Für Elise (Thư gửi Elise) là một khúc nhạc ngắn dành cho độc tấu piano. Khúc tình ca dành tặng cho nàng thơ Elise của Beethoven còn có một cái tên chính thức hàn lâm hơn, đó là Bagatelle No. 25 in A minor (bản Bagatelle số 25 cung La thứ). Đây là một khúc nhạc với những giai điệu quen thuộc với hầu hết chúng ta bởi nó thường được dùng làm nhạc chờ, nhạc chuông điện thoại, hoặc xuất hiện trong các hộp nhạc chúng ta hay chơi khi bé.
Credit: Dandelions by AquaSixio
Mặc dù đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Beethoven, nhưng tổng phổ của nó không được xuất bản mãi cho đến tận năm 1867, 40 năm sau cái chết của nhà soạn nhạc đại tài. Người phát hiện ra tác phẩm, Ludwig Nohl, khẳng định rằng bản thảo gốc được viết bởi chính tay Beethoven, hiện đã thất lạc, được đề ngày sáng tác là 27 tháng 4 năm 1810 – khoảng thời gian mà Beethoven bắt đầu phải đối mặt với những triệu chứng của bệnh điếc.
Do bản thảo gốc đã bị thất lạc nên danh tính thật sự của cái tên “Elise” trở thành chủ đề tranh cãi không hồi kết của các sử gia và học giả. Các học giả tin rằng “Elise” chắc hẳn phải có mối quan hệ thân thiết với Beethoven, nhưng không ai có thể chứng minh rạch ròi cô thực sự là ai. Có hai giả thuyết được nêu ra, trong đó có hai cái tên liên quan là Elisabeth Roeckel và Therese Malfatti.
Elisabeth Roeckel, bạn bè thường biết đến cô với cái tên Elise, là em gái của Joseph Roeckel – một ca sĩ biểu diễn trong vở opera Fidelio của Beethoven. Cô được cho rằng đã từng viết những bức thư ghi lại mối quan hệ tán tỉnh của mình với nhà soạn nhạc khi cô còn trẻ, và vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với ông cho đến khi ông qua đời vào năm 1827. Roeckel đến thăm Beethoven chỉ vài ngày trước khi ông qua đời, cô được ông tặng một lọn tóc và một cây viết lông ngỗng làm kỷ niệm.
Người phụ nữ còn lại, được hầu hết mọi người tin là “Elise”, là một ca sĩ và nghệ sĩ biểu diễn người Áo, tên Therese Malfatti. Người ta cho rằng Beethoven đã cầu hôn Malfatti vào khoảng năm 1810, và cô ấy đã từ chối ông ngay lập tức, hoặc chấp nhận và thay đổi suy nghĩ của cô ấy ngay sau đó để kết hôn với nhà quý tộc người Áo và là quan chức nhà nước, Wilhelm von Droßdik. Và thực ra cái tên của khúc nhạc đã bị phiên âm nhầm thành “Für Elise”, đúng ra phải là “Für Therese”. Theo đó một bản thảo gốc viết tay được tìm thấy trong khối tài sản của cô sau khi chết, được đề tặng là “Für Therese.” Tuy nhiên bản thảo gốc này sau đó bị thất lạc dẫn đến việc thiếu bằng chứng cho giả thuyết, và kéo theo đó là những tranh cãi không hồi kết.
Elise – cho dù có là ai chăng nữa – không phải là nàng thơ bí ẩn duy nhất xuất hiện trong cuộc đời của Beethoven. Bức thư tình Immortal Beloved (Tình yêu Bất diệt) không có lời đề tặng của ông cũng đã được mang ra bàn luận rất nhiều.

Với một chất thơ đầy trữ tình, chứa đựng trong mình những tình cảm sâu lắng và tinh tế của người đàn ông với một cuộc đời trải qua bao thăng trầm, Für Elise có thể được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn.
----------
[Các bài viết cùng chủ đề]