Bạn là người thiên về não phải hay não trái? Đây là một trong những chủ đề được nhiều người quan tâm. Dạo một vòng quanh các nhà sách, cả online và offline, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những tựa sách nói về chủ đề này. Có lẽ tất cả chúng ta đều đã quen thuộc với phát biểu rằng những người thuận tay trái (tức là có não phải phát triển) thì thường thông minh và sáng tạo. Bản thân tôi cũng rất thích ý tưởng đó vì tôi thuận tay trái. Nhưng tiếc thay, đây lại là một kiến thức khoa học lỗi thời và không chính xác.
Ý tưởng về 2 bán cầu não với những chức năng độc lập bắt đầu từ giữa thế kỷ 19 khi các nhà thần kinh học phát hiện ra rằng các bệnh nhân bị tổn thương ở thùy thái dương bên trái đều gặp khó khăn trong giao tiếp ngôn ngữ. Vì thế, họ đề xuất rằng bán cầu não bên trái chịu trách nhiệm về việc học và hiểu ngôn ngữ. Ý tưởng này sau đó lan truyền mạnh mẽ khi nhà văn Robert Louis Stevenson cho ra đời cuốn tiểu thuyết mang tên “Tiến sĩ Jekyll và ông Hyde”.
Bạn có thể xem video thay vì đọc nếu thấy bài viết quá dài
Trong sách, tác giả Stevenson xây dựng 2 nhân vật nhưng thực ra là cùng một người. Tiến sĩ Jekyll là một người đàn ông độ tuổi ngũ tuần với tính cách điềm đạm và được nhiều người yêu mến. Tuy nhiên, bên trong ông luôn có những ham muốn tội lỗi bị kìm nén. Ông sử dụng một loại huyết thanh để thỉnh thoảng giải phóng góc tối ấy ra bên ngoài. Khi đó, ông trở thành gã Hyde tàn ác và không có tình thương. Một dạng mô típ đa nhân cách mà ngày nay chúng ta thấy ở rất nhiều sách và phim ảnh. Tuy nhiên, ở thời điểm cuốn sách ra đời thì nó là một ý tưởng mới lạ độc đáo.
Sang đến giữa thế kỷ 20, ý tưởng về 2 bán cầu não độc lập tiếp tục được cổ vũ mạnh mẽ thông qua những nghiên cứu nổi tiếng của nhà thần kinh học Roger W. Sperry. Trong thập niên 1950 và 1960, ông thực hiện nhiều thí nghiệm thần kinh trên mèo, khỉ, và người. Sperry tập trung nghiên cứu về thể chai, là một bó dây thần kinh kết nối 2 bán cầu não với nhau. Đây là cấu trúc chất trắng lớn nhất trong não người với chiều dài khoảng 10 cm và chứa khoảng 200 - 300 triệu sợi trục.
Sperry cắt bỏ thể chai của mèo và khỉ để tìm hiểu xem mỗi bên bán cầu não sẽ hoạt động thế nào nếu chúng không còn được kết nối với nhau. Kết quả cho thấy các chức năng của não không hề bị ảnh hưởng. Thậm chí khả năng ghi nhớ của những sinh vật làm thí nghiệm còn tăng lên gấp đôi. Từ đây, Sperry kết luận rằng hai bán cầu não hoạt động một cách độc lập. Và ông đặt ra thuật ngữ “split-brain”. Bộ não phân chia
Đi xa hơn một bước, Sperry cố gắng thực hiện thí nghiệm tương tự trên người. Sau khi đã cắt bỏ thể chai của các tình nguyện viên, ông yêu cầu họ che 1 bên mắt lại rồi đưa cho họ một vài từ để ghi nhớ. Điều thú vị là những người này chỉ ghi nhớ được các từ mà họ nhìn bằng mắt phải. Sau đó, các tình nguyện viên được xem một vài hình ảnh. Và Sperry yêu cầu họ vẽ lại chúng. Lần này, họ chỉ có thể vẽ lại những gì đã quan sát bằng mắt trái.
Từ thời của Sperry, người ta đã biết rằng bán cầu não trái điều khiển phần cơ thể bên phải, và ngược lại. Cho nên, ông kết luận rằng mỗi bán cầu não có một chức năng riêng biệt. Cụ thể thì bán cầu não trái chịu trách nhiệm về ngôn ngữ, còn bán cầu não phải chịu trách nhiệm về hình ảnh. Năm 1981, Sperry đã được trao giải Nobel y sinh nhờ những nghiên cứu về bộ não phân chia này.
Roger W. Sperry, chủ nhân của giải Nobel y sinh năm 1981
Roger W. Sperry, chủ nhân của giải Nobel y sinh năm 1981
Cũng từ đây mà thuyết 2 bán cầu não trở nên phổ biến và được hưởng ứng một cách rộng rãi. Ngày nay, nó đã phát triển thành một kiến thức phổ thông được nhiều người thừa nhận.
Bản thân tôi trước kia cũng không đặt dấu hỏi nghi ngờ về tính xác thực của những phát biểu trên. Tuy nhiên, từ thực tế công việc, tôi nhận ra rằng sáng tạo nói chung và sáng tác nghệ thuật nói riêng là một công việc có những quy tắc chặt chẽ và đòi hỏi tính logic rất cao. Bạn không thể sáng tạo nếu bạn thiếu khả năng tư duy logic.
Lấy nghệ thuật thị giác làm ví dụ. Bất cứ ai có chút kiến thức về nhiếp ảnh, điện ảnh, hay thiết kế đồ họa chắc chắn phải từng nghe nói đến quy tắc ⅓ kinh điển. Nó phát biểu rằng người nghệ sĩ phải đặt chủ thể ở vị trí ⅓ của khung hình để tạo được ấn tượng thị giác tốt cho người xem. Hay quy tắc phối màu đối lập nếu người nghệ sĩ muốn làm nổi bật đối tượng hoặc tạo bầu không khi căng thẳng cho thước phim của mình. Và nổi tiếng nhất có lẽ là tỷ lệ vàng gắn liền với số Φ huyền thoại mà bạn dễ dàng tìm thấy ở mọi những bức tranh nổi tiếng nhất trong lịch sử. Tất cả những con số, những quy tắc này đều là khoa học. Và nghệ thuật chính là khoa học về cái đẹp. Những nghệ sĩ sáng tạo nhất đều có hiểu biết khoa học và tư duy logic chặt chẽ. Sở dĩ công chúng cho rằng họ chẳng tuân theo quy tắc nào là bởi họ có những quy tắc riêng với mức độ logic cao vượt quá khả năng nhận thức của số đông. Từ đây, tôi đặt ra nghi vấn rằng liệu hai bán cầu não có thật sự độc lập như trong nghiên cứu của Sperry?
Tỷ lệ 1/3 là một trung những quy tắc bố cục kinh điển trong nhiếp ảnh và điện ảnh
Tỷ lệ 1/3 là một trung những quy tắc bố cục kinh điển trong nhiếp ảnh và điện ảnh
Quả thật, những nghiên cứu mà tôi tìm được sau đó đã chỉ ra rằng bộ não của chúng ta không phân chia. Trong các hoạt động thường ngày, từ học tập đến vui chơi, từ sáng tạo đến công việc đồng áng, thì cả hai bán cầu não đều cùng tham gia. Chúng không hoạt động độc lập với nhau mà liên tục phối hợp thông qua thể chai.
Không thể phủ nhận rằng có những chức năng của bộ não phụ thuộc nhiều hơn vào một trong hai bán cầu. Ví dụ như khi chúng ta học ngôn ngữ thì bán cầu não trái làm việc tích cực hơn, còn khi chúng ta tập trung cao độ thì bán cầu não phải hoạt động mạnh hơn. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp đã được quan sát thì hai bán cầu não cần phối hợp với nhau để thực hiện các chức năng của mình. Hãy lấy ví dụ thế này.

CON NGỰA

Khi bạn nhìn thấy từ trên, với sự hoạt động của bán cầu não trái, bạn có thể đánh vần và phát âm nó. Nhưng bạn sẽ không hiểu từ này mang nghĩa là gì nếu bạn chưa bao giờ nhìn thấy con ngựa. Mà đây là lại chức năng hình ảnh được đảm nhận chủ yếu bởi bán cầu não phải. Nếu vì một lý do nào đó, chức năng của bán cầu não phải bị tê liệt, thì bạn sẽ chẳng hiểu ý nghĩa của cụm từ trên ngay cả khi có thể đọc được nó. Khi đấy, cùm từ “con ngựa” đối với bạn cũng giống như các từ “pẩy”, “bớng”, hoặc “xoeng”. Chúng chẳng thể gợi lên một ý nghĩa nào trong đầu bạn, cho dù rất dễ để đánh vần. 
Năm 2013, một nhóm các nhà khoa học thuộc trường đại học Utah do tiến sĩ Jeff Anderson đứng đầu đã công bố một kết quả làm rõ vấn đề này. Trong suốt 2 năm tiến hành nghiên cứu đã có 1.011 tình nguyện viên tham gia. Họ có độ tuổi từ 7 đến 29, tức là nhóm người có bộ não đã phát triển hoàn chỉnh và hoạt động tích cực. Những người này nằm trong máy chụp cộng hưởng từ MRI từ 5 đến 10 phút. Trong khoảng thời gian này, các nhà khoa học quan sát mức độ hoạt động của 7000 vùng khác nhau trong não bộ. Và họ không hề tìm thấy bất cứ trường hợp nào mà các bán cầu não hoạt động độc lập. Mặc dù có những hoạt động phụ thuộc nhiều hơn vào 1 trong 2 bên bán cầu, nhưng tuyệt nhiên không có hoạt động nào mà chỉ có 1 bán cầu não tham gia. Mọi quá trình nhận thức con người đều đòi hỏi sự phối hợp của cả 2 bán cầu não.
Sơ hở trong nghiên cứu của Sperry là ông chỉ tiến hành khảo sát trên những người đã bị cắt mất thể chai, tức là bộ não của họ không còn hoạt động bình thường nữa. Vì thế, kết quả quan sát của ông không đại diện cho những người bình thường. Điều này cũng tương tự như việc bạn rạch lốp xe ra để xem bên trong có gì rồi kết luận rằng áp suất bên trong lốp xe bằng với bên ngoài. Vấn đề là chính hành động rạch lốp xe đã khiến cho không khí bên trong lốp thoát ra, dẫn đến áp suất cân bằng với bên ngoài.
Từ sơ hở đó của Sperry, cùng nghiên cứu mà đại học Utah công bố vào năm 2013, có thể kết luận rằng những khái niệm như “người não trái” hoặc “người não phải” nhiều khả năng là không có thật. Năng lực nhận thức và tư duy của chúng ta phát triển đồng đều. Khi bạn logic hơn thì bạn cũng sáng tạo hơn. Khi bạn chơi thể thao giỏi hơn thì bạn cũng nhanh nhạy hơn trong công việc. Học Toán có thể giúp khả năng cảm thụ nghệ thuật của trẻ trở nên tốt hơn. Và học thể dục có thể giúp chúng cải thiện khả năng giải các bài tập Vật Lý. Tất cả các môn khoa học, các hoạt động của con người đều tác động lên nhau trong một mạng lưới liên kết rộng lớn.
Rốt cuộc thì khái niệm "giỏi toàn diện" dường như lại phù hợp nhất. Những người rất giỏi trong một lĩnh vực nào đó thường cũng sẽ làm tốt ở nhiều lĩnh vực khác. Và không phải chúng ta "học gì bổ nấy". Mà khi học một thứ, chúng ta sẽ được "bổ" ở cả nhiều thứ khác.
PS:Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!