Posted on April 27, 2014 by Diepkhoa
Đôi điều đọng lại sau khi xem xong The Wind Rises.
Bộ phim họat hình đầu tiên tôi xem của Ghibli mang tên Spirited Away. Chắc hẳn nhiều người cũng biết đến tác phẩm tuyệt diệu này. Kể từ đó về sau, tôi có xem thêm Mộ đom đóm, Mononoke Hime, Totoro, Howl’s Moving Castle, From Uppon Poppy Hills, và gần nhất là The Wind Rises.
Tôi có một suy nghĩ của cá nhân mình thế này. Tại sao chỉ có mỗi Spirited Away của nhà Ghibli đọat giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất vào năm 2003 ? Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở thông điệp của bộ phim. Hãy thử xem xét vài khía cạnh như sau: Spirited Away là câu chuyện đi tìm bản ngã của con người, là vô diện có lúc xấu, lúc tốt, là những tật xấu của con người, bộ phim rõ ràng đặc sệt tính “hai mặt” lúc này lúc khác của con người, từ Haku, đến Yubaba, vô diện,…Bộ phim, nói đến tính cách của con người trong mọi thời đại, lúc nào cũng có xấu, có tốt, là một chuyến phiêu lưu của tất cả mọi sinh linh tồn tại trên thế giới này. Khi có linh hồn, bạn phải đấu tranh để đi đến cái thiện, để đừng sa chân vào cái ác. Một bộ phim với thông điệp xuyên suốt, lung linh, huyền ảo và nhiều ý nghĩa, hòan toàn xứng đáng Oscar năm đó. Còn những bộ phim khác, tôi không biết chúng có được đề cử hay không, nhưng về thông điệp tôi nghĩ nó vẫn không bằng Spirited Away. Công chúa Mononoke là bộ phim về đề tài môi trường, cũng là cái thiện cái ác đó nhưng khá cũ kĩ, và thật sự về chiều sâu thì chưa thật thỏa mãn. Totoro đáng iu, dễ thương và ngắn ngủi, về tình cảm gia đình. Nó đơn thuần mang lại tiếng cười, và sự hạnh phúc chứ chẳng thể mang tranh giải. Howl’s Moving Castle, From Uppon Poppy Hills là hai bộ phim về tình yêu, tình cảm. Nó hẳn giống một câu truyện ngắn được dựng thành phim, nhưng chỉ tiếc là câu truyện ngắn đó không đủ dài để đọng lại nhiều trong cảm xúc. Phim không dở, nhưng chỉ dừng lại ở việc yêu, chỉ dừng lại ở việc tìm ra anh em đã thất lạc nhau, thì quả thật, tôi có quyền trong đợi nhiều hơn thế. Tôi có cảm giác, thông điệp của Ghibli, vẫn đúng, nhưng đã cũ rồi. Gọi đúng từ chắc phải nói là sến, theo kiểu làm con tim thổn thức bởi những bài học đạo đức, luân lý, tình cảm của…ngày ấy. Và The Wind Rises cũng chưa thật sự đột phá, để bộ phim cuối cùng của Miyazaki đã thua Frozen tại đấu trường Oscar lần 86 vừa qua. Tại sao vậy?
Hãy xem thông điệp. Ở đây, tôi chỉ muốn nói về giấc mơ và một thông điệp thời đại – nữ quyền.
Đầu tiên là giấc mơ lớn của cuộc đời Jiro – một thanh niên có đam mê sáng tạo máy bay từ khi còn nhỏ. Giấc mơ của Jiro đã đồng điệu với một biểu tượng ảo, thâm nhập vào giấc mơ của anh ngay cả ban ngày – kĩ sư máy bay người Ý Caproni. Hai con người này đi vào giấc mơ của nhau, đồng hành cùng lý tưởng và tham vọng của nhau – tạo ra những tuyệt phẩm bay trên bầu trời. Thật sự mà nói, trong cuộc đời, nếu tìm được một người mà tâm huyết, tư tưởng và suy nghĩ hợp với ta đến như vậy thì quả là hết sẩy. Cùng với giấc mơ chung, ta có thể làm nên những điều vĩ đại.
Trong phim, Jiro còn có một giấc mơ khác, đó là một mái ấm với người con gái mà anh đã gặp lần đầu trên chuyến tàu lửa định mệnh – Naoko. Dù biết Naoko bệnh lao, nhưng Jiro vẫn nhất quyết cưới cô làm vợ. Trong anh, giấc mơ tình yêu, mái ấm vẫn còn rất nhiều. Những tưởng, nó sẽ biến anh trở thành một người đàn ông của gia đình. Nhưng sự thật, không phải vậy. Jiro, rõ ràng yêu máy bay hơn hẳn vợ mình. Dù có quan tâm, nhưng như vậy vẫn chưa đủ nếu muốn biến một giấc mơ thành sự thật.
Naoko cũng có giấc mơ về gia đình với Jiro, nhưng hoài bão, cũng như xếp hạng giấc mơ của cô và Jiro vẫn chưa tương khít với nhau. Thậm chí đôi lúc tưởng chừng như, tình yêu là một câu cầy lỏng lẻo giữa hai người. Jiro mải mê với giấc mơ chinh phục bầu trời của mình, còn Naoko lại trầm mình, lặng im thương nhớ và cuối cùng là rời đi ẩn biệt với lời để lại “Cô ấy chỉ muốn người mình yêu thấy những lúc đẹp nhất của mình”. Và điều đó đã thành sự thật khi linh hồn Naoko tuyệt đẹp đến chào Jiro lần cuối trong những cơn gió thổi gào.
Chính vì vậy, tôi mới đặt bài viết của mình tên “Giấc mơ ngược chiều”. Dù gió có thổi, họ vẫn không bay về cùng một hướng cùng nhau. Một thông điệp phim ban đầu nghe có vẻ rất hay, đó là sự hi sinh. Naoko không đòi hỏi gì ở Jiro, chỉ mong anh ở bên mình, thậm chí cho anh hút thuốc lá khi mình đang ho từng cơn mệt mỏi. Trong suốt bộ phim, chúng ta thấy Naoko là một cô gái thụ động, cô cũng có giấc mơ mái ấm, nhưng có thể vì sức khỏe, vì lí do là gánh nặng cho Jiro nên cô đành để tình yêu của mình nhàn nhạt trôi qua. Thông điệp về hi sinh được truyền đạt rằng, Jiro hi sinh tình yêu cuộc đời là Naoko để chinh phục ước mơ lớn của mình. Naoko không làm phiền chồng, nên hi sinh hạnh phúc của mình để người con trai cô yêu đi đến tận cùng của đam mê. Nghe có vẻ hay, nhưng thật ra là có phần gì đó sai sai.
Thử xem Frozen đã mới mẻ ra sao khi đề cao sự tự do, sự yêu quý CHÍNH BẢN THÂN MÌNH. Đề cao nữ quyền, bình đẳng của con người. Một bộ phim với thông điệp tươi vui, mới mẻ. Còn so với The Wind Rises, ta thấy rằng dường như Giấc mơ không tương đồng kia đã kéo theo một thông điệp bay đi trong vô định. Có lẽ, Oscar không thích những cơn gió chưa chịu dừng chân.
Tôi nghĩ rằng, với một người đàn ông thành đạt, họ phải là người biết đến tầm quan trọng của người phụ nữ mà mình yêu. Tại sao lại để một giấc mơ của cuộc đời làm tổn hại đến tình yêu gia đình? Trong khi tình yêu này, không phải ai tài ba cũng có thể biến nó thành hiện thực một cách trọn vẹn. Có vợ đâu chỉ là để hôn, để sex. Có vợ, hay có người yêu đi chăng nữa cũng là một hành trình mơ mộng rằng, rồi đây ta sẽ luôn hạnh phúc viên mãn với người mình yêu thương. Đó, phải là một giấc mơ lớn, cùng đồng hành với các giấc mơ công danh, sự nghiệp và đam mê của ta trong cả cuộc đời. Nhưng Jiro chỉ chọn một, và kết cục, giấc mơ của anh chỉ tạm hoàn thành một nửa. Đến khi Naoko nói rằng, anh hãy sống, thì Jiro có lẽ lúc đó đã không biết mình nên sống vì điều gì? Khi đam mê đã thành, còn người con gái mình yêu cũng đã hóa thành một thiên thần mất rồi. Tôi trách Jiro vô tâm một, nhưng tôi phải trách cô Naoko kia chắc phải đến hơn mười. Cô gái ấy, quá nhạt, quá mềm yếu, quá bi lụy, và cái dở nhất hẳn là chưa biết chăm sóc bản thân mình.
(dù rằng thời xưa ấy, bệnh lao được liệt vào bệnh khó chữa trị. Nhưng không thể lấy lí do bệnh để hiện lên như một cô gái cam chịu như vậy được).
Có một câu chuyện nhỏ thế này về bà Michelle Obama. Một đêm, Tổng thống Obama và phu nhân Michelle đã quyết định thay đổi không khí và đi ăn một bữa ăn tối giản dị tại một nhà hàng không quá sang trọng. Khi họ đang ngồi, chủ nhà hàng đưa một lời đề nghị bí mật với Tổng thống rằng ông có thể nói chuyện riêng với đệ nhất phu nhân được không. Tổng thống đồng ý và vợ ông, bà Michelle đã có một cuộc trò chuyện với chủ nhà hàng.
Sau khi cuộc nói chuyện kết thúc, Tổng thống Obama đã hỏi Michelle:” Tại sao anh ấy có vẻ quan tâm đến việc nói chuyện với em vậy?” Michelle nói rằng trong những năm niên thiếu, chủ nhà hàng này đã thích bà một cách điên cuồng. Sau đó, Tổng thống đùa rằng:” Nếu em mà kết hôn với anh ấy, chắc hẳn giờ em đã là chủ sở hữu của nhà hàng đáng yêu này rồi.” Michelle trả lời:” Không, nếu chuyện đó xảy ra, hiện giờ anh ấy đã là Tổng thống”.
 Một cô gái, khi ý thức được tầm quan trọng của mình, hoàn toàn là một động lực vàng cho người đàn ông của đời họ đạt đến đỉnh vinh quang. Trong khi đó, Naoko cũng có giấc mơ cùng người yêu chinh phục những cơn gió, được chu du, vẽ vời hạnh phúc với Jiro, nhưng trong phim, ta chẳng thấy cô làm gì cả. Naoko hiện lên thật yếu đuối và đáng thương. Chỉ biết nằm trên giường mệt mỏi, chỉ biết cuộn mình trong chăn, chỉ biết biết bỏ đi để không vướng bận đến sự nghiệp của Jiro nữa. Đồng ý là thời xưa, phụ nữ Nhật chắc cũng vậy, nhưng chỉ sai là Ghibli lại mang thông điệp này, đến năm 2014. Cái thời mà chắc chẳn có cô gái nào thấy mình xấu rồi lại chui rúc, trốn tránh, cái thời mà cô gái thấy người yêu đam mê nhiệt huyết mà lại bỏ lơ, không thèm động viên củng cố tinh thần. Phim có thể đúng sự thật vào thời ấy, nhưng thông điệp đó vào thời đại này đã trở nên cũ kĩ và lỗi thời. Phụ nữ và đàn ông hoàn toàn có thể đi chung một giấc mơ của nhau chứ, sao phải tách rời đến vậy. Có lẽ tôi không cần phải phân tích thêm về Naoko nữa, bởi vì dù sao, đây là nhân vật được khắc họa đúng theo phong cách lịch sử, nên không thể áp dụng tinh thần nữ quyền 2014 vào cô gái Nhật này được. Tôi chỉ muốn thủ thỉ với các cô gái về giấc mơ lớn của cuộc đời họ.
Nếu bạn yêu ai đó, và yêu luôn cả chính mình. Thì điều một cô gái đáng giá sẽ làm chính là yêu quý bản thân mình tuyệt đối. Và rồi sử dụng tình yêu của mình dành cho chàng trai cuộc đời như một động lực để chàng phát triển. Bạn nuôi dưỡng chính giấc mơ hạnh phúc của mình, và cũng đồng thời kéo khát khao tình yêu của chàng trai về cùng phía. Con trai, đôi khi công danh sự nghiệp có thể làm cho tình yêu trở nên không còn quan trọng. Nhưng tôi nghĩ, con gái phải biết chứng minh tầm quan trọng của mình trong cuộc đời các chàng trai chứ. Anh ta thì lúc nào chả đam mê chiến thắng, chả có tham vọng nên chắc việc quên trời đất là đương nhiên. Các cô gái nên chủ động biến mình trở thành một mục tiêu cuộc đời quan trọng khác của con trai. Đừng nghĩ rằng anh ta yêu công việc hơn yêu bạn, nếu bạn đáng giá, hẳn chàng sẽ biết nơi nào cần dừng chân lâu dài. Một khi các cô gái biết được tầm quan trọng của mình, họ sẽ mang đến những đột phá cho chàng trai mà họ yêu. Họ như một người đứng ngoài, nhưng thật ra là đang ở bên trọng – tim. Phải chăng, nữ quyền chính là đây? Trở thành một mục đích lớn để theo đuổi của một người đàn ông trong cuộc đời? Nếu bạn làm được điều đó, bạn sẽ thấy rằng, chuyến ra đi cuối cùng của Naoko là dấu chấm hết cho một thông điệp rằng giữa đam mê và tình yêu đi hai lối rẽ. Tôi cũng chẳng đồng ý trao Oscar cho The Wind Rises đâu, bởi vì từ góc độ con trai, tôi sẽ chẳng bỏ qua một người làm mình hạnh phúc giữa những lúc bộn bề công việc. Tôi sẽ chẳng đưa ra quyết định chọn giữa công việc và tình yêu, tôi chọn cả hai.
Nhân đây cũng phải nói thêm, tôi rất ghét ai nói là tập trung làm và không yêu. Tình yêu cũng là một công việc, nó đâu chỉ liên quan đến cảm xúc thôi đâu mà nói bận việc, không thể yêu? Tôi hoàn toàn không đồng ý, vì tôi đã từng có một niềm hân hoan khi vừa yêu, lại vừa có công việc. Nó làm tôi lúc nào cũng vui cả. Thậm chí khi hai đứa cãi nhau, tôi vẫn sẽ để tình yêu lại bên mình. Vì đó là cuộc sống, là một phần của giấc mơ lớn về hạnh phúc tôi đang theo đuổi. Cớ sao phải để nó đi ngược hướng với đời của mình làm gì. Thật sai, mà cũng chả hạp lòng với con tim mình nữa. Nó đi hướng khác, rối lúc mất việc, cạp gi mà ăn?
Tôi xin mượn lại lời của “bánh bèo” Naoko đề kết thúc bài viết này “Jiro, anh hãy sống nhé. Hãy sống”. Có lẽ, cô gái ấy ở nơi thiên đường đang nhắc nhở Jiro rằng, anh hãy sống đi, và tìm một ai đó, ngồi lên chiếc máy bay tâm huyết của cuộc đời anh. Dạo một hành trình dài bất tận, với đầy đủ niềm vui, nụ cười, và hạnh phúc.
Diệp Khoa