Friends, The Beatles và một tâm hồn hoài cổ
Con người đôi lúc thật kỳ lạ. Ta luôn tìm cách đọc vị người khác, nhưng có những cảm xúc sâu thẳm bên trong bản thân mình lại không...
Con người đôi lúc thật kỳ lạ. Ta luôn tìm cách đọc vị người khác, nhưng có những cảm xúc sâu thẳm bên trong bản thân mình lại không thể diễn tả nổi.
Trong lúc đang nghe Hey Jude của The Beatles trên Youtube, thì đập vào mắt mình là một bình luận với nội dung:
The best pain in the world is nostalgia
Mình đoán là đối với nhiều bạn, bình luận này chả có gì đặc biệt, nhưng không hiểu lý do vì sao, nó lại gợi nên một loại cảm giác kỳ lạ bên trong mình.
Ngoài việc lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác, thì quay trở lại năm 2007-08, mình còn được lớn lên cùng với nhạc của Quang Lê, Đàm Vĩnh Hưng hay Modern Talking. Dù lúc đấy vẫn còn rất nhỏ, nhưng thứ âm nhạc đó dường như đã len lỏi ít nhiều vào trong trí óc của đứa trẻ thơ ngây năm nào.
Thấm thoắt đã hơn mười năm, và trong suốt quá trình trưởng thành, mình luôn tự nhận thức được rằng mình là kẻ hay nhìn về quá khứ. Khi mà thế giới đang hỗn loạn như bây giờ, mình đã quyết định leo lên cỗ máy thời gian để cố gắng tìm lại chút dư vị còn sót từ thuở còn ngây dại.
Trong cuộc dạo chơi về quá khứ đó, mình quyết định xem Friends, một bộ sitcom rất nổi tiếng của Mỹ. Và mình đã tự hỏi vì sao mình không xem nó sớm hơn.
Dù đó là bộ phim được phát hành mười năm trước khi mình ra đời, và cũng kết thúc đúng cái năm mình sinh ra thì nó vẫn không thay đổi được những cảm xúc mà nó đã mang lại cho mình. Niềm vui mà bộ phim đó đưa đến không chỉ là tiếng cười, đó là sự đồng cảm. Sáu nhân vật trong phim tượng trưng cho những cá tính riêng biệt. Họ không giống nhau ở bất cứ điểm nào cả, và tất cả bọn họ đều đang phải đối mặt với những nỗi khổ sở của bản thân, nhưng họ có nhau, chỉ đơn giản là vậy thôi. Khi mình xem họ tái hợp trên The Late Late Show With James Corden, mình có một chút xúc động khi nhận ra thời gian đã qua đi và để lại những gì. Không còn là những chàng trai cô gái trẻ trung nữa, nhưng mình vẫn thấy được những Ross, Joey, Chandler, Monica, Rachel hay Phoebe năm nào. Khi quay trở lại hiện thực, mỗi người họ đều có một cuộc đời, nhưng khi tìm thấy nhau một lần nữa, họ chỉ là những người bạn vô tư và hồn nhiên năm ấy. Đó có lẽ là di sản tuyệt vời nhất mà họ để lại trên thế gian này.
Ngoài Friends, thì vài năm trở lại đây, mình đã tìm tới thứ âm nhạc của The Beatles. Nếu mình bật The Beatles cho một người bạn của mình nghe, thì nó có thể chỉ là một thứ âm nhạc xưa cũ nhàm chán. Nhưng đối với mình, mình yêu sự "nhàm chán" đó. Vốn âm nhạc của The Beatles chả có gì quá mới lạ đối với toàn bộ lịch sử âm nhạc thế giới, nhưng chính sự mộc mạc đó đã làm bao con tim bồi hồi mãi không thôi. Nó không phải là một loại âm thanh trôi mượt mà vào tai một cách nhẹ nhàng, vì thời đó, những công cụ xử lý âm thanh làm gì được như bây giờ. Nhưng cái cảnh tượng tất cả khán giả dưới sân khấu kia cùng ngân vang đoạn nhạc Na-na-na-na-na-na, na-na-na-na, Hey Jude cũng đủ khiến mình rơi nước mắt. Chính những sự đơn giản đó đã tạo nền móng cho các nghệ sĩ sau này. Có một sự thật là ở thời điểm hiện tại, rất ít người nghe nhạc đánh giá cao sự đơn giản đó. Nhưng may mắn là trong một ngành giải trí điên loạn của hiện tại, ta vẫn tìm được những âm hưởng xưa cũ đến từ các nghệ sĩ trẻ như Harry Styles, hay các band indie ở Việt Nam như Ngọt, Cá Hồi Hoang, Chillies.
Có lẽ bài này hơi lan man quá mức rồi, nhưng sẽ không lâu nữa đâu, những thứ ta đang có rồi sẽ rơi vào dĩ vãng. Cái ngày chiếc xích lô truyền thống cuối cùng biến mất, những cô lao công quét lá trên đường không còn, và thứ nghệ thuật đích thực chìm vào quên lãng, đó cũng là lúc ta biết, một quá khứ đẹp đẽ đã đi qua.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất