Thái Lan và Pháp đối đầu với nhau tại trận đấu áp chót của vòng 1/8 FIFA Futsal World Cup. Với cặp đấu này, không chỉ người hâm mộ Thái Lan, rất nhiều cổ động viên trung lập cũng đều ủng hộ “Voi chiến”, bởi họ muốn thấy Pháp bị “nghiệp quật” sau trận cầu rất phản tinh thần thể thao với Iran.
Tuy nhiên, không giống như Iran đã gục ngã trước Morocco, Pháp đã đánh bại đối thủ xếp trên họ 50 bậc trên bảng xếp hạng thế giới để có lần đầu góp mặt ở vòng tứ kết FIFA Futsal World Cup.
Những lý do nào đã khiến Thái Lan bại trận và Pháp giành chiến thắng? Hãy cùng phân tích trong bài viết sau đây.
Tỷ suất tận dụng quá thấp
Công bằng mà nói, trong trận đấu này, cả 2 đội đều thể hiện khá tệ trong khâu phối hợp trên sân nhà, với nhiều đường chuyền hỏng và những pha đi bóng thất bại, dẫn đến mất bóng nguy hiểm ngay giữa sân. Ngay từ những phút đầu tiên, liên tiếp các cơ hội đối mặt đã được tạo ra ở cả 2 bên cầu môn. Không may cho Thái Lan khi ở phút 8, thủ môn Arut Senbat không thể xử lý gọn gàng sau cú sút của Steve Bendali, mang đến bàn mở tỷ số cho Pháp.
Điểm tích cực của một trận đấu nhiều sai lầm trên sân nhà từ cả 2 đội là khán giả liên tục được theo dõi những cơ hội nguy hiểm, thế trận theo hướng đôi công hấp dẫn. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển hoá cơ hội thành bàn thắng của cả 2 đội trong hiệp 1 phải nói là quá thấp, với chỉ duy nhất bàn thắng vừa nêu của Bendali.
Kẻ chiến bại Thái Lan là đội phải tự trách mình nhiều hơn, bởi họ làm tốt khâu pressing trên phần sân đối phương để sở hữu những cơ hội đối mặt cực kỳ ngon ăn, nhưng lần lượt những cầu thủ như đội trưởng Jirawat Sornwichian (số 6) hay chân sút chủ lực số 11, Muhamad Osamanmusa đều bỏ lỡ. Ít nhất phải có 3 tình huống đối mặt trực diện với thủ môn Francis Lokoka bên phía Pháp, có đủ không gian, thời gian mà Thái Lan sút ra ngoài hoặc không đủ hiểm để đánh bại thủ thành đối phương.
Thái Lan chỉ ghi được 2 bàn từ những cú sút phạt của Suphawut và Narongsak, thống kê làm nổi bật sự kém hiệu quả của hàng công "Changsuek Toh-Lek".
Thái Lan chỉ ghi được 2 bàn từ những cú sút phạt của Suphawut và Narongsak, thống kê làm nổi bật sự kém hiệu quả của hàng công "Changsuek Toh-Lek".
Vấn đề tận dụng cơ hội kém còn kéo dài qua cả hiệp thi đấu thứ 2, dẫn đến thất bại mà xin một lần nữa nhấn mạnh: người Thái chỉ có thể tự trách mình. Trong hàng tá cơ hội rõ rệt tạo, “Voi chiến” chỉ ghi được 2 bàn từ những cú sút bóng chết.
Chênh lệch lớn về thể hình, thể lực
Về phía Pháp, không phải ngẫu nhiên mà dù xếp thấp hơn nhiều trên bảng xếp hạng FIFA, họ lại tự tin khi đối mặt với một đội tuyển châu Á như Thái Lan. Nền tảng kỹ thuật của 2 bên tương đối ngang bằng ở một cấp độ cao, song các cầu thủ nhập tịch gốc Phi của Pháp sở hữu tốc độ và sức mạnh đáng nể, từ đó dễ dàng đánh bại các cầu thủ Thái Lan trong những tình huống 1-1 bám biên.
Một phần lý do cầu thủ Thái Lan dễ bị vượt qua trong những tình huống như thế là bởi tốc độ vào bóng quá nhanh của họ, dẫn đến bị loại bỏ chỉ sau 1 nhịp xử lý bóng ngược chiều. Ngoài ra, còn phải kể đến những pha cài đè quay lưng về cầu môn rất hay, tận dụng sải chân, sức mạnh của Pháp, nổi bật là Arthur Tchaptchet (số 5).
Miếng đánh này đặc biệt hiệu quả trong khoảng nửa đầu hiệp 1, sau đó các cầu thủ Thái Lan đã khôn khéo hơn, xử lý tiểu xảo, kéo áo trong những tình huống bị đối phương đè người, khiến Tchaptchet và đồng đội liên tục bị thổi phạt khi cố gắng trả đũa.
Cầu thủ Thái Lan nhiều lần bị qua người khi đối đầu Pháp.
Cầu thủ Thái Lan nhiều lần bị qua người khi đối đầu Pháp.
Trong hiệp 1, có thể thấy về khoảng thời gian 5 phút cuối, các cầu thủ Thái Lan có dấu hiệu xuống sức, buộc lòng chấp nhận để Pháp giữ bóng và kiểm soát thế trận nhiều hơn. Tương tự là trong hiệp 2, từ khi Thái Lan chọn chơi power play từ thời điểm còn khoảng 4 phút rưỡi và tỷ số đang là 2-3, sải chân dài và sức bền đáng nể giúp các cầu thủ áo trắng hạn chế tối đa không gian của đối phương, đeo bám khó chịu khiến mỗi đường chuyền, mỗi nhịp phối hợp đều trở nên cực kỳ mạo hiểm. Hệ quả là Thái Lan liên tiếp mắc sai lầm và nhận thêm 2 bàn thua khi chơi không thủ môn.
Sự khác biệt ở các cá nhân
Nói đến thế trận phòng ngự kín kẽ theo dạng khối kim cương của đội tuyển Pháp khi Thái Lan chơi power play, chắc chắn phải dành những lời tán dương nhiệt tình nhất cho chân sút mang áo số 10, Abdessamad Mohamed. Ở vị trí đỉnh khối kim cương, Mohamed dang rộng sải tay và sải chân hết sức, giữ sự tập trung tối đa đầy đe doạ với 2 cầu thủ phối hợp phía dưới của Thái Lan.
Chính anh là người đã đóng góp ít nhất 2 tình huống cướp bóng thành công, mở ra cơ hội sút bóng về cầu môn trống. Mohamed xứng đáng với danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu, bởi không chỉ phòng ngự hay, anh còn thể hiện sự chắc chắn trong khâu phối hợp, luân chuyển bóng, và trực tiếp dứt điểm ghi bàn thắng quan trọng nâng tỷ số lên 3-1, xây chắc vị thế của chân sút ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử cho đội tuyển futsal Pháp.
Nếu Mohamed không phải là Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu, có lẽ chỉ một người khác xứng đáng với danh hiệu này: thủ môn Francis Lokoka. Ngoài 2 cú sút phạt không thể cản phá của Suphawut và Narongsak, người gác đền mang áo số 1 đã cản lại toàn bộ những cú đá trúng khung thành của đối phương, kể cả những pha dứt điểm cận thành tốc độ cao. Chê trách Thái Lan tận dụng cơ hội không hiệu quả cũng chỉ đúng một phần, phần còn lại phải là lời khen dành cho màn trình diễn rất nổi bật của "Magic" Lokoka.
Trái ngược với màn trình diễn cá nhân “ít sạn” của các tuyển thủ Pháp, những cầu thủ được kỳ vọng của Thái Lan đã không thể hiện tốt. Muhammad Osamanmusa đương nhiên sẽ là người bị chỉ trích nhiều nhất, khi ngôi sao này tịt ngòi trong bối cảnh sở hữu nhiều cơ hội với tỷ lệ ăn bàn cao. Dẫu có một vài pha qua người hay phối hợp ấn tượng, tiền đạo được kỳ vọng hàng đầu của futsal Thái Lan vẫn gây thất vọng khi có tỷ suất mất bóng khá cao, tạo nhiều điều kiện cho đối thủ phản công. Thậm chí khi không có Muhammad trên sân, các cầu thủ “thuần Thái” còn phối hợp thoát press hiệu quả hơn nhiều.
Ngôi sao Muhammad Osamanmusa (số 11) có một trận đấu thất vọng.
Ngôi sao Muhammad Osamanmusa (số 11) có một trận đấu thất vọng.
Trong khi đó, tuổi tác đã đè nặng lên những tên tuổi lẫy lừng đang dần khuất bóng như Arut Senbat, Suphawut hay Kritsada. Như đã đề cập, bàn mở tỷ số của Pháp ít nhiều có lỗi của thủ môn Senbat khi không thể xử lý gọn gàng dù đối thủ sút trúng người. Chân sút huyền thoại Suphawut chủ yếu chỉ được tung vào sân để thực hiện những cú đá phạt. Anh sút thành công quả penalty, nhưng cũng là người có tình huống lao vào mạo hiểm và để mất bóng khi đội nhà chơi power play, dẫn đến bàn thua ấn định tỷ số. Kritsada không được sử dụng nhiều, chỉ là lựa chọn xoay tua trong khi phòng ngự, giữ thể lực cho đồng đội để chơi power play trong hiệp 2.
Ngày buồn của Thái Lan khép lại theo cách không thể tồi tệ hơn khi HLV Miguel Rodrigo tranh cãi quyết liệt với đối phương ngay cả sau tiếng còi mãn cuộc, dẫn đến phải nhận thẻ đỏ từ trọng tài. Chính cựu HLV trưởng đội tuyển futsal Việt Nam là người đã công khai chỉ trích Pháp và Iran trên mạng xã hội sau trận cầu “không ai muốn thắng” đáng xấu hổ. Tuy nhiên, ngày hôm nay, Thái Lan của ông đã thua một trận thật sự tâm phục khẩu phục, trong một trận đấu 2 đội chơi đúng sức và công tác trọng tài gần như không có gì để phàn nàn.
Kỳ futsal World Cup thứ 4 liên tiếp, Thái Lan góp mặt, và cũng là lần thứ 4 liên tiếp, họ phải dừng chân ở vòng đấu 16 đội. Thành tích này có nét giống như Nhật Bản ở sân 11, đội tuyển cũng có 4 lần dừng chân ở vòng 16 đội FIFA World Cup trong thế kỷ 21, như là một ngưỡng “bất khả thi” không tài nào lý giải nổi.
Kết cục nghiệt ngã của thầy trò HLV Miguel Rodrigo có thể không phải là một hồi chuông báo động cho cả một nền futsal, nhưng rõ ràng nó vẫn mang lại nhiều bài học, để đội tuyển này cần cố gắng hoàn thiện mình hơn nữa, tránh mắc lại những sai lầm đang khiến họ tự đâm vào một ngõ cụt mang tên “vòng 1/8”.