Sự thử thách mà sa mạc đem lại là thử thách của Khí hậu khắc nghiệt, Tình yêu, Sự nghiệp/ Quyền lực. Trong đó, Tình yêu là thử thách lớn nhất. Ban đầu, tình yêu với Fatima khiến Santiago không còn muốn tiếp tục con đường đang đi, khiến cậu quên đi mục đích ban đầu. Thế nhưng nhà giả kim và Fatima đã nhắc Santiago nhớ lại.
Ở đây, có một mối tương đồng giữa Santiago và Jesus. Trước khi đi rao giảng Tin mừng, Jesus cũng có 40 ngày ở trong sa mạc và bị Satan dùng quyền lực cám dỗ. Điều khác là trong Tin Mừng không nhắc đến tình yêu nam nữ như trong Nhà giả kim.
Giấc mơ: 2 lần. Thấy 2 đứa trẻ dắt tay đến Kim Tự Tháp và nói ở Kim Tự Tháp có kho báu.
Khi tìm hiểu biểu tượng này trong cuốn tiểu thuyết, cần lưu ý rằng giấc mơ không chỉ xuất hiện với Santiago mà còn xuất hiện với rất nhiều người khác, ví dụ: tên thủ lĩnh của bọn cướp ở cuối truyện. Điều này chứng tỏ Santiago không phải người đặc biệt hay người được chọn như nhiều người nghĩ. Thực chất, cậu trở nên đặc biệt là vì cậu đã chọn theo đuổi giấc mơ, theo đuổi cuộc hành trình khám phá tâm trí bên trong của cậu.
Mơ là sự thể hiện của những ham muốn, hoặc những ẩn ức, những điều không thể nói hoặc làm trong thực tế. Nói chung, nói đến giấc mơ là nói đến một thế giới tinh thần bên trong, và không thể định nghĩa chúng được một cách cố định.
Hai đứa trẻ trong mơ dễ khiến người ta liên tưởng đến một câu trong Kinh Thánh: Phải trở nên như trẻ thơ mới có thể được lên Thiên Đường. Như vậy, giấc mơ có thể hiểu là một cuộc sống hoàn hảo như trên Thiên Đường, cũng có thể hiểu là một dấu hiệu để khích lệ Santiago lên đường.
Giấc mơ xuất hiện cũng như một dấu mốc. Chấp nhận giấc mơ, tin vào nó, cuộc sống của Santiago không còn là cuộc sống của một anh chăn cừu bình thường ngày ngày quanh quẩn với đàn cừu chỉ biết ăn rồi ngủ nữa. Giấc mơ trở thành cột mốc của sự thay đổi, từ cuộc sống thường nhật nhàm chán chuyển sang cuộc sống phiêu lưu đến những vùng đất mới. Nó mở ra cơ hội cho kẻ lúc nào cũng sẵn sàng đổi thay để có được những điều tốt đẹp hơn.
Kim Tự Tháp: Kim Tự Tháp trong thực tế là nơi canh giữ mộ của các Pharaon, được xây dựng kiên cố, hoành tráng, bất chấp mọi giới hạn về thời gian, không gian. Kim Tự Tháp là một thực thể tồn tại vĩnh viễn cùng không – thời gian. Do vậy, mặc dù là một khu hầm mộ, song Kim Tự Tháp lại là biểu tượng của vẻ đẹp lí tưởng và sự sống vĩnh hằng.
Mơ về “kho báu ở Kim Tự Tháp”, rất có thể là kho báu của sự sống đời đời, hoặc xa hơn, là sự hòa hợp cuối cùng với Tâm linh vũ trụ.
Vị trí của kho báu: Từ đầu đến cuối, kho báu được cho là ở Kim Tự Tháp, song hóa ra kho báu lại ở ngay chính căn nhà thờ bỏ hoang nơi Santiago bỏ lại lũ cừu để lên đường sang Ai Cập. Kho báu ở ngay chính trong căn nhà của mình, hoặc kho báu ở chính trong bản thân mình. Triết lí này nghe có vẻ đơn giản, song để hiểu được nó một cách sâu sắc thật sự không phải dễ.
Santiago đi một vòng, quay lại ở điểm bắt đầu để thấy hòm tiền vàng được chôn ngay dưới lòng đất.
Thế nhưng hòm tiền vàng ấy có thật sự là “kho báu” được nhắc đến trong giấc mơ ban đầu? Không chắc.
Nếu để ý kĩ, sẽ thấy từ đầu đến cuối, không có một câu chữ nào nói đến việc kho báu sẽ là một hòm tiền vàng. Thậm chí, trên suốt đoạn đường, Santiago thường xuyên đoán mò về kho báu, nhưng cũng chưa bao giờ cậu đoán đến số tiền vàng kia. Kho báu trong suy nghĩ Santiago là những gì cậu đã có, những phút giây đã trải qua, và những ngày cậu gặp gỡ Fatima. Thế nhưng cuối cùng, cả Santiago và độc giả đều kì vọng vào một thứ kho báu khác, ví dụ như tiền bạc.
Quả thực, nếu bắt buộc phải tìm một thứ kho báu vật chất, Santiago đã tìm thấy. Hòm tiền vàng ấy là món quà dành cho những ai dũng cảm đi chạy theo một giấc mơ. Kho báu ở ngay trong nhà, nhưng nếu không bước ra ngoài trải nghiệm, không quăng quật mình vào cuộc sống thì sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ nhận ra được thứ kho tàng chất chứa ngay bên trong đó.
Sau tất cả những gì đã trải qua, Hành trình đi theo giấc mơ, đi tìm kho báu thực chất là hành trình tâm trí, khám phá và thấu hiểu chính mình. Và khi đứng trước hòm tiền vàng, cái Santiago nghĩ đến không phải tiền, mà là kho báu thật sự mà cậu tìm thấy trên đường đi, đó là bản thân cậu, và tình yêu. Chính vì thế, vào giây phút cuối cùng, cậu đã chẳng còn nghĩ đến đàn cừu nữa. Thay vào đó, cậu gọi tên Fatima. Đây mới là kho báu đích thực.
Những dấu hiệu: Dấu hiệu, thực chất là những mẩu thông tin xuất hiện trong lúc không có bất kì một sự kì vọng nào, và để nhận biết, cần phải đặt chúng vào trong toàn cảnh, từ đó mới có thể đưa ra phân tích cụ thể.
Liệt kê các dấu hiệu: Giấc mơ – Sự xuất hiện của ông vua giá – 2 viên đá – Lời nhắc nhở (của ông chủ hàng pha lê và Nhà giả kim)
Các dấu hiệu đặc biệt bởi nó xuất hiện vào lúc không ai ngờ tới, cũng không trông đợi hay kì vọng gì vào nó. Nhưng việc chúng xuất hiện cũng không hề quá lộ liễu. Chúng chỉ đơn giản là xuất hiện. Và việc còn lại là phải nhận biết được chúng, tức là phải có khả năng quan sát kĩ lưỡng và nhận ra được những điểm khác biệt trong bức tranh toàn cảnh.
Ví dụ: Với cuộc sống chăn cừu nhàm chán, rõ ràng giấc mơ là một điều đặc biệt.
Hoặc trong lúc không có bất kì một lời gợi ý nào, thì việc 2 viên đá bỗng dưng rơi khỏi túi áo lại là một điều đặc biệt.
Các dấu hiệu sẽ dẫn dắt người ta đi, với điều kiện người ta phải nhận biết được chúng. Trong Nhà giả kim , cái Santiago học được chính là cách nhận biết các dấu hiệu xuất hiện trên đường. Đơn giản đó chính là trò xử lí thông tin.
3. Liên hệ với phần mở đầu câu chuyện:
Câu chuyện của Oscar Wilde:
Narciss nhìn hình ảnh mình phản chiếu qua mặt hồ. Mặt hồ nhìn hình ảnh mình phản chiếu qua mắt Narciss, nhưng thực chất lại chính là hình ảnh Narciss. Mọi người nhìn hình ảnh kho báu phản chiếu trong giấc mơ, nhưng thực chất lại chính là nhìn thấy hình ảnh chính mình. Mặt hồ hay giấc mơ, chung qui lại đều là tấm gương phản chiếu lại suy nghĩ của chính mỗi người.
Trong phần đầu truyện, Paulo Coelho không hề nhắc đến việc “kho báu” là gì, mọi thông tin Santiago và người đọc nhận được chỉ đơn giản là: Hãy đến Kim Tự Tháp và kho báu ở đó. Kho báu là gì? Mà cả bà già xem bói và vị vua già đều “đòi” được trả một phần số đó? Cả hai người đó không hề nói với Santiago rằng kho báu sẽ là tiền bạc, chúng ta cũng không hề đọc được rằng kho báu sẽ là tiền bạc. Thế nhưng Santiago lại kỳ vọng, giống như chúng ta kỳ vọng. Tiền bạc, ước mơ, tình yêu, sự trưởng thành, bài học cho cả chuyến đi dài, ý nghĩa cuộc sống,... Hàng trăm giả định về kho báu được đặt ra bởi hàng trăm kỳ vọng, từ cả nhân vật và độc giả. Mỗi người, từ mong muốn của bản thân mình, đều có một kỳ vọng riêng về cái gọi là “kho báu”. Thực chất thì kho báu chẳng qua chỉ là một phóng chiếu của tâm, chứ kho báu thật sự vốn không phải chỉ là tiền vàng, càng không phải chỉ là việc tận hưởng quá trình tìm kiếm, mà chính là cái đạt được sau tất cả những thứ đó, là bản thân trong trạng thái tinh thần đã được thấu hiểu toàn bộ, đã được “chuyển hóa” sau quá trình luyện đan tinh thần.
Cuối cùng, tác phẩm của Coelho là một cuốn tiểu thuyết, có ý tưởng, có chiều sâu, có nhiều yếu tố kỳ ảo, nhiều biểu tượng và ẩn ngữ cần tìm hiểu. Khi đọc bất kỳ cuốn sách nào, không nên áp đặt ý tưởng của bản thân lên trên cuốn sách đó rồi tìm dẫn chứng để chứng minh cho ý tưởng của mình. Cái người đọc cần làm là thu nhặt từng chi tiết, từng dấu hiệu, từng biểu tượng, tổng hợp tất cả, phân loại và giải mã chúng để hiểu được ý nghĩa cuối cùng, ý tưởng cuối cùng mà các dấu hiệu muốn nói.
Nhà giả kim không phải một phiên bản khác của Thánh Kinh, càng không phải sách self-help. Khoảng cách giữa Nhà giả kim với Thánh Kinh hay sách self-help chính là ở chỗ mỗi lần đọc, người đọc sẽ có thêm một lần để nhìn vào bản thân, để tìm cách thấu hiểu những gì được Paulo Coelho nhắc đến.
Theo logic câu chuyện về chàng Narcisuss, ta cũng có thể coi bản thân cuốn tiểu thuyết của Paulo Coelho là một tấm gương, nơi nhìn vào ta có thể nhìn thấy chính mình, thấy cả những mong muốn bình thường, tầm thường cho đến cả những khát khao vượt lên trên thực tại nhàm chán. Suy cho cùng, đọc một tác phẩm theo cách nào cũng chỉ là một hình thức phóng chiếu suy bản thân lên tác phẩm đó, nên là Narcisuss sẽ thấy Narcisuss, còn những bông hoa sẽ thấy những bông hoa. Nếu bạn thấy điều gì đó trong Nhà giả kim thì tức là không phải cuốn sách đó nói gì với bạn, mà đơn giản là bạn đang tự nói với bạn điều gì.
Xem thêm các bài viết khác tại đây: Thần Bài
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất