GÃ NGHIỆN GIÀY - và hành trình xây dựng Nike
Gã nghiện giày là một trong những cuốn sách hiếm hoi mà mình mua ở nhà sách kể từ khi việc mua sách online trở thành một lựa chọn rất...
Gã nghiện giày là một trong những cuốn sách hiếm hoi mà mình mua ở nhà sách kể từ khi việc mua sách online trở thành một lựa chọn rất nhanh chóng và tiết kiệm. Hôm đó, chỉ tình cờ khi mình đang cảm thấy chán nản và muốn mua một cuốn sách nào đó để về đọc. Đi khắp nhà sách mình chẳng mua được gì và trong khi quơ tay lấy đại một cuốn, mình đã cầm trúng cuốn này. Mới đầu mình cũng không tính mua vì giá mắc hơn nhiều so với mua online, nhưng vì chẳng thể nhìn thấy cuốn này được xếp ở đâu để trả về nên mình đành mua luôn vậy. Mình nghĩ rằng có thể mình sẽ học được điều gì đó thú vị.
-------------------------------
Gã nghiện giày là cuốn tự truyện của Phil Knight – founder đồng thời là chủ tịch của hàng giày Nike – một hãng giày thể thao rất nổi tiếng trên toàn thế giới. Cuốn sách kể về hành trình ra đời và phát triển của Nike kể từ những ngày đầu mới thành lập ở trong một căn hầm nhỏ với cái tên Blue Ribbon cho đến sau này đổi tên thành Nike - một cái tên đến từ trong giấc mơ.
Phil từ bé đã là vận động viên chạy marathon dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên Bill Bowerman – một huấn luyện viên điền kinh giỏi và đầy tâm huyết. Bowerman đam mê chạy, ông luôn dành hết thời gian, sức lực và công sức của mình cho môn thể thao này. Ông thường xuyên giành thời gian sau giờ huấn luyện của mình để nghiên cứu đường chạy, những đôi giày, chế độ dinh dưỡng tối ưu nhất cho các vận động viên. Không bao giờ ông ngừng việc quan sát và cải tiến một điều gì đó, đôi khi là đế giày, đôi khi là công thức pha chế nước ép để tăng sức mạnh cho học trò của mình. Tình yêu đối với điền kinh của ông đã được truyền sang cho những học trò của mình. Hơn nữa, ông còn dạy cho mỗi người có được niềm tin mãnh liệt, tinh thần mạnh mẽ và nhất là ý chí sắt đá không bao giờ từ bỏ mục tiêu, cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa. Nhờ được huấn luyện cùng với Bowerman từ thời niên thiếu, khi tham gia đội tuyển chạy ở trường, mà Phil sau này khi thành lập công ty đã mang được cả tinh thần đó vào trong thương trường.
Cũng như bao start-up khác, việc bắt đầu kinh doanh từ những ngày đầu tiên không bao giờ là dễ dàng. Phil cũng phải đối mặt với sự cô đơn vì không có người ủng hộ, thiếu vốn, những người cộng sự phàn nàn, ngân hàng từ chối cho vay, đối tác phản bội… Tất cả mọi thứ cứ tới liên tiếp, hết khó khăn này lại tới khó khăn khác. Ông đã cố gắng vượt qua từng chút một, nhưng cũng đôi khi thử thách khiến Phil rơi vào khủng hoảng. Toàn bộ thời gian và sức lực được dồn hết cho Nike khiến cho ông không có đủ thời gian để chăm lo cho gia đình, chăm lo cho sức khỏe của mình. Lúc công ty đang rơi vào khó khăn, Phil bế tắc, ông đã chẳng biết mình phải làm gì ngoài việc quay lại chạy một cách điên cuồng giữa đêm tối. Giống như việc khi gặp khó khăn, vấp ngã người ta thường quay về với nơi quen thuộc mà ở đó họ đã bắt đầu. Chính nhờ những chặng chạy dài đó, ông đã tìm lại được sự bình tĩnh để tiếp tục đối mặt với thử thách, và cả những khó khăn lớn hơn sau này trên con đường phát triển của Nike. Sau tất cả, điều mà Phil đã nhận lại được không chỉ có Nike lớn mạnh mà còn có cả những thứ vô cùng tuyệt vời mà không gì có thể so sánh được. Ông đã có được
- Một nhóm cộng sự gồm những người cùng với Phil phát triển Nike ngay từ thuở ban đầu. Họ dù là những người không hoàn hảo nhưng mỗi người giống như một mảnh ghép để khi kết hợp với nhau lại trở thành một khối hoàn chỉnh để có thể giúp Nike trở nên lớn mạnh. Một đội không bao giờ ngớt tiếng tranh luận nhưng luôn tôn trọng và ủng hộ quyết định chung, vì Nike.
- Một người vợ luôn ở bên cạnh ủng hộ chồng và chăm sóc cho cả gia đình khi ông buộc phải dành gần như là toàn bộ thời gian của mình cho công ty mà không một lời phàn nàn, chỉ trích hay yêu cầu ông phải làm gì. Ông sau này luôn dành lời cảm ơn cho vợ mình vì những điều bà đã làm cho ông trong suốt thời gian đó.
- Một đối tác cấp vốn đáng tin cậy và sau này trở thành một trong những người bạn thân thiết của ông và cả gia đình.
Và những người bạn luôn đồng hành cùng ông và Nike theo năm tháng.
Mục tiêu ban đầu của Phil chưa bao giờ nhắm đến là thành lập một tập đoàn đồ thể thao lớn mạnh trên toàn thế giới như Nike của hiện tại. Bản thân ông khi đó chỉ làm, làm và làm để xây dựng Blue Ribbon từng bước, từng bước một. Ông làm và một cách vô tình đã hướng tới một mục tiêu mà chính bản thân ông còn không hình dung ra nó được ngay từ đầu. Trong suốt hành trình đó, ông đã luôn nỗ lực hết sức mình để đi theo con đường mà mình tin tưởng và hơn nữa là không bao giờ có ý định bỏ cuộc.
--------------------
Một vài điểm mà mình thấy rất thú vị trong sách:
- Nhân duyên của Phil đến với giày là từ đất nước Nhật Bản. Ông đã rất ấn tượng với đôi giày cũ của một người lính Nhật trong chiến tranh thế giới thứ 2 được trưng bày trong viện bảo tàng khi ông đi du lịch ở Nhật. Ông đã không hiểu vì sao ông lại có cảm giác rất thân thuộc với đôi giày đó. Sau này, khi bắt đầu kinh doanh giày, đất nước đầu tiên ông đến là Nhật và đối tác sản xuất giày của Phil là công ty Nhật, do một cựu quân nhân là ông Onitsuka điều hành, chuyên sản xuất dòng giày Tiger (hiện tại là công ty chuyên sản xuất giày thương hiệu giày Asics).
- Nike không phải là tên của công ty ngay từ những ngày đầu thành lập. Cái tên Nike được đến trong một giấc mơ của một co-founder cùng với Phil và nó chỉ được lựa chọn vào những giây cuối cùng trước khi Phil phải gửi tên hãng giày của mình cho đối tác.
- Phil đã từng đến Việt Nam và gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc đó, ông đã hỏi đại tướng rằng tại sao Đại tướng có thể chỉ huy quân du kích Việt Nam chiến đấu và giành chiến thắng trong địa hình rừng rậm nhiệt đới mà tất cả các nước Phương Tây đều cảm thấy sợ hãi. Đại tướng đã trả lời “Vì tôi là giáo sư rừng nhiệt đới”. Con người ta chỉ thấy sợ những gì mà bản thân không hiểu được, còn khi đã hiểu được rồi thì mọi thứ đều có thể hỗ trợ cho chúng ta.
- Phil luôn cảm ơn và biết ơn người vợ của mình là Penny Knight vì đã luôn đồng hành, ủng hộ ông trong suốt những năm tháng khó khăn mà ông đã trải qua cùng công ty.
- Sau này, khi Nike đã trở nên lớn mạnh, Phil đã nhận ra rằng việc lựa chọn những người lãnh đạo bên ngoài, cho dù họ có giỏi đến đâu, vào Nike cũng không thế phù hợp với Nike được. Từ đó, ông đã luôn lựa chọn những người đứng đầu điều hành Nike là những người đã từng làm việc thời gian dài trong công ty và đã hiểu, quen với môi trường của Nike thay vì việc mời những nhà lãnh đạo nổi tiếng từ bên ngoài vào.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất