Ghét ai đó là một trạng thái đem lại nhiều cảm xúc đối nghịch. Giống như khi bạn uống một chai nước rất là ngọt, đem lại cảm giác hả hê, thỏa mãn, cao thượng hơn khi dùng lý lẽ, lập luận "rất hợp lý" để phán xét hành vi của một ai đó. Nhưng dần dà, nước ngấm vào thân và bạn mới phát hiện, chai nước ấy có độc. 
Đầu tiên, “độc tố” khiến bạn ghiền, phải uống thêm cũng giống như việc đã lỡ ghét ai đó thì khó quay đầu lại mà thích người ta, vì như vậy chẳng khác nào thừa nhận bản thân đã định kiến và đánh giá vội vàng như thế nào. Để rồi, bạn kết nối những sự việc đơn giản, rời rạc, bộc phát để tạo nên một “truyền kỳ” đầy hấp dẫn, vững chắc để "bơm" thêm thuốc độc vào bản thân. 
Nếu chẳng phải gặp người mình ghét thường xuyên, thứ độc đó cũng chỉ có tác dụng nhất thời và dần phai mờ qua thời gian. Tuy nhiên, nếu phải liên tục đối diện với người mình không ưa trong thời gian dài nghĩa là dùng "độc dược" đều đặn và tích lũy qua ngày tháng, tâm trí chúng ta sẽ trở nên héo mòn, chai sạn và liên tục bị dày vò bởi những điều tiêu cực, bất như ý cứ hiển hiện trước mắt. 
Khi hỏi đến, chúng ta rất dễ dàng đổ lỗi cho đối phương. Tuy nhiên, ít ai nhận ra được rằng, hành động của đối phương chẳng thể nào tác động đến tâm trí chúng ta, nếu không được chính chúng ta “mở lối mời vào”. Hay nói cách khác, "thuốc độc" do chúng ta tự uống, chứ chẳng ai ép cả. 
Giữa vòng xoáy của trách nhiệm và áp lực cuộc sống, mỗi người bị cuốn vào một vòng xoáy bất tận yêu cầu liên tục phải tranh đấu, nỗ lực và đứng vững nếu không muốn bị quật ngã. Giữa những nỗ lực để bám trụ đó, chúng ta tự biến mình thành một "tảng đá" thô cứng. Một cách tự nhiên, chúng ta dùng góc nhìn của mình để đánh giá mọi thứ xung quanh. Dù rằng dễ dàng nói ra người khác cần làm gì, chúng ta lại ít để ý việc mình cần làm với cuộc sống của mình. Dần dà, cái tôi ảo tưởng được thổi phồng bởi một cuộc sống an toàn, đều đặn và đúng quy chuẩn khiến chúng ta bị dính mắc vào một sự "vẹn toàn không có thực" của chính mình. Để rồi, mỗi khi nghe đến lời góp ý, đánh giá, nhận xét mà không đúng với ý muốn của bản thân, chúng ta lập tức cảm thấy bị tổn thương, "sứt mẻ". Mà khi đã chạm đến một điểm đáy cảm xúc, chúng ta dùng "ghét bỏ" như một cách để hạ bệ quan điểm và hạ thấp đối thương để bảo vệ "lòng tự tôn" của mình.
Vậy cảm giác ghét ai đó đến từ đâu? Không kể đến trường hợp làm tổn thương hay phương hại đến nhau, mình nghĩ cảm giác ghét bỏ một ai đó hay một điều gì đó đến từ tư duy nhị nguyên, phải - trái, đúng - sai mà chúng ta đã được dạy từ bé. Những bài học được dạy từ người đi trước hay góc nhìn tự lĩnh hội, đúc kết được chúng ta gán ghép như một hệ quy chiếu cho mọi sự việc, hiện tượng xảy ra trong đời sống. 
"Bạn đi ngược chiều. Vậy là bạn vi phạm luật giao thông rồi. 
Cách làm việc không rõ ràng với chăm chăm kiếm lợi cho mình là "không đẹp" trong môi trường công sở. 
Yêu cầu phải hoàn thành bài tập trước 12H mà giờ còn chưa nộp nghĩa là bạn không tôn trọng lớp học"
Nhưng một sự thật là, con người ai mà chẳng "có lý" cho mọi điều mình làm. 
"Tôi đi ngược chiều vì sắp trễ giờ làm rồi, nay có buổi họp quan trọng. 
Tôi chăm chăm lợi ích thì có gì sai khi tôi có mẹ già, con thơ cần phải chăm sóc. 
Ai chẳng muốn làm bài tập đúng giờ nhưng nhiều việc quá, nhiều thứ phải hoàn tất quá nên đành chịu chứ tôi cũng đâu có muốn."
Nhưng tiếc rằng, trong cuộc sống, chúng ta ít khi sẵn sàng hoặc đủ sự lắng nghe để kết nối sâu sắc và hiểu được khó khăn của người khác. Khi thấy vấn đề, điều chúng ta hay quan tâm là làm gì, giải quyết như thế nào dẫn đến chỉ giải quyết được bề mặt. Trong khi, điều đáng được quan tâm hơn là tại sao, nguyên do của cách hành xử như vậy để giải quyết tận gốc rễ. 
Mình nghĩ, rất khó để phân định đúng - sai trong cuộc đời. Bởi lẽ, chúng ta chỉ nhìn thấy hành động mà không thấu hiểu được nền tảng, tâm lý, niềm tin dẫn đến hành động đó. Ví dụ như trong cuộc sống, chúng ta cảm thấy khó chịu với những người nói chuyện oang oang, có xu hướng lấn át hoặc cũng ngại chuyện trò cùng một số người có cách nói chuyện gai góc, dè dặt, ít cởi mở. Nhưng với quan sát của riêng mình, mỗi cách biểu hiện trên đều đến từ sự tự ti của chính người nói. Bởi vậy, hoặc là họ dùng sự "cường bạo" để tạo sự ảnh hưởng đến người nghe hoặc là "xù lông" như chú nhím để đẩy người khác xa mình và che giấu cảm xúc thực . 
Sống trên đời, ai mà chẳng muốn làm đúng, chẳng muốn được yêu thương, được lắng nghe. Dù vậy, không phải ai cũng đủ sáng suốt để nhận ra những vấn đề tâm lý ẩn sâu của chính mình và người khác dẫn đến có xu hướng hành xử có lợi cho mình dù tổn thương người khác rồi cũng có khi hy sinh chính mình để làm người khác hài lòng. Nguy hại hơn là chẳng ai được lợi mà tìm cách hãm hại nhau để thỏa mãn "con thú" bên trong mình.
Như hôm rồi, mình có trò chuyện cùng một bạn nhân viên gặp sự cố trong quá trình làm việc. Bạn làm sai nghiêm trọng quy trình công việc, nhưng lại âm thầm tìm cách khắc phục để lấp liếm lỗi sai. Khi mình hỏi, bạn hiểu việc mình tự xử lý mà không thông tin cho cấp trên là không đúng, vì không thẳng thắn thừa nhận sai phạm mà dẫn đến các sự vụ ngày càng nghiêm trọng hơn. 
Ban đầu, khi trò chuyện cùng mình, bạn rất dằn vặt và e ngại. Hầu như, bạn không nhìn thẳng và trả lời cụt lủn, thái độ bất cần. Sau một quãng thời gian lắng nghe và dần tháo gỡ, bạn mới nói ra được rằng bạn không có niềm tin vào sếp của mình, bạn cho rằng có nói ra thì sếp cũng không giúp được nên bạn tự xử lý
Nhưng sâu xa hơn, bạn đang có một vấn đề tâm lý, một áp lực từ gia đình và công việc đã hơn 6 tháng khiến bạn thu mình lại, ngại đón nhận ý kiến và chỉ muốn tự mình gồng gánh cho xong chuyện. 
Từ cảm giác khó chịu cũng như khó hiểu cho hành vi khác thường của một nhân viên có kinh nghiệm, mình quay sang đồng cảm với khó khăn bạn đang trải qua.  
Mình nghĩ, nhà Phật có dạy một giải pháp khá hay cho tình thế lưỡng nan này.
"Ví dụ có một người kia tới chửi mắng ta. Ta có thể nổi giận và chửi mắng trả lại người ấy. Trong trường hợp này ta khổ mà người ấy cũng khổ. Theo đạo lý tỉnh thức thì không nên vội nổi giận và chửi mắng người kia. Ta phải bình tâm quán chiếu để thấy được vì sao người kia lại tới chửi mắng ta, nghĩa là ta đi tìm tới cội nguồn của sự giận dữ của người ấy. Do công phu quán chiếu bình tĩnh đó mà ta có thể thấy được những nguyên nhân sâu xa và chằng chịt nào đó đưa tới thái độ và hành động hôm nay của người ấy. Nếu ta thật sự có lỗi thì ta thấy sự chửi mắng đó là kết quả tất nhiên của lỗi lầm ta. Nếu ta quả không có lỗi lầm gì thì chắc chắn đã có một sự hiểu lầm nơi người ấy. Ta quán chiếu để tìm ra và chứng minh được sự hiểu lầm ấy cho người kia thấy. Làm như vậy, ta tránh được khổ đau cho ta và cũng giải tỏa được khổ đau cho người kia" (Chương 35 - Sách Đường Xưa Mây Trắng)
Với tâm lý mỏng manh và yếu đuối khi chưa được rèn luyện, chúng ta dễ bị chao đảo bởi những tác động từ bên ngoài mà dần đánh mất đi bản thân. Dù vậy, chẳng ai nghĩ mình làm sai mà điều có "một lý do hoàn hảo" cho lựa chọn của mình. Để nhìn ra được lý do ẩn sâu tạo nên hành động của mỗi người, chúng ta phải học cách THẤU HIỂU để rồi CẢM THÔNG, hay gọi tắt làm THẤU CẢM
Nếu bạn đã làm được, hãy lan tỏa để giúp đỡ người khác. Nếu bạn đang tập luyện, cầu chúc bạn an nhiên tiến bước để chạm đến sự bình an trong tâm hồn, trước nhất là của chính mình. 
Nếu bạn đang khổ đau và vẫn loay hoay tìm cách lắng nghe được chính mình, mong bạn kiên nhẫn và bắt đầu bằng cách ngưng "uống thuốc độc" của sự ghen ghét vào người. Dần dà, bạn sẽ tĩnh lặng hơn để nghe được "tiếng nói từ tâm" của chính mình và rồi, bạn sẽ lắng nghe nhiều hơn, sâu hơn những người gần bên. 
Thấu cảm là một lựa chọn có ý thức, đòi hỏi nỗ lực để dựng xây và áp dụng vào mọi mối quan hệ trong cuộc đời. Trái ngược với sự đố kỵ, ghen ghét là trạng thái được hình thành trong vô thức, một cách tự nhiên và nhanh chóng. Và như một lẽ thường ở đời, cái gì vất vả ban đầu sẽ mang lại thành quả  lâu bền và vững chắc hơn. Cũng tựa như sự cặm cụi và kiên gan để khai phá mạch nước ngầm đã ngủ yên từ lâu sẽ mang lại nguồn nước mát lành cho mỗi chúng ta trên hành trình sống trọn vẹn và bình an, cuộc đời của riêng mình.
Nguồn: Vagabond
Nguồn: Vagabond