GEN Z VÀ BÓNG MA ÁP LỰC
Khi nói đến gen Z ( thế hệ cuối 9x – đầu năm những 2000), ta thấy được đây là một thế hệ năng động, đầy tính sáng tạo và luôn tràn...
Khi nói đến gen Z ( thế hệ cuối 9x – đầu năm những 2000), ta thấy được đây là một thế hệ năng động, đầy tính sáng tạo và luôn tràn đầy sức sống. Nhưng liệu ta có biết rằng đây là một thế hệ dễ bị tổn thương nhất cũng như là thế hệ phải đương đầu với nhiều thách thức cũng như áp lực bủa vây xung quanh. Gen Z sinh ra trong một thời đại công nghệ, phát triển nhanh về mặt kinh tế, chiến tranh không còn xảy ra với tần suất dày đặc. Ấy vậy mà ta thấy rằng thời kỳ này ngày càng đặt nhiều áp lực cho thế hệ Z khi mạng xã hội thì ngày càng chi phối đời sống, mức sống thì ngày càng nâng cao nhưng thu nhập thì lại ngày càng khó kiếm hay việc các khủng hoảng kinh tế, nhà đất gần đây đã gây ra những áp lực vô hình đè nặng lên thế hệ trẻ.
Bóng ma áp lực
Trong thời đại nơi mà thông tin của tất cả mọi người đều có thể được biết tới thông qua mạng xã hội, việc những “bóng ma áp lực” được sinh ra như là một lẽ dĩ nhiên. Áp lực trang lứa hay peer pressure, quan hệ xã hội, tài chính, burnout,… đã dần trở thành những cụm từ phổ biến để nói đến những áp lực mà gen Z ngày nay đang gặp phải.
Trong các loại áp lực này thì peer pressure là loại áp lực nguy hiểm nhất của giới trẻ, vì đây là loại áp lực mà đã đeo bám gen Z trong suốt quá trình trưởng thành, điển hình cho loại áp lực này chính là câu nói “con nhà người ta”. Thật vậy, câu nói này tuy tưởng chừng như vô tri nhưng lại vô tình tạo nên áp lực cho các bạn trẻ phải cố gắng, nỗ lực tới ngưỡng cực đại thậm chí thất bại chỉ để so tài với một đối thủ không hề tồn tại.
Những mối quan hệ thì tưởng chừng đâu là một liệu pháp để có thể giúp gen Z giải tỏa được các áp lực ngoài xã hội, nhưng không ngờ điều đó cũng là một áp lực đối với giới trẻ khi sinh ra và lớn lên trong một thế giới nơi mà sự chất lượng của mối quan hệ, số lượng người bạn quen biết, hay những mối tình bạn đã vắt vai lại là thước đo thành công của giới trẻ. Phải tìm được nhiều bạn! Phải có được quan hệ với sếp hay con gái sếp đã dần trở thành những suy nghĩ mặc định khiến giới trẻ ngày càng áp lực hơn với việc thiết lập quan hệ hay đơn giản là tìm được một người. Hay ngay cả khi tìm được bạn hay là nửa kia thì họ vẫn phải lo thứ được gọi là “cơm áo gạo tiền”, vì đơn giản, để có thể duy trì được bất cứ mối quan hệ nào thì bạn vẫn phải vững tài chính, chắc tương lai thì bạn mới có thể tự tin đi tìm mối quan hệ và duy trì nó. Còn nếu không, thì bạn sẽ vừa áp lực cùng lúc cả 2 việc khi quan hệ thì không chắc giữ được, còn tương lai thì lại không được đảm bảo.
Ngoài ra, thứ áp lực mà ta hay thấy nhất ở mọi lứa tuổi đó là “ ÁP LỰC CÔNG VIỆC”, tuy vậy ở thế hệ Z thì ta thấy rằng họ đang có phần bị áp lực hơn so với các thế hệ 8x, 9x. Deadline trên trường thì ngập tràn, công việc tại chỗ làm thêm thì quán xuyến không kịp do giờ học, việc nhà thì vẫn chưa hoàn thiện. Và còn vô vàn những công việc không tên khác. Những áp lực công việc liên tiếp bủa vây gen Z, khiến cho thế hệ này là thế hệ nhảy việc nhiều nhất.
Hệ quả
“Áp lực tạo nên kim cương”, một câu nói được dùng để nói về thử thách rèn luyện con người ra sao và nó tạo động lực cho chúng ta như thế nào. Thế nhưng nó lại không đúng cho mọi trường hợp, nhất là đối với gen Z thời kỳ hiện đại. Việc sinh sống và làm việc, học tập trong một môi trường bủa vây áp lực một cách lâu dài đã gây ra không ít các chứng bệnh như trầm cảm (Depression), rối loạn lưỡng cực (Bipolar), lo âu kéo dài, các rối loạn nhân cách hay nhiều chứng bệnh tâm thần nghiêm trọng khác. Điều này càng thêm phần lo ngại hơn khi tỷ lệ tự tử ở người từ 15 – 24 tuổi tại Việt Nam trong năm 2012 là 2,3% và con số này ngày càng tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Việc đối diện với các áp lực cũng dần dẫn đến xu hướng sống tách mình của giới trẻ, né tránh các mối quan hệ và cũng như tránh khỏi các hoạt động xã hội. Theo số liệu của tổng cục thống kê trong năm 2004 tỉ lệ độc thần là 6,23% thì sang năm 2019 con số này đã là 10,1% . Đây là con số cực kì đáng báo động mặc dù không bao quát được toàn bộ những bạn trẻ đang tách biệt mình với các mối quan hệ hay các hoạt động xã hội, nhưng nó cũng phần nào nói lên được xu hướng sống tách mình của giới trẻ.
Khó khăn của các bạn trẻ thời @
Ngày nay, các dịch vụ tâm lý, tư vấn tinh thần không còn quá xa lạ đối với nhiều người và đã dần trở thành một hình thức để chữa lành tâm hồn, tuy vậy đối với các bạn gen Z, phần nhiều là học sinh, sinh viên thì đây lại là những hình thức dịch vụ rất khó tiếp cận khi giá trung bình của các dịch vụ này khá đắt đỏ (chênh lệch khoảng 20% thu nhập của sinh viên đi làm cho 1 lộ trình sử dụng). Ngoài ra, vẫn còn đó nhiều ánh nhìn không mấy thiện cảm của một bộ phận người dân khi thấy những người sử dụng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, điều này vẫn gây ra một rào cản nhất định khiến các bạn trẻ nảy sinh tâm lý e dè khi có ý định cần chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Chưa hết, với sự phát triển cực nhanh của mạng xã hội đã khiến cho cụm từ “toxic positive” hay tích cực độc hại cũng dần trở nên phổ biến. Nhiều video, bài viết luôn đề cao tính tích cực, dẹp bỏ phiền não dần len lỏi vào các nền tảng mạng xã hội dẫn đến nhiều bạn trẻ phải cố gắng trở nên tích cực, chối bỏ cảm xúc tiêu cực hiện tại của mình. Đi kèm với đó là nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa có được một cái nhìn cảm thông hay cởi mở đối với những bạn trẻ đang có vấn đề tinh thần.
Vậy thì chúng ta có cần phải quan tâm và có một sự ưu ái nhất định trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và giảm thiểu áp lực cho gen Z không? Câu trả lời là Có. Việc chú trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho giới trẻ giúp cải thiện cuộc sống, giảm thiểu số lượng các vụ tự sát, nâng cao chất lượng sinh hoạt và vô vàn các lợi ích khác nữa. Giải pháp cho những điều nay có thể đơn giản bắt đầu từ việc “thanh lọc” những sự độc hại trong cuộc sống, tăng cường các chương trình giải tỏa áp lực cho giới trẻ, phổ biến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần với giá cả phải chăng,……
Tổng kết lại, áp lực là một loại sang chấn mà thời kỳ hay thế hệ nào cũng gặp phải, tuy vậy cũng không nên đánh giá quá thấp những gì mà gen Z đang gặp phải vì mọi thế hệ, mọi thời kỳ đều có một khó khăn nhất định.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất