GDP là thứ mà người ta thường nhắc đến khi nói đến một nền kinh tế. Hầu như ai cũng đã nghe đến nó và nó được quan tâm nhiều nhất bởi những người không thuộc lĩnh vực kinh tế học. Nhưng bạn có nên tin vào những con số được viết trên giấy này?

1. Phương pháp tính toán GDP có vấn đề

Nếu bạn hiểu GDP là "Tổng sản phẩm quốc nội" hoặc đơn giản hơn nữa là giá trị của tất cả những gì người dân tạo ra thì bạn đã hiểu đúng (phần nào) về GDP. Nhưng đây cũng chính là điểm yếu của phương pháp đo lường kinh tế này.
GDP được tính bằng chi tiêu của người tiêu dùng cộng với chi tiêu của chính phủ cộng với đầu tư cộng với xuất khẩu ròng (xuất khẩu ròng lại được tính bằng giá trị xuất khẩu trừ đi giá trị nhập khẩu). Nếu cộng các số liệu này, người ta thường hiểu nó là cộng của tất cả những thứ mà một nền kinh tế nhất định đang làm ra. Ví dụ giá trị của một chiếc điện thoại sẽ được tính vào GDP khi mà nó được sản xuất, bán ra, hoặc xuất khẩu. Hoặc nếu một người thợ bỏ sức lao động 8 giờ 1 ngày, thì tiền lương của anh ta ( dù được trả bởi ai) cũng tính vào GDP. Ngay cả một thứ sản xuất ra nhưng không bán được, nó cũng được đưa vào phép toán trên như một khoản đầu tư (hàng tồn kho) với hy vọng rằng nó cuối cùng sẽ bán được. 
GDP được tính theo phương pháp như trên chủ yếu là do nó dễ dàng. Theo lý thuyết bạn chỉ cần ngồi ở cuối dây chuyền sản xuất, đếm mọi thứ được làm ra là xong.
Nhưng đây cũng là nơi mà chỉ số GDP có vấn đề.
Nếu bạn khai thác được gỗ, xẻ nó ra thành các tấm gỗ, một doanh nghiệp mua các tấm gỗ của bạn, họ mua cả một số đinh và sơn từ các doanh nghiệp khác để làm ra một cái bàn. Cái bàn được dự định sẽ là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến GDP, vì các tấm gỗ, đinh và sơn đều là bộ phận cấu thành nên sản phẩm cuối cùng. Hơn nữa, giả sử một người mua cái bàn và sử dụng nó trong 3 năm, người đó bán nó cho một cửa hàng đồ cũ và cuối cùng một người chủ mới mua nó. Sau 2 lần giao dịch như vậy, cái bàn về kỹ thuật sẽ không còn được tính vào GDP nữa vì xét cho cùng nó không phản ánh một lượng sản phẩm mới được tạo ra.
Như vậy về lý thuyết các thành phần tấm gỗ, đinh, sơn và 2 lần giao dịch trên không nên được tính vào GDP, nhưng chúng vẫn thường được tính. Vì vấn đề ở đây là việc phân loại cái nào là sản phẩm cuối và cái nào là thành phần tạo nên sản phẩm cuối rất khó khăn. Ví dụ như thế này, khi làm ra một cái xe, giá của động cơ không được tính vào GDP vì bản thân nó đã được bao gồm vào giá của cả cái xe, thứ sẽ được tính. Nhưng sau vài năm, bạn cần thay động cơ cho cái xe đã xuống cấp và lúc này giá của động cơ lại được tính.
Một vấn đề nữa vẫn liên quan đến ví dụ cái xe ở trên là, liệu khi thay động cơ, bạn cần trả tiền kỹ thuật viên làm việc cho bạn đúng không? Vậy thì, tiền mà bạn trả cho anh ta có được tính vào GDP không? Xét cho cùng, không có thứ gì mới được tạo ra cho nền kinh tế, việc thay động cơ cho cái xe không tạo ra một cái xe mới (Một số nhà sản xuất xe sẵn sàng thay cho bạn một cái động cơ mới toanh hoàn toàn miễn phí nếu nó còn bảo hành đấy). Đây là vấn đề mà các nhà kinh tế cho đến nay vẫn còn phải suy nghĩ.
Như vậy, phương pháp tính GDP bằng cách cộng tất cả mọi thứ lại là không hợp lý lắm.

2. GDP không bao quát mọi thứ trong nền kinh tế

Một vấn đề nữa của GDP là nó không tính đến kinh tế không chính thức.
Kinh tế không chính thức hiểu là kinh tế không chịu sự giám sát, quản lý và đánh thuế của bất kỳ hình thức quản lý/quản trị nào (không nhất thiết phải là chính phủ, quốc gia). Nó có thể là buôn bán hàng lậu, tội phạm, hoặc đơn giản là né tránh sự quản lý từ bất cứ ai (không báo cáo lại tình hình buôn bán cho nhà quản lý chẳng hạn).
Một người nông dân ở vùng quê đem cam của mình ra chợ bán và có khả năng cao là không báo cáo số liệu tài chính của mình cho nhà nước thì hoạt động này không được tính vào GDP dù đáng lẽ nó nên được tính. Ngay cả những giao dịch tội phạm, bất hợp pháp cũng nên tính vào GDP, nhưng thực tế thì không ai tính (tất nhiên).
Điều này khiến các nước đang phát triển nghèo nàn chịu những số liệu GDP có vẻ xấu xí hơn vì nền kinh tế của họ được quản lý không chặt. Trong khi ở những nước phát triển càng cao thì GDP cũng càng cao theo cấp số cộng do như đã trình bày ở phần 1, họ quản lý được gần hết mọi thứ họ làm ra, nên một sản phẩm có thể cộng vào GDP vài lần.
Một yếu tố nữa GDP không đo lường là các hoạt động của nước ngoài. Trong kinh tế toàn cầu, các mối quan hệ đan xen là cực kỳ phức tạp và chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay sẽ khiến bạn cực kỳ khó khăn để tìm được thứ gì đó trong nhà bạn được làm 100% trong nước bạn.
Điều này có ảnh hưởng như thế nào? Nếu nước bạn mở được các tập đoàn, công ty, nhà máy ở nước ngoài, những thứ mà chúng làm ra sẽ tính như giá trị xuất khẩu, nó cũng bỏ qua một ít của cải đang được sản xuất ở nước ngoài vì về kỹ thuật nó không được làm trong biên giới quốc gia bạn. Nếu nước bạn toàn là các công ty, nhà máy nước ngoài thì sao? Bất kỳ hoạt động nào của họ trong biên giới sẽ được tính vào GDP, nhưng nếu họ chuyển lợi nhuận của họ về nước, thì không có gì trong số đó là của bạn cả. Bạn vẫn sẽ có một số lợi nhuận, nhưng không nhiều (ít nhất là so với của họ).
Điều này là cực kỳ quan trọng đối với ngành kinh tế liên quan đến tài nguyên. Các tập đoàn tài nguyên lớn của thế giới như Shell, BP, Rio, Tinto... hoạt động khắp thế giới. Hoạt động đó là đào tài nguyên lên và bán nó cho ai trả tiền nhiều nhất, trên thị trường toàn cầu. Ở các nước mà các tập đoàn hoạt động thì họ sẽ bị đánh thuế, họ cũng tạo ra cơ sở hạ tầng và việc làm ở nước chủ nhà, nhưng chắc chắn là lợi ích phần nhiều hơn sẽ thuộc về họ.
Vấn đề này dẫn đến một chỉ số khác là GNP (Tổng sản lượng quốc gia) là GDP cộng thêm thu nhập ròng từ các hàng hóa và dịch vụ đầu tư ở nước ngoài. Có thể hiểu thu nhập ròng ở nước ngoài như sau: nếu công ty đang hoạt động ở nước ngoài tạo ra 10 triệu đô theo giá sản lượng, sau đó gửi lại 5 triệu đô về nước, sẽ có 10 triệu đô tính theo GDP nhưng chỉ 5 triệu đô tính vào số liệu GNP. GNP cũng không phải là một số liệu tốt hơn GDP lắm vì nó còn bị nhiều yếu tố ảnh hưởng hơn GDP như ngoại hối, kinh tế của nước được đầu tư, v.v... 

3. Vấn đề xã hội

Người ta thường hiểu GDP càng cao thì nền kinh tế càng làm ra được nhiều của cải, và người dân trung bình sẽ sống khá hơn. Điều này cũng thường đúng nhưng GDP không quan tâm rằng nếu đó là một tỷ phú mua nguyên một đội du thuyền hay là 500 người mua căn hộ đầu tiên của họ. Đây là một hạn chế hay là một tiến bộ của GDP còn phụ thuộc vào góc nhìn của từng người vào vấn đề phân chia thu nhập.
Một vấn đề nữa của GDP vấn đề cái mà nền kinh tế làm ra. Giả sử có 2 quốc gia có cùng một lượng dân số như nhau. GDP quốc gia 1 là 100 tỷ đô, GDP quốc gia 2 là 200 tỷ đô. Quốc gia 2 sẽ giàu hơn, ai cũng chắc thế, rất đơn giản. Nhưng ta xét đến vấn đề sau. Quốc gia 1 đưa toàn bộ nguồn lực của mình để làm ra những thứ bền bỉ, dùng được lâu, rất đáng tin cậy. Quốc gia 2 đưa toàn bộ nguồn lực của mình để sản xuất hàng hoá dùng 1 lần, theo thời trang, xu hướng, và sẽ lỗi mốt sau một thời gian ngắn. Ta thấy được rằng quốc gia 2 có GDP cao hơn đơn giản là do họ sản xuất mọi thứ liên tục để thay mới. Xét về dài hạn, quốc gia 1 sẽ thắng cuộc do họ không tốn nguồn lực để tạo ra những thứ sẽ bị loại bỏ trong tương lai gần, nếu 2 nước có cùng lượng tài nguyên giới hạn như nhau.
Qatar là một trong những nước có thu nhập đầu người cao nhất hành tinh với 69.000 đô năm 2019. Nhật Bản có thu nhập đầu người khiêm tốn hơn với 41.000 đô. Nhưng giá trị ròng bình quân (net worth) của người Nhật lại gấp đôi Qatar, 154.235 một người so với 62.293 một người. Một nền kinh tế xoay quanh dầu mỏ, xây dựng những toà nhà cao tầng, ám ảnh bởi những thứ xa xỉ và hào nhoáng, trông rất tuyệt vời về GDP nhưng không tuyệt như vậy về bản chất giá trị.

4. Kết luận

GDP là một cái đồng hồ đo tốc độ trên xe. Nó cho bạn thấy rằng bạn đang đi nhanh như thế nào chứ không nói rằng xe của bạn trông có ổn không. Nếu bạn đang quan tâm về vấn đề kinh tế, hãy coi GDP là một con số tham chiếu cho thấy quy mô của một thứ chứ không phải là bản chất của thứ đó. Ít nhất qua bài viết này, bạn đừng nghĩ rằng nếu nền kinh tế giảm 10% thì nghĩa là bạn cũng sẽ nghèo đi 10%. Kinh tế học không đơn giản như vậy.